Sunday, May 8, 2011

30-4


30 tháng 4, 1975: vết hằn năm tháng

  Biến cố 30 tháng 4, 1975, nhà nước cộng sản gọi là “ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam,” “ngày thống nhất đất nước”...; với mọi người dân miền Nam tự do, đây là một vết hằn sâu đậm, không những trong lịch sử dân tộc, mà trong tâm tư - đời sống của tất cả chúng ta.

Vết hằn không chỉ từ quá khứ đã 36 năm đi qua; mà dài theo năm tháng, dưới chế độ cộng sản, vẫn đang phủ trùm lịch sử đất nước hôm nay. Vào mỗi dịp này, bằng hữu thân quen chúng tôi thường gặp nhau, trao đổi chuyện trò; những nạn nhân của một thảm họa chung, cùng nhìn lại hiện trường xưa, ngày tháng xảy ra biến cố lịch sử 30 tháng 4 ấy.

Chị Trần Thị Tuyết Mai, giáo viên Anh ngữ trường trung học Nguyễn Trãi, đã nghỉ hưu:

Anh biết đấy, lúc nào tôi cũng ưa đọc sách; nên ký ức rõ rệt nhất của tôi trong dịp 30 tháng 4, 1975, là về sách: tôi bị mất một rương sách quý, khoảng bảy tám chục cuốn; những cuốn sách bây giờ không thể tìm mua được. Sáng ngày 30 tháng 4, bà con ở xóm tôi, thuộc đường Tôn Ðản-quận 4, nhốn nháo thu gom những vật dụng cần thiết, cho vào những bao bị; chạy ra bến tàu Bạch Ðằng, mong lên được tàu, di tản khỏi Sài Gòn sắp mất vào tay cộng sản. Mẹ, hai anh và em gái tôi thu xếp những gì đó; riêng tôi chỉ lo chọn lựa những cuốn sách quý; lèn sách chật cứng cái rương lớn, rương da thuở xưa của ba tôi (đã mất) cho tôi. Tôi kéo lê cái rương ấy ra tới đầu hẻm, trước nhà cô bạn lối xóm, định sẽ lấy xe đạp thồ đi. Rồi khi tôi vào nhà thu gom các thứ để mang đi theo ý của mẹ; trở ra, cái rương của tôi biến mất. Tôi biết cô bạn lối xóm đã đem cái rương sách của tôi vào nhà cô ta; nhưng quá vội vã trong giờ phút tìm đường di tản với cả nhà, tôi không thể lấy lại cái rương sách.

Ra tới bến tàu Bạch Ðằng, cảnh tượng hết sức nhốn nháo; chúng tôi không biết cách nào để có thể lên được một con tàu; mà cũng chẳng biết có con tàu nào là tàu đưa người di tản. Chúng tôi đứng lơ ngơ ở đấy một hồi lâu, thấy anh tôi len lỏi từ phía cầu tàu đi ra, bảo cả nhà thôi đành trở về; anh nói đã nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn là đầu hàng cộng sản rồi. Việt Cộng đã vào tới Sài Gòn. Trở về, tôi hỏi cô bạn lối xóm cho xin lại cái rương sách; cô ấy phớt lờ, không bận tâm trả lời tôi. Sau đó vài ngày, tôi được biết cô bạn lối xóm của tôi “hoạt động cách mạng,” có vai trò khá lớn. Tôi đành nín thinh, không dám đả động tới cái rương sách. Hiện nay, cô bạn lối xóm của tôi sống trong một ngôi biệt thự sang trọng, cũng trong quận 4, nhưng ở khu phố trung tâm. Chồng cô ta là phó bí thư thành ủy thành phố Sài Gòn này; trường hợp anh là tôi, anh có dám đòi lại rương sách ấy không? Nghĩ lại, tôi tiếc rương sách ấy một phần, thì thương cho số phận những cuốn sách ấy mười phần, ở chỗ không biết những cuốn sách ấy đã trôi dạt về đâu. Cô bạn lối xóm cũ không hiểu nổi cái nhan đề sách, nói gì tới chuyện đọc sách. Nếu đem bán hết số sách trong rương cho những chỗ mua giấy cân kí-lô, cô lối xóm dùng số tiền ấy để ăn quà sáng hạng sang trọng, nhiều lắm cũng được vài ba bữa mà thôi. Tôi cũng tiếc cái rương da của ba tôi cho tôi nữa; ôi vật kỷ niệm của người thân, đã bị mất đi một cách oan uổng.
 
