Tuesday, May 31, 2011

CCRĐ


Cải cách ruộng đất

Trích “Những câu chuyện về một thời”, xuất bản năm 2009, tập 3.

Ở những nước tư bản, có những chủ nhân, những xí nghiệp, những nhà máy, có giới chủ với người thợ, thì cuộc đấu tranh giữa thợ thuyền và chủ nhân là nhằm đánh đổ giới chủ, để có một lớp người vô sản, để biến xã hội tư bản thành xã hội vô sản.

Ở những nước mà nguồn kinh tế chính là ruộng đất, thì nơi đó giới thống trị là người có nhiều ruộng đất, là những địa chủ, và giới vô sản là những bần cố nông không ruộng đất. Cuộc đấu tranh của vô sản ở đây là nông dân nghèo vùng lên đòi lấy ruộng đất từ các địa chủ, để giới vô sản sẽ làm chủ nhân ông. Đó là tư tưởng chỉ đạo việc Cải cách Ruộng đất. Cuộc Cải cách Ruộng đất ở các nước nông nghiệp là phương tiện chính để vô sản hoá xã hội.
Ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản nắm chính quyền vào năm 1949. Liền sau đó là cuộc Cải cách Ruộng đất long trời lở đất làm biến đổi hẳn bộ mặt Trung Quốc, một nước vô sản vĩ đại sau Liên Xô. Liên Xô là thành trì của thế giới, đối với VN là anh cả, mà anh hai là Trung Quốc.

1- Cho nên sau cuộc Cải cách Ruộng đất ở Trung Quốc, người Cộng sản Việt Nam cũng lăm le theo gót. Phải nói: Cộng sản Trung Quốc đến sau Cộng sản Việt Nam trong việc cướp chính quyền, song Cộng sản Việt Nam từ đây mọi cái nhất nhất phải theo Cộng sản Trung Quốc. Có nhiều lý do: Hầu hết các lãnh tụ Cộng sản Việt Nam đều phát xuất từ Trung Quốc, hoặc chịu ảnh hưởng Trung Quốc hơn là Liên Xô. Một là vì Việt Nam ở sát Trung Quốc, việc giao lưu dễ dàng. Hai là tuy cách mạng Việt Nam giành được độc lập trước Trung Quốc, song nhờ Trung Quốc mà giữ vững được vị trí, đặc biệt là nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5-1954, trong đó Việt Nam nếu không nhờ Trung Quốc tất cả thì cũng là phần lớn.

2- Cộng sản Trung Quốc một khi nắm chính quyền là nắm toàn bộ, còn ở Việt Nam, nền độc lập chỉ có trên nguyên tắc, Cộng sản còn phải đánh nhau với Pháp nên chưa dám lộ diện hoàn toàn. Chỉ mới là Đảng Lao Động, nhà nước dân chủ cộng hoà.

3- Cuộc Cải cách Ruộng đất nó dữ dội quá, giết nhiều người quá, đã làm hoen ố bộ mặt Cộng sản vốn luôn tuyên bố vì nước vì dân, vì độc lập, với bao là chính nghĩa xuông, nên Cộng sản Việt Nam có làm Cải cách Ruộng đất cũng là một cách miễn cưỡng, chẳng đặng đừng, và một cách dè dặt, chứ không cực đoan, triệt để như Trung Quốc. Cho nên họ phải đưa ra ông Trường Chinh (Đặng Xuân Khu, người Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định). Tuy là Tổng bí thư Đảng, là lý thuyết gia của Đảng, nhưng ít người biết đến tên tuổi ông, đến mặt mũi ông. Ông được trao cho nhiệm vụ thừa hành kế hoạch Cải cách Ruộng đất, còn ông Hồ Chí Minh “giả cách đứng ngoài. Kế hoạch đó cũng đạt mục đích phần nào, vì sau này tai tiếng đều trút trên đầu ông Trường Chinh, mà “Bác Hồ” vốn “nhân từ” chỉ bị liên hệ chút ít. Nhưng làm sao mà che mắt được dư luận nhân dân. Ông Hồ là lãnh tụ tối cao, ông Trường Chinh chỉ là tay chân, làm sao công việc long trời lở đất đó lại qua mắt được lãnh tụ tối cao! Sau này mới có chính sách lãnh đạo tập thể, chứ lúc đó mọi cái chỉ do mấy ông chóp bu định đoạt. Dù cá nhân, dù tập thể, thì ai là lãnh tụ phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên mặt ông Trường Chinh không bao giờ được rửa sạch. Mặc dù sau này ông làm Chủ tịch Quốc hội, ông cũng không bao giờ vươn lên khuôn mặt kính mến trước nhân dân.

4- Do chính sách “chiếu cố miền Nam, Cộng sản Việt Nam ở miền Bắc chưa dám lộ ra bộ mặt quá cứng rắn, quá tàn ác đi tới mọi rợ.
Dù sao, cuộc Cải cách Ruộng đất đã được thực hiện. Sách “Biên niên sử Việt Nam” không đề cập gì đến Luật cải cách được ban bố ngày nào, thi hành ngày nào, mà chỉ nói “Tháng 7 năm 1956: Hoàn thành Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc. Ruộng đất đã về tay nông dân, 10 triệu nông dân lao động đã làm chủ ruộng đất, làm chủ nông thôn.

Nói “Hoàn thành Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc”, vì thực ra đã có cuộc cải cách ở miền Trung, trong các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, giữa lúc quân đội Pháp và Việt Minh đang gay gắt đánh nhau ở miền Bắc, năm 1951-1952. Không những giật lấy ruộng đất ở tay địa chủ, cuộc cải cách ở miền Trung còn dập tắt mọi mầm mống có thể nổi lên từ phía quốc gia, để khỏi đi với Pháp chống lại Việt Minh (Cộng sản). Ở miền Bắc nghe thấy nói tới Cải cách Ruộng đất ở Khu Tư là rợn người, đến khiếp sợ cả người Khu Tư nữa.
Nói “hoàn thành” là hoàn thành thế nào? Đó là 10 triệu nông dân nghèo không ruộng đất, nay có ruộng cầy. Cái kết quả đẹp đẽ quá! Nhưng để tới kết quả đó, đã phải có những phương tiện nào?

Người Cộng sản Việt Nam học được kinh nghiệm của các anh Liên Xô, Trung Quốc, nên công cuộc được tổ chức rất chu đáo cặn kẽ, từ lúc phát động đến hoàn thành. Tuy nhiên, người Việt Nam vốn có lòng từ tâm, nên những cách tàn bạo quá đỗi ở Liên Xô hay Trung Quốc, không được bắt chước đầy đủ.
Đầu hết là cái khẩu hiệu “Người cầy có ruộng” quá hợp tình hợp lý đi thôi. Cho được thế, phải lấy ruộng đất ở tay những người có nhiều quá mà san sẻ cho những người không có tí nào! Đó cũng là lẽ công bằng. Nhưng làm sao để vui lòng san sẻ ? Giáo Hội có luật công bằng, xã hội dựa trên bác ái. Cộng sản có phương châm đấu tranh dựa trên căm thù. Làm thế nào để khơi dậy căm thù, hay nói chung, để thành cán bộ cải cách, Đội cải cách?

Nhiều trường được xây dựng để đào tạo Đội cải cách. Tôi biết một trường như thế ở Phủ Lý. Tôi đã có dịp vào đó. Nghỉ ở đó trong một buổi họp nọ. Trường gồm độ vài chục căn nhà, mái tranh vách đất, có vẻ tạm thời, nằm ở phía đông nhà thờ Phủ Lý. Thị xã lúc này đã bị phá huỷ theo sách lược “tiêu thổ kháng chiến” hồi năm 1946-1947: không còn một ngôi nhà, chỉ trừ nhà thờ.

Người ta dạy gì trong trường? Tôi không rõ, tất cả là bí mật. Khi thấy công việc Đội cải cách làm, thì biết họ học gì, được huấn luyện thế nào! Học xong họ được phân đi các xã, các thôn, cũng hầu như bí mật. Người tỉnh này được phái đi các tỉnh khác để không ai biết họ, cũng như họ không biết ai trong địa phương, để hoàn toàn tránh những liên lạc, hoặc cư xử riêng tư hay nể nang gì đó.
Mỗi xã được phân phối dăm bẩy đội viên hoặc hơn kém tùy theo xã quan trọng thế nào. Đội về đâu ở đâu không ai biết. Họ sống theo chế độ “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Nghĩa là họ đến một nhà nào đó, thường là một bần cố nông. Người này ở một cái lều, đồng chí Đội cũng chui rúc vào lều đó; nhà đó ăn cháo, ăn cơm độn thì Đội cũng ăn cháo, ăn cơm độn như họ; bần cố nông đó đi cầy, đi cuốc thuê, thì Đội cũng cùng làm y hệt. Người Đội cải cách bắt rễ ở nhà nào, thì sống trong những điều kiện của nhà đó, không có chi khác biệt. Bởi đó người ta cũng không để ý tới, đã mấy ai nghe nói đến Cải cách, đến Đội cải cách mà theo dõi! Còn người được Đội đến nhà, có thể lấy đó làm vinh dự, đàng khác Đội lại khéo léo, chấp nhận ăn chung, sống chung với nhau như thế, khách chủ cùng cánh, dễ thông cảm và thân mật.

Do cách sống gần gũi thân mật với nhau, nhìn nhau mỗi ngày 24/24 tiếng, người Đội khéo léo tỉ tê, khai thác được mọi chuyện của người bà con nông dân chất phác và dốt nát đó: Bác nông dân đó kể lể về cảnh sống khổ sở của mình làm sao? Lam lũ làm thân trâu ngựa thế nào? Bị hành hạ làm sao? Bị áp bức và bị bóc lột đến thế nào? Các anh địa chủ, các tên cường hào kia ăn ở làm sao? Bóc lột áp bức thế nào? Thế là lửa căm thù được nhóm lên giữa những giai cấp khác nhau, để một ngày kia sẽ bùng lên.
Sau khi mối hận thù giữa các giai cấp chín muồi, thì phong trào Cải cách được phát động rầm rộ. Quả nhiên, những ngày hội của nông dân bắt đầu. Từng đoàn thiếu nhi đeo trống ếch đi khắp ngõ ngách xóm làng, tiếng tùng tùng tùng tùng bắt nhịp với những tiếng hô đả đảo, đả đảo địa chủ… đả đảo cường hào… tiêu diệt ác ôn! Một tên xướng lên, cả đoàn lập lại hai lần. Bầu sát khí nổi lên bừng bừng. Bừng bừng một cách giả tạo, miễn cưỡng, chứ từ xưa tới nay dân làng vẫn sống cảnh thanh bình đầm ấm; nhất là vào ngày tết, ngày lễ, ngày hội, anh em bà con có đi làm ăn xa đến đâu, cũng nhớ đến nơi chôn rau cắt rốn trở về đoàn tụ gia đình. Cái luỹ tre xanh bao quanh làng biểu tượng một đời sống tĩnh mịch, êm ấm.

Tuy trong thời gian chiến tranh, bom đạn có khuấy động đời sống dân làng. Nhưng đã qua đi cái thời chiến tranh loạn lạc… Nay khắp nơi ngày đêm ra rả những tiếng ca ngợi hoà bình: hoà bình trong nước, hoà bình trên thế giới. Xem ra chủ nghĩa xã hội độc quyền cả hoà bình, còn chiến tranh là của tư bản. Các hạng người vong bản, họ nhập cảng một chủ nghĩa ngoại lai ở đâu ấy, hô hào xây dựng nên cảnh bồng lai…. Vậy mà ngược với cảnh hoà bình êm đềm, họ đưa xóm làng vào một cuộc cách mạng long trời lở đất, Việt Nam chưa hề thấy bao giờ!

Chiều chiều sau việc đồng áng, khi bà con về cầu ao rửa chân tay, cầy cuốc, chuẩn bị cơm tối, tiếng trống ếch đã rộn rã trên các đường ngõ trong làng, tiếng hô loa nổi lên mời bà con đi họp, họ chờ đầy đủ không thiếu một ai. Đi họp đầy đủ, chứ ai mà dám ở nhà. Có thể đầu làng một đám lửa bốc lên ở một đống rơm, một chuồng lợn. Người ta cố ý đốt và đổ cho bọn địch không chịu đi họp đã gây nên. Chỗ khác, những viên đá, viên gạch ném ra đường ngăn cản đội hoặc bà con đi họp, là do bọn địch không chịu đi họp gây nên!?!

Vào phòng họp, đội dõng dạc tuyên bố: “Bà con nông dân đề cao cảnh giác, vì địch nó ngồi ở đằng sau ta…”. Người ngồi sau run sợ! Một lúc nữa, đội lại nói: “Bà con cảnh giác, địch nó ngồi ngay trước mặt ta”. Ngồi trước ngồi sau đều là địch cả. Không còn biết chọn chỗ nào nên ngồi! Sợ sệt và sợ sệt…!

Ai nấy ngồi yên chỗ, bắt đầu cuộc “đấu tố”. Tố cáo tội ác giai cấp bóc lột, đấu tranh đánh đổ giai cấp bóc lột đó. Mọi người bắt đầu cuộc kể khổ, để tố cáo tội ác của bọn địa chủ cường hào ác bá. Những tội ác được bịa đặt ra nhiều hơn và nặng nề hơn sự thật.
Tôi vay hắn ta mấy bát gạo, hắn ta bắt tôi viết văn tự thế bằng một sào ruộng. Tôi không có gì trả, thế là hắn ăn không sào ruộng của tôi. Và cứ mấy lần vay như vậy, rồi không có gì trả, thế là chẳng còn một mẩu đất để cắm dùi…”; “Tôi cấy tô cho nó, chẳng may trời để mất mùa, vì bão lụt, nó cứ thu tô như chẳng có tai hoạ gì xẩy ra. Chẳng có gì mà nộp, nó cho người đến tháo bộ cửa, dỡ mấy gian nhà tôi….”; “Tôi nghèo khổ, đi làm thuê cho nhà nó, ăn đói, ăn khát, nó còn đánh đập, tiền công không trả, nhà nó tìm cách đuổi tôi đi để quỵt công….

