Thursday, May 5, 2011

Nghiêm Xuân Hồng


Nhà văn Nghiêm Xuân Hồng (1920-2000)


Tháng 5, năm 2000, một nhân vật của văn học và chính trị miền Nam đã ra đi. Báo chí Little Saigon hồi ấy đã loan tin: “Vào lúc 1 giờ sáng Chủ Nhật, 7 tháng 5 năm 2000, nhà văn Nghiêm Xuân Hồng, tác giả Ði Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng, bộ trưởng trong chính phủ Nguyễn Khánh, đã từ trần tại nhà riêng ở quận Cam, thọ 80 tuổi.Lễ hỏa thiêu và di quan cử hành trong ngày 12 tháng 5.” (Hình phải :.Nhà văn, nhà biên khảo Nghiêm Xuân Hồng (1920-2000).

Ðược biết đến như một trong ba thành viên cột trụ của Nhóm Quan Ðiểm mà hai người kia là Vũ Khắc Khoan, Mặc Ðỗ.Ông Nghiêm Xuân Hồng, từ năm 1954 sau Hiệp Ðịnh Geneve chia đôi đất nước, thuộc nhóm nhà văn thế hệ thứ nhất tại miền Nam Việt Nam, khai mở một nền văn học dưới vĩ tuyến 17, gọi là nền Văn Học Tự Do, hay Văn Học Quốc Gia. Những người trong thế hệ này, cầm bút sáng tác từ miền Bắc, nhưng chỉ khi di cư vào Nam mới tích cực hoạt động trong lãnh vực báo chí, văn học. Ngoài nhóm Quan Ðiểm ra, có thể kể Mặc Thu, Hiếu Chân, Nguyễn Hoạt, Phạm Tăng, Ðỗ Thúc Vịnh qui tụ trên tờ nhật báo Tự Do (không kể những người đi trước một chút, cũng qui tụ trên tờ này, như Tam Lang, Ðinh Hùng). Ðó là chỉ nói về những nhà văn có lập trường chính trị được thể hiện rõ ràng qua tác phẩm lúc ấy.

Nghiêm Xuân Hồng sinh năm 1920 tại Hà Ðông, lúc thiếu thời học trường tư thục Minh Tiến tại thị trấn Phủ Lý, khi lên Hà Nội mới học Ðệ Lục đã đi thi Thành Chung, và thi đậu. Ðậu rồi, ông lại nhảy lớp để đi thi Tú Tài, và lại đậu nữa. Ông ghi tên học Luật, trở thành luật sư, tham gia hoạt động chính trị, đảng phái, trong đó có Ðảng Duy Dân của Lý Ðông A. Khi Tướng Nguyễn Khánh đảo chính năm 1965, Nghiêm Xuân Hồng trở thành bộ trưởng Phủ Thủ Tướng.

Tác phẩm đầu tiên của ông do Quan Ðiểm xuất bản năm 1957 tại Sài Gòn là Ði Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng, dầy 216 trang, có tiêu đề: “Nhận thức luận.” Cuốn này được tái bản ít ra là ba lần, trong hai năm 1964, 1967. Nghiêm Xuân Hồng thường tìm cho tác phẩm của mình một tiêu đề, như cuốn Người Viễn Khách Thứ 10, in năm 1963, thay vì kịch, ông đề: “Ba hồi hoang ngôn.” Năm 1966, ông in cuốn Xây Dựng Nhân Sinh Quan. Cùng những cuốn khác nữa như Luyến Ái Quan (Quan Ðiểm 1961), hai cuốn Biện Chứng Giải Thoát (theo tư tưởng Ấn Ðộ, in 1966) hay theo Triết Lý Trung Hoa (in năm 1967). Qua những cuốn sách như thế, người đọc thấy tác giả Nghiêm Xuân Hồng suốt đời đi tìm một ý nghĩa cho cuộc sống, không những cho mình, mà cho thế hệ ông, và sau ông. Có thể nói, ông như một lý thuyết gia nỗ lực tạo dựng một ý thức hệ chống lại ý thức hệ mác xít mà ông từ khước, bằng ngòi bút cũng như bằng sự tham gia hoạt động chính trị. Ðó hẳn là nguyên do ông viết các cuốn Cách Mạng và Hành Ðộng, Diễn Tiến của Phong Trào Quốc Gia Việt Nam.

Trong những năm cuối đời tại hải ngoại, Nghiêm Xuân Hồng dành hầu hết thì giờ vào việc đọc kinh Phật, và giảng kinh Phật tại các chùa tại miền Nam California. Ông thường tán tụng Kinh Hoa Nghiêm, hay nói về bộ kinh này. Pháp danh của ông là Tịnh Liên (bông sen âm thầm). Ngay khi đặt chân lên trại tị nạn cộng sản ở Hoa Kỳ, ông đã viết những bài đầu tiên về đạo Phật, một trong những bài đó có nhan đề “Tìm bóng Phật trên đất khách,” đăng trong tạp chí Ðuốc Tuệ số 1, xuất bản vào tháng 5, 1976.

Trong thời gian ở trại chuyển tiếp Indiantown Gap, thuộc tiểu bang Pennsylvania, tháng 7 năm 1975, Nghiêm Xuân Hồng, Thanh Nam, Viên Linh mỗi buổi sáng đi từ lều này qua lều khác để tìm nhau. Cả ba, dưới trời sương buổi sáng khá lạnh, tuy là vào mùa Xuân đất khách, vẫn đi dạo trên những đồi cỏ, và thường thường hỏi nhau: “Bây giờ ta đi đâu?” Hỏi thì hỏi thế thôi, chứ khi ra khỏi căn trại gỗ, người nào cũng nghĩ: đi uống cà phê đi! Ông từng cho người viết bài này biết là sau một vụ hỏa hoạn, nhận thức của ông về cuộc đời đã thay đổi hoàn toàn.

Khi nói, họ Nghiêm không hùng biện, dù là một luật sư tốt nghiệp ở Hà Nội từ trước 1954, mà cách nói như một triết gia - người viết nghĩ thế - vì nghe ông nói, người nghe phải chú tâm lắm lắm mà chỉ hiểu mơ màng. Vả chăng, khuôn mặt ông lúc ấy như có một đám mây mờ bay qua, hay như một mảng khói xám tỏa xuống. Nên người nghe chỉ biết ghi nhận, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, vì nghĩ rằng hỏi lại, hay gặng hỏi, là điều không nên, và không thể được. Người nghe cố bắt lấy tâm điểm của lời kể, hình ảnh của chuyện kể, và tự mình hiểu được đến đâu thì hiểu. Chẳng hạn, hình ảnh là một chiếc giầy phụ nữ, và chiếc giầy đó là của vợ ông. Chiếc giầy nằm giữa lối đi. Và ông mới mở đầu câu chuyện: một vụ hỏa hoạn. “sau một vụ hỏa hoạn,” nhận thức của ông về cuộc đời thay đổi hoàn toàn. Người nghe không dám hỏi thêm. Nhưng hẳn nhiên, vụ hỏa hoạn làm cho nhận thức một đời người thay đổi, thì vụ hỏa hoạn ấy là một thảm kịch. Có một điều gì đó, nối kết đến đâu, người viết cũng không thể hiểu. Chỉ biết thế.

Một vụ hỏa hoạn, Nghiêm Xuân Hồng nhớ lại, sau một quãng và nhớ ra trên lối đi có thấy một chiếc giầy mà không kịp nghĩ gì. Sau mới biết chiếc giầy ấy của vợ ông... Ông kể với tôi chuyện này tại trụ sở Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đường Bolsa, phía sau phòng mạch của Nha Sĩ Phạm Ðình Tuân, vào khoảng vài năm trước khi ông ra đi. Trong một bài thơ, ông cũng nói về sự xa khuất của bà vợ, nhưng câu thơ có thể làm những người đọc trẻ tuổi hiểu lầm. Bà mất trước, để ông lại trong cuộc đời buồn bã (ông hay dùng mấy chữ buồn bã trong các bài viết); và người đi trước bị coi là phản bội, vì vội tìm về cõi thần tiên cực lạc một mình:
“Hắn thở dài, kéo cao tấm chăn, làm di động ánh trăng vàng vọt. Ðưa mắt nhìn quanh căn phòng trần trụi: Có lẽ gia-tư của hắn chỉ còn có vậy! Lũ con cái thì nhớn cả rồi. Chúng như lũ chim lạ hoắc muốn bay xa, trong khoảng trời gió ngật. Chẳng muốn ngoái cổ nhìn lại những đám bụi hồng đằng sau... Vợ thì cũng vậy, đã phản bội bỏ ra đi trước mất hút. Chiều chiều, không còn nghe thấy tiếng guốc lóc cóc trước ngõ...” (Nghiêm Xuân Hồng, Ðộc Ðăng Ðài số 2)