Nữ Bác Sĩ Ðặng Thu Ân, bệnh viện tâm thần Lê Minh Xuân, đã nghỉ hưu:

Thuở là học sinh, tôi vẫn mơ làm ca sĩ, chớ đâu nghĩ mình đi theo ngành y. Học ở trường nữ trung học Phan Thanh Giản-Cần Thơ; lên Sài Gòn học đại học Khoa Học, đậu chứng chỉ SPCN, rồi thi đậu vào đại học Y Khoa, tôi vẫn thích hát; bạn cùng lớp đều biết như vậy, và ai cũng biểu tôi có “giọng oanh vàng”! Trước ngày xảy ra biến cố lịch sử ghê hồn đó, tôi về nhà ở Cần Thơ, gặp lại ông anh kết nghĩa là kỹ sư điện Hoàng Thành Kiếm. Anh Kiếm nhà ở Sài Gòn, xuống làm việc ở Cần Thơ. Anh Hoàng Thành Kiếm cũng biết tôi ưa hát, đặc biệt là biết tôi rất hâm mộ phong trào du ca của nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang; anh biểu tôi là anh sẽ giới thiệu tôi với nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang, bạn rất thân của anh, từ thuở hai anh ở trong Hướng Ðạo. Ngày “giải phóng” Tây Ðô, tôi cùng anh Hoàng Thành Kiếm đi bộ lên Sài Gòn mất mấy ngày trời; anh không sao hết, tỉnh queo; tôi thì mệt lả người, sưng vù đôi chưn, tới Sài Gòn nằm như bại liệt suốt một tuần lễ. Thế là giấc mộng cùng hát trong phong trào du ca của nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang đã vỡ tan tành. Nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang đã giã từ xứ sở; anh Hoàng Thành Kiếm ở lại căn nhà của nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang tại Ðà Lạt, cùng người em của nhạc sĩ kiếm sống qua ngày, bằng việc làm thủ công mỹ nghệ; vài tháng sau anh Hoàng Thành Kiếm bị bịnh, và qua đời. Lúc này nhớ lại lúc ấy, sao lại đúng lúc nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang mới qua đời ở Mỹ cách đây một hai tuần. Buồn ghê gớm. Tôi thiệt tiếc, cách đây vài năm, nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang về Việt Nam, ở Sài Gòn ít ngày, rồi tổ chức hội thảo sinh viên ở Nha Trang xong trở lại Mỹ; tôi mắc kẹt công việc ở bệnh viện, không gặp được anh Nguyễn Ðức Quang, người nhạc sĩ tôi ngưỡng mộ; một trong mấy bài ca ruột của tôi, là bài Vì Tôi Là Linh Mục!

Ký ức của tôi về ngày cộng sản vi phạm Hiệp Ðịnh Paris, cưỡng chiếm miền Nam, cũng là một vết hằn khó quên. Lúc đó lẽ ra lớp chúng tôi thi tốt nghiệp ra trường, phải ở lại thêm một năm nữa. Hoạt động chính trị, nội tình chi đoàn thanh niên cộng sản trường đại học Y Khoa thiệt nồng nực, ác hiểm, cũng như mọi đoàn trường khác tại Sài Gòn “giải phóng.” Anh có đọc truyện Lịch Sử Một Câu Chuyện Tình, bối cảnh là sinh hoạt đoàn trường đại học, của Bùi Quang Ðoài, trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc rồi chứ? Nó đáng sợ đáng gớm ghiếc như vậy đó. Biết tôi từng ca hát, mấy vị trong ban chấp hành chi đoàn thanh niên cộng sản biểu tôi vô nhóm ca hát của chi đoàn; đề nghị tôi hát rặt những “bài ca cách mạng.” Tôi không chịu. Thế rồi tôi bị trù dập, bị coi như “phản động”! Ra trường, tôi bị đưa về những nơi khỉ ho cò gáy, bệnh viện những nơi ấy quá thô sơ nghèo nàn, còn thua một trạm y tế của thành phố; thiếu đủ mọi phương tiện dụng cụ thuốc men cho việc khám chữa bịnh. Mãi sau tôi mới được chuyển về Sài Gòn, cũng chỉ là làm việc ở một bệnh viện thô sơ, là một chi nhánh của bịnh viện Chợ Quán. Tôi ở miết chỗ đó, gọi là Bệnh Viện Tâm Thần Lê Minh Xuân ở ngoại thành Sài Gòn; nơi này vốn là vùng kinh tế mới, cho tới ngày nghỉ hưu. Cả một cuộc đời bác sĩ, làm việc ở những bịnh viện mà nhà nước, vì “ưu ái, chiếu cố đặc biệt” đã chỉ định, tôi không có một cơ hội để trau dồi, phát triển kiến thức-nghề nghiệp. Suốt những năm tháng làm việc ở Lê Minh Xuân, tôi chỉ khám chữa các bịnh sơ sài như cảm mạo, đau lưng nhức mỏi... cho các bịnh nhơn tâm thần; phát thuốc uống cho họ, kèm theo thuốc lá mà họ luôn miệng hỏi xin tôi, hỏi xin một phụ nữ không hút thuốc! Tôi phải đi mua về để phân phát cho họ.
 
Nhà văn Thu Phong (cộng tác viên báo mạng Da Màu & Tiền Vệ):

Tôi bỏ dở việc học tại trường đại học Luật Khoa; và từ năm 1970, tôi là một người lính kỹ thuật Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, làm việc tại phi trường Sóc Trăng. Từ đầu tháng 4, 1975, phi trường Sóc Trăng bắt đầu nhốn nháo; nghe bàn tán nói chuyện về máy bay chở lính và thân nhân ra tàu Ðệ Thất Hạm Ðội, tôi tiếp tục cùng đồng đội cầm súng ra vành đai phòng thủ phi trường mỗi đêm.

Chiều ngày 30 tháng 4, lính phi trường được phép ra về tự do. Tôi cầm mấy quyển sách luật, xấp bản thảo quyển tiểu thuyết, bùi ngùi rời xưởng vô tuyến phi cơ. Trên đường ra khỏi phi trường Sóc Trăng, tôi nhìn thấy nhiều người, quân phục có, thường phục có, xách hành lý bước về phía các trực thăng phi đoàn Hải Âu đang đợi, với cánh quạt xoay tít: tôi có cơ hội để ra đi.

Nhưng mà tôi ở lại. Tôi về Sài Gòn, gia đình đoàn tụ. Sau đó lại ly biệt: anh em tôi, người đi học tập cải tạo, người về quê làm rẫy ở Long Thành. Ước mơ học tiếp đại học, xây đắp một tương lai của tôi đã hoàn toàn tan vỡ. Tôi hoang mang, xé bỏ mấy chương đã viết (trước 30 tháng 4) của quyển tiểu thuyết. Tôi chán ngán nghe đạo quân chiến thắng ra rả trên đài phát thanh mỗi ngày: “Chỉ có đế quốc Mỹ là thua, người Việt Nam ai cũng thắng!” Họ, chế độ tự xưng là lương tâm của thời đại, họ đã đuổi hàng ngàn thương binh ra khỏi quân y viện, bỏ tù hàng trăm ngàn quân nhân công chức, tước đoạt tiền dành dụm của dân, xua hàng ngàn gia đình ở các đô thị vào chốn đồng khô cỏ cháy, rừng rậm hoang liêu; tịch thu nhà cửa, bắt bớ đọa đày những ai muốn trốn chạy khỏi sự cai trị của họ... Những tháng năm dài sau 30 tháng 4, tôi trải qua nhiều cơn vật vã, nhiều cơn bụng đói; và nhiều lúc tôi đã có ý định tự vẫn. Thế nhưng tôi vẫn sống. May mà sau này có những nơi truyền tải những gì tôi viết, những gì tôi muốn nói ra. Những nơi ấy nằm trong ống kính của các vị công an văn hóa cộng sản, luôn ngóng chờ giờ phút hành động: đánh sập các mạng thông tin - tiếng nói của tự do, lập thành tích dâng đảng!

NGUYỄN ÐẠT