Monday, March 30, 2009

Kẻ sĩ ngày xưa


PHAN ĐÌNH PHÙNG VÀ ĐÀO TẤN


Phan Đình Phùng (1847-1895) sinh năm 1847 tại làng Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, thi đỗ (đình nguyên) tiến sĩ năm 1877. Làm quan đến chức Ngự sử Đô sát viện, nhưng vì bất bình với Tôn Thất Thuyết trong việc phế vua Dục Đức, phụ hoàng vua Thành Thái, nên từ quan.

Năm 1885 hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Phan Đình Phùng (hình phải) đã đứng ra chiêu tập lực lượng chống Pháp, từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An,, Hà Tĩnh, Quảng Bình, và là một trong những cuộc khởi nghĩa lớn nhất của phong trào Cần vương chống Pháp lúc đó.

Trong khi cuộc chiến đấu chống Thực dân Pháp đã 10 năm, còn tiếp diễn, thì ngày 28 tháng 12 năm 1895, Phan Đình Phùng qua đời tại bản doanh trên vùng rừng núi Vụ Quang, vì bệnh kiết lỵ, thọ 49 tuổi. Không lâu sau cái chết của Phan Đình Phùng, cuộc khởi nghĩa hoàn toàn bị Pháp dập tắt.

Hoàng Cao Khải, kinh lược sứ Bắc Kỳ, đỗ Cử nhân cùng khoa (1868, trường thi Nghệ An) với Phan Đình Phùng viết thư dụ về hàng, nhưng bị thẳng thừng từ chối, nên sau khi mất, mộ táng của Phan Đình Phùng bị Hoàng Cao Khải quật lên, tán thi hài với thuốc súng và bắn xuống sông Lam.

Phan Đình Phùng không chỉ là người lãnh đạo chống Pháp, ông còn là một nhà thơ. Các sáng tác có một số câu đối (Điếu Lê Ninh, Khóc Cao Thắng), thơ (Đáp hữu nhận ký thi, Thắng trận hậu cảm tác, Kiến ngụy binh thi cảm tác, Phúc đáp Hoàng Cao Khải).

Khi hay tin Phan Đình Phùng mất, Thượng thư kiêm nhà soạn tuồng Đào Tấn (1845-1907), khi đang quyền, có điếu khóc sau:

Anh hùng thành bại chớ bàn. Lòng trung ấy, nghĩa lớn này, thề chung thủy trọn tình cùng chiến hữu. Anh linh son mực, đạo sách đèn nên phải trọng cương thường. Khá hận bấy: Ngôi nhà nghiêng đổ, một cây chống chẳng được nào! Cung lạnh khói tan, tiếng oán dậy rừng ai chẳng xót!. Huống đang lúc rồng bay mây ám, lại thêm tráo chác việc người. Thương thay La Việt giang san, văn hiến trăm năm trơ chiến địa!

Trời đất cổ kim còn mãi. Núi ngất cao sông chảy xiết vũ trụ này là của đấng trượng phu. Gió tuyết Lam Hồng, ngạo giá rét cũng hao mòn tùng bách. Biết sao đây! Sóng cả dâng trào, cột đá giữa dòng khó vững. Sao dời vật đổi, chạnh tình vườn cũ nghĩ càng đau! Lại gặp cơn giứ thốc nhạn lìa, trách bấy lòng trời chẳng giúp! Rõ thật Tùng Mai khí tiết, tinh thần một thác sáng trăng sao!

Kẻ sĩ ngày xưa, các bậc tiền bối của chúng ta, một lòng trung hiếu với nước, với dân, là tấm gương soi sáng cho hậu thế biết bao.

HOÀNG HỒNG DIỄU

Hình phải trên Phan Đình Phùng