Những dòng sau đây, viết từ năm 1975, 1976, cho thấy rõ một Nghiêm Xuân Hồng thay đổi nhận thức như thế nào từ khi rời bỏ quê hương:

“Hồi mới lớn, đi học, tôi hay vào trường Bác-Cổ Hà Nội đọc mấy cuốn sách của người Pháp viết về Ðạo Phật, tuy tôi chẳng hiểu được mấy. Tôi cũng hay đi bộ lang bang thăm mấy cảnh chùa ở vùng Bắc-Ninh, Yên Tử... Sau đó, căn duyên hơi đứt đoạn, tôi mải mê chạy theo cuộc đời... Tới năm bốn mươi tuổi, tôi ngồi mấy năm đọc lại sách Phật, nhận thấy nhãn quan của mình nhìn đạo đã đổi khác... Rồi tôi lại bỏ bẵng đi mất bảy, tám năm... Ðến ba, bốn năm gần đây, tôi trở lại nghiền ngẫm kinh sách, và lần này, tôi có cảm tưởng hình như không dứt được nữa... Ngồi ngẫm lại, thấy các cuốn Kinh có điểm thật lạ lùng là Kinh như hạt châu quý, mỗi người đọc tùy theo căn duyên của mình lại nhìn thấy một mầu khác nhau, mỗi tuổi đọc lại một khác. Mới đọc, khi căn duyên chưa nở và nghiệp chướng còn đầy ắp, thấy mình như đập đầu vào vách, nhưng đọc lâu thấy trong Kinh có một thế giới trang nghiêm và huyền diệu lạ thường, hình như không phải thế giới người mà vẫn bao gồm cõi nhân thế...

“Hồi di cư, tôi có để lại Sài-Gòn mấy giá Kinh và nhiều hình Phật treo la liệt trên tường. Tôi không mang đi, một phần vì quá vội, nhưng cũng có một phần ẩn ý muốn cho những người Việt-Cộng nhìn thấy những bức hình đó. Tuy mang nặng nghiệp sát và nghiệp quyền-lực, nhưng họ nhìn những hình đó, tôi nghĩ họ cũng tiêu được một chút nghiệp chướng. Dù họ có mang xé đi, thì họ cũng gây một nghiệp nghịch với Phật, và những kẻ gây nghiệp nghịch, trong cuộc hành trình mênh mang của các kiếp, cũng sẽ trở về con đường Phật chỉ... Cuộc di cư của gia đình tôi, đến nay tôi vẫn nghĩ rằng có sự độ trì của Ðức Quán Thế Âm, tuy cho rằng mình không đáng gì hết. Vì cuộc ra đi thật nhẹ nhàng và chẳng do manh mối nào cả... Sang đến đất này, thì thấy thành phố ồn ào nhưng như vắng hoe... Không hẳn vì hàng rào ngôn ngữ, nhưng lẽ chính vì tôi nhận thấy đất này có vẻ vắng bóng thần-linh...” (NXH, Tìm bóng Phật trên Ðất Khách, Ðuốc Tuệ, 5.1976)

Theo một người con trai của nhà văn, thì thân phụ ông biết trước thời gian mình lìa đời, ông nói với người con: “Tao thấy yếu rồi, có thể đi trong tháng 5 hay trễ là tháng 6.” Chiều Thứ Bảy ngày 6 tháng 5, 2000, được chở vào bệnh viện cấp cứu, nhưng chỉ một giờ sau ông đòi về. Vẫn theo ông Nghiêm Xuân Quan kể thì trên xe, trên đường về, thân phụ ông nói: “Bầu trời đổi sắc rồi.” Nửa ngày sau, tác giả Nguyên Tử, Hiện Sinh và Hư Vô ra đi.

VIÊN LINH
@nguoi-viet