Monday, October 31, 2011

Y tế VN


GIÃ TỪ VIỆT NAM


Ba mươi phút sau khi chuyến bay của hãng Hàng Không Việt Nam chở chúng tôi rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất thuộc thành phố …, chúng tôi nhìn xuống những đồng bằng màu đỏ trơ trụi của xứ Cambodia, tôi và vợ tôi bỗng dưng có một cảm giác kỳ lạ của sự thoải mái và tự do. Hú vía, chúng tôi thực sự đã thoát khỏi những sự cách nhiễu, hăm dọa và tham nhũng thường nhật của các giới chức Việt Nam, và cái gánh nặng đè trên vai trong ba tháng qua chợt trút mất.

Mọi chuyện như bắt đầu từ mùa thu năm ngoái, khi tôi nhận làm quản lý hải ngoại vụ cho Cơ Sở Đông Gặp Tây (East Meets West Foundation) hiện đang trông coi một bệnh xá toàn khoa cho “kẻ nghèo nhất trong đám nghèo” và một cô nhi viện với 125 trẻ em ở ngoại ô thành phố Đà Nẳng, Việt Nam. Tôi đã quyết định chụp lấy cơ hội hưu trí sớm với đầy đủ cấp dưỡng do Group Health đề nghị và về hưu vào đầu tháng Giêng với ý định đi phục vụ tình nguyện khoảng một đến hai năm tại Việt Nam, bắt đầu vào giữa tháng Giêng.

Công tác của tôi là giúp bệnh xá hoạt động được hữu hiệu hơn và hướng dẫn những chương trình về giáo dục y tế công cộng cho bốn làng hẻo lánh. Vợ tôi thì được giao việc ở cô nhi viện như là giáo viên mỹ thuật và dạy Anh ngữ cho các nhân viên.

Một điều báo trước cho những việc sẽ gặp ở trong nước Việt Nam thực ra đã bắt đầu khi chúng tôi bay xuống San Francisco để nhận giấy hộ chiếu trên đường đi Việt Nam. Khi đến San Francisco thì chúng tôi được báo rằng viên chức Bộ Ngoại Giao (Việt Nam) muốn chúng tôi phải thuê căn phòng của y ở Đà Nẳng với giá 700 đô la mỗi tháng, với sáu tháng tiền nhà đưa trước. Chúng tôi phản đối và y không chịu cấp giấy nhập cảnh nữa, chúng tôi đành phải quay về lại Seattle để chờ Cơ sở tiếp tục thương lượng. Cuối cùng đến tháng Hai, sau khi đồng ý với vụ sắp xếp, trả cho y 4200 đô la, và dấu hộ chiếu cho ba tháng thay vì một năm, chúng tôi bay đi Việt Nam. Khi đến nơi thì căn phòng, hỡi ôi! còn đang sửa chữa và chúng tôi đành ở khách sạn với giá 15 đô la một ngày.

Vừa vào đến Việt Nam thì tất cả đĩa điện toán của chúng tôi đều bị tịch thâu ngay, và mãi đến ba tuần mới được trả sau khi đóng 40 đô la gọi là “lệ phí bảo quản” và có cả khối bản phụ được sao chép (để bán về sau).

Ngày đầu làm việc trong văn phòng, tôi nhắc máy điện thoại để gọi con gái tôi ở Seattle và đã có thể nghe rõ tiếng nhạc quân hành văng vẳng trong máy suốt cuộc điện đàm. Tôi nhắc lại chuyện đó với nhân viên người Việt thì được họ cho biết là công an và quân đội luôn theo dõi nghe trộm mọi cuộc điện đàm. Chúng tôi được khuyến cáo là ngay cả thư từ cũng được mở ra đọc ngang xương, cho nên phải cẩn thận khi viết. Có một lần công an gọi tôi phải đem tờ báo cáo tài chính cuối tháng cho họ xem để họ quyết định cho gởi hay không.

Vài ngày sau khi tôi bắt đầu làm việc, thì cô kế toán viên bay đi Florida để làm đám cưới với anh bác sĩ Mỹ mà cô đã quen trong thời gian anh ta phục vụ tình nguyện cho bệnh xá. Khi chúng tôi rao tuyển người thay thế thì viên Bộ Trưởng chuyển đến một danh sách ứng viên mà y muốn chúng tôi thâu dụng. Chúng tôi bác ngay vì họ không biết tí gì vế kế toán và chẳng có chút khiếu năng gì về Anh ngữ. Chúng tôi tuyển được một cô có bằng kế toán và nói giỏi tiếng Anh, nhưng viên Bộ trưởng và Sở Công An lại trì hoản việc chuẩn y thâu dụng, cho mãi đến khi tôi nghĩ rằng, có chút tiền đút lót hoặc cô ta chịu chia một phần lương của cô.

Chúng tôi được biết rằng tất cả nhân viên người Việt đều buộc phải đóng một phần tiền lương cho cho công an, các viên chức nhà nước, đảng viên, v.v... Đã mấy lần công an đến văn phòng chúng tôi hạch hỏi vì sao chúng tôi không dùng người của họ. Bất ngờ có một bác sĩ người Việt lại nộp đơn xin làm kế toán bởi vì anh đã thất nghiệp đến hơn 5 năm nay. Quả có hàng trăm bác sĩ thất nghiệp mặc dù họ thuộc hạng lao động có lương thấp nhất ở Việ Nam... 30 đô la một tháng. Tôi chẳng thể nào hiểu được vì sao lại có quá nhiều bác sĩ thất nghiệp tại Việt Nam. Tôi được nghe kể rằng họ buộc phải đăng ký quỹ 1,500 đô la để được thực tập và lấy kinh nghiệm ở bệnh viện sau khi học xong. Không có kinh nghiệm ở bệnh viện là thất nghiệp. Tôi lại được biết có một sự kỳ thị nặng nề đối với dân trong Nam, đặc biệt l à những người đã từng phục vụ cho chế độ cũ. Hầu hết những bác sĩ thất nghiệp mà chúng tôi đã gặp là dân miền Nam.

Trong phần họp định hướng tại Hoa Kỳ, chúng tôi được báo cho biết rằng các bác sĩ tại bệnh xá làng Hòa Bình rất lười và ù lì, vì họ chỉ biết có một điều là viết toa cho thuốc bổ sinh tố. Sau khi làm việc với họ vài ngày, tôi nhận thấy họ rất thông minh, rất ham học để hành nghề tốt và sẵn sàng đón nhận những sự giúp đỡ để trở thành thầy thuốc giỏi.. Điều đáng tiếc là sự đào tạo của họ tệ quá, cho nên họ độc chỉ giỏi viết toa sinh tố cho mọi bệnh trạng.

Mỗi ngày trong một tuần, các bác sĩ đi khám bệnh ở một trong những làng lân cận. Tôi đi theo họ vài lần và nhận thấy rằng sinh tố được cấp cho mọi chứng: sốt rét, mù lòa, sốt nóng, bệnh ký sinh trùng, đái ra máu, ỉa chảy v.v... Họ đâu có thể làm gì khác hơn được? Họ chẳng có món thuốc nào ngoài vài lọ Ampicilin. Mấy bác sĩ bảo rằng ít ra cũng nên cho bệnh nhân món gì để đem về nhà, và họ cấp sinh tố. À ra thế! Trụ sinh thì ai cũng có thể mua được chẳng cần toa cho nên nhà nào cũng có vài lọ trữ sẵn. Ngay cả thông dịch viên của tôi cũng dùng trụ sinh cho nhức đầu, cảm, tiêu chảy, đau lưng, hoặc khi cô ta cảm không thấy được khỏe.

Một ông bác sĩ Sản Phụ Khoa từ San Diego đã làm việc vài ngày tại bệnh xá và đã chỉ cho các bác sĩ cách sử dụng mỏ vịt đế khám âm đạo. Năm sau, ông ta quay lại và bất bình vì các bác sĩ không dùng mỏ vịt. Ông ta báo cáo với Ban Quản Trị Cơ Sở Đông Gặp Tây ở San Francisco rằng các bác sĩ ở bệnh xá ù lì và lười biếng. Tôi báo cáo về Ban Quản Trị chất vấn sự giám định của ông ta.. Các bác sĩ tại bệnh xá không thể nào học khám và chữa bệnh phụ khoa trong vài ngày được, và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm chỉ làm được dăm ba xét nghiệm đơn giản mà thôi. Cho dù họ có chuẩn được điều gì đi nữa thì cũng chẳng có thuốc men và dụng cụ để điều trị. Tại sao phải đi học những chuyện mà dù có biết mình cũng đành bó tay? Tôi cảm thấy rằng bác sĩ Mỹ tình nguyện làm việc tại bệnh xá làng Hòa Bình thiếu nhạy bén và làm hại nhiều hơn là giúp đỡ.

Sau khi ổn định công việc, tôi liền gặp viên Bộ trưởng Y Tế (CSVN) để đề nghị xúc tiến dự án hướng dẫn y tế công cộng cho bốn làng, và ông ta cũng phấn khởi về ý kiến đó. Ông ta nhận bản dự án đó và bảo rằng ông ta sẽ thảo luận với Ủy Ban Nhân Dân rồi cho tôi biết sau, hai tuần sau, ông ta gửi cho chúng tôi một lá thư nói rằng bản dự án đó đã được chấp thuận và Bộ sẽ thi hành, nhưng họ lại muốn tôi tài trợ 25 ngàn đô la. Tôi trả lời rằng tôi không có tiền mà chỉ có sự hiểu biết, thời giờ và lòng nhiệt thành muốn huấn luyện và làm việc với các nhân viên y tế mà thôi, nhưng họ chẳng tha thiết mấy đến sự tham gia của tôi – mà chỉ nghĩ đến tiền của tôi thôi. Tôi không được mời trở lại Bộ Y Tế nữa.

Khi tôi đi thăm ngôi làng đầu tiên để lượng định về y tế thì tôi được gặp Chủ Tịch Nhân Dân xã và y dẫn tôi đi thăm những gia đình nghèo nhất. Tại mỗi nhà y đòi tôi giúp cho những món mà gia đình đó cần như một mái nhà nới, tiền mua gạo, áo quần, xe lăn v.v... Đến khi tôi nhắc đi nhắc lại rằng tôi đến đây không phải để cho tiền, y liền bảo thông dịch viên dẫn tôi ra khỏi làng ngay.

