Saturday, May 7, 2011

Trần Đông Đức

  
Thăm người Hmong ở Wisconsin
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, ở Mỹ một cộng đồng người Hmong trên 200 ngàn, được xem là do sự dẫn dắt của tướng Vàng Pao mà hình thành.(Ông Bay Lee và bà Mao Khang đến Wausau, Wisconsin từ Lào)

Người Hmong đến Mỹ được xem là một nhóm di dân đặc biệt, đa số xuất xứ từ một xã hội mang tính bộ lạc cao ở Đông Nam Á gia nhập vào thế giới văn minh.

Lúc đầu người Hmong đến Mỹ, đa số không thể hội nhập ngay được. Không như người Việt Nam, đã có văn hóa đô thị phát triển, người Hmong còn không có chữ viết và xã hội kinh tế theo chế độ du canh nông nghiệp ở núi rừng.

Do đó, khi các cơ quan từ thiện của Mỹ bảo trợ họ về thành phố, nhiều cuộc sống người Hmong trở thành bi kịch.

Trồng trọt và săn bắn

Dưới sự lãnh đạo khôn khéo của tướng Vàng Pao, chính phủ Mỹ đã dần dần có chính sáchphù hợp là để người Hmong tập trung về những tiểu bang thưa thớt, có nhiều môi trường hoang dã để họ thích nghi với môi trường trồng trọt và săn bắn.

Do thiếu điều kiện học tập căn bản từ Lào, đa số người Hmong có tuổi đều không thể học được tiếng Anh và hiểu biết luật pháp hiện đại, tướng Vàng Pao đã tổ chức hệ thống 18 bộ lạc người Hmong trên nước Mỹ thành hệ thống trung tâm trợ giúp và kết nối người Hmong như là một điều kiện cần thiết về tổ chức cuộc sống.

Bà Mao Khang ở Wausau, Wisconsin đang làm việc tại trung tâm kiểu này cho biết rằng phần đông các vụ bạo hành trong các gia đình người Hmong là do tập quán văn hóa.

Mỗi khi có chuyện xảy ra, trung tâm này sẽ hướng dẫn nhà chức trách giải quyết vấn đề này theo mức độ vừa phải do kém hiểu biết hơn là đặt nặng yếu tố trừng phạt.

Dần dần, các điều đình giữa cộng đồng đại diện người Hmong và hệ thống luật pháp xã hội Hoa Kỳ đã giúp người Hmong hiểu biết.

Có thể nói, người Hmong ở Mỹ bây giờ cũng là một cộng đồng có những điểm sáng nhất trong số các quốc gia cư trú.


Bà Mao Khang còn cho biết, cộng đồng người Hmong coi như là tổ chức theo thể chế "bộ lạc" như người Da Đỏ với sự gắn kết đặc thù mà Hoa Kỳ mặc nhiên thừa nhận cách tổ chức này. Bà Mao Khang không khỏi xúc động khi nhắc đến tài sáng suốt lãnh đạo của tướng Vàng Pao đã dẫn dắt và đưa một dân tộc từ núi rừng hội nhập nhanh chóng vào quốc gia văn minh bậc nhất.

Thế hệ người Hmong thứ hai tại Hoa Kỳ đã có luật sư, bác sỹ. Đặc biệt, bà Mee Moua là người Hmong đầu tiên đã được bầu vào chức thượng nghị sỹ tiểu của tiểu bang Minnesota lân cận.

Sự thành công của bà Mee Moua đã tạo tinh thần bình đẳng mới cho người Hmong tại Hoa Kỳ khiến trong năm 2011 này là năm đầu tiên, các hội đồng bộ lạc (tribal council) cho phép phụ nữ lãnh đạo.(Người Hmong có nghề trồng nhân sâm tại vùng Wisconsin(Người Hmong có nghề trồng nhân sâm tại vùng Wisconsin)

Nghị kỵ với Việt Nam vào Lào

Người Hmong ở Mỹ đa số đến từ Lào. Họ vốn là những chiến binh chống cộng mãnh liệt trong chiến tranh Việt Nam với quân đội Bắc Việt gọi là "phỉ".

Sau chiến tranh, một phần do lương tâm của người Mỹ cùng với sự săn đuổi trên đất Lào khiến người Hmong phải trốn chạy.

Phần lớn những người theo tướng Vàng Pao đều đã rời khỏi Lào đến Mỹ.

Tuy nhiên, trong cộng đồng người Hmong vẫn nghi ngờ với những người Hmong nói được tiếng Việt ở Mỹ.

Họ nghi ngờ những thành phần này là do Việt Nam hay Lào cài sang cho nên cơ cấu "bộ lạc" theo nguồn gốc dòng họ, xuất xứ càng thêm chặt chẽ nhằm vô hiệu hóa các hoạt động chia rẽ cộng đồng.

Trong lúc tôi đến thành phố Wausau, bang Wisconsin để xin phép phong vấn một vị lãnh đạo cộng đồng về sự vụ người Hmong qua sự giới thiệu một người Mỹ uy tín.

Sau nhiều điều giải thích từ phía tôi, họ tỏ ra rất vui mừng và hẹn nếu có điều kiện thì cho gặp các người đứng đầu các hội đồng này để tìm hiểu câu chuyện mà theo họ là “đúng đắn hơn”, không như điều họ nói là “xuyên tạc” trong một số sách báo ở Lào và Việt Nam.

Qua lời ông Bay Lee vừa là cháu của tướng Vàng Pao và là con của một vị nhiếp chính dưới thời nước Lào trong chế độ quân chủ cho biết rằng người Hmong ở Lào, Việt Nam, và Miến Điện nói cùng một giọng nói.

Chỉ có người Hmong (Miêu tộc) ở Trung Quốc là nói giọng khác. Tuy nhiên, các nhóm Hmong tuy ở cách quốc gia mấy trăm năm vẫn hiểu tiếng nói của nhau và cùng chung ngôn ngữ.

Ông Bay Lee cho rằng người Hmong ở Trung Quốc với dân số khoảng 9-10 triệu, ở Việt Nam khoảng dưới 1 triệu nhưng bị chìm hẳn trong dân tộc chủ thể đa số.

Chỉ có ở Lào, người Hmong có tiếng nói như một dân tộc tương đương với dân tộc chủ thể.(Người Hmong ở Mỹ tôn thờ tướng Vàng Pao, một lãnh tụ chống Cộng sản ở Lào)

Nhưng đáng tiếc là sau năm 75 thì tình thế thay đổi vì chính sách của Việt Nam giúp Lào truy đuổi những người từng hợp tác với Hoa Kỳ.

Những người Hmong tôi gặp còn lên án Hà Nội đã xóa sổ chế độ tự trị của vua Mèo ở Tây Bắc.

Sự oán hận của người Hmong trong và ngoài nước Lào đến từ chỗ chế độ tự trị ở núi rừng, họ cho là tự do sống với thiên nhiên đã bị đánh mất.

Hiện nay người Hmong ngoài liên kết bằng ngôn ngữ, đạo Cơ Đốc trở thành một động lực thôi thúc họ kết nối.

Người Hmong ở Mỹ đóng vai trò quan trọng về mặt quốc tế vận. Chính họ đã làm cho thế giới biết về người Hmong qua các hoạt động văn hóa Hmong ngay mảnh đất Trung Tây rộng lớn nơi mở đầu những bước chân thám hiểm khi Hoa Kỳ lập quốc.

Người Hmong ở Mỹ tuy không được xem là sắc dân hội nhập nhanh chóng so với các dân tộc đến từ quốc gia chủ thể như Việt Nam. Nhưng so với điểm xuất phát của các nền văn minh thì sự có mặt của họ trên nước Mỹ chính là tinh thần dân tộc hưng khởi mang yếu tố kỳ diệu.

Ngày nay người Hmong ở Mỹ vẫn thường làm kinh tế nông nghiệp.

Đối với tập quán dân tộc Hmong thì công việc này rất phù hợp. Vùng Wausau bang Wisconsin còn có những trang trại nhân sâm Hoa Kỳ, một đặc sản độc đáo của vùng Ngũ Đại Hồ do người Hmong làm chủ.

Trần Đông Đức