Sunday, May 29, 2011

trandongduc blog


Hãy biến Biển Đông
trở thành vấn đề biên cương của Trung Quốc

 Tổng hợp và bình luận Dựa vào các xu hướng phân tích chiến lược Trung Quốc thu thập trên các trên các website, hải quân luận đàm, hoàn cầu thời báo và thiết huyết của Trung Quốc.

Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành chính sách gây hấn ở Đông Nam Á. Hành động xâm nhập hải phận Việt Nam trong vùng đặc khu kinh tế 200 hải lý phá hoại kinh tế nên được coi là hành vi xâm lược mới thấy được sự nghiêm trọng để Việt Nam có chính sách đáp trả một cách thỏa đáng.

Chính ra đây là một trong những bước "ném đá hỏi đường" để thăm dò sức đề kháng của dân tộc Việt Nam tới đâu. Nếu sự phản kháng của Việt Nam không đủ mạnh thì đây sẽ là một nguy cơ an toàn khu vực mà Việt Nam sẽ bị thiệt thòi nhiều nhất. Ở vị trí người Việt Nam, không ai không khỏi chua xót khi đứng bên bờ biển Nha Trang cát trắng mà nghĩ tới ngoài khơi có một thế lực lang sói muốn làm chủ chân trời.

Sau nhiêu đòn phép phô trương thanh thế, Trung Quốc đã hiện rõ dã tâm biến Biển Đông thành "nội hải" với cơ sở đất đai vào những vùng đất trên hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa chiếm được trực tiếp từ tay Việt Nam. Trung Quốc đang từ nơi hư vị của vùng lưỡi bò chín đoạn đã được phác họa một cách vô căn cứ từ thời Trung Hoa Dân Quốc nay đã ngang ngược tuyên bố thành di sản của quốc gia thừa kế.

Gót chân Achilles

Thực tế là, Trung Hoa Dân Quốc vẫn tồn tại ở Đài Loan. Trung Quốc một mặt dùng sức mạnh ngoại giao không cho các nước thừa nhận Đài Loan, một mặt "tuyên thị chủ quyền" đòi chiếm hữu toàn bộ những gì Trung Hoa Dân Quốc khai khống. Đây là một đặc điểm pháp lý rất quan trọng vì thực sự Trung Quốc không chiếm được Đài Loan mà phải công nhận thực tế ngoại giao hai bờ (Lưỡng Ngạn), chỉ thay chữ bờ (ngạn) bằng chữ nước (quốc).
Nếu Trung Quốc ép người quá đáng, chiếm hữu đất đai lãnh thổ của nước khác, khi tình thế tới bước cùng, chiến tranh xảy ra, các quốc gia quanh Biển Đông thừa nhận Đài Loan là đối tượng thương lượng, thì tự dưng bản đồ "lãnh thổ hoàn chỉnh" của Trung Quốc hiện nay bị vô hiệu hóa. Tuy ý tưởng này là một trận chiến quy ước về ngoại giao, mang đậm nét Chiến Quốc "diễn nghĩa" nhưng đối với các nhà chiến lược Trung Quốc không thể không cân nhắc như là một chỗ nhược kiểu gót chân Achilles.

Trung Quốc hiện đang ở thế mạnh một cách hung hăng thô lỗ cốt để che đậy sự bất an từ bên trong về mặt danh nghĩa chín đoạn do yếu tố lịch sử để lại từ thời Tưởng Giới Thạch. Những hành vi đè nén Việt Nam chính ra là một thủ đoạn để chứng tỏ uy thế của mình xem Việt Nam phục tùng về bề mặt tới đâu. Không may mắn cho Việt Nam nằm trong một thể chế chính trị cứng nhắc, lại phải nằm trên con đường đệm để Trung Quốc vung tay múa cánh thị uy. Tầng lớp lãnh đạo Việt Nam hiện nay có thỏa hiệp nào đó để tạo sân chơi cho Trung Quốc thành thế lực vùng để cùng nhau nương tựa về chính trị. Nhưng rõ ràng chính sách này càng lúc càng lộ rõ nhược điểm vì lòng dân Việt Nam không phục và trên hết thiệt hại lợi ích của Việt Nam quá nhiều.

Trung Quốc thị uy ở Biển Đông, xâm phạm lợi ích của Việt Nam nhiều lúc như chỗ không người. Những việc như thế này đã khiến lòng dân Việt Nam căm phẫn và chán ghét. Nhưng lãnh đạo cao tầng của "hai nước Việt Trung" bị thỏa hiệp không thể đưa ra tuyên bố bất đồng. Đây cũng là một trong chiến lược cục bộ hóa các tranh chấp của Trung Quốc mà lãnh đạo Việt Nam bị cam kết không ác hóa về mặt ngôn luận và truyền thông. Chính quyền cấp tỉnh của Trung Quốc như Quảng Đông và Hải Nam yên tâm được nhá đèn xanh cho tàu Ngư Chính và Hải Giám (gần đây) tuần tra Biển Đông mà không được coi là hành vi xâm lược.

Vấn đề biên cương

Tuy nhiên, một góc cạnh tranh luận khác của chiến lược gia chuyên lấn sân của Trung Quốc thì cho rằng nếu Việt Nam quyết tâm lật ngược thế cờ thì là một tổn thất khôn lường. Trên các mạng quân sự luận đàm của Trung Quốc cho rằng khu vực "Nam Hải" là yết hầu của Trung Quốc. Việt Nam một lúc bị đẩy đến đường cùng thì sẽ bất chấp quy ước, sẽ tổ chức các đội du kích biển như nước này đã thực hiện trong các cuộc chiến tranh.

Lấy ví dụ trong các triều đại Hán, Đường sụp đổ vì những tranh chấp biên cương tạo nên là những nguyên nhân sâu xa và trực tiếp, tranh chấp "Nam Hải" nếu không kiểm soát được là thảm họa kinh khủng dẫn đến sự sụp đổ kinh tế và chính quyềnTrung Quốc đại lục hiện nay.

Biển Đông vốn là mạch máu lưu thông kinh tế, các tàu hàng của Trung Quốc rủi bị đánh chìm bởi "du kích biển" Việt Nam thì tình hình không thể nào kiểm soát. Phe "Bồ Câu" của Trung Quốc cũng khuyến cáo rằng cố gắng cho tới năm 2020 nếu không lấy được "Nam Sa" thì hãy từ bỏ để đổi lấy hòa bình vì xét cho cùng Việt Nam không có nhiều thứ để mất như Trung Quốc. Do hiện nay phe "diều hâu" Trung Quốc đang nắm ưu thế nên có sự yên tâm đẩy Việt Nam vào thế thỏa hiệp yếu mềm để càng lúc càng lấn tới.

Các phe phái của Trung Quốc cũng nhận định, Việt Nam có ưu thế tuyệt đối về mặt lục địa. Nếu như có vũ khí tối tân trong tay thì chỉ đứng trong đất liền (Vịnh Cam Ranh) cũng làm mưa làm gió trên biển cho hàng hải điêu đứng. Nếu Việt Nam biến "Nam Hải" thành bãi mìn, ngư dân là "du kích biển" thì Trung Quốc không biết phải làm sao?. Những hải tặc "rách rưới" ở Somali còn làm cho cường quốc hải quân như Hoa Kỳ phải điên đầu, thì chỉ cần vài tháng Biển Đông thành trận địa, thì Trung Quốc dù có lấy được "Nam Sa" cũng là kẻ ngã lăn ra trước. Điều này còn nguy cấp hơn vấn đề biên cương của Trung Quốc từ thời cổ đại.
Các nhóm này cũng nhận định ý chí đề kháng của Việt Nam hiện nay kém hơn thời trước. Trung Quốc tiếp tục thị uy vừa hữu nghị thắt chặt, khi thì cứng rắn, khi thì lý tình làm nội bộ Việt Nam không dứt khoát được về chính sách đối phó.

Thế đứng của Việt Nam

Dã tâm của Trung Quốc đã hiện ra trước mắt. Rõ ràng trong tâm lý, đây không phải là một động lực đấu tranh sinh tồn của một nước không có không gian phát triển mà là một mưu đồ xâm thực có điều khiển, được thì làm tới, không được thì rút lui.

Mưu đồ này tưởng như là một trò chơi tranh bá đồ vương nhưng đụng chạm đến quyền lợi cốt lõi và bờ cõi thiêng liêng của Việt Nam. Tâm lý "đùa giỡn" ngang tàng càng lúc càng chà đạp phẩm giá của dân tộc Việt Nam trong dư luận hiếu chiến của Trung Quốc

Các xu hướng nhận định cũng đã phòng hờ được mọi tình huống. Họ phân tích chặt chẽ về điều kiện địa lý và tâm lý dân tộc. Đối với Trung Quốc tuy lấy được "Nam Sa" chẳng qua như một hạt cúc trên chiếc áo, lưỡi bò chính đoạn như là chứng minh thư được làm chủ chân trời nhưng tạo nên sự tự hào cho chủ nghĩa dân tộc rất lớn.

Trong dư luận của kẻ cuồng điên ngang ngược vẫn không che dấu được sự lo lắng của thái độ ăn hiếp quá đà, ép người thái quá.
Gót chân Achilles (danh nghĩa) và vấn đề biên cương (thực tế) của Trung Quốc chính là con bài tủ khi tất cả các thỏa hiệp với Trung Quốc đều bị vô hiệu hóa. Về mặt khách quan mà nói, lịch sử Trung Quốc thường bị biến chuyển do yếu tố bên ngoài và bởi các bộ tộc nhỏ bé hơn. Có dân tộc bị nội thuộc như Mãn Châu, có dân tộc tồn tại như Mông Cổ, có dân tộc độc lập như Nhật Bản khiến tâm lý Trung Quốc không ngớt manh động.

Tuy Nhân dân Việt Nam không có tham vọng đánh nhau với Trung Quốc, nhưng nếu Trung Quốc càng thô bạo thì càng đẩy Việt Nam tìm tới thế kháng cự phải nắm chặt yết hầu cho sự sống còn của mình ở Biển Đông. Hậu quả như thế nào thì đã nằm trong dự đoán của những nhà chiến lược Trung Quốc!
Việt Nam hãy thấy được sức mạnh và thế đứng của mình.

Trần Đông Đức