Sunday, May 22, 2011

China vs Pakistan


Thâm hiểm trục Trung Quốc - Pakistan


Gần đây, sau khi dịch một bài tiếng Trung về chiến lược hành lang Đông Nam Á đả thông con đường Trung-Lào-Cam để đối phó với Việt Nam của một ngũ mao, tôi cảm thấy lý tính thực tế của nó. Đó không phải là một mộng tưởng viển vông kiểu ăn nói của một "đại Hán oai trời" mà đúng là con đường không thể không đi của một nước Trung Quốc đang đầy tham vọng.

Nước Lào có mật độ dân số quá thấp, ý chí dân tộc vươn dậy không lớn. Nếu không bị các nước như Việt Nam, Trung Quốc, hay Thái Lan dòm ngó về mặt chiến lược mới là đáng ngạc nhiên. Trung Quốc đang dần dần lấn sân tới nước Lào làm cho Việt Nam bắt đầu khó chịu. Nhưng trước mắt, lãnh đạo nước Lào chưa có thái độ cam tâm tình nguyện do đó Trung Quốc chỉ đang đi bước nhẹ nhàng từng bước từ hạ tầng cơ sở để biến những vùng đất "tô giới" thuê 99 năm ở Lào thành vùng xâm thực cho người Hoa tràn xuống. Thương nhân Trung Quốc đang mở những sòng bài quy mô và khai thác thị trường du lịch làm biến thể nước Lào về mặt văn hóa. Riêng về mặt khai thác tài nguyên như gỗ, đá, khoáng sản thì nước Lào đang bị biến thành một Miến Điện thứ hai.

Không như các đợt Hoa Kiều tràn xuống Đông Nam Á từ hàng trăm năm trước do biến cố chính trị thay triều đổi đại ở Đại Lục, các đợt Hoa kiều mới này mang theo ý chí dân tộc vươn dậy của nước Trung Quốc cộng sản cho nên sức tàn phá về nhân văn và thương trường khốc liệt hơn. Thương nhân Trung Quốc đang biến nước Lào một sớm một chiều trở thành nhượng địa mà nhân dân Lào có thể sẽ trở thành người đứng ngoài các thành quả kinh tế. Nguy cơ bị tổn thương danh dự dân tộc và chủ quyền rất cao không khác gì các nước Phi Châu đang bị Trung Quốc khai thác.

Tuy bài viết "Đề Án Chiến Lược Hành Lang Trung-Lào-Campuchia" của ngũ mao lấy tên Thu Phục Lãnh Thổ Liên Minh cách đây đã bốn năm nhưng theo thời gian tính thực tế đã hình thành. Nước Lào bị Trung Quốc hóa mạnh mẽ là điều không thể chối cãi. Blogger Thiên Sầu trong một chuyến đi Lào đã nhận xét rằng trên các nẽo đường Savannakhet, những trung tâm người Hoa (với lối viết chữ giản thể kiểu Trung Quốc) chính là bằng chứng cho chính sách hành lang này.

Trường hợp Pakistan

Trong bài viết ấy lại tình cờ có nhắc một đoạn mang tính chủ quan về Pakistan, nói rằng: "Người Pakistan đã đề xuất Trung Quốc đầu tư vào đường tàu cao tốc để cùng trỗi dậy với Trung Quốc, với tuyên ngôn hào hùng cùng phồn vinh, làm mỗi người Trung Quốc vì thế rạng ngời! tạo thành người anh em của Trung Quốc…" Vậy là Trung Quốc và Pakistan đi đêm với nhau qua lâu và đã thề thốt với nhau từ bên trong.
Trong dịp Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden, rõ ràng Pakistan đã ra mặt khó chịu. Cũng trong các website "thiết huyết" tiexue (sắt máu) của Trung Quốc các ngũ mao cũng từng đề cập đến việc Trung Quốc nên cho Osama bin Ladin ẩn náu sâu vào sâu trong lãnh thổ Trung Quốc coi như ngăn được họa trùm khủng bố này tiêu diệt.

Ngày nào Osama còn thì cán cân lợi ích cho Pakistan còn. Tuy nhiên, ý tưởng này được coi là quá nham hiểm kiểu "Xuân Thu Chiến Quốc". Nếu Mỹ quyết "làm càn" diệt Osama trên đất Trung Quốc thì không ngừa được hậu quả. Ngoài ra, Osama bin Laden là chiến binh Hồi giáo, không thể nào tránh được ảnh hưởng lên tin thần huynh đệ của dân tộc Duy Ngô Nhĩ đang đòi ly khai. Đại khái vì những lý do này mà Trung Quốc không có đất cho Osama.

Nhưng rồi không ai ngờ tới việc Osama bin Laden lại sống ngon trên đất Pakistan. Đường đường là một đồng minh chống khủng bố và nhận được viện trợ hàng tỉ đô-la từ Hoa Kỳ mà làm thế nào trùm khủng bố lại ở trên đất của mình như thế?

Pakistan có thể có nhiều xu hướng chống Mỹ trong lòng dân chúng vì ý thức hệ Hồi giáo nhưng không thể phủ nhận các chính khách nước này rất nham hiểm, mưu mô và không thành thật.

Pakistan vì lợi ích quốc phòng phòng chống Ấn Độ và vì lý do này Trung Quốc đã khai thác triệt để mâu thuẫn. Xét cho cùng, Pakistan tách ra khỏi Ấn Độ cũng như là một loại "Đài Loan" được hợp pháp hóa. Nhưng Trung Quốc lại được Pakistan giao luôn danh nghĩa chủ quyền giữa những vùng đất tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc mà Pakistan cảm thấy mình không có thế. Aksai Chin ở khu vực Kashmir là một ví dụ làm tình hình tranh chấp càng thêm rắm rối. Ngoài vấn đề khách quan thâm thù về mặt lịch sử địa lý, Pakistan cam tâm tình nguyện làm hành lang cho Trung Quốc vì hai nước này phải be bờ Ấn Độ.

Ngay trong lúc sự nghi kỵ giữa Mỹ và Pakistan tăng thêm thì ngày 20/5 thủ tướng Pakistan, Yousuf Raza Gilani lại công du ngay sang Trung Quốc với những thề thốt anh em mang tính chiến lược hành lang rất thắm thiết. Hành động này không thể không khiến cho Mỹ và Ấn Độ nhíu mày.

Trong khi đó các chính khách Pakistan khi trả lời cho các đài truyền hình đều lên tiếng bài Mỹ là đòi xét lại các thoả thuận. Có người cho rằng đây là hành động bị bắt quả tang nên mới la làng. Một chính khách về hưu của Afganistan ra lời kêu gọi dư luận hãy thấy rõ bộ mặt thật của Pakistan trong cuộc chiến khủng bố. Pakistan nhận tiền của Mỹ chống khủng bố nhưng lại dung dưỡng khủng bố. Mọi người không thể quên rằng chính Pakistan là mọt trong vài nước thừa nhận chính quyền Taleban trước đây.

Pakistan cũng chính là nước cung cấp kỹ thuật nguyên tử cho Bắc Triều Tiên để làm "chí phèo" ở vùng Đông Bắc Á đe doạ an ninh cho Nam Hàn và Nhật Bản. Sự việc đã rõ như ban ngày, nhưng đây chỉ là những lợi ích hành lang khu vực có lợi cho Trung Quốc.
Ngay cả chi tiết nhỏ nhất như vụ chiếc máy bay trực thăng rơi trong đợt truy kích Obama bin Ladin, phía Mỹ cũng sợ quân đội Pakistan trao phế liệu này cho Trung Quốc nghiên cứu.

Không thể phủ nhận được mỗi nước cần có một chính sách quốc phòng và chiến lược riêng, nhưng việc Pakistan phải chơi bài ngoại giao ba lá là tự làm xấu hình ảnh đất nước này mà mất sự kính trọng trong cộng đồng quốc tế.

Trần Đông Đức