Lính đánh thuê trên mạng
Sau khi viết xong bài “Tự do phát biểu và sân chơi dân chủ”, tôi đọc được một số bản tin rất thú vị trên báo chí tiếng Anh về hiện tượng Trung Quốc bỏ tiền thuê một lực lượng nhân viên đông đảo chỉ để làm mỗi một việc là viết các ý kiến phản hồi bênh vực cho đảng và chính phủ trên internet (1). Tôi gọi đó là lực lượng lính đánh thuê trên mạng.
Trước, nhiều quốc gia, kể cả một số cường quốc Tây phương, có một lực lượng quân đội đặc biệt, gồm những tên lính đánh thuê, chủ yếu được sử dụng trong việc chinh phạt các thuộc địa. Người Việt Nam vốn có rất nhiều kinh nghiệm cay đắng về những tên lính đánh thuê ấy: Tên của chúng, từ tiếng Pháp, légionnaire, đã được Việt hóa thành “lê dương”. Đó là những người nước ngoài, phần lớn thuộc thành phần hoặc nghèo đói hoặc bất hảo, tự nguyện đánh thuê cho Pháp. Một đội quân lê dương, gồm 600 tên, ngày 18 tháng 11 năm 1883, đã đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, đánh chiếm các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Tuyên Quang và Lạng Sơn. Sau đó, trong suốt mấy chục năm đô hộ Việt Nam, trong hàng ngũ lính Pháp, bao giờ bọn lính lê dương cũng có mặt. Và cũng gieo rắc không biết bao nhiêu là kinh hoàng cho dân chúng.
Bây giờ, trong đội ngũ những người trung thành với Moammar Gadhafi ở Libya, cũng có khá nhiều lính đánh thuê, chủ yếu đến từ Mali, Nigeria, Chad, Sudan và Bosnia, được gọi là Lê dương Hồi giáo.
Dù mang tên gì, ở đâu, bản chất của những tên lính đánh thuê ấy cũng giống nhau: vì tiền. Vì tiền, chủ bảo đánh đâu, chúng đánh đó. Không có chuyện lý tưởng gì cả. Tất cả chỉ vì tiền.
Một loại lính đánh thuê như vậy, dưới hình thức mới, đã được ra đời trong một không gian hoàn toàn mới: internet. Chúng không có quân phục; không có huy hiệu hay súng ống. Chúng chỉ có bàn phím và con chuột. Ngồi trước computer, chúng cũng xông xáo và hung hăng không kém gì những tên lính lê dương của Pháp ở Việt Nam trước đây hay những tên lính lê dương Hồi giáo tại Libya hiện nay.
Những tên lính đánh thuê trên mạng được thế giới biết đến đầu tiên mang một quốc tịch chung: Trung Quốc.
Nên biết là ở Trung Quốc hiện nay có khoảng gần nửa tỉ người sử dụng internet và hơn một nửa trong số đó thường xuyên tham gia vào các blog hoặc với tư cách người viết, hoặc với tư cách “còm sĩ”, hoặc, nhiều hơn, với tư cách người đọc. Cái khối lượng người đồ sộ ấy hàng ngày chuyền cho nhau không biết cơ man nào là thông tin và ý kiến. Dĩ nhiên, có không hiếm những thông tin và ý kiến hoàn toàn trái ý của nhà nước: chúng vạch trần bộ mặt tham nhũng và tàn bạo của giới cầm quyền; chúng hô hào cho tự do, dân chủ và quyền làm người. Đối diện với làn sóng dư luận độc lập ấy, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp ngăn chận khác nhau. Hai biện pháp chủ yếu là: kiểm duyệt và tin tặc. Kiểm duyệt có nhiều hình thức, từ việc dựng tường lửa đến việc kiểm soát gắt gao các tiệm internet-cafe. Khi không kiểm duyệt thì họ, hoặc sai công an đến bắt, hoặc tung lực lượng tin tặc ra đánh phá.
Cả hai biện pháp ấy đều có tính chất tự vệ và thụ động. Gần đây (ghi nhận sớm nhất là từ năm 2004), Trung Quốc tiến hành một biện pháp thứ ba, tích cực và chủ động hơn: thành lập đội ngũ lính đánh thuê trên mạng.
Theo blogger Li Ming, ở Trung Quốc hiện nay, có ít nhất vài chục ngàn lính đánh thuê trên mạng như vậy. Malik Fareed, trong bài “China joins a turf war” đăng trên The Guardian số ra ngày 22 tháng 9 năm 2008, đoán con số đó có thể lên đến 300 ngàn người. (2)
Nhưng chúng là ai? Jeremy Goldkorn, chủ bút tờ báo mạng Danwei.org cho biết: “Đó là một sự bí ẩn. Những người này không bao giờ nói chuyện với giới truyền thông cả. Người ta chỉ đoán mò thôi.”
Với từng cá nhân thì khó biết. Nhưng với tư cách tập thể thì người ta có thể nhận diện được: Phần lớn các tên lính đánh thuê trên mạng ấy là cán bộ nhà nước và sinh viên muốn có thu nhập thêm. Ngoài ra, cũng có một số là những người hưu trí còn trung thành với chế độ. Rất nhiều người được trả lương để làm việc toàn thời. Ví dụ, tháng 6 năm 2007, thành phố Tiêu Tác (Jiaozuo) thuộc tỉnh Hà Nam (Henan) tuyển 35 nhân viên chuyên viết bình luận trên internet (ở Trung Quốc gọi là “võng lạc bình luận viên” (网络评论员, wǎngluò pínglùn yuán). Họ cũng chọn hơn 120 công an có năng khiếu viết lách để tham gia vào việc viết bình luận trên internet (3). Theo tờ Global Times, riêng tỉnh Cam Túc (Gansu), trong năm 2010, đã thuê 650 nhân viên làm việc toàn thời với nhiệm vụ “hướng dẫn dư luận trước những vấn đề gây nhiều tranh cãi” (4). Vào đầu năm nay, ở tỉnh Sơn Tây (Shanxi), người ta còn tung ra chiến dịch “Võng lạc hồng thiếu binh” (Internet Red Scout) với nội dung chính là khuyến khích các đoàn viên Đoàn Thanh niên thi đua viết ý kiến khen ngợi đảng để tung lên các blog. Chỉ tiêu là mỗi đoàn viên phải viết ít nhất 2 ý kiến một tuần. Các ý kiến ấy được giữ lại để nộp lên ban tổ chức Đoàn. (5)
Công việc của các “bình luận viên” này, theo Renaud de Spens, một chuyên gia về internet có trụ sở tại Bắc Kinh, cực kỳ đơn giản: cắt và dán. Họ cắt nơi này và dán vào nơi khác. Có điều hầu hết những gì được chúng cắt dán chỉ là các khẩu hiệu tuyên truyền rẻ tiền của đảng và chính phủ. Đại khái, lúc nào cũng “Đảng vĩ đại”, “lãnh tụ anh minh”, v.v... Sau, thấy lối tuyên truyền như vẹt ấy không có tác dụng, họ phát triển một chiến lược khác, tinh tế hơn, cũng ra vẻ hiểu biết một chút. Cũng lý luận. Cũng tranh luận. Cũng, thỉnh thoảng, ra vẻ như trí thức và công tâm. Nhưng mục đích cuối cùng vẫn là một: tuyên truyền cho chế độ.
Các “bình luận viên” – thực chất là lính đánh thuê – này “được trả tiền theo số lượng ý kiến phản hồi được đăng tải. Nếu ý kiến của họ được đọc nhiều, họ có thể được hưởng một số tiền thưởng thêm.” Ông Li Ming cho biết như vậy. Có điều, số tiền chắc là chả nhiều nhặng gì. Người ta đoán chỉ khoảng 50 xu. Bởi vậy, ở Trung Quốc, người ta gọi đó là đám “ngũ mao đảng” (五毛党, wǔmáo dǎng; trong tiếng Anh, người ta dịch là “The 50 Cent Party”, đảng 50 xu).
