Tuesday, May 10, 2011

nguoibuongioblog


Bàn thêm về bài
Non sông gấm vóc hay miếng da lừa

Cảm xúc bài viết lấy từ bài viết của tác giả Phạm Hoàng Hải trên tuần vietnamnet:

Trích ''Giống hệt như anh chàng Valantin của đại văn hào Balzac trong lúc khồn quẫn đã nhặt được miếng da lừa mầu nhiệm có thể cho anh được mọi ước mơ giàu có, nhưng ác nghiệt thay mỗi lần ước được giàu có trúng quả là một lần miếng da lừa bị co bé lại. Và khi miếng da co hết thì anh ta cũng hết đời. Non sông gấm vóc của đất mẹ Việt Nam như thế đã là bầu sữa ngon, là chùm khế ngọt cho tất cả những ai nhanh chân nhanh tay, khôn ngoan, tỉnh táo.''

Trên báo
Đọc Tin có bài viết về quỹ đất nông nghiệp

Trích '' Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) báo động về việc đất nông nghiệp đang từng ngày bị chuyển đổi mục đích sử dụng một cách thiếu quy hoạch và tùy tiện nên ngày càng bị thu hẹp một cách báo động. Tổng diện tích đất lúa toàn quốc hiện nay là trên 4,1 hécta. Song từ năm 2000 - 2005, diện tích đất lúa đã giảm nghiêm trọng với hơn 302.000ha. Gần 9 năm qua, đất lúa đã bị giảm trên 59.000ha. Riêng tại ĐBSCL, tính toán sơ bộ cho thấy từ năm 2000 - 2007, đất lúa đã bị giảm 205.000ha (chiếm 57% đất lúa bị suy giảm toàn quốc). Tại phía bắc, Hải Dương là tỉnh có tỉ lệ đất lúa giảm lớn nhất, bình quân 1.569ha/năm, Hưng Yên 939ha/năm, Hà Nội (cũ) là 653ha/năm...

Theo tính toán, năm 2020 dân số cả nước sẽ xấp xỉ 100 triệu người, năm 2030 sẽ có khoảng 110 triệu người. Tổng nhu cầu lúa cho năm 2015 là 32,1 triệu tấn, năm 2020 là 35,2 triệu tấn và năm 2030 là 37,3 triệu tấn. Tuy nhiên, tình trạng ồ ạt chuyển đổi đất nông nghiệp đã khiến sản lượng lúa suy giảm khá lớn qua mỗi năm, trung bình giảm từ 400.000 - 500.000 tấn/năm. Cục Trồng trọt báo động, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay thì sẽ không còn lúa gạo để xuất khẩu vào năm 2020. Một số liệu đáng chú ý khác cho thấy, tại cả hai miền Nam và Bắc, số lượng các khu công nghiệp lấy từ quỹ đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang không ít và hiện chỉ lấp đầy khoảng 50%-70% số lượng DN hoạt động ''

Hôm nọ đi vào miền Trung mạn Hà Tĩnh, thấy con đường mới được đắp cao chờ đổ nhựa. Buột miệng khen với người dân vùng đó:
- Các ông sướng nhé, được nhà nước quan tâm làm đường cho còn gì.
Người dân kia nói:
- Đâu phải thế, họ làm đường để biến nơi đây thành khu công nghiệp, họ định di dời chúng tôi lên núi, có quy hoạnh cả rồi. Đang ép dân phải đi để sớm giao đất cho chủ đầu tư Đài Loan.

Tôi nhìn bản đồ quy hoạch khu tái định cư mà người dân đưa xem mới tin, lúc đó nhìn những cánh đồng lúa xanh tươi, con sông hiền hòa uốn khúc cấp nước cho cả vùng. Chỉ nay mai đây do người Đài Loan quản lý, họ khoanh vùng thành một tô giới của họ, thấy nao nao.
Những lán trại và máy móc đã mang đến chuẩn bị cho cuộc tàn sát khung cảnh trữ tình này phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu hướng tới làm dân giàu, nước mạnh. Những ý nghĩa thật xác đáng.

Nhưng điều đáng nói là một dự án cứ cho là đem lại hiệu quả về kinh tế thực sự cho nhân dân, đất nước thì đợi đến bao lâu. Chưa kể rằng dự án do chủ đầu tư nước ngoài thì họ phải tính đến thu lợi cho họ để bảo đảm vốn liếng bỏ ra, chưa kể vì lý do đó họ bất chấp môi trường để nhanh chóng thu hồi vốn như vụ Vedan xả nước thải xuống sông.
Dự án đến, dân chưa thấy giàu thì những người quyết định đồng ý cấp phép dự án đã giàu, những người hỗ trợ cho dự án được khởi động đã giàu. Dân di cư đến nơi ở mới, mọi cái làm lại từ đầu, được hỗ trợ mỗi người mươi ký gạo một tháng trong vòng một năm, nơi ở mới khô cằn, chênh vênh trên núi cằn cỗi sỏi đá. Chưa đâu như đất nước này, nơi trù phú bờ xôi ruộng mật thì thành khu công nghiệp, còn đất đá sỏi đồi thì làm nơi an sinh cho dân nông thôn. Nhà đầu tư nước ngoài không hề dại khi chọn những khu đất bằng phẳng để thuận tiện, dễ làm và những người có chức quyền càng không ngu tí nào. Chọn những miếng đất như thế dự án nhanh chóng hoàn thành, nhanh chóng có phần trăm, chứ đợi dự án làm trên núi bao giờ mới xong. Thế nên Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư là vậy, hấp dẫn về cách quyết định của con người có thẩm quyền, hấp dẫn về những miếng đất bằng phẳng giá rẻ mạt.

Xưa kia người Hán ở phương Bắc đánh chiếm nước Việt tốn bao nhiêu sức người, của cải bất quá chiếm đóng được vài chục năm là lại bị dân Việt nổi dậy đánh đuổi về nước. Xương máu còn chất đống trên đường đi xâm chiếm và cả trên đường rút chạy.

Ngày nay các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan dễ dàng dùng tiền để mua những khoảnh đất màu mỡ, rộng lớn sau khi đi “tàu ngầm thương thảo” với ai đó. Thế là tha hồ dựng nghiệp, mang công nhân nước mình sang, sản xuất hàng hóa tiêu dùng độc hại kém chất lượng bán tại chỗ cho dân bản xứ, tránh được thuế nhập khẩu tiện vô cùng. Bỗng nhiên giải quyết được công ăn việc làm, nơi sinh sống cho dân cư nước họ. Chưa kể có thể khai thác tài nguyên ngầm dưới lòng đất mà không lo ai phản đối, bởi khi mua đất đã thành tô giới địa bất khả xâm phạm của họ, cùng lắm thì dựng hàng rào vây quanh cho người canh gác. Chỉ những kẻ “ngầm thương thảo” mới được vào ngó nghiêng lĩnh hầu bao rồi về báo cáo “dự án đang xúc tiến thuận lợi”.

Theo các con số thống kế thì đến khoảng năm 2030 đất nước ta sẽ lâm vào khủng hoảng lương thực bởi đất nông nghiệp bị cắt giảm hàng năm dành cho đất nông nghiệp. Khoảng 30 năm nữa thì một số dự án kia sẽ hết thời hạn thuê đất. Đến đây có mấy vấn đề:

- Một là những nhà đầu tư rút đi, để lại môi trường đã bị xâm hại nghiêm trọng, chưa nói đến hậu quả di hại về môi trường, nguyên chuyện phục hồi lại đất thành đất nông nghiệp đã mất hàng chục năm và phí tổn cho chuyện đó còn lớn hơn cả giá thành đất lúc bán đi.
- Hai là những nhà đầu tư rút đi, chuyển giao công nghệ cho nước sở tại. Một công nghệ đã lỗi thời, gồm những máy móc cũ kỹ, bỏ thì thương, vương thì tội. Nước sở tại ì ạch vận hành và trông chờ vào sự nhiệt tình của chuyên gia nước đầu tư. Lệ thuộc là tất yếu, mà khi đã lệ thuộc vào những nước như Trung Quốc, Đài Loan thì xin hãy nhìn gương Mông Cổ, Triều Tiên, Bắc Hàn ngay lân cận rồi mới nhìn đến các nước Châu Phi xa xôi.
- Ba là các nhà đầu tư tiếp tục ký thêm hợp đồng vài chục năm nữa, lại một vòng quay “thương thảo ngầm” và mọi sự tiếp diễn vẫn cứ như thế, hàng hóa tiêu dùng độc hại kém chất lượng lại được người bản xứ sử dụng để bệnh viện ung thư ngày một đông hơn.
- Bốn là nước sở tại nắm chắc công nghệ, nhà đầu tư tốt bụng. Đất nước phát triển, dân giàu nước mạnh đúng như ước muốn ban đầu. Đôi bên cùng có lợi, quan hệ hữu hảo đảm bảo bằng vàng. Hết ý, không còn gì để ca thán nữa.

Đó là câu chuyện của sau này, trước mắt thì cuộc sống của người dân ở khu tái định cư chưa hề khá hơn lúc trước của họ, thậm chí còn khốn khó hơn vì vô công rồi nghề, dẫn đến dùng tiền hỗ trợ quay sang ăn chơi bài bạc. Xa lũy tre làng, xa bản sắc văn hóa ngàn năm một cách đột ngột, nền văn hóa mà báo chí, phim ảnh Việt Nam đang chạy theo là lối sống ăn chơi, hưởng thụ, đàng điếm. Người nông dân cần cù, chất phác, cần kiệm bỗng trở thành những cao bồi thôn, trọc phú mùa ăn tiêu xa xỉ những đồng tiền được đổi bằng máu thịt quê hương.

Trước mắt thì những người ký kết việc giao đất làm dự án bỗng giàu lên đột ngột. Xin đừng hỏi tôi phải chỉ rõ ai, bạn có thể tự mắt mình nhìn thấy.
Gán đất, cầm sổ đỏ lấy vốn làm ăn – việc quá thường trong thời buổi hiện nay. Gán rồi có vốn làm ăn phát triển được không nói làm gì, gán đi lấy tiền làm ăn thiếu hiểu biết thua lỗ thật đáng buồn, nhưng gán đi để tiêu pha, ăn chơi thì thật đáng trách. Nhưng dù sao thì mình gán đất của mình, ăn chơi hay lỗ lãi trước sau mình cũng là người chịu. Còn gán đất, nhượng quyền đất của công thì mình chỉ có lời, hậu quả sau này nhân dân chịu chứ đâu phải mình.

Thế nên câu chuyện về đất đai với các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam sẽ còn diễn ra dài dài và có nhiều điều để nói.
Mỗi tội là có yên lành để mà nói hay không thôi. Hay như ông giáo già nói:
- Động đến miếng ăn của chúng nó, chúng nó đập là phải thôi.

Lý sự đến lạ lùng. Muốn chúng nó phải, trước tiên miếng ăn của chúng cũng phải cái đã. Miếng ăn bất lương người ta nói, sao mà không phải được. Thế nhưng người đời nghĩ tình cảm lắm, họ cứ nghĩ người khác đang ăn thì không trách, trời đánh tránh miếng ăn mà! Chỉ có ghen người ta ăn ngon thì mới phá đám!
Bởi thế người không nói vì muốn yên thân không bị chúng nó đập, muốn giữ tiếng lành là không phải ghen ăn với kẻ khác mà cũng không cất tiếng cũng nhiều lắm.

Người Buôn Gió
@nguoibuongioblog