Ở một làng khác, các viên chức đòi tôi phải cấp một ngân khoản để xây một ngôi chợ mới, và khi họ biết tôi không thể làm được, họ bắt giữ tôi lại tại chỗ rồi ra lệnh cấm tôi rời khỏi trụ sở Ủy Ban. Đêm đó tôi bị buộc phải ngủ trên sàn gỗ bẩn thỉu với một manh mền rách, và một tên an ninh nằm ngủ bên cạnh canh phòng tôi trốn. Cho thêm phần khốn khỗ, tên an ninh này lại bị cụt tay vì mìn, y đặt cánh tay cụt lên bụng tôi suốt đêm mà ngủ. Còn tôi thì làm sao mà ngủ được, nằm nghĩ ngợi lung tung, mấy ai tin được rằng tôi lại ngủ trên sàn nhà một văn phòng đảng Cộng Sản, cạnh một tên công an Cộng Sản, mà cánh tay cụt của hằn lại đặt trên bụng tôi! Đó là một trong những đêm kinh dị và hãi hùng nhất trong đời. Tôi cứ ngỡ mình bị ác mộng.

Vì tôi trú trong khách sạn nên phải đi ăn hiệu. Chỉ có một nơi mà chúng tôi và hầu hết các du khách đến ăn mà không sợ bệnh là nhà hàng mang tên Christies. Mỗi đêm chúng tôi gặp nhóm Thủy Quân Lục Chiến và quân nhân Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm lính mất tích trong cuộc chiến (MIA’s) . Họ bảo ràng mỗi làng đều có mánh khóe làm ăn trong vụ này. Chức sắc ở làng có thể báo cáo là đã chôn hai hay ba xác lính Mỹ ngoài ruộng. Thế là Hoa Kỳ phải mất khoảng 10 ngàn đô la cho việc đào xới và mướn phu phen địa phương.

Các giới chức Mỹ mà tôi chuyện trò bảo rằng từ năm 1991, họ chẳng tìm ra cái gì ráo và cũng chẳng mong mỏi tìm thêm cái gì khác. Họ được yêu cầu trú tại khách sạn của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam với giá 75 đô la một đêm và phải thuê phi cơ trực thăng chở họ đến các làng, mà giá của một giờ bay trực thăng là 750 đô la. Có khoảng 30 quân nhân Hoa Kỳ tìm kiếm MIAs tại Đà Nẳng và ở mỗi thành phố lớn đều có một nhóm như vây. Dĩ nhiên là Hoa Kỳ tốn hàng triệu đô la vào túi các viên chức người Việt!

Sau hai tháng rõ ràng là chẳng ai cần đến chúng tôi tại Việt Nam. Cô nhi viện thì đã được Chính Phủ Hoa Kỳ tài trợ dồi dào và nhân viên Việt Nam thì làm việc xuất sắc. Trẻ em học ở trường nhà nước, được dạy nghề mộc, may vá, điện toán, v.v... và một bác sĩ toàn thời gian chăm sóc sức khỏe cho chúng. Chúng có cả sân bóng rổ, bóng bàn, máy truyền hình, mày chiếu hình, xe đạp, máy điện toán, một nông trại trồng rau, và chúng nuôi gà và lợn để sinh lợi. Ai cũng biết rằng chúng sống khá hơn đại đa số trẻ con khác ở Việt Nam! Tôi đã tìm cách tăng lương cho tất cả các bác sĩ và nhân viên (Việt Nam) tại bệnh xá từ 30 đô la đến 50 đô la mỗi tháng. Nhà cầm q uyền lại đòi rằng ai cũng được trả đồng hạng dù là bác sĩ hay y công.

Tôi cũng đã giúp vào một chương trình phát triển dài hạn giáo dục liên tục cho các bác sĩ. Một bác sĩ tim mạch ở Nhật chịu đỡ đầu hàng năm, trong nhiều năm về sau, cho một bác sĩ của bệnh xá luân phiên qua tu học tại bệnh viện Okasa khoảng sáu tháng. Người đầu tiên đi Osaka đã rời hồi tháng Sáu. Tôi cũng đã bắt liên lạc với bệnh viện Huế xin các bác sĩ của bệnh viện thực tập và chúng tôi chịu trả tiền phí tổn huấn luyện. Tôi đã đệ trình dự án này với Ban Quản Trị Cơ Sở Đông Gặp Tây vào ngày công tác cuối cùng của tôi ở Việt Nam. Hi vọng rằng Ban Quản Trị sẽ biểu quyết tán đồng chương trình này. Tôi cảm thấy quá rẻ để huấn luyện một bác sĩ với giá 1500 đô la.

Vài tuần sau khi đến Đà Nẳng, viên chức Bộ Ngoại Giao đòi thêm tiền để dứt điểm việc tu bổ căn phòng và mua đồ bày biện. Nhưng chúng tôi được biết rằng một bác sĩ Việt Nam kiếm được 30 đô la một tháng và đã trả, có lẽ từ 10 đến 15 đô la tiền thuê căn phòng như thế nên chúng tôi đã lịch sự phất lờ đòi hỏi thêm tiền của y. Y bèn trở mặt chèn ép, đòi chúng tôi phải báo cáo trước chi tiết lộ trình mỗi hai tuần, không cứu xét yêu cầu gia hạn hộ chiếu và làm khó dễ các nhân viên người Việt của bệnh xá.

Ba tháng sau khi đến Việt Nam viên chức Bộ Ngoại Giao bảo rằng chúng tôi có thể vào ở được rồi, và chúng tôi chỉ trú – có mỗi một đêm. Căn phòng chỉ được tu sửa nửa chừng với dây điện còn lòng thòng từ trần nhà, tường được sơn một phần, ống nước chưa được nối vào, không có bàn ghế và gián thì ôi thôi! bò lổn ngổn khắp nơi. Chỉ trong mấy phút mà tôi xài hết một lọ xịt côn trùng và sàn nhà đầy la liệt cả dán dài khoảng 2 đốt tay đang nằm ngửa ngo ngoe.

Chúng tôi dọn trở lại khách sạn sau đúng một đêm. Viên chức Bộ Ngoại Giao rất bực dọc và gay gắt bảo chúng tôi nên rời khỏi nước nếu không hài lòng. Lần đầu tiên chúng tôi cảm thấy sợ hãi, chúng tôi biết rằng y có thể bỏ tù chúng tôi hoặc dàn cảnh một tai nạn mà chẳng ai có thể làm gì được.

Biết rõ rằng chẳng ai muốn và cần đến chúng tôi tại Việt Nam, sự đóng góp của chúng tôi cũng nhỏ nhoi, và có một sự đe dọa đến an ninh của chúng tôi, chúng tôi quyết định rời khỏi Việt Nam. Chúng tôi cũng bị dằn vặt bời quyết định này bởi vì chúng tôi đã đến và mến yêu trẻ mồ côi, những người làm việc chung và cái bệnh xá làng Hòa Bình. Chúng tôi mang theo một tình cảm rất nồng nàn đối với dân Việt, đối với đất nước tuyệt đẹp này, và mong một ngày nào đó sẽ trở lại để hoàn tất những công tác đã phát khởi.

Một ngày kia, cái thế hệ lãnh đạo hiện nay sẽ trao quyền lại và Việt Nam sẽ vươn mình như con bướm sặc sỡ của vùng Đông Nam Á.

Ed. Oshiro, MPH
(Master of Public Health-Bác Sĩ Y Tế Công Cộng)
Trần Trúc Lâm chuyển ngữ
Ed Oshiro hiện về hưu và ngụ tại Mereer Island (thành phố Seattle, tiểu bang Washington) nguyên là Phụ Tá Giám Đốc Chương Trình Giáo Dục Y Tế của Group Health Cooperatives.
@dactrung  -  danlambao  -  danlambao  -  vietbao

Cây trái Việt Nam


Cây trái rau cỏ Việt Nam trên đất Mỹ


Cùng với người dân Việt tị nạn, các loại cây cối rau cỏ gốc Việt Nam cũng dần dần vào Mỹ từ 30 năm qua rồi... “định cư” ở đây.(Mai vàng “thứ thiệt”, một niềm hãnh diện trong ngày Tết của người Việt tại Mỹ)

 Người ta thường nói rằng tại Hoa Kỳ chỉ cần trông có đống giầy dép để ngoài cửa cũng đủ biết nhà này là dân Việt. Nhưng còn một loại tín hiệu dễ nhận khác nữa, đó là khi đi ngang một ngôi nhà mà nhìn thấy khóm trúc trước sân, hay ít ngọn cây mía vượt cao phía sau rào – thì có thể chín chục phần trăm hy vọng rằng chủ nhân là một đồng hương Việt Nam của mình.

Trải qua thời gian hơn ba chục năm, người Việt đã lặng lẽ đưa vào Mỹ nhiều loại rau cỏ cây trái chưa từng có trước kia, góp thêm phần phong phú đa dạng cho đất nước này. Trên mặt luật pháp, việc ấy trái với quy định của bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, nhưng thực tế thì mỗi nhóm di dân trong lịch sử đều đã từng làm như vậy. Họ muốn đem theo những cây cối, hoa cỏ, rau trái quen thuộc, không chỉ vì nhu cầu ăn uống mà còn là tình hoài hương, kiểu tâm trạng “Chúng Ta Ði Mang Theo Quê Hương,” như tên của một chương trình phát thanh do cố nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu chủ trương trước đây trên đài phát thanh VNCR.

Người ta thường quan tâm tới sự lớn mạnh nhanh chóng của cộng đồng dân Việt tại Mỹ, sự phát triển những sinh hoạt đa dạng, thành tích của giới trẻ Việt Nam hải ngoại trên đường học vấn, cơ sở thương mại, món ăn và cửa hàng ăn Việt Nam. Nhưng ít ai chú ý đến sự du nhập âm thầm và mau lẹ của các loại thảo mộc Việt Nam trong vòng 30 năm, với một số chủng loại cây cỏ được đem vào nhiều hơn những sắc dân khác đã di cư đến đất nước Hiệp Chúng Quốc trước kia.

Vào vườn của mỗi ngôi nhà người Việt, ít lắm cũng tìm thấy vài bụi rau thơm. Ðất vườn càng rộng thì các loại cây càng nhiều, từ rau thơm, rau húng, rau răm, dấp cá, tía tô, ớt, mồng tơi, rau muống... cho đến cây nhãn, cây xoài, cây hoa ngọc lan... Nhưng nói chung thì tất cả các loại cây trái hoa cỏ đều mới chỉ được trồng ở phạm vi nhỏ, trong gia đình, riêng có rau muống là loại đã có tầm mức phát triển rộng rãi nhanh chóng nhất và cũng gây ra nhiều vấn đề đáng kể.