Giới quan sát quốc tế ghi nhận trong nhiều trường hợp, biện pháp sử dụng lính đánh thuê mạng này tỏ ra có hiệu quả. Chẳng hạn, vào ngày 10 tháng 8 năm 2007, nhân một vụ cãi cọ trên đường phố, một người dân ở thành phố Tiêu Tác viết một ý kiến ngắn phê phán công an một cách gay gắt và gửi đăng trên một diễn đàn mạng. Chỉ mười phút sau, công an đọc được; họ liền vận động hơn 120 nhân viên tham gia phản công. Hai mươi phút sau, ý kiến phê phán người nọ và bênh vực công an tràn ngập diễn đàn. Trước áp lực ấy, một số công dân mạng (netizen) yếu vía, quay sang tố giác và lên án người lên tiếng chỉ trích công an nọ. “Trận” ấy coi như công an thành phố Tiêu Tác toàn thắng.(3)
De Spens quan sát thấy rất nhiều trường hợp như thế: Vào blog hoặc website, chung quanh các đề tài nóng bỏng đang thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng, người ta chỉ thấy, trong nhiều ngày liên tiếp, toàn ý kiến bênh vực chế độ do đám lính đánh thuê mạng này thực hiện. Điều đó dễ gợi ấn tượng sai lầm là phe ủng hộ chế độ chiếm đa số, là chế độ được lòng dân, là tính hợp pháp của chế độ vẫn còn rất bền vững, v.v...
Tuy nhiên, nhiều người cho đó chỉ là một thành công tạm thời. Khi người đọc biết tỏng các ý kiến phản hồi ấy chỉ là trò lừa bịp của đám lính đánh thuê, người ta sẽ mất hẳn niềm tin. Sau đó, nghe ai nói theo khẩu khí hao hao như vậy, người ta sẽ tẩy chay ngay tức khắc.
Dù sao, ở trên, cũng là chuyện của Trung Quốc.
Vấn đề quan trọng hơn, với chúng ta, là: Ở Việt Nam thì sao?
Hiện nay, tôi không có tài liệu gì về vấn đề này cả. Không biết có bạn nào có không. Nếu có, xin cùng chia sẻ với mọi người. Nếu không thì chúng ta tạm thời tự đóng vai điều tra viên vậy. Công việc điều tra ấy cũng đơn giản thôi: Thử nhìn vào phần Ý kiến trên các blog tiếng Việt, xem có ai có khả năng là “bình luận viên 50 xu” không nhé?
Trước, nhiều quốc gia, kể cả một số cường quốc Tây phương, có một lực lượng quân đội đặc biệt, gồm những tên lính đánh thuê, chủ yếu được sử dụng trong việc chinh phạt các thuộc địa. Người Việt Nam vốn có rất nhiều kinh nghiệm cay đắng về những tên lính đánh thuê ấy: Tên của chúng, từ tiếng Pháp, légionnaire, đã được Việt hóa thành “lê dương”. Đó là những người nước ngoài, phần lớn thuộc thành phần hoặc nghèo đói hoặc bất hảo, tự nguyện đánh thuê cho Pháp. Một đội quân lê dương, gồm 600 tên, ngày 18 tháng 11 năm 1883, đã đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, đánh chiếm các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Tuyên Quang và Lạng Sơn. Sau đó, trong suốt mấy chục năm đô hộ Việt Nam, trong hàng ngũ lính Pháp, bao giờ bọn lính lê dương cũng có mặt. Và cũng gieo rắc không biết bao nhiêu là kinh hoàng cho dân chúng.
Bây giờ, trong đội ngũ những người trung thành với Moammar Gadhafi ở Libya, cũng có khá nhiều lính đánh thuê, chủ yếu đến từ Mali, Nigeria, Chad, Sudan và Bosnia, được gọi là Lê dương Hồi giáo.
Dù mang tên gì, ở đâu, bản chất của những tên lính đánh thuê ấy cũng giống nhau: vì tiền. Vì tiền, chủ bảo đánh đâu, chúng đánh đó. Không có chuyện lý tưởng gì cả. Tất cả chỉ vì tiền.
Một loại lính đánh thuê như vậy, dưới hình thức mới, đã được ra đời trong một không gian hoàn toàn mới: internet. Chúng không có quân phục; không có huy hiệu hay súng ống. Chúng chỉ có bàn phím và con chuột. Ngồi trước computer, chúng cũng xông xáo và hung hăng không kém gì những tên lính lê dương của Pháp ở Việt Nam trước đây hay những tên lính lê dương Hồi giáo tại Libya hiện nay.
Những tên lính đánh thuê trên mạng được thế giới biết đến đầu tiên mang một quốc tịch chung: Trung Quốc.
Nên biết là ở Trung Quốc hiện nay có khoảng gần nửa tỉ người sử dụng internet và hơn một nửa trong số đó thường xuyên tham gia vào các blog hoặc với tư cách người viết, hoặc với tư cách “còm sĩ”, hoặc, nhiều hơn, với tư cách người đọc. Cái khối lượng người đồ sộ ấy hàng ngày chuyền cho nhau không biết cơ man nào là thông tin và ý kiến. Dĩ nhiên, có không hiếm những thông tin và ý kiến hoàn toàn trái ý của nhà nước: chúng vạch trần bộ mặt tham nhũng và tàn bạo của giới cầm quyền; chúng hô hào cho tự do, dân chủ và quyền làm người. Đối diện với làn sóng dư luận độc lập ấy, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp ngăn chận khác nhau. Hai biện pháp chủ yếu là: kiểm duyệt và tin tặc. Kiểm duyệt có nhiều hình thức, từ việc dựng tường lửa đến việc kiểm soát gắt gao các tiệm internet-cafe. Khi không kiểm duyệt thì họ, hoặc sai công an đến bắt, hoặc tung lực lượng tin tặc ra đánh phá.
Cả hai biện pháp ấy đều có tính chất tự vệ và thụ động. Gần đây (ghi nhận sớm nhất là từ năm 2004), Trung Quốc tiến hành một biện pháp thứ ba, tích cực và chủ động hơn: thành lập đội ngũ lính đánh thuê trên mạng.
Theo blogger Li Ming, ở Trung Quốc hiện nay, có ít nhất vài chục ngàn lính đánh thuê trên mạng như vậy. Malik Fareed, trong bài “China joins a turf war” đăng trên The Guardian số ra ngày 22 tháng 9 năm 2008, đoán con số đó có thể lên đến 300 ngàn người. (2)
Nhưng chúng là ai? Jeremy Goldkorn, chủ bút tờ báo mạng Danwei.org cho biết: “Đó là một sự bí ẩn. Những người này không bao giờ nói chuyện với giới truyền thông cả. Người ta chỉ đoán mò thôi.”
Với từng cá nhân thì khó biết. Nhưng với tư cách tập thể thì người ta có thể nhận diện được: Phần lớn các tên lính đánh thuê trên mạng ấy là cán bộ nhà nước và sinh viên muốn có thu nhập thêm. Ngoài ra, cũng có một số là những người hưu trí còn trung thành với chế độ. Rất nhiều người được trả lương để làm việc toàn thời. Ví dụ, tháng 6 năm 2007, thành phố Tiêu Tác (Jiaozuo) thuộc tỉnh Hà Nam (Henan) tuyển 35 nhân viên chuyên viết bình luận trên internet (ở Trung Quốc gọi là “võng lạc bình luận viên” (网络评论员, wǎngluò pínglùn yuán). Họ cũng chọn hơn 120 công an có năng khiếu viết lách để tham gia vào việc viết bình luận trên internet (3). Theo tờ Global Times, riêng tỉnh Cam Túc (Gansu), trong năm 2010, đã thuê 650 nhân viên làm việc toàn thời với nhiệm vụ “hướng dẫn dư luận trước những vấn đề gây nhiều tranh cãi” (4). Vào đầu năm nay, ở tỉnh Sơn Tây (Shanxi), người ta còn tung ra chiến dịch “Võng lạc hồng thiếu binh” (Internet Red Scout) với nội dung chính là khuyến khích các đoàn viên Đoàn Thanh niên thi đua viết ý kiến khen ngợi đảng để tung lên các blog. Chỉ tiêu là mỗi đoàn viên phải viết ít nhất 2 ý kiến một tuần. Các ý kiến ấy được giữ lại để nộp lên ban tổ chức Đoàn. (5)
Công việc của các “bình luận viên” này, theo Renaud de Spens, một chuyên gia về internet có trụ sở tại Bắc Kinh, cực kỳ đơn giản: cắt và dán. Họ cắt nơi này và dán vào nơi khác. Có điều hầu hết những gì được chúng cắt dán chỉ là các khẩu hiệu tuyên truyền rẻ tiền của đảng và chính phủ. Đại khái, lúc nào cũng “Đảng vĩ đại”, “lãnh tụ anh minh”, v.v... Sau, thấy lối tuyên truyền như vẹt ấy không có tác dụng, họ phát triển một chiến lược khác, tinh tế hơn, cũng ra vẻ hiểu biết một chút. Cũng lý luận. Cũng tranh luận. Cũng, thỉnh thoảng, ra vẻ như trí thức và công tâm. Nhưng mục đích cuối cùng vẫn là một: tuyên truyền cho chế độ.
Các “bình luận viên” – thực chất là lính đánh thuê – này “được trả tiền theo số lượng ý kiến phản hồi được đăng tải. Nếu ý kiến của họ được đọc nhiều, họ có thể được hưởng một số tiền thưởng thêm.” Ông Li Ming cho biết như vậy. Có điều, số tiền chắc là chả nhiều nhặng gì. Người ta đoán chỉ khoảng 50 xu. Bởi vậy, ở Trung Quốc, người ta gọi đó là đám “ngũ mao đảng” (五毛党, wǔmáo dǎng; trong tiếng Anh, người ta dịch là “The 50 Cent Party”, đảng 50 xu).
Giới quan sát quốc tế ghi nhận trong nhiều trường hợp, biện pháp sử dụng lính đánh thuê mạng này tỏ ra có hiệu quả. Chẳng hạn, vào ngày 10 tháng 8 năm 2007, nhân một vụ cãi cọ trên đường phố, một người dân ở thành phố Tiêu Tác viết một ý kiến ngắn phê phán công an một cách gay gắt và gửi đăng trên một diễn đàn mạng. Chỉ mười phút sau, công an đọc được; họ liền vận động hơn 120 nhân viên tham gia phản công. Hai mươi phút sau, ý kiến phê phán người nọ và bênh vực công an tràn ngập diễn đàn. Trước áp lực ấy, một số công dân mạng (netizen) yếu vía, quay sang tố giác và lên án người lên tiếng chỉ trích công an nọ. “Trận” ấy coi như công an thành phố Tiêu Tác toàn thắng.(3)
De Spens quan sát thấy rất nhiều trường hợp như thế: Vào blog hoặc website, chung quanh các đề tài nóng bỏng đang thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng, người ta chỉ thấy, trong nhiều ngày liên tiếp, toàn ý kiến bênh vực chế độ do đám lính đánh thuê mạng này thực hiện. Điều đó dễ gợi ấn tượng sai lầm là phe ủng hộ chế độ chiếm đa số, là chế độ được lòng dân, là tính hợp pháp của chế độ vẫn còn rất bền vững, v.v...
Tuy nhiên, nhiều người cho đó chỉ là một thành công tạm thời. Khi người đọc biết tỏng các ý kiến phản hồi ấy chỉ là trò lừa bịp của đám lính đánh thuê, người ta sẽ mất hẳn niềm tin. Sau đó, nghe ai nói theo khẩu khí hao hao như vậy, người ta sẽ tẩy chay ngay tức khắc.
Dù sao, ở trên, cũng là chuyện của Trung Quốc.
Vấn đề quan trọng hơn, với chúng ta, là: Ở Việt Nam thì sao?
Hiện nay, tôi không có tài liệu gì về vấn đề này cả. Không biết có bạn nào có không. Nếu có, xin cùng chia sẻ với mọi người. Nếu không thì chúng ta tạm thời tự đóng vai điều tra viên vậy. Công việc điều tra ấy cũng đơn giản thôi: Thử nhìn vào phần Ý kiến trên các blog tiếng Việt, xem có ai có khả năng là “bình luận viên 50 xu” không nhé?
Chú thích:
Nguyễn Hưng Quốc