Người Việt sau 1975
qua ngòi bút thiếu niên Mỹ gốc Việt
WESTMINSTER (NV) - Cuộc thi viết về cộng đồng Việt Nam sau biến cố 1975 do Liên Hiệp Á Châu Thái Bình Dương Tây Nam FAPACSW tổ chức cho học sinh trung học khép lại với nhiều bài dự thi viết về thuyền nhân.
Các em, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, không những chưa bao giờ trải qua cảm giác “tị nạn,” mà nhiều em còn chưa bao giờ được đặt chân đến Việt Nam. Vậy mà, khi hỏi về “cộng đồng người gốc Việt tại Hoa Kỳ,” đề tài được các em chọn nhiều nhất là kỷ niệm của ba mẹ về những chuyến vượt biên.
Năm nay, người dự thi được viết theo một trong ba chủ đề: “Dấu ấn lịch sử của ngày Sài Gòn thất thủ;” “Nghiên cứu về tinh thần nhân đạo của Ðệ Thất Hạm Ðội Mỹ đã cứu vớt hàng ngàn người Việt trên biển Ðông khi đi tìm tự do;” và “Sự phát triển của cộng đồng người gốc Việt tại Hoa Kỳ.” Bài được chấm theo tuổi của thí sinh, lứa từ lớp 7 đến lớp 9, và từ lớp 10 đến lớp 12.
Kết quả, David Phạm thắng giải nhất cho lứa tuổi từ lớp 7 đến lớp 9, và Dayna Chu thắng giải nhất cho lứa tuổi từ lớp 10 đến lớp 12. Hai em đều viết về chuyến vượt biên của mẹ từ hơn 30 năm trước.
“Lúc đó trời vừa tối. Mẹ biết có 1 khe hở chỗ kẽm gai mà bà có thể nâng nó lên rồi chui qua. Không tính trước cũng chẳng nói ai, bà bắt đầu ra chỗ kẽm gai. Hàng kẽm xé rách quần áo của Mẹ, làm động một bà già đang ngủ gần cửa sổ. Bà nhìn ra và hét to: 'Trốn trại, trốn trại kìa.' Nếu một người tù giúp bắt được ai trốn trại, sẽ được thêm phần thức ăn hay không chừng sẽ được thả sớm.”
...“Người đàn ông ốm con xách Mẹ vào một cái nhà đá nhỏ. Mẹ biết chỗ này. Nó là khu biệt giam.
Họ dừng trước một cánh cửa nhỏ bị khoá. Những gì người đàn ông đó nói làm Mẹ ớn lạnh. Ông hỏi: 'Biết tao là ai không?' Mẹ lắc đầu”
...“'Tao nghe nói mày không sợ ma. Ừ, tao biết là mày ngạc nhiên là tao biết điều đó. Tao nghe được lời thì thầm của mấy đứa con gái. Mấy đứa nhỏ không biết chết là gì. Bởi vậy mày mới dám làm cái điều ngu xuẩn đó. Cái chỗ này là để dạy cho mấy đứa tù biết cách hành xử trong tù. Có một con nhỏ trong đây mới chết hôm qua. Nó thắt cổ tự tử tại không chịu nổi ở một mình, không đồ ăn nước uống, không tiếng người. Tao nghĩ hồn nó còn lảng vảng. Thôi, rồi mày sẽ nói tao nghe nó nghĩ gì.' Vừa nói ông ta vừa kéo Mẹ qua cánh cửa bằng đá, quẳng Mẹ xuống sàn. Mẹ chưa kịp đứng dậy thì cửa đã khoá. Ánh sáng lờ mờ qua một khe nào đó trên nóc. Những chỗ còn lại là một màu đen.
...“'Tao nghe nói mày không sợ ma. Ừ, tao biết là mày ngạc nhiên là tao biết điều đó. Tao nghe được lời thì thầm của mấy đứa con gái. Mấy đứa nhỏ không biết chết là gì. Bởi vậy mày mới dám làm cái điều ngu xuẩn đó. Cái chỗ này là để dạy cho mấy đứa tù biết cách hành xử trong tù. Có một con nhỏ trong đây mới chết hôm qua. Nó thắt cổ tự tử tại không chịu nổi ở một mình, không đồ ăn nước uống, không tiếng người. Tao nghĩ hồn nó còn lảng vảng. Thôi, rồi mày sẽ nói tao nghe nó nghĩ gì.' Vừa nói ông ta vừa kéo Mẹ qua cánh cửa bằng đá, quẳng Mẹ xuống sàn. Mẹ chưa kịp đứng dậy thì cửa đã khoá. Ánh sáng lờ mờ qua một khe nào đó trên nóc. Những chỗ còn lại là một màu đen.
Tối đó, Mẹ nghe tiếng thì thào. Mẹ nghĩ đó là tiếng của cô gái vừa chết hôm trước. Rồi tự nhiên Mẹ nghe tiếng mình thét lên, cứ như có ai đó có tiếng của Mẹ chứ không phải Mẹ. Một phút sau, người cai tù mở cửa và Mẹ gục vào ông khi cánh cửa còn chưa mở hết. Người cai tù tưởng Mẹ đã chết.”-trích bài thi của
Đó là một trích đoạn từ chuyến vượt biên thứ 10 của mẹ qua bài viết gần năm trang dài của em David. Người mẹ sau đó cuối cùng đến Mỹ với gia đình. Cha của David là người Mỹ sinh ở Philadelphia, gặp và yêu mẹ em. Sau khi cưới, cha của David càng nghe được và thấy được sự kiên cường của gia đình họ Phạm nơi xứ người. Ông vừa yêu thương, vừa phục gia đình này và quyết định cho con theo họ Phạm. David nghe được câu chuyện vượt biên của mẹ trong một lần thắc mắc về “cái họ Việt Nam” của mình. Em ghi nhớ và chọn câu chuyện này cho bài viết dự thi.
Bài viết thắng cuộc của Dayna Chu là một bài dự thi khác viết về chuyến vượt biên bất thành của mẹ mình. Qua bài viết, em kể lại “câu chuyện ba mẹ tôi vật lộn để thoát khỏi Việt Nam và chính phủ lũng đoạn ở đó, để tìm kiếm một cuộc đời tốt hơn tại Hoa Kỳ.”
“Tôi ngồi ở bàn ăn, ráng học cho xong những bài cuối của môn Sinh Vật. Một mùi hương đậm, ngọt của món Thịt Kho làm tôi phân tâm. Tôi nhìn qua cánh cửa đang hở của nhà bếp, theo dõi Mẹ, người phụ nữ gầy gò, 47 tuổi, đang nấu ăn. Mái tóc dài, lẫn nhiều sợi bạc, được tóm vội vàng, kẹp sau gáy. Mẹ nhìn sang, thấy tôi liền nở nụ cười. Nhìn mẹ nấu ăn, tôi chợt thoáng nghĩ tới những gì mà ba mẹ đạ trải qua để chúng tôi có được ngày hôm nay.” Dayna mở đầu bài viết của mình như thế.
Em kể lại những năm 1980 khi mẹ em còn là một thiếu nữ, bà và người anh cả lén lút từ nhà tìm ra tàu vượt biên. “Mẹ cũng như những đứa trẻ xung quanh-- hoài nghi, lo lắng, và sợ.”
“Mẹ và gia đình bà may mắn được ngồi ở phía mạn thuyền. Hàng giờ chuyển thành hàng ngày dài, hàng ngày trở thành hàng tuần. Họ chỉ ăn cơm cũ trộn nước biển. Không chỉ đồ ăn là tệ, những cơn bão liên tục tấn công con thuyền. Đàn bà và trẻ em lấy tấm nhựa và quần áo để che. Đàn ông thì lấy xô múc nước tát ra ngoài. Biển, như một mãnh thú, dập chiếc thuyền lên rồi xuống, muốn nuốt chửng nó với những cơn sóng dữ...”
“Ngay lúc mọi người mất hết hy vọng, một chiếc thuyền lớn gấp ba lần chiếc thuyền của họ, tiến gần. Không tin được, họ, có Mẹ và gia đình, mừng rỡ vẫy tay hối hả, tin là mình sắp được cứu.
Và họ cũng không ngờ, đó là tàu hải tặc. Tất cả đàn bà và thiếu nữ bị ép lên chiếc tàu kia để hiếp. Đàn ông bị đánh rồi quẳng ngược lại thuyền. Ai cũng bị lột sạch mọi đồ quý. Xong xuôi, hải tặc cho mọi người về lại thuyền.
Các thuyền nhân lại tiếp tục đi. Sau một vài ngày dài, một vài cơn bão, thì chiếc thuyền cập bến, vào một bờ biển của Việt Nam...”
Mẹ của Dayna vượt biên bất thành. Nhà không còn tiền và cũng không còn cơ hội, bà tiếp tục sống ở Việt Nam cho đến khi qua Mỹ sau này theo diện bão lãnh. Dayna không kể nhiều về cuộc sống của gia đình những ngày chân ướt chân ráo ở xứ người. Em chỉ ghi rõ chi tiết về cuộc vượt biên năm nào của mẹ.
“Mười ba năm (tại Mỹ) trôi qua nhanh và tôi đang ở đây. Mười tám tuổi, tự do, và luôn nghĩ về những vất vả và thử thách ba mẹ trải qua để tôi có được cuộc sống ở đây.”
“Tôi sẽ mãi mãi ghi nhớ những hy sinh của ba mẹ.” là câu cuối, kết thúc bài viết của Dayna.
Dayna và David sẽ cùng một số em khác sẽ đến dự buổi trao thưởng của FAPACSW vào 6 giờ 30, Thứ Tư, 8 Tháng Năm, tại phòng International Ballroom của khách sạn Hilton, Long Beach.
(Thông tin về hai bài thắng cuộc do FAPACSW cung cấp. "From FAPACSW by The Lucky Few Project Team, Copyright 04302013 by Nguoi Viet Daily, Westminster, California. Reprinted with permission.")
Thiên An