Rau muống trên đường tái định cư ở Hoa Kỳ

Trên đất Hoa Kỳ đã có rau muống từ trước khi có người Việt tị nạn và bị xếp vào loại cỏ dại cần diệt trừ. Chính vì sự hiện diện của cộng đồng người Mỹ gốc Việt mà loại rau này đã và sẽ trở thành phổ thông trên nước Mỹ. Người Việt ở Hoa Kỳ, Canada, ở Âu Châu hay Australia ngày nay đều ưa chuộng món rau muống, không như nửa thế kỷ trước ở Việt Nam nói tới rau muống là nói tới dân “Bắc Kỳ.” Vì vậy rau muống ở Mỹ là một trong những loại rau tiêu biểu nhất của người Việt và hiện nay luôn luôn được cung cấp dồi dào từ một số nhà chuyên canh chứ không phải chỉ là việc trồng trọt lẻ tẻ.

Người Pháp biết rau muống khi chiếm thuộc địa Việt Nam và đặt tên cho nó là “liseron d’eau,” do thấy có hoa giống như hoa bìm bìm (liseron). Còn người Mỹ ngoại trừ giới khoa học, chỉ mới biết nhiều về nó trong vòng mấy chục năm gần đây qua sự có mặt của dân Việt Nam. Trong tiếng Anh rau muống có nhiều tên gọi, tất cả đều là tùy người nào đặt ra đã căn cứ vào một vài đặc điểm theo quan sát riêng. Hiện nay thì tên phổ thông nhất là “water spinach” ngoài những tên khác như “tropical spinach,” “swamp cabbage,” “swamp morning glory,” “water convolvulus”.... Spinach là loại rau xanh được dân chúng Âu Châu dùng quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày từ thế kỷ 12, và giống như rau muống có thể ăn sống hay nấu chín. Ngược lại thì Việt Nam không có giống rau này nên có người dịch “spinach” là rau rền Mỹ.

Theo tài liệu của đại học Florida, rau muống mang tên khoa học “ipomoea aquatica” đã được dân chúng Trung Hoa trồng để ăn từ khoảng thế kỷ thứ ba, dưới đời nhà Hán. Tuy nhiên những ai đã đọc truyện Tầu có thể biết sự tích vua Trụ nghe lời xúi dục của ái phi Ðắc Kỷ xin tể tướng Tỷ Can trái tim. Tỷ Can được thần nhân căn dặn dù mất tim vẫn có thể sống và đi về đến nhà nếu đừng mở miệng nói lời nào. Tiếc rằng ông đã quên lời, gặp yêu tinh giả làm người bán hàng rao bán “rau vô tâm,” ông thắc mắc không biết là thứ gì nên cất tiếng hỏi và sau khi được nghe giải thích là “rau rỗng ruột” – thân rau muống rỗng – thì ông ngã ra chết. Trụ Vương là vua cuối đời nhà Thương, khoảng thế kỷ 11 trước công nguyên, như vậy rau muống có lẽ đã được biết từ trên 3,000 năm.

Cũng theo nghiên cứu của đại học Florida thì rau muống xuất xứ từ Ấn Ðộ và Trung Quốc nhưng được trồng nhiều nhất ở Ðông Nam Á, các đảo Thái Bình Dương, Phi Châu và Nam Mỹ. Ngoài tính cách là loại thực phẩm thông dụng, rau muống chứa nhiều chất sắt nên còn có giá trị của một dược thảo và vì vậy những di dân từ Ðông Nam Á tìm cách đem theo giống đến nơi đất mới. Không biết rau muống được đưa vào Hoa Kỳ bao giờ, nhưng khoảng năm 1973 người ta đã nhiều lần thấy rau muống xuất hiện trên các kinh rạch đầm lầy ở Florida, mặc dầu bộ nông nghiệp liên bang và tiểu bang xếp nó vào hàng cỏ dại độc hại cần tiêu diệt (noxious weed), một loại thảo mộc cấm trồng trọt. Áp dụng đạo luật liên bang về các loại cỏ dại độc hại, cơ quan kiểm soát cây cỏ thuộc Bộ Canh Nông Hoa Kỳ (USDA) cấm việc đưa rau muống từ tiểu bang này qua tiểu bang khác.

Sau năm 1975, những dân Việt đến định cư ở Florida và Louisiana tìm thấy cơ hội thuận tiện để thả rau muống trên các đầm lầy, hồ nước và kinh rạch hoang vu tại hai tiểu bang miền Nam đó. Buổi đầu có lẽ họ đã lấy giống ngay từ loại rau muống sẵn mọc hoang, nhưng về sau các loại hạt giống khác cũng được mang từ Việt Nam đến dù là không được phép. Tới một lúc rau muống tràn lan khắp nơi và chính quyền địa phương phải can thiệp vì thấy loại cây ấy mọc chằng chịt làm tắc nghẽn các hệ thống thoát nước và tạo nên các khoảng nước tù hãm thuận tiện cho muỗi sinh sản. Theo cơ quan bảo vệ môi trường Florida, giây rau muống có thể dài tới 70 feet, mọc rất nhanh khoảng 4 inches mỗi ngày và quấn quít với nhau thành bè mảng, một mặt cản trở đường nước chảy, mặt khác lấn át các loại thảo mộc bản địa làm biến đổi hệ sinh thái thiên nhiên. Thế là từ khoảng năm 1980 những nơi trồng rau muống nước bị phá hủy dọn dẹp bằng mọi cách, có nơi còn sử dụng tới cả thuốc diệt cỏ. Các tiểu bang Florida, North Carolina... cấm trồng trọt và buôn bán rau muống.

Tuy vậy ở mọi cộng đồng người Việt vẫn có rau muống, loại rau muống cạn sau này được chuộng hơn là rau muống nước và không gặp khó khăn vì có thể trồng ngay vườn sau nhà. Một vài nơi khí hậu ấm áp quanh năm như Hawaii rất thuận tiện cho những nhà trồng rau muống. Tại California có một số trại trồng rau muống dùng mái che để có thể tiếp tục sản xuất trong mùa đông.

Trong một bài báo trên tờ Atlanta Journal Constitution năm 1996 viết về nhóm người Việt ở làng “Vực Sâu” (Versailles, New Orleans), ký giả John Blake nhận định rằng khu vườn nhỏ trong nhà hết sức quan trọng đối với những người lớn tuổi về mặt tâm lý và là một góp phần của họ vào kinh tế gia đình. Nhiều loại sản phẩm cây nhà lá vườn, đặc biệt là rau muống, được đem bán tại ngôi chợ nhỏ và trở thành một nguồn cung cấp thiết yếu cho cộng đồng cùng các nhà hàng tiệm ăn khác của người Việt Nam ở thành phố New Orleans.

Trải qua các giai đoạn phát triển quá mức rồi tạo nên khó khăn, cuối cùng thì với hàng trăm ngàn dân tị nạn Việt Nam lần lượt đến Hoa Kỳ, dần dần rau muống đã chính thức được trở lại “định cư và hội nhập” vào hàng rau quả ở Mỹ. Một nhóm chuyên viên thực vật của viện đại học Massachusetts có công đầu tiên trong việc này, bằng cách hợp tác với các giới hữu trách liên bang để đưa ra những quy định cho phép trồng trọt và bán rau muống trên thị trường.

Có hai lý do chính khiến Massachusetts ở trong số những tiểu bang đầu tiên đã công nhận rau muống. Trước hết tiểu bang này đứng hàng thứ sáu trên toàn quốc về số dân Việt, 36,685 người (US Census 2000). Sau đó, trong điều kiện thiên nhiên của Massachussetts, rau muống không là loại cây cỏ tác hại. Ðiều kiện thời tiết thích hợp nhất với rau muống là nhiệt độ từ 75 đến 85 độ F, đến mùa đông khi nhiệt độ xuống dưới 50 độ F và gặp giá lạnh rau muống chết ngay. Vì vậy ở Massachusetts, rau muống không thể phát triển quanh năm đến mức làm nghẹt các đường thoát nước như trường hợp của Florida và Louisiana.

Hiện nay một số trở lực hãy còn tồn tại trong việc trồng rau muống ở Mỹ, chẳng hạn chưa phải tất cả các tiểu bang đều đã chấp nhận giống cây này nên không có loại thuốc trừ sâu chuyên dụng nào cho rau muống. Nhu cầu tạm sử dụng thuốc trừ sâu của những loại rau khác cũng là một lý do khiến cho ở một số địa phương rau muống có thể không được phép bán chính thức trên thị trường. Tuy vậy có thể tin chắc là trong tương lai rau muống sẽ thành một loại rau thông dụng tại Hoa Kỳ và không chỉ đặc trưng của bữa ăn Việt Nam mà còn có thể cho mọi dân tộc trên đất nước đa chủng tộc đa văn hóa này.

Những loại cây mang tính quê hương khác.

Christopher Airriess và David Clawson trong một bản nghiên cứu về cộng đồng Việt Nam năm 1994 nói rằng người Việt Nam hơn bất cứ một dân tộc nào khác đã tìm cách tái tạo tại nơi định cư mới một khung cảnh quê hương của mình, trong đó cây cỏ đóng vai trò quan trọng. Họ mang theo những giống cây từ Việt Nam hoặc cố gắng tìm kiếm tại Tây Bán Cầu những cây cùng loại mà họ đã quen thuộc ở Ðông Nam Á.

Rau muống là một trong những loại rau thông dụng nhất của dân Việt nên dù khó khăn đến đâu thì cuối cùng vẫn phải có được trên đất Mỹ. Nhưng không thiếu những loại chẳng thông dụng bao nhiêu mà người Việt Nam vẫn cố gắng bằng cách nào đó đem qua để cho giữa quê hương mới và quê hương cũ không còn bao nhiêu xa cách. Chẳng hạn như mồng tơi, rau đay, rau lang, bầu, bí, mướp, khổ qua.... Bạc hà và đậu bắp là hai trong số những phụ phẩm không thể thiếu cho nồi canh cá nấu chua kiểu miền Nam, và chỉ cần một khoảng đất ẩm ướt góc tường hay trồng ngay trong chậu cũng đã đủ dùng. Có thể tin rằng trong số 10 độc giả đọc bài này, ít lắm cũng vài ba quý vị có trồng những cây ấy trong vườn nhà.

Khoảng bảy năm trước, một lần tình cờ tôi bước vào một cửa hàng phở nhỏ bé ở ngay trung tâm St. Petersburg, Florida. Cô hầu bàn dân Cuba bưng ra một tô phở chỉ có vài mảnh hành lá. Ðang muốn hỏi rau quế hay ngò gai mà chưa biết nói thế nào vì ông chủ đứng ở quầy cũng là người Mỹ da trắng, thì bà chủ quán từ trong bếp bước ra với một đĩa nhỏ trên có mấy cọng rau húng, vui vẻ gợi chuyện: “Thấy ông có vẻ người Việt Nam nên tôi đem rau thơm ra, trồng tại nhà đấy, ở đây ít khi mua được lắm. Vả lại khách của chúng tôi hầu hết là Mỹ không biết ăn rau thơm như người mình.”

Gần đây đi ngang Moreno Valley, thành phố nhỏ thuộc Riverside County không chắc có tới vài chục dân Việt, bỗng nhiên tôi thấy lạc lõng có tấm bảng vỏn vẹn một chữ “Phở” giữa khu thương mại, và không khỏi bị tò mò thúc đẩy muốn vào coi thử. Bàn bên cạnh có mấy người lính mang quân phục Vệ binh Quốc gia California, tất cả đều đang vặt rau thơm bỏ vào tô một cách thành thạo. Như vậy nghĩa là những dân tộc khác đã thưởng thức quen mùi vị rau thơm Việt Nam rồi. Một số hàng ăn Việt Nam cũng từng cho biết món gỏi cuốn rất được nhiều người Mỹ ưa thích.
Hiện nay các loại rau thơm là nhu cầu thường xuyên trong cộng đồng người Việt và đã được cung ứng bởi một số nhà canh tác chuyên môn vượt trên phạm vi các mảnh vườn gia đình. Ðối với các hàng ăn, rau muống có thể có hay không có, còn nhu cầu rau thơm là hàng ngày. Con đường “nhập cư” của rau thơm dễ dàng hơn rau muống, phát triển theo chiến thuật chiến tranh nhân dân hay vết dầu loang nên trong 100 nhà người Việt ít lắm cũng tới 90 nhà trồng một vài loại rau thơm.

Sự xâm nhập nhanh chóng của nhiều loại rau thơm Việt Nam thể hiện rõ ở chỗ hầu hết chưa có tên tiếng Anh, hay nếu có người đã đặt tên thì cũng chưa mấy ai biết. Sả có tên “lemongrass” vì từ lâu Tây phương đã dùng nó trong ngành hóa học dược phẩm hay mỹ phẩm. Loại cây này không phải do người Việt đưa vào Hoa Kỳ, có thể là di dân Ấn Ðộ hay một dân tộc Á Châu nào đấy đã đem đến, trước khi ở Mỹ có những tiệm bún bò Huế.

 Còn nhiều loại rau thơm khác chưa có tên Mỹ và nếu nói tới chỉ có thể gọi chung là một loại lá dùng làm gia vị. Rau húng có tên “basil,” bạc hà là “mint,” và chỉ những nhà thực vật học mới biết rõ từng thể loại với những tên khoa học như “Ocimum basilicum,” “Pycnanthemum.” Nhưng húng quế, húng lủi, húng chó, hẹ, sương sông, lá lốt... thì chưa thể nào nói cho người Mỹ hiểu được. Có người đã gọi dấp cá là “fish leaf,” rau răm là “Vietnamese coriander,” tuy nhiên đó mới là những sáng chế chưa được mấy ai nhìn nhận.

Nếu kể thêm, không ít người sẽ ngạc nhiên về số loại rau cỏ mà dân Việt Nam đã đưa đến, gần hết những gì có ở Việt Nam nay đều tìm được ở Mỹ. Ðó là ngò gai, rau ngổ, càng cua, tía tô, bạc hà, kinh giới, thìa là, rau má... Một loại lá mà chỉ người ăn gỏi cá sống mới chú ý đến là đinh lăng bây giờ cũng có thể tìm được ở Mỹ. Còn lá mơ lông, người miền Nam gọi bằng một tên không thanh lịch lắm, thì dễ dàng mọc rất tươi tốt trong vườn của nhiều nhà người Việt khiến cho những dân nhậu thịt chó phải than thở rằng nó vô dụng ở đây (nhưng dù sao vẫn rất hữu ích với món... giả cầy!)

Mỹ hóa và Việt hóa.

Gần mười năm trước khi rau quả Việt Nam tại địa phương hay nhập cảng còn hiếm, người Việt vùng tiểu bang Washington thường lái xe từ Seattle qua Canada đến phố Tầu ở Vancouver là nơi có đủ mọi sản phẩm gốc Á Châu. Trở về Mỹ, các cảnh sát biên phòng chỉ hỏi một câu theo thủ tục là có mang gì vào Mỹ không. Nhưng một vài lần họ nghi ngờ câu trả lời “No!”, đòi hỏi mở thùng xe thì thấy lủng củng nào là nhãn, vải, chôm chôm, cóc, củ ấu cho đến đủ thứ loại đồ ăn khác, và từ đó sự kiểm soát trở nên gắt gao hơn. Bây giờ Vancouver vẫn còn là nơi đầy đủ loại nông phẩm Á Châu hơn đâu hết, nhưng người Việt có qua chơi thì cũng chỉ tiêu thụ tại chỗ chứ chẳng cần mang về nữa vì ở Hoa Kỳ cũng đã khá đầy đủ.

Vả lại bên cạnh nhu cầu tiêu dùng, người Việt luôn luôn có một sở thích cao hơn, đó là tự trồng trọt, và việc có trong vườn một loại cây gốc từ quê hương là niềm kiêu hãnh. Tuy vậy do sự du nhập có những khó khăn hoặc vì một số thực vật tương tự tại Hoa kỳ có thể còn phong phú hơn đồng loại ở Việt Nam, cho nên người ta đã xoay sở bằng cách lai tạo biến đổi giống sao cho chúng trở thành gần gũi hay mang vẻ Việt Nam nhiều hơn. Như vậy có hai chiều hướng: Mỹ hóa các cây cỏ từ Việt Nam tới và Việt hóa những cây cỏ đã có ở Hoa Kỳ.

Hoa đào có thể là một trong những trường hợp ấy. Tại Hoa Kỳ có đủ loại đào nhưng người Việt thích một cành đào ngày Tết kiểu quê hương hơn. Từ hàng trăm năm ở Việt Nam, làng Nhật Tân phía tây bắc thành phố Hà Nội nổi tiếng với những cành đào, gọi là đào bích, để bán trong dịp Tết. Mỗi năm sau khi cắt cây đem bán, chỉ còn để lại một đoạn ngắn gần gốc rồi lấy bùn đắp lên, đến cuối mùa xuân những người trồng hoa đi tìm mua các cây đào nhỏ loại đào ăn trái có màu hoa nhạt hơn đem về tháp vào gốc cũ, và năm tới sẽ có cành đào mới với sắc hoa vừa đủ đẹp. Theo cách tương tự, nhiều vườn ươm cây người Việt ở Mỹ gần đây đã ghép giống để có những cây hoa đào hợp với sở thích của khách hơn là các loại đào nguyên gốc bản địa.

Những nhà thực vật học không đồng ý với nhau về xuất xứ của ổi là từ Mỹ Châu hay Á Châu, chỉ biết rằng ổi là loại trái cây nhiệt đới rất phổ biến ở Nam Mỹ. Ðem hạt giống ổi từ Việt Nam đến là việc quá dễ, tuy nhiên dùng ngay giống ổi sẵn có tại chỗ vẫn thuận tiện hơn. Nếu đến một vườn ươm cây ở vùng Vista gần Camp Pendleton, California, trong cả chục ngàn cây con với hàng trăm giống tại đây muốn có ổi hồng hay ổi gần giống như ổi xá lị không có gì khó. Vì vậy chẳng thể nào kiểm chứng một cây “ổi xá lị trái lớn thịt ròn” mà những nhà ươm cây người Việt vẫn quảng cáo xem thật sự xuất phát từ đâu, duy có điều chắc chắn là nếu từ châu Mỹ thì nó cũng đã được “Việt Nam hóa” và mọi người bằng lòng với thực tế ấy. Thanh long thuộc họ xương rồng vùng khí hậu sa mạc đang được phát triển trong cộng đồng người Việt có lẽ cũng lấy giống từ bản địa rồi Việt hóa.

Ngoài ra cũng không thể phân định rõ một số loại cây trái là hoàn toàn Việt Nam hay Ðông Nam Á và Á Châu nói chung. Tuy vậy dân Việt có khuynh hướng coi những gì là Á Châu gần gũi với mình hơn những gì gốc Âu Mỹ. Mận và mơ ở Mỹ lớn, ngon, nhưng người ta rất thích thú khi trồng được cây mận trái nhỏ như mận Ðà Lạt dù cho chẳng ngọt ngào. Hiện nay nhiều nhà Việt Nam trồng nhãn, vải có thể là giống từ Trung Quốc hoặc táo Thái Lan. Xoài, chôm chôm, măng cụt, na, mãng cầu xiêm, không rõ gốc từ Việt Nam hay một nước Ðông Nam Á khác nhưng chắc chắn do người Việt mà nay đã thấy ở nhiều nơi trên đất Mỹ. Riêng về hoa, nhiều loại hoa ở Việt Nam không phong phú bằng các xứ miền ôn đới nên người Việt phải tìm những giống tương đồng như mai, cúc và họ phong lan từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.

Một số loại cây khác thì không thể nghi ngờ về gốc Việt Nam đích thực của nó. Bưởi Biên Hòa, mít tố nữ, mận Mỹ Tho, tầm duộc, vú sữa, hồng bì miền Bắc và dâu da miền Nam, hay là trái gấc chỉ có một công dụng độc đáo để nấu xôi cho đám cưới hoặc ngày Tết, thuộc trong những cố gắng đem giống từ Việt Nam qua trồng để có được đầy đủ hương vị quê hương ở nơi định cư mới. Cây cà, dù là cà pháo hay cà chén, mang cái tên Mỹ tùy tiện không rõ ai đặt: “eggplant,” chỉ có mặt trên đất Hoa Kỳ từ khi người Việt Nam đến đây.

Như vậy đến nay gần như tất cả mọi loại cây cỏ ở Việt Nam đã được cộng đồng người Việt trồng tại Hoa Kỳ. Có thể còn một vài loại chưa có hoặc sẽ không bao giờ có như dừa, sầu riêng, cóc, lý do vì khó mang giống đi hoặc vì tạo ra những phiền toái phức tạp nếu trồng những loại cây này.

 Từ lâu, Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ đã rất chú ý đến những chủng loại thực vật mà người Việt Nam đem đến. Một dự án nghiên cứu do trường đại học Georgia thực hiện cho bộ Nông Nghiệp, khởi sự năm 2001 và còn đang tiếp tục, nói rằng Quốc Hội Liên Bang khóa 101 đã cho phép sử dụng tài nguyên vào việc tìm hiểu, bảo toàn và trợ giúp sự phát triển phong phú của hệ thực vật Hoa Kỳ, đặc biệt hướng đến một trong những cộng đồng di dân mới là người Việt Nam. Một trong những mục tiêu được giải thích trong dự án là làm cách nào cung cấp cho các thế hệ thứ hai và thứ ba khả năng kiến thức để gìn giữ vẻ tươi đẹp của những loại thảo mộc mà cha anh họ đã đem đến.

Còn đối với người Việt Nam ở hải ngoại, trong ý chí duy trì truyền thống văn hóa dân tộc bằng nhiều hình thức, cây trái rau cỏ đã có một phần đóng góp đáng kể vào sự thể hiện ấy.

Hà Tường Cát      

Sunday, October 30, 2011

Văn Hoá VN


Trên Mặt TrậN Văn-Hoá, Ai Đã và Đang Thắng Ai?


Năm 1975, đa-phần chúng ta đến Mỹ trong một tình-cảnh thập phần bất lợi. Đã mất nhà, mất cửa, mất quê hương, chúng ta còn bị nhìn như những kẻ đã thua cuộc, hơn thế nữa còn đáng thua vì tham-nhũng, bất tài, bất lực–đó là hình ảnh của ta trong một nền báo chí bất công, đi tìm thủ-phạm cho một sự thất bại thuộc vào hạng lớn nhất của Mỹ. Nhưng lạ thay, hình ảnh xấu xa này của người Việt miền Nam chẳng bao lâu, chỉ trong vài tháng đã thay đổi một cách nhanh chóng. Mùa thu năm đó, con em chúng ta vào trường học Mỹ đã chứng tỏ là những thiên-thần con, ngoan và giỏi, chả mấy lúc trở thành những trò cưng của các cô thầy để rồi ít năm sau giật đủ mọi thứ giải trong học-đường Mỹ (như thủ-khoa, á-khoa, các học-bổng).

Từ giáo-dục.

Song song ở Việt-nam trong cùng thời, người CS vào xâm-chiếm miền Nam gặp cái gì cũng chê. Nhà cao-tầng ở Sài-gòn thì bị coi là “phồn vinh giả-tạo,” hàng hoá ê hề thì bị cho là “tàn-dư đế-quốc,” cơm thừa canh cặn của Mỹ-nguỵ. Nhưng cũng có vài hình ảnh đối chọi: Nhà văn Dương Thu Hương trông thấy sách đủ loại ở miền Nam, mở ra một chân trời không thể mơ tưởng nổi ở miền Bắc xã-hội-chủ-nghĩa, đã ngồi xuống vệ đường và khóc. Nhà báo Bùi Tín khi vào làm việc ở Camp David, Tân-sơn-nhất, khám-phá ra cả một nền báo chí phong phú do tư-nhân làm chủ, từ thân chính-phủ đến đối-lập quyết-liệt. Và đặc-biệt, trẻ con ở miền Nam tỏ ra lễ-giáo hơn cả người lớn ở miền Bắc, chứng tỏ một nền giáo-dục có cơ-sở, có căn-bản hơn gấp bội!

Và chẳng bao lâu, người ta thấy nền giáo-dục miền Bắc (4-3-3, hệ 10 năm) âm thầm đi theo hệ-thống giáo-dục ở miền Nam (hệ 12 năm). Rồi những lớp học ở miền Bắc bắt đầu chăng những biểu-ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” dù như nội-dung, do đã mất căn-bản trong hơn 20 năm, đi từ khủng-hoảng này đến khủng-hoảng khác.

Đến khi Việt-nam “mở cửa” ra với thế-giới thì những thói hách dịch, cửa quyền kiểu các cô ở cửa hàng mậu-dịch (quốc-doanh) làm việc mà mắng chửi khách hàng sa sả dần dần cũng được thay thế bằng những cô cậu “lễ tân” thưa hỏi, lễ phép đàng-hoàng của các khách-sạn ở Việt-nam hôm nay–dù như tiếng chửi thề tục tằn thì hình như vẫn còn ở ngoài đường phố, ngay giữa Hà-nội “nghìn năm văn vật,” đến từ những miệng non choẹt, của ngay cả những con gái 11-12 tuổi.

Chính vì thế mà gần đây, sau những than van trầm thống của những nhà giáo lão thành như G.S. Hoàng Tuỵ, v.v. ở trong nước đã có những hội-thảo như “Sự xuống cấp văn hoá và đạo đức trong xã hội ngày nay” do Quỹ Văn-hoá Phan Châu Trinh tổ-chức ngày 27/11/2010 ở ngay Hà-nội. Tại đây, lý-thuyết-gia Lữ Phương từ Sài-gòn ra đã phải có bài “Vì đâu nên nỗi?” trong đó ông kêu trời về “hiện tường bùng nổ… của một thứ chủ nghĩa vật chất, mang màu sắc chụp giật dung tục, trắng trợn chưa từng có trên đất nước, lan tràn như một bệnh dịch, lau lách xâm nhập vào toàn bộ các ngõ ngách của đời sống (kể cả những lĩnh vực được coi là thiêng liêng cao quý).” Đi tìm gốc rễ của một sự băng-hoại như vậy, ông đã đề nghị đó là “chủ nghĩa GDP,” “chủ nghĩa thành tích vĩ cuồng” trong đó có sự “đua đòi chơi trội, ngông nghênh, cùng với thái độ liều lĩnh trong sự nhũng lạm, bòn rút, phung phí của công, trắng trợn, tràn lan, bất chấp mọi hậu quả.” (in lại trong báo Thông tin số 55 tháng 12/2010 ở Đức)

Sau đó, ông Tống Văn Công, một lão-thành cách mạng, đã hưởng-ứng bài của Lữ Phương bằng cách “ghi chép điều mình quan sát được.” Theo ông, “nước ta đang trong tình trạng khủng hoảng văn hoá” bên cạnh “khủng hoảng kinh tế – xã-hội.” Để mô-tả phần nào sự xuống cấp thảm-hại của văn-hoá trong nước ngày nay, Trần Ái Dân đã có bài thơ với những trích-đoạn như sau:

Thời buổi thế này là thế nào hả trời,
Làm xịt lốp xe, đinh rải đầy đường sá.
Giữa phố đông, người rạch mặt người.
Khách tàu hoả tha hồ ăn đá.. . . . . . . . . . .

Đến cục cứt cũng là cứt rởm.
Nông phu phải miết tay, phải ngửi kiểm tra.
Thời buổi thế này là thế nào hở trời,
Trò giữa lớp phang thầy; Con nện cha trước bàn thờ tổ.. . . . . . . . . .

Xương trâu bò thế xương liệt sĩ.
Trâu bò lên ngôi Tổ quốc ghi công.

Đi vào phân-tích, ông Tống Văn Công đã nêu những điểm như:

“Không phải lủng củng mà là đặt ý thức hệ trùm lên văn hoá.”
“Đặt ý thức hệ lên trên đạo đức truyền thống dân tộc.”
“Văn hoá xã hội chủ nghĩa đặt chủ nghĩa Marx-Lenin thành chân lý độc tôn.”
“Văn hoá xã hội chủ nghĩa đề cao tuyệt đối chủ nghỉa tập thể, đồng nhất chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa vị kỷ và triệt để xoá bỏ.”
“Đề cao nghệ thuật vị nhân sinh nhưng cuối cùng, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa tầm thường hoá văn học, nghệ thuật, khuyến khích văn học nghệ thuật minh hoạ chính trị.”

Đến văn nghệ, nếp sống.

Trên đây là những lối nói bằng công-thức của người Cộng-sản nên nghe rổn rảng, người thường nghe rất khó hiểu, nhiều khi còn ngờ là nó che đậy những sự thật rất đáng sợ. Để cho dễ hiểu, tôi chỉ xin nêu ra hai thí-dụ.

Một là nhạc vàng. Năm 75 khi vào Nam, người CS chỉ có “nhạc cách mạng” và chê bai nhạc miền Nam mà họ gọi, theo cách nói của Trung-Cộng, là “nhạc vàng,” hiểu theo nghĩa là vàng vọt, bệnh hoạn. Nhưng rồi chẳng bao lâu, “nhạc cách mạng” bị xem là “lạc hậu”–theo đúng nghĩa là “rớt lại đằng sau.” Vì nhạc CS, cũng như văn-nghệ CS, là nhằm phục-vụ cho giai-đoạn. Khi giai-đoạn đó đã qua, như giai-đoạn mà họ gọi là “đánh cho Mỹ cút, nguỵ nhào,” thì cái nhạc kia trở nên lạc lõng, không còn đối-tượng nữa. Do đó nó phải đổi thay. Nhưng đổi thay theo hướng nào? Theo hướng con người, theo hướng tình-cảm… tức là đổi thay theo hướng “nhạc vàng” mà giờ đây ta thấy áp-đảo ở trong nước.

Để cho ta thấy sức mạnh của “nhạc vàng” như thế nào, ta có thể lấy trường-hợp nhạc Phạm Duy. Một số người trong chúng ta không muốn nhắc đến trường-hợp của ông vì để được về yên thân ở trong nước, ông đã có đôi lời phát biểu không hạp nhĩ với chúng ta. Nhưng đâu phải ông về trong nước là không gặp khó khăn. Trên khoảng 1000 bài hát ông đã sáng-tác, cho đến nay nhà cầm quyền CS mới chỉ cho hát và trình bầy có 41 bài của ông. Nhưng mặc! Vì tính-cách nhân-bản của những bài hát này, mỗi lần có Đại-nhạc-hội Phạm Duy ở trong nước là thiên-hạ ùn ùn đi coi, đôi khi phải trả cả vé theo giá chợ đen lên đến 300 đô-la một vé nếu mua ngay ở cửa.

Rồi chúng ta cũng trách một số ca-sĩ hải-ngoại về hát ở trong nước. Song ca-sĩ chúng ta ở ngoài này về là để hát nhạc tình-cảm, nhạc tình-tự quê hương, thậm chí có người còn bị chê trách là hát “nhạc sến” nữa. Nhưng tôi mới được đọc một bài báo nói về Tuấn Vũ, về hát ngay ở nhà hát lớn Hà-nội, mà hát nguyên một tuần lễ mà vẫn không hết khách. Đủ tỏ cái sức mạnh lạ lùng của “nhạc vàng,” nó không cần ai đỡ đầu hay nhà nước nào bao cấp cả! Tự nó nó đứng vững trên hai chân của nó, chỉ vì lòng thương yêu của khán-thính-giả… bởi nó “cận nhân-tình”!

Tại sao vậy? Tại vì “nhạc vàng” là một nền nhạc phải cọ xát với nhạc thế-giới, nhạc thời-đại, nó không “lạc hậu” như “nhạc cách mạng.” Có thế nên ở ngay bên cạnh một nền nhạc năng động, phong phú và đa dạng như nhạc hiện-đại của Mỹ, của Pháp, “nhạc vàng” vẫn sống hùng sống mạnh, không chỉ vẫn giữ được khán-thính-giả của mình, nó còn cạnh tranh được cả với phim bộ của Hồng-kông, Đại-Hàn nữa… thì đủ tỏ!

Một trường-hợp thứ hai là cách ăn mặc của phụ nữ VN. Năm 75 vào, người CS tuy không cần nói ra vẫn đã biến cả nước thành một dân-tộc đồng-phục, bà ba đen hay nâu (thậm chí đến lụa trắng cũng không dám mặc vì sợ bị coi là trưởng-giả, tiểu-tư-sản). Song chỉ ít lâu sau, người ta khám-phá ra người đàn bà, con gái mà có ít môi son, má phấn, vẽ lông mày, mặc áo dài và tắm xà-bông thơm thì đẹp hơn gấp bội cái “mốt” mà có từ thế-kỷ thứ 10-thứ 15… mà ở nhà quê kia!

Thế là cả một cuộc cách mạng trong y-phục đã xảy ra, kéo từ Nam ra đến Bắc, ra đến tận ải Nam-quan (nếu như còn), và đã đành là không bỏ chuyện chinh-phục trở lại Hà-nội, Nam-định, Hải-phòng! Ngày nay, thử hỏi, ăn mặc thế là chuyện tiến-bộ hay là liệu còn ai chủ-trương trở lại chế-độ bà ba?

Do vậy mà đã có không ít nhà quan-sát-viên, cả VN lẫn ngoại-quốc, đánh giá là trong chiến-tranh VN, người CS chỉ thắng được có phần quân-sự–mà đó cũng là nhờ miền Nam bị đồng-minh bỏ rơi, chứ còn về mọi mặt khác, từ kinh tế, xã-hội đến giáo-dục, văn-học, thời-trang… mặt nào miền Nam cũng thắng vượt trội–ngoại-lệ rất ít, gần như không có! Nên vấn-đề “ai thắng ai” thì từ góc nhìn 36 năm sau nhìn lại, nếp sống và cách nhìn của người CS đã thảm-bại!

Về đạo-đức cũng không khác.

Sang một lãnh-vực cao hơn. Đến khi “học tập theo đạo đức Hồ Chí Minh” thì sau “4 năm triển khai trên cả nước,” đại-biểu Lê Văn Cuông tại hội-trường Quốc-hội ở Ba Đình, Hà-nội, ngày 1/11/2010 đã phải than: “Kết quả làm theo lời Bác chưa được nhiều, trái lại có một số vấn đề bức xúc như chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, tư lợi, đạo đức xuống cấp trong một bộ phận cán bộ công chức ngày càng có biểu hiện tinh vi, phức tạp.” Một bộ phận thôi sao? Ngày 30/11/2010, ông Trương Vĩnh Trọng, phó-thủ-tướng, đúc kết tại Hội-nghị tổng-kết công-tác phòng, chống tham-nhũng phải thú thật: “Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp…”

Nguyễn Ngọc Bích
Trình bầy tại Hội Cao Niên vùng HTĐ,Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Saturday, October 29, 2011

Y tế VN


Suy Thoái Đạo Đức,
 Biểu Hiệu Rõ Nhất Của Diệt Vong


Thưa bạn đọc, lẽ ra đề tài về bệnh viện tại VN, tôi hứa với bạn đọc phải được tiếp tục từ tuần trước. Nhưng như bạn đọc đã biết, tôi có một người bạn và cũng là người thầy đáng kính mới vĩnh viễn ra đi nên tôi không thể không viết ngay đôi hàng vĩnh biệt. Kỳ này xin trở lại với đề tài còn bỏ dở đó.

Lương y như từ mẫu hay như “tiền trảm”?

Thoạt nhìn cái tiêu đề “Lương y như từ mẫu hay như tiền trảm”, chắc nhiều vị lương y thấy sốc nặng, thoạt nghe tôi cũng thấy sốc vì bạn tôi và các con, các cháu tôi ở VN hay ở nước ngoài cũng có một số người là bác sĩ. Nhưng thật ra cái lối ví von, so sánh “độc ác” kia đã công khai được nói đến ở VN từ lâu rồi, không chỉ trong giới “bình dân” mà ngay cả với giai cấp trung lưu, có học, có bằng thật hẳn hoi chứ không phải bằng giả. Không nói thì bạn cũng biết nguyên nhân chính của nó chỉ vì chiếc phong bì, nói thẳng ra là hối lộ cho các vị lương y, cho cả các nhân viên y tế và cả anh cò mồi, anh giữ xe của bệnh viện, nhất là bệnh viện công. Bên cạnh đó là những vấn đề thuộc phạm vi chuyên môn và “cơ chế… đói”.

Đã “mổ xẻ” vấn đề thì mổ cho trót, không úp mở. Muốn chữa bệnh nan y thì phải tìm đúng bệnh. Cho nên tôi ngần ngại mãi rồi cũng phải chọn cách này. Tôi tin là bạn bè tôi là “tu bíp” hay “lang ta” dù ở VN hay ở nước ngoài sẽ thông cảm và đồng tình với tôi. Bởi tôi, cũng như các vị bác sĩ (BS) và con cháu tôi muốn cho người thầy thuốc, dù ở bất cứ đâu cũng phải được kính trọng. “Con sâu làm rầu nồi canh”, nếu cứ để tình trạng bê bối, nham nhở này diễn ra là mối nhục chung.
Tôi không biết chuyện ở nước ngoài nên ở đây, tôi chỉ nói chuyện về tình hình đó ở VN mà thôi.

Khái niệm đến bệnh viện công nhoà nhạt

Trước khi đi vào phân tích câu chuyện về bệnh viện và lương y, đang là một đề tài rất nóng xuất hiện trên hầu hết các báo ở VN hiện nay, tôi xin nói ngay đến trường hợp cụ thể của mình. Phải nói đúng là từ lâu lắm rồi, cái “khái niệm” đi bệnh viện công trong tôi và nhiều người quanh tôi, dường như không còn nữa. Nói đến đi bệnh viện (BV) là nghĩ đến bệnh viện tư.

Mà có đến BV công thì cũng là đến nơi khám “dịch vụ”, cũng đắt tiền và được chăm sóc như bệnh viện tư. Ở đó công và tư nhập nhằng, BV tư trong BV công, công mà tư. Thí dụ vào BV công lớn, trong cái mớ người đứng hỗn độn, chen chúc lố nhố hơn cái chợ trước đủ các thứ khoa nội, khoa ngoại, bạn sẽ chìm nghỉm trong cái chợ đó. Nhưng nếu bạn “khám dịch vụ” thì có nơi có chốn riêng, được tiếp đãi đàng hoàng hơn, nằm cái phòng lên tới 1-2 triệu đồng một ngày, chưa kể tiền khám, tiền thuốc, tiền chữa bệnh, tiền phục vụ. Như thế chẳng khác gì BV tư. Cho nên cứ đi thẳng một lèo tới BV tư cho được việc, đỡ mất công chầu chực, có khi còn chết oan.

Bệnh viện tư ở VN bây giờ cũng khá “tối tân”. Và tất nhiên bạn cần phỏng chừng cái túi tiền của bạn phải tỉ lệ thuận với sự tối tân “khủng” tức là nhiều máy móc, thiết bị y tế mới hoặc tối tân “một nửa”. Những BV “khủng” ở Sài Gòn, Hà Nội và vài đô thị lớn bây giờ cũng “oách” lắm rồi. Đó là nói theo kiểu người Bắc, còn trong Nam gọi là “sang” là “xịn” lắm rồi. Cuộc chạy đua giữa các BV công và tư nằm trong lãnh vực kinh doanh nhiều hơn là mục đích phục vụ. Bỏ tiền ra xây dựng, mở rộng BV, mua các thiết bị mới từ các nước văn minh về VN, các nhà kinh doanh này mong kiếm lời nhiều hơn. Đó cũng là lẽ tất yếu, giảm bớt số đô la chảy ra các BV nước ngoài.

Thông thường ở VN bây giờ, bệnh nhân chuộng Singapore rồi đến Mỹ. Câu chuyện “sính Sing”(*) từ chục năm trước, bắt đầu từ “đại gia”, bây giờ đến cả nhà giàu mới nổi, chủ công ty, hãng buôn cũng có vẻ “sính Sing” và “thích đi Mỹ chữa bệnh”, nhân thể thăm họ hàng, du lịch. Tôi chỉ nói cho rõ chứ không có gì đáng chê, đáng trách cả. Họ có quyền tiêu tiền chính đáng, lo cho mạng sống của mình, khi mà họ chưa thể tin tưởng được tài năng của Bác Sĩ cũng như kỹ thuật của các Bệnh Viện ở nước mình. Tôi không nói đến các đại quan và những anh nhà giàu hay “ăn vụng”, mượn lý do chính đáng đi chữa bệnh, đau bụng cũng đi Sing chữa mới khỏi.

Bệnh Viện tư và cái túi tiền

Vào BV Việt Pháp ở TP Sài Gòn chẳng hạn, thường là bạn chuẩn bị sẵn chừng một hai chục triệu đồng trước, còn mọi thứ tính sau. Vào cái BV tư nổi tiếng tí đỉnh hay đến BV “còm” ở mấy con phố nhỏ cũng được. Nhưng dù là ở con phố nhỏ, con hẻm hay chung cư mà ông BS đó có tiếng thì cũng coi chừng cái bóp dày hay mỏng. Anh ít tiền thường chui vào BV công, dù có bị “tì bà hành” ráng chịu. Dù ai cũng biết, vào BV công là bước vào một cuộc chiến đấu với những giờ phút dài gian khổ. Gian khổ trên từng mi-li-mét, từ ở sân BV, ở hành lang, trên lối đi, trong phòng vệ sinh, ở phòng khám, ở nơi “nội trú”. Vài bệnh nhân (BN) nằm một giường là chuyện tự nhiên rồi, khỏi hỏi. Kẹt quá thì nằm gầm giường còn hơn là chết.

Người mắc bệnh mà ít tiền thì “cũng đành nhắm mắt đưa chân, thử xem… bệnh viện xoay vần đến đâu”. (Dân nhái thơ cụ Nguyễn Du) – Giống hệt thân phận Thuý Kiều lưu lạc. Rất nhiều những gia đình cố xoay xở, vay mượn cho thân nhân đến một BV tư, quá với khả năng mình. Nếu có bảo hiểm thì đỡ hơn, nhưng nói thật, bạn cầm cái giấy bảo hiểm là hầu như nhân viên các BV công hay tư, đều “thiếu cảm tình” với bạn ngay. Đưa thẻ bảo hiểm ra, coi như được yểm trợ nhà nghèo. Nhưng lại bị “chém” đau hơn. Xin dẫn chứng cụ thể:

Chị Thu Minh ở Vĩnh Phúc tiết lộ:
“Tôi có dịp đến Bệnh Viện đa khoa tỉnh để chăm sóc chị gái khi đến ngày sinh nở. Chị tôi có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng vẫn phải đặt cọc 1.500.000 đồng tiền viện phí. Chị tôi được Bác sĩ chỉ định mổ đẻ, và sau khi ca mổ kết thúc, bác sĩ gọi người nhà vào yêu cầu nộp 1.000.000 (một triệu) tiền bồi dưỡng cho các y bác sĩ ca mổ. Khi chị và cháu tôi được chuyển từ phòng mổ về khoa thì Bác sĩ ở khoa lại gọi người nhà vào phòng, tôi theo vào và Bác sĩ hỏi tôi tiền cho bồi dưỡng? Tôi bảo: cháu đã đưa 1 triệu trên phòng mổ rồi thì Bác sĩ khoa sản bảo: Đấy là ở trên đấy, còn ở đây chưa có! Vì chị mình vẫn còn nằm điều trị nên tôi phải móc ví lấy ra 400.000 (bốn trăm).
Cầm tiền xong họ mới mở cửa cho tôi ra. Qua tìm hiểu các bệnh nhân và người nhà đang ở đây tôi được biết đây là quy định ngầm của Khoa sản ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, tiền lót tay cho Bác sĩ mổ đẻ là 1 triệu, đẻ thường là 5 trăm, ai cũng thế”.

Tăng “viện phí” là một đòn đau đánh vào số phận

Đó là nỗi lòng của những bệnh nhân nghèo, nhất là người bị bệnh nan y. Họ và gia đình đã quá khổ sở vì tiền chữa bệnh, vì vậy thật dễ hiểu khi viện phí tăng như một đòn đau đánh vào chính số phận mình. Những ngày gần đây, thông tin được nhiều bệnh nhân và thân nhân người bệnh đưa ra bàn tán “nóng” nhất là tăng viện phí.
- Bà N.T.L., 46 tuổi, ở tại Gò Công Đông, Tiền Giang, mắc bệnh ung thư vú, bác sĩ nói số tiền điều trị trước mắt hơn 10 triệu đồng. Không có tiền, vợ chồng bà phải chấp nhận vay nặng lãi 10 triệu đồng, mỗi tháng phải trả 1 triệu. Vay được tiền mới đến bệnh viện điều trị.
- Bà Đào Thị Cam (47 tuổi, trú Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đứng ngồi không yên từ khi nghe tin tăng viện phí. Bà than thở: “Chừ nghe tăng viện phí mà lo lắm, những bệnh nhân nghèo như tụi tui dù chỉ tăng một đồng cũng thấy khổ rồi”.
Trên đây là khái quát về hình ảnh và tâm trạng của bệnh nhân trong khắp các BV công và tư ở VN. Tràn ngập những cảnh rơi nước mắt, tôi không thể nào diễn tả hết.
Thế nên khi nghe một ông già kể “Hồi xưa nằm ở Bệnh Viện Bình Dân Sài Gòn cũng không mất xu nào”. Mấy anh trẻ cho là chuyện “phịa”. Họ nhìn trời nhìn đất, cầu khẩn sao cho cái “viện phí” tức là tiền trả cho bệnh viện và lót tay cho các “lương y” bớt đi cho họ nhờ cũng đủ hạnh phúc rồi, chứ đừng tăng. Đợi đến đời cháu chắt mình thì may mới được nằm BV miễn phí.

Xét nghiệm tùm lum, tốn tiền vẫn chết oan.

Xin lấy ngay trường hợp của chính người viết bài này. Cách đây vài tuần, tôi đã tưởng “đi tàu suốt” vì bỗng dưng không cất đầu dậy nổi, đi đứng xiêu vẹo, lảo đảo, không đi nổi. Hàng xóm bàn tán tôi bị rối loạn tiền đình hoặc bị đau tim, tai biến mạch máu não… và nhiều thứ linh tinh khác. Họ khuyên tôi phải đi BV làm xét nghiệm gấp. Tôi phân vân vì nếu làm xét nghiệm, sẽ phải làm rất nhiều thứ, đã có nhiều BV chẩn đoán sai. Hai ba BV làm xét nghiệm không giống nhau, có khi đau đầu chữa bệnh chân.

Xin dẫn chứng một trong rất nhiều sự việc có thật: Chết vì bị chẩn đoán sai.

- Người dân huyện Phú Ninh, Quảng Nam xôn xao về tin em Nguyễn Thị Bích Hiền (SN 1992, ở tổ 1, thôn An Hoà, xã Tam An, huyện Phú Ninh) chết vì bệnh viện chẩn đoán sai bệnh, làm gia đình nạn nhân vô cùng đau đớn và oán hận.
Trước cái chết tức tưởi của cháu Hiền, bà Minh kêu trời: “Nếu các bác sĩ của khoa Cấp cứu nhiệt tình khám, hội chẩn bệnh kịp thời thì con gái tôi không chết oan uổng, đau xót thế này. Con gái tôi bị viêm dạ dày mà họ lại chuyển lên khoa Lây làm gì. Lẽ ra, con gái tôi được tìm đúng bệnh, cứu chữa kịp thời thì không chết oan uổng sau một đêm một ngày nhập viện”.

- Độc giả canhtandatnuoc phẫn nộ viết trên báo: “Bệnh viện, nhà thuốc mặc sức chặt chém người bệnh. Có ai trả giá (mặc cả) tiền khám, tiền thuốc… bao giờ!. Lương y như “tiền trảm”. Tiền luôn đi trước. Khi vào cấp cứu thì phải đi đóng tiền rồi mới cứu!. Chết sống mặc bây!. Thử hỏi như vậy không bị giang hồ chém mới lạ.”

- Tại hội nghị tổng kết hai năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cũng thừa nhận tình trạng lạm dụng xét nghiệm, kê đơn, lạm dụng quỹ Bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế. BS Nguyễn Hữu Tùng – Tổng thư ký Hội Hành nghề y tư nhân TP. Sài Gòn cho biết: “Hầu hết các BV đều có những máy đo hình ảnh học tương đối rẻ tiền, chất lượng chưa “chuẩn” nên nhiều BV không chấp nhận kết quả của nhau. Thậm chí, ngay cả kết quả xét nghiệm của các BV hàng đầu nước ta thực hiện cũng bị các BV nước ngoài từ chối, trong khi, máy móc lại nhập khẩu từ các nước có trình độ kỹ thuật tiên tiến sản xuất. Theo các BS, do VN chưa xây dựng “chuẩn y khoa” trong chuyên môn nên chưa tương thích với “chuẩn của thế giới”.

Mặt phải và mặt trái của BV.

Thưa bạn, đó là lý do tại sao rất nhiều người đi xét nghiệm, cầm kết quả trong tay lại phải nhảy đến BV khác khám lại mà chưa chắc đã đúng bệnh. Mỗi lần xét nghiệm, chẩn đoán là mỗi lần tốn năm bảy triệu, có là của núi mà bệnh vẫn hoàn bệnh. Đấy là người có khả năng chứ còn mấy bác nhà nghèo thì cứ cầm cái kết quả đó đi chữa cho đến chết oan không nhắm mắt được. Vậy thì tôi dại gì đi xét nghiệm. Tôi bèn điện thoại cho ông tu bíp Hà Xuân Du ở San Jose, ông nghiên cứu rồi khuyên tôi nên đi khám tai mũi họng vì hai cái tai giữ thăng bằng cho cơ thể. Thế là tôi đến ngay cái BV tai mũi họng nằm trên con đường gần nhà. Quả nhiên, cái tai phải bị sưng. Chỉ trong hai tuần, bệnh tôi khỏi hẳn với hai liều thuốc rẻ tiền.

Ở đây tôi không làm quảng cáo không công cho BV này. Tôi chỉ đề cập đến một trong những BV vẫn có thể tin được và một trong số những BS có lương tâm hiện còn khá nhiều ở VN. Trong đó cái “cơ chế” lương bổng của BS công chỉ có 3-4 triệu đồng một tháng thì cuộc sống của “lương y” rất vất vả. Từ đó phát sinh làm ẩu làm tả, còn “chuồn” về phòng mạch tư kiếm thêm. Có lẽ đó là một “nguyên nhân mặt sau” mà BS Trần Anh Huy (42 tuổi, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1) vừa hết ca làm việc phải hộc tốc phóng xe hơi đi đón vợ về phòng mạch tư, đến nỗi cán luôn một hơi chết 2 người, làm bị thương 15 người vào ngày 17/10 vừa qua trên đường Lý Thái Tổ, Sài Gòn.

Cũng có cặp vợ chồng BS phải đi làm thêm những nghề khác để còn giữ được lương tâm trong sáng với nghề nghiệp của mình. Như gia đình của bác sĩ Phạm Văn Nghiêm, phó giám đốc bệnh viện đa khoa ở Saigon. Bà vợ là bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, hiện là giám đốc bệnh viện quận 8. Sau hơn 27 năm làm việc, lương không đủ sống, họ đã mở một tiệm cà phê. Nhưng số BS như ông Nghiệm, quả thật là quá hiếm trong thời buổi này.

Nhìn lại quanh tôi, hơn chục năm trước hầu hết các BS đi xe gắn máy, ở chung cư. Nhưng ngày nay thì khá nhiều BS đều có “ô tô con”, còn là loại “xe chiến” nữa, biệt thự khá “hoành tráng”. Nếu làm giàu lương thiện là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng những người quên lời thề Hypocrate, “nhận phong bì” rồi mới cứu BN thì đó cũng là một thứ tham nhũng vô lương tâm nhất, không hiếm gặp ở những nơi khác mà bao năm nay, nhà nước ra công diệt, vấn đề vẫn còn nguyên đó. BS Nguyễn Hoài Nam so sánh: “Tệ tham nhũng, phong bì trong ngành y tế so với các ngành khác chỉ là những con số lẻ.” BS muốn nói, tham nhũng trong ngành y tế quá ít so với các ngành khác. Vâng, đúng là con số lẻ, nhưng lại có ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong đạo đức và lối sống cho toàn xã hội, hủy hoại cả một thế hệ, nhất là cho hàng triệu – triệu sinh viên sắp ra trường. Nói cho đúng, ở khắp các lãnh vực, từ con người đến chế độ, không dựa trên nền tảng đạo đức là biểu hiệu rõ nhất của diệt vong.

Văn Quang
Từ Sài Gòn, ngày 22.10.2011

Tưởng Niệm 1/11




tại Lousanne,Thụy Sĩ ngày 22-10-2011
(click  để xem) 

Một thuở Thanh Bình-1
President Eisenhower:
Oct. 23, 1954
Letter to Ngo Dinh Diem

Letter from President Eisenhower to Ngo Dinh Diem, President of the Council of Ministers of Vietnam, October 23, 1954.

DEAR MR. PRESIDENT

I have been following with great interest the course of developments in Viet-Nam, particularly since the conclusion of the conference at Geneva. The implications of the agreement concerning Viet-Nam have caused grave concern regarding the future of a country temporarily divided by an artificial military grouping, weakened by a long and exhausting war and faced with enemies without and by their subversive collaborators within.

Your recent requests for aid to assist in the formidable project of the movement of several hundred thousand loyal Vietnamese citizens away from areas which are passing under a de facto rule and political ideology which they abhor, are being fulfilled. I am glad that the United States is able to assist in this humanitarian effort.

We have been exploring ways and means to permit our aid to Viet-Nam to be more effective and to make a greater contribution to the welfare and stability of the Government of Viet-Nam. I am, accordingly, instructing the American Ambassador to Viet-Nam to examine with you in your capacity as Chief of Government, bow an intelligent program of American aid given directly to your Government can serve to assist Viet-Nam in its present hour of trial, provided that your Government is prepared to give assurances as to the standards of performance it would be able to maintain in the event such aid were supplied.

The purpose of this offer is to assist the Government of Viet-Nam in developing and maintaining a strong, viable state, capable of resisting attempted subversion or aggression through military means. The Government of the United States expects that this aid will be met by performance on the part of the Government of Viet-Nam in undertaking needed reforms. It hopes that such aid, combined with your own continuing efforts, will contribute effectively toward an independent Viet-Nam endowed with a strong government. Such a government would, I hope, be so responsive to the nationalist aspirations of its people, so enlightened in purpose and effective in performance, that it will be respected both at home and abroad and discourage any who might wish to impose a foreign ideology on your free people.

Sincerely,
Dwight D. Eisenhower

Source:
Reprinted from The Department of State Bulletin (November 15, 1954), pp. 735-736.
@fordham.edu  -  baovecovang  -  quanvan

Friday, October 28, 2011

Mineral resources of VN


Nhật Bản khai thác đất hiếm ở Lai Châu

Tin của nhật báo Nikkei từ Tokyo hôm thứ sáu 28 tháng 10 năm 2011 cho hay hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản sẽ ký kết thoả ước hợp tác khai thác đất hiếm ở một khu vực sát biên giới Việt-Trung.

Thoả thuận từ 2010

Tiếp sau chuyến công tác của bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, tướng Phùng Quang Thanh, tại Tokyo từ 24 đến 29 tháng 10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ công du Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Yoshihiko Noda. Chuyến đi kéo dài từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 2 tháng 11. (Ảnh tài liệu của Tiểu ban Năng lượng và Tài nguyên Hạ viện Hoa Kỳ .Quặng đất hiếm)

Thủ tướng Việt Nam sẽ thảo luận với các viên chức cao cấp của Nhật về đường lối phát triển kinh tế, hợp tác thương mại – đầu tư, du lịch, văn hóa và giáo dục giữa hai nước. Hai bên cũng sẽ duyệt xét và có thể bổ sung bản “Tuyên bố chung Việt Nam–Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” ký kết vào tháng 10 năm ngoái.

Theo Việt báo Online từ Việt Nam, vấn đề khai thác đất hiếm đã được hai nước thoả thuận từ trước tháng 11 năm ngoái, sau khi Việt Nam quyết định chọn Nhật làm đối tác lâu dài trong công cuộc điều tra,thăm dò, khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam. Nhật Bản cam kết sẽ đáp ứng mọi điều kiện của Việt Nam về trợ giúp nghiên cứu khả thi, cho vay vốn ưu đãi, sử dụng công nghệ tiên tiến an toàn cao nhất. Sau đó Việt Nam còn được chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác xử lý chất thải, và cung cấp nhiên liệu đầy đủ trong suốt thời gian thực hiện dự án.

Theo thoả hiệp đầu tiên giữa hai bên hồi năm 2010, công ty Vimico của Việt Nam sẽ hợp tác với các công ty Toyota Tsusho và Sojitz của Nhật. Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu Vimico đã khảo sát, thu thập tài liệu, lập dự án đầu tư với tổng mức hơn 141 tỷ đồng. Sản phẩm chính là tinh quặng đất hiếm hàm lượng 43%, với phó sản là các tinh quặng Calcium Fluoride và Barium Sulfate hay Barite.

Nay tin tức liên quan đến chuyến công du của Thủ tướng Dũng cho hay các công ty đối tác phía Nhật để thành lập liên doanh cho dự án vẫn là 2 tập đoàn Toyota Tsusho và Sojitz, trong khi đối tác phía Việt Nam nay là công ty khai thác khoáng sản Lavreco.

Mỏ cách Trung Quốc 30 km.

Kế hoạch sẽ được thực hiện vào năm 2013 ở mỏ Đông Pao tại tỉnh Lai Châu, nhằm đáp ứng 20% nhu cầu đất hiếm cuả xứ Phù Tang. Mỏ Đông Pao thuộc huyện Tam Đường, thủ phủ là thị trấn Tam Đường vốn thuộc huyện Phong Thổ. Tam Đường chỉ cách biên giới Việt-Trung 30 km. Đỉnh núi Fansipan ở cách Tam Đường 20 km về hướng đông đông nam. Khu vực này và vùng rộng lớn hai bên đến sát biên giới chiếm địa thế chiến lược về phòng thủ biên giới Việt-Trung. (Đất hiếm Samarium- Courtesy National Geographic.)

Việt Nam có nguồn tài nguyên đất hiếm rất dồi dào, phân bố chủ yếu ở miền Tây Bắc. Chính phủ Việt Nam luôn luôn nghiêm cấm địa phương cấp phép khai thác đất hiếm, phải chăng để ngăn việc Trung Quốc nhảy vào? 

Theo báo chí Việt Nam thì tổng trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam được ước tính và xác định là 21 triệu tấn. Hầu hết trữ lượng đất hiếm nằm ở huyện Phong Thổ tỉnh Lai châu, với hơn 10 triệu tấn ở mỏ Đông Pao (thuộc huyện Tam Đường, là huyện mới, tách ra từ huyện PhongThổ), 7 triệu tấn ở mỏ bắc Nậm Xe, hơn 3 triệu tấn ở Nam Nậm Xe. Tuy nhiên giới khoa học gia địa chất trong nước ước lượng thận trọng hơn, tính trữ lượng đất hiếm khoảng 10 triệu tấn, phân bố rải rác ở các mỏ quặng vùng Tây Bắc và dạng cát đen dọc theo bờ biển các tỉnh miền Trung.

Vị trí vững chắc

Hai con số về trữ lượng này đều là khả quan, trong khi dữ liệu quốc tế cho biết Trung Quốc có khoảng 36 triệu tấn, Hoa Kỳ có 13 triệu tấn nhưng không khai thác, trong tổng số trữ lượng đất hiếm cả thế giới vào khoảng 100 triệu tấn.

Trung Quốc hiện sản xuất tới 97% lượng đất hiếm của toàn thế giới. tuy nước này chỉ sở hữu 37% trữ lượng ước tính của toàn cầu. Trong khi nhu cầu ngày càng tăng nhanh vì tốc độ phát triển công nghiệp, năm 2009 Trung Quốc loan báo kế hoạch giảm xuất khẩu còn 35 ngàn tấn mỗi năm từ 2010 đến 2015, để bảo tồn nguồn nguyên liệu và bảo vệ môi trường.

Tháng 10 năm ngoái, Trung Hoa Nhật báo, China Daily, dẫn tin không chính thức từ một viên chức bộ thương mại Trung Quốc, cho biết lượng xuất khẩu đất hiếm sẽ bị giảm thêm 30% trong năm nay. Cuối năm ngoái Trung Quốc lại thông báo lượng xuất khẩu nửa đầu năm nay là gần 14 ngàn 500 tấn, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Quota xuất khẩu cho nửa năm sau của 2011 được thông báo là hơn 30 ngàn tấn, với sản lượng tối đa được giới hạn ở gần 94 ngàn tấn. Tháng 9 năm nay, Bắc Kinh loan báo ngưng hoàn toàn việc sản xuất của 3 mỏ trong số 8 mỏ đất hiếm chính yếu, chiếm 40% lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc.

Từ tháng 8 năm 2007 Bộ trưởng thương mại Nhật bản đã phải yêu cầu Trung Quốc đừng hạn chế lượng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật và các nước khác, vì nền công nghiệp tiên tiến của Nhật không thể thiếu nguyên liệu này.

Bộ trưởng Akira Amari khi đó đã nói với hãng thông tấn Reuters là ông sẽ phải đi Nam Phi và Botswana trong tuần lễ sau đó, từ khoảng 11-12 tháng 11 năm 2007, để tìm nguồn cung cấp thay thế cho Trung Quốc, mà lúc đó Nhật trông vào như nguồn cung cấp duy nhất. Rốt cuộc Nhật vẫn phải chạy đôn chạy đáo khi Trung Quốc cắt giảm mạnh mẽ nguồn cung cấp.

Mối lo thiếu nguyên liệu khiến giá tăng vọt. Dysprosium dùng trong phần cứng computer nay giá 212 đô la một pound, so với 6,77 đô la cách nay 8 năm. Giá cerium tăng hơn 450% trong vòng hai tháng mùa hè vừa qua. Nhu cầu thế giới sẽ vượt khỏi mức cung trước cuối năm nay, theo tổng giám đốc Mark Smith của công ty Mỹ Molycorp. Công ty này mới mở lại một mỏ đất hiếm ở Mountain Pass, California, hồi năm ngoái. 

Ông Mark Smith cho biết tình trạng cung cấp đất hiếm tại Hoa Kỳ hiện khá trầm trọng. Nhu cầu năm nay sẽ từ 55 ngàn đến 60 ngàn tấn ngoài Trung Quốc, trong khi Trung Quốc được dự đoán sẽ xuất khẩu trong khoảng 24 ngàn tấn. Hoa Kỳ còn xoay sở được nhờ lượng tồn trữ cua công nghiệp và kho chính phủ, nhưng năm 2011 vẫn là năm hết sức quan trọng trong vấn đề cung cầu đất hiếm

Những dữ kiện kể trên cho thấy nhu cầu khẩn thiết về đất hiếm của Nhật Bản cũng như các nