Sunday, May 29, 2011

rfi.vn


E-G8,diễn đàn các chuyên gia Internet

Mark Zuckerberg (phải) chủ nhân Facebook tại hội nghị E-G8 (Reuters)Trước thượng đỉnh G8 được tổ chức tại thành phố Deauville (26-27/5), Pháp đã có sáng kiến mời khoảng 1000 chuyên gia internet tại 8 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới đến Paris, tham dự diễn đàn gọi là E- G8. Trong hai ngày 24 và 25/5, các bên sẽ thảo luận về vai trò, và tầm ảnh hưởng của Internet đối với đà tăng trưởng kinh tế, đối với các sinh hoạt trong xã hội hay đối với ngành truyền thông.(Mark Zuckerberg (phải) chủ nhân Facebook tại hội nghị E-G8 (Reuters)

Diễn đàn E-G8 tổ chức lần đầu tiên tại Paris là cơ hội để các chuyên gia Internet tiếp xúc với một số chính khách, với các nhà làm báo truyền thống và các bên sẽ cùng bàn thảo về vai trò ngày càng lớn của Internet trong đời sống kinh tế toàn cầu hiện nay.

Khi biết rằng, theo nghiên cứu do cơ quan tư vấn quản trị McKinsey thực hiện, Internet trong năm 2009 đã tạo ra đến 3,4% GDP cho 13 quốc gia phát triển nhất hành tinh, đem lại 1 396 tỷ đô la doanh thu cho khối G8 cùng với Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thụy Điển.

Trong hơn hai năm nay, vào lúc cả thế giới nói đến "khủng hoảng" cũng như đến nạn thất nghiệp, thì riêng ngành Internet vẫn rất thuận buồm xuôi gió : các hãng mua bán trên mạng, các dịch vụ online vẫn tiếp tục tuyển dụng thêm nhân viên. Doanh thu của các địa chỉ e-commerce, tức là ngành kinh doanh trực tuyến vẫn tăng đều đặn.

Một vế khác được đề cập đến liên quan đến câu hỏi : liệu Internet có khả năng đến đây để làm thay đổi dư luận trong một số lãnh vực như là đối với môi trường, y tế, giáo dục, bản quyền, quyền tự do ngôn luận … và kể cả trong địa hạt chính trị như thời sự gần đây cho thấy (qua hai cuộc cách mạng Tunisia và Ai Cập).
Kết thúc diễn đàn, ban tổ chức sẽ đệ trình lên hội nghị thượng đỉnh Deauville một văn bản để các nguyên thủ quốc gia G8 dùng làm cơ sở thảo luận, để tạo « đối thoại giữa giữa cấp lãnh đạo với các doanh nhân ».

Trong khuôn viên vườn Tuileries, quận 1 Paris, để ý một chút người ta có thể sẽ trông thấy những ông hoàng của thế giới ảo như Mark Zuckerberg, sáng lập viên mạng xã hội Facebook hay Eric Schmidt chủ tịch trang mạng tìm kiếm Google. Bên cạnh đó có những nhân vật không nổi tiếng bằng, nhưng lại rất có « trọng lượng » trong các hoạt động kinh tế, chẳng hạn như chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn mua bán trên mạng eBay, đại diện của Amazon hay cha đẻ của trang bách khoa toàn thư Wikipedia.

Thanh Hà
@rfivn