Người Nhật thoát nạn
nhờ nghe theo di huấn của tổ tiên
Tiếp tục thông tin về chủ đề thảm họa ở Nhật Bản, với bài viết « Sóng thần : tổ tiên đã từng trải nghiệm », Le Monde khám phá những vùng quê hẻo lánh đã thoát nạn nhờ biết nghe lời dặn dò của các tiền nhân.
Đầu tiên, ta đến với thôn Aneyoshi, sóng thần ở đây đã lên đến 39m, nhưng không gây ra một thương vong nào. Nguyên nhân là ở tấm bia khắc lại lời dặn dò của tổ tiên. Tấm bia này cao 1m, nằm cách ngôi làng 200m, hiện diện như người lính gác trên một dốc đường, giữa muôn ngàn núi non cây cỏ. Trên tấm bia có khắc hàng chữ : « Tưởng niệm trận sóng thần kinh hoàng năm 1896 và năm 1933. Hãy ghi nhớ thảm họa này và đừng bao giờ dựng nhà vượt biển báo».
Từ đó, người dân Aneyoshi tuân theo lời di huấn của tổ tiên. Họ dựng nhà cách bờ biển đến 800m, và cao hơn mực nước biển đến 60m. Một người dân địa phương tự hào nói : « Tổ tiên của chúng tôi đã hiểu rõ nỗi kinh hoàng của sóng thần, và chúng tôi đã nghe theo lời họ ».
Trên bờ biển Tohoku, nơi sóng thần quét qua vừa rồi, có đến 260 bia đá với tuổi có khi lên đến nhiều thế kỷ. Các bia này đều cảnh báo thế hệ hậu sinh không nên dựng nhà gần bờ biển.
Theo nghiên cứu, cư dân vùng khác, nếu không có bia đá, thì cũng truyền miệng nhau những mẩu chuyện cảnh báo về động đất hay sóng thần của tổ tiên. Vì thế người dân luôn ý thức được việc dựng nhà gần biển có thể thuận tiện cho việc chài lưới, nhưng lại chứa đựng lắm nguy cơ.
Trên đảo Miyato, một tấm bia cũng nhắc lại sự kiện năm 869, sau một trận động đất kinh hoàng, hai đợt sóng thần đã ập đến. Nhờ đó, người dân luôn tránh đến ở trong khu vực được cảnh báo này.
Le Monde cho biết, dọc theo quốc lộ 45, đi qua các tỉnh bị thảm họa như Fukushima, Miyagi và Iwate, chính quyền cho dựng nhiều biển báo hai bên đường cảnh báo du khách đang tiến vào khu vực có nguy cơ sóng thần. Thế nhưng, có vẻ những biển báo này không công hiệu, và chính quyền hình như không cảnh báo người dân một cách đúng mức.
Như vậy, rõ ràng những biển cảnh báo hiện đại lại không có giá trị bằng những tấm bia rêu phong cổ kính ghi lại kinh nghiệm tiền nhân, với chữ khắc đôi khi đã mòn phân nửa. Di huấn cổ xưa tỏ ra hiệu quả hơn so với một hệ thống cảnh báo của thời hiện đại, một thời đại quá tin vào công nghệ và xem nhẹ kinh nghiệm sống của tiền nhân.
Lê Phước
@rfi.fr