Và nhiều thứ tội khác, chung quy là tội tàn bạo, bóc lột, đổ trên những người bị quy là địa chủ, hay ác ôn, cường hào. Có thể là tội cá biệt nhưng nay là tội chung. Ai là đối tượng thì được khoác cho những tội đó. Người nông dân thật thà chất phác, mấy ai nghĩ ra được cách tố cáo. Tất cả đã được dạy bảo, được đội “mớm” cho trước.

Thế rồi đấu! Đấu tranh với địa chủ, thì phải có khí thế, chưa quen thì phải tập. Chưa có ai xuất hiện để mà đấu, thì có thể dùng cái cột nhà thay thế. Bà con và nhất là các phụ nữ giơ tay xỉa xói vào cái cột nhà mà rằng: “Mày đã cướp của tao, mày đã đốt nhà tao, mày đã đánh đập tao thật tàn bạo. Tao khó nhọc làm giầu cho mày, mà mày cho tao ăn đói ăn khát…. Tất cả phải được nhuần nhuyễn, từ cử chỉ đến lời nói, để khi gặp “người thật” thì không ngượng ngùng ái ngại.

Đến nỗi có một phụ nữ đứng tuổi, rất thương người cha già chị săn sóc hằng ngày, vậy mà chị phải nói với bố: “Ông có biết tôi là ai không?” Người cha ngậm ngùi ngước nhìn đứa con dứt ruột của mình và nói: “Thưa bà, con là người đẻ ra bà ạ”. Lời thưa não nùng thảm thương, nhưng phải hỏi cái sức ma quỉ nào đã thúc đẩy người con chất vấn người bố như thế? Cứ đó mà luận ra những kẻ khởi xướng!

Một bầu khí sợ hãi lan tràn khắp nơi. Không hiểu tự đâu, Đội cải cách có cái tài làm cho mọi người sợ thế. Tôi cho là có ma quỉ đứng đằng sau để giật dây. Không ai dám đến nhà ai, không ai dám gặp nhau, nói chuyện với nhau. Gặp gỡ hay chuyện trò có thể một lúc nào đó bị coi là âm mưu tìm cách phá hoại Cải cách. Tội gì, chứ bị cáo là phá hoại thì chỉ có mà chết! “Nhất Đội, nhì Trời” cơ mà! Để tăng thêm nỗi sợ hãi, chỗ này hay chỗ kia một đống rơm, một chuồng lợn được đốt lên, và phao tin kẻ địch phá hoại, không chịu đi họp đã gây ra. Như thế, ai còn dám ở nhà nữa? Chỗ khác tung tin: bọn phá hoại nấp trong nhà, chờ Đội đi qua là ném gạch, ném đá. Ai nấy đi họp cho nhanh, kẻo ở nhà dễ “bị phát hiện” là kẻ địch.

Vào buồng họp, Đội nghiêm nghị tuyên bố: “Kẻ địch nó ngồi ngay trước mắt ta”. Những người ngồi trước giật mình! Lúc sau đội lại nói: “Kẻ địch nó ngồi đàng sau chúng ta”. Người ngồi sau thất đảm! Ngồi đâu cũng sợ hãi, không yên. Thế rồi ai cũng phải phát biểu, không có truyện thì bịa truyện, nói dối, vu cáo. Ăn không nói có… là đường lối chính sách. Đội dùng những phương pháp khủng bố tinh thần từ Liên Xô, nhất là từ Trung Quốc. Văn hoá, não trạng của Tàu với ta khá đồng dạng, nên ta học rất nhiều của Tàu, được coi như bậc thày.

Tôi còn nhớ, trong một buổi họp ở bên Tàu, một người tố cáo người kia, được gán cho là địa chủ, như thế này: “Nó đổ cho tôi ăn trộm cái trứng gà của nhà nó. Nó lý luận: cái trứng đó đem ấp, nở ra một con gà, con gà đó lại đẻ ra hàng chục trứng. Từ hàng chục trứng này, lại nở ra một đàn gà. Đàn gà tăng lên, ít lâu thành trăm con, bán đi làm gì mà không mua được đôi lợn, rồi lợn tăng cân, bán đi làm gì lại không tậu được đôi bò, rồi cứ thế dùng tiền bán đi mà xây nhà, tậu ruộng. Ấy tội ăn cắp nó đổ cho tôi, gây thiệt hại to lớn đến thế. Ông bà nông dân nghĩ thế nào? Toàn thể hội nghị đã được học tập đồng thanh hô: “Tịch thu tài sản của nó, còn nó có đáng chết hay không, là phán quyết của Toà án nhân dân”.

Cũng một chuyện khác xảy ra bên Trung Quốc thời Cải cách mà Việt Nam bắt chước. Ở một thành phố trước kia có nhà “tiểu nhi”, tức trại mồ côi do các bà phước đảm trách, các trẻ đưa đến nhà tiểu nhi thường là các hài nhi hoặc là trẻ em bị bỏ rơi. Các bà nhặt được hoặc có ai đưa tới các bà đón nhận, rửa tội cho chúng. Thường là không nuôi được, các bà lo chôn cất hài nhi đó. Có rất nhiều.
Đội cải cách bắt các bà khai quật các mồ, hài cốt chất đầy từng thúng, cho lên xe ô-tô, các bà đi theo sau để họ bêu riếu tội ác họ gán cho các bà. Các bà đứng trên xe, với những hài cốt, xe đi qua các phố, tiếng loa quát: “Đây là những kẻ giết người, chúng đã giết từng ngàn từng vạn hài nhi”. Dĩ nhiên là các bà đứng yên đó không lời thanh minh, chỉ có những kẻ hai bên đường phố lên tiếng phỉ báng: “Bọn giết người!

Toà án Nhân dân và những án tử hình
 
Đội huấn luyện, chỉ bảo, thúc đẩy nhân dân. Đội bảo án tội thế nào, nhân dân cứ thế mà nói, thường là do quá sợ hãi! Có làm theo chỉ là “bị” phát động, do quá sợ hãi. Mọi việc đều do “nhân dân” hình thức thi hành. Đặc biệt có Toà án nhân dân, hằng ngày nhóm họp để xét xử hoặc lên án những “tội phạm đã bị đấu tố.

Toà án nhân dân thành phần là các bần cố nông, một chữ không biết mà đứng làm quan toà, làm thẩm phán. Tôi biết một bà thẩm phán ở xứ Phú Ốc, khi tôi lên làm lễ thường ra chào bà. Nhà bà ở gần đường vào nhà thờ, toà án có khi họp phiên ngay nhà bà, chật chội phải chen chúc. Bà trạc gần 70, có cô con gái tiến bộ, lấy ông chủ tịch thôn ngoại giáo. Bà thật hiền lành, đạo đức, chữ nghĩa không biết, không biết ăn nói nữa. Tôi gặp bà, bà lễ phép chào tôi và chỉ cười. Đúng là bà lão nhà quê, thế mà nắm quyền sinh sát trong tay. Cũng may là làng Phú Ốc chỉ có ba bốn người Công giáo bị quy lên địa chủ: Ông lang Thản, ông Chuân ngày xưa đi lính cho Pháp, ông Cố Nhụ (có hai linh mục Trinh và Thiện đi Nam), ông Kiều công nhân nhà máy dệt…

Có người làm việc cho nhà nước, cha mẹ anh em cũng vẫn bị quy tội như thường. Ông Chuân có con làm cán bộ, em làm hiệu trưởng trường lục quân; những người này hình như sợ liên quan, không dám thăm hỏi, xưng anh chị em gì cả. Phần đám trẻ, gặp ông ở đường làng, chạy đến giật râu ông và bảo: “Chào ông bà nông dân đi”. Ông Chuân phải khoanh tay chào lũ trẻ: “Con chào ông bà nông dân ạ”. Các địa chủ khi gặp bất cứ người già hay trẻ, phải xưng hô là “con”, và thưa chào “ông hay bà nông dân”.

Như vậy là uy thế của địa chủ đã bị hạ trong hội nghị, trong quần chúng. Cả từ “địa chủ” cũng do tuyên truyền mà trở nên cái gì ác quái, ghê gớm, xấu xa trong đầu óc quần chúng. Phải công nhận cái tài nhồi sọ của Cộng sản!
Cùng bị hại với những người bị quy là địa chủ, còn có những người phải mang danh từ tội ác nặng nề hơn, đó là “bọn ác ôn, bọn cường hào ác bá. Những người này là ai? Thường là những người làm việc dưới các chế độ khác như thời Pháp cai trị, hoặc thời quốc gia. Họ làm quan, làm viên chức, như Chánh phó tổng, Chánh phó hương hội, Lý trưởng, Thơ ký, Thủ quỹ của hương hội. Thậm chí cả những người nào có uy tín trong quần chúng, những người nào có vẻ đạo mạo….

Quy thành địa chủ, thì phải theo tiêu chuẩn nào đó, như người đó có một số mẫu ruộng, hoặc nhà ngói gốc mít, ao cả ruộng liền, rồi thuê người làm hơn là làm lấy, có thế mới dễ dàng quy vào hạng bóc lột. Như vậy, việc quy lên địa chủ ở nông thôn Việt Nam bị giới hạn nhiều, vì ít làng có nhiều người ruộng liền ao cả. Ở Việt Nam, người có vài ba mẫu ruộng cũng bị coi là địa chủ; trong khi ở các nước khác, địa chủ là người có hàng trăm, nghìn mẫu ruộng.

Nhưng những người có uy tín, có thế lực, thậm chí được kính nể, thì tương đối nhiều hơn là con số địa chủ. Ngoài ra, ở xã hội ta, một xã hội có thể coi là phong kiến, những người làm việc hương lý có những hành vi tàn bạo, bất công, ức hiếp, hà lạm… con số không phải là nhỏ. Vả lại dân ta hiền lành, nên đôi nơi có người chẳng giữ chức vụ gì, nhưng vẫn có thể xưng hùng xưng bá, bắt nạt người khác với những hành vi tàn bạo, đốt nhà cướp của, cả làng khiếp sợ, không ai dám nho nhoe. Tất cả những người có uy tín, hương chức có hành vi tàn ác, hoặc những kẻ chỉ làm việc cho chế độ cũ (viên chức, lính tráng) như thế đều bị quy là cường hào ác bá, ác ôn, và những nhân vật loại này còn nặng tội hơn là địa chủ, và đáng bị tiêu diệt hơn.

Thế còn những viên chức trong đạo thì sao? Cải cách Ruộng đất làm ra vẻ rất tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhà thờ nhà xứ được bảo đảm. Nhưng ngoài ra đều phải theo luật CCRĐ. Chẳng hạn nhà xứ nào có nhiều ruộng đất, cha xứ cũng bị đấu tố, xỉ vả như các người khác.

Tôi chỉ thấy có cha Thính ở Vĩnh Đà không bị đấu tố, vì ngài không dính dáng đến ruộng nương, không ăn nhờ vào ai. Ngài còn tuyên bố: “Mỗi ngày tôi chỉ vài chiếc bánh đa và nước lã là đủ”. Nhưng cha Thu, thư ký cho Đức Cha Tĩnh giáo phận Bùi Chu, thì bị đổ cho cái tội “khoan đê”. Ngài cho lời vu khống đó là quá trẻ con, ai lại dùng chiếc khoan gỗ của thợ mộc mà khoan cho vỡ đê được. Thấy quá lố bịch ngài nhận cho xong. Thế mà thành tội thật và bị đem ra xử bắn vì tội khoan đê. (Cũng có người bị khép tội khoan đê như thế, người đó phải cầm cái khoan của thợ mộc, khoan vào đê, cán bộ chụp hình, làm chứng cớ tội phạm).
Hình phạt dành cho địa chủ, cường hào gian ác v.v… do Toà án nhân dân lên án. Nói đúng ra là cán bộ cải cách, chứ bà thẩm phán tên là Thậm ở Phú Ốc nói một câu cũng không ra câu, thì lên án làm sao?

Án phạt trước hết là tịch thu nhà cửa ruộng đất. Người đó bị đuổi ra khỏi nhà, đi ở đâu thì đi. Họ dựng một cái lều ở đất hoang nào đó để độ thân, còn nhà cửa thì được chia cho ông bà nông dân, đặc biệt là bần cố nông loại nhất, nhà to thì chia cho hai ba người. Bên lương, họ không có 10 điều răn Chúa, họ dễ dàng đến ở. Trước đây ở các lều, các nhà lụp xụp, nay được mấy gian nhà ngói, làm gì mà không nhận. Nhưng bà con Công giáo thì khác, cũng có người ép tình nhận, đến ở ít lâu, sau có dịp trả lại. Có người không nhận, ít người vui vẻ nhận.
Khi hai ba người được một cái nhà, họ thường chia nhau, rỡ đi bán. Bán đi tiêu hết tiền, lại trở về cảnh sống nơi túp lều. Ông trùm Tứ, xứ Ba Trại, có căn nhà lá ba gian, được chia cho hai người, lập tức họ chia đôi mỗi người được gian rưỡi, họ lấy cưa, cưa đôi gian giữa. Không biết rỡ về làm được gì, họa chăng dựng được túp lều?

Chú tôi ở Kim Lâm, tuy hai ông bà đã chết hoặc đi Nam gì đó, có cô con gái lấy chồng cán bộ, anh Hân, thế mà cũng bị quy là địa chủ, nhà cửa bị tịch thu chia cho hai người Công giáo; hai người chỉ lẫm lờ nhận, nhưng không dám ở bao giờ. Em tôi vẫn giữ mãi cho đến ngày không ở thì dâng cho họ giáo để làm nhà phòng. Cảnh nhà cửa bị tịch thu nó tương tự như thế.
Còn ao vườn ruộng đất? Dĩ nhiên là được đem chia cho nông dân hết, theo nguyên tắc chung. Đất đai là công thổ, tất cả là của nhà nước. Do đó mà ao vườn đất đai nhà thờ, nhà xứ, cũng được đem ra chia hết.

Còn bản thân những thành phần có tội với nhân dân thì sao? Từ khi Cải cách được phát động, tối nào cũng họp bà con nông dân. Đội cải cách nhờ chính sách “ba cùng đã nắm bắt tình hình các hộ, đã chia ra từng thành phần: địa chủ, hay loại người tương tự, phú nông, trung nông, bần nông, cố nông. Chỉ có phú nông trở xuống mới được đi họp, và dĩ nhiên bần cố nông là nòng cốt, là lãnh đạo.

Ai mà không được đi họp thì lo ngay ngáy. Số phận từ đây đã được định đoạt: thành phần có tội, đáng bị loại trừ khỏi xã hội. Thành phần tuy đã được đội xác định, song để cho có vẻ “dân chủ” thì sẽ có các cuộc họp của nhân dân vạch mặt rồi định đoạt số phận.
Có hai vòng họp, vòng họp thứ nhất thành phần xấu không được tham dự. Trong vòng họp này, bà con nông dân vạch mặt bọn “địa chủ, cường hào gian ác. Ai cũng phải phát biểu, nói thật thì ít, bịa đặt vu khống thì nhiều, vừa nói vừa làm ra vẻ căm phẫn, vừa nói vừa xỉa xói.
Sau khi đã cho việc tố cáo là đủ, các cuộc họp chuyển sang vòng hai. Những người đã bị các cuộc hội họp tố, nay được triệu tập đến để các thành viên khác đấu. Những cuộc đấu tố này chẳng khác gì những phiên toà lên án tội nhân. Những người bị tố trong các buổi họp trước nay thành tội nhân mà nhân dân sẽ lên án.

Tội nhân bị tố nặng như có nợ máu với nhân dân, có thể bị trói tay, bắt quỳ hay ngồi trên đất ở giữa hội nghị. Những người đấu tố lần lượt kể tội. Phạm nhân bị cưỡng bức đó chỉ còn một việc cúi đầu nhận tội. Nếu tỏ dấu thanh minh, sẽ bị coi là ngoan cố, tội càng nặng hơn. Không ai được phép bào chữa. Chỉ tỏ vẻ thương cảm mà không tỏ vẻ phẫn uất, cũng rất nguy hiểm, có thể bị coi là liên quan và chịu vạ lây. Con cái cũng không được tỏ bầy cảm tình đối với cha mẹ, còn phải đấu tố cha mẹ là khác, để may ra được ra khỏi thành phần.

Không phải người bị đấu tố nào cũng phải xử bắn, họ bị phân loại. Trên hết là địa chủ gian ác, bóc lột, có nhiều ruộng, lại bị tố cáo có những hành vi bóc lột, đánh đập người ở. Ở bên Công giáo hạng này thì ít, vì phần lớn những người giầu có, nhiều ruộng nhiều thóc, như ở Sơn Miêng, ở xứ Tâng (An Phú), Kẻ Vác… họ hiểu thế nào là CS, nên đã cao bay xa chạy vào Nam từ năm 1954 rồi. Một số đồng bào bên lương, đặc biệt ở thành phố, cũng đã hiểu và cũng cao chạy xa bay.

Nhưng số lớn người bị bắn thường là những người bị quy cho là cường hào gian ác, ác bá ác ôn… Đây là những chức việc trong xã trong huyện, hoặc là những người đã tham gia những đảng phái khác như Quốc Dân Đảng, Đại Việt… Cả những người trong đảng Cộng sản bị nghi là tả khuynh, hữu khuynh, có tư tưởng theo đường lối xét lại, thậm chí những người trung thành với Đảng, có uy tín cá nhân, nhưng lại có vẻ không trung thành với lãnh tụ, nói cách khác, không ăn cánh với cấp trên. Tất cả đều bị coi là nguy hiểm và cần tiêu diệt ngay từ trứng nước.
Tôi biết có hai người bị tội bắn: ở Báo Đáp, một người giầu có, xưa đã đi lính cho Pháp. Một người khác ở quê tôi, làm Chánh tổng lâu năm. Số người bị bắn không mấy làng không có, có làng bị đến 2, 3 người, và con số ở miền Bắc lên tới hàng vạn, hàng vạn người.

Những người bị tử hình hầu hết là bị bắn, hoặc bị bắn ở cánh đồng, hoặc bị treo lên cành cây rồi bắn. Cuộc xử bắn diễn ra trước hàng vạn người, để có tính cách răn đe. “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ”. Và đúng là thế, sự sợ hãi lên tới cực điểm, tựa như có đám mây đen bao phủ toàn dân. Phải triệt để khai thác tình trạng sợ hãi này. “Không được để lọt một thằng nào”. Hiệu lệnh là thế! “Thà giết nhầm 10 thằng còn hơn để một thằng lọt”.

Các địa chủ trung bình thường bị giam. Một số lớn cũng bị giam cùng với họ là những người đã cộng tác với chế độ ngày trước trong hành chính, hoặc đã đi lính và đã có cấp bậc, những trí thức xem ra không thiện cảm với chế độ mới, những người đảm nhiệm công việc trong tôn giáo mà có uy tín như Chánh trương, Trùm trưởng, Quản giáo. Có cả những đảng viên Cộng sản, thành viên Uỷ ban Nhân dân bị nghi ngờ là không trung thành. Gần tôi như ban Hành giáo xứ Kẻ Báng (Xuân Bảng), nhất là Quản giáo bị bắt giam hầu hết. Xứ Tường Loan (Ba Trại) chưa được năm trăm nhân danh mà cũng mấy người bị bắt giam, trong đó có cả anh Trưởng ban hát và một thanh niên thường. Cũng ở xã đó, có anh Chủ tịch Uỷ ban xã mà tôi mới trình giấy tháng trước, thì tháng sau nghe nói đã bị bắt giam.
Trong thời gian bị giam, thường họ bị cưỡng ép làm giấy thú nhận đã có những hành vi phá hoại: như bỏ trứng sâu vào lúa, phá hoại đê điều, đầu độc người nọ người kia, và ai cũng phải làm giấy nhận tội hết. Thời gian bị giam thường là năm, bảy tháng. Có nhiều người bị ngược đãi quá, hoặc bị bệnh nặng thì được tha về, và chỉ ít lâu sau thì chết.

Các địa chủ không có tội gì, ngoài việc có máu mặt hơn trong làng xóm, hoặc được người ta kính trọng hơn, có uy tín hơn một chút, thì chỉ bị phân biệt đối xử. Không còn quyền công dân như là bầu cử, hội họp, không được làm chức vụ gì trong xã hội, cả trong tôn giáo. Nếu là người Công giáo, có đến nhà thờ cũng phải ngồi dưới, không được ngồi lên ghế trên. Con cái không được đi học, trừ đứa nào tiến bộ, cố gắng thoát ly ra khỏi giai cấp, bằng cách đứng với bần cố nông, hăng hái đấu tố giai cấp của bố mẹ, đi đến cả đấu tố cha mẹ, mới được hưởng quyền lợi đôi chút của xã hội. Nhưng không bao giờ tẩy xoá được cái danh hiệu “con địa chủ”, danh hiệu cha truyền con nối. Không được cả đến cái “vinh dự” đi bộ đội, vì còn bị nghi là không trung thành, bởi đã mang dòng máu đối nghịch truyền đời của giai cấp.

Có những cán bộ xuất thân từ giai cấp địa chủ, tư sản, từ đầu Cách mạng đã hoàn toàn thoát ly và đã có thể giữ chức nọ kia, có thể lên chức. Nhưng khi Cách mạng thành công, họ không được trọng dụng lắm, chẳng lên chức nào, mà còn bị thất sủng là khác. Những cán bộ như thế, trong thời gian hoạt động, nhất là trong thời gian Cải cách, không được, nói đúng ra, không dám có một liên hệ gì đến gia đình. Có thể nói cả đến tư tưởng cũng phải dứt khoát! Nếu không sẽ bị liệt vào hạng liên quan và bị đem ra xử lý. Không bị kết tội thì cũng bị hạ tầng công tác.
Tất cả những lãnh tụ, kể cả lãnh tụ vĩ đại nhất cũng đều xuất thân từ giai cấp địa chủ hoặc tư sản. Ông Hồ Chí Minh, ông Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), ba anh em ông Lê Đức Thọ lý thuyết gia của Đảng, ông Võ Nguyên Giáp, ông Phạm Văn Đồng… đều là con cái địa chủ, hoặc là tư sản. Các ông ấy là những người sáng lập, cha đẻ ra chủ nghĩa vô sản Việt Nam, nhưng các ông ấy đứng trên tất cả, thì ai làm gì được các ông! Các ông đặt ra cái thòng lọng, lại để cho cái thòng lọng thắt cổ mình làm sao?

Giả sử các ông ấy là nông dân thường, con nhà bần cố nông, thì làm gì có cơ hội mà ăn học. Đàng này, hầu hết các ông là học trò của trường Thành Trung (Carreau) Nam Định, trường Bưởi Hà Nội… Phải là địa chủ giầu có mới đủ tiền gửi con cái lên các trường đó, có ông còn được Thực dân Pháp cho đi ăn học.

Xét cho cùng, thì giới bần cố nông phải biết ơn giới địa chủ, tư sản, đã phát động phong trào cải cách để họ nâng lên vai trò lãnh đạo. Còn các nhà cải cách phát động phong trào, tô điểm mỹ miều cho cái danh từ “thoát ly” mà họ mắc vào, chứ thực ra họ là những người “phản giai cấp. Và công luận không bao giờ cho phép xoá đi cái danh hiệu con nhà “địa chủ, mà họ đã dầy công bắt người ta bôi nhọ bằng đủ cái xấu. Gậy ông lại đập lưng ông là thế.

Đọc hết toàn bài tại : Hưng Việt

GM.Phaolô Lê Đắc Trọng 
- GM Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội
(Chúng tôi có biên tập lại. Người sưu tập)
Theo Việt Luận
@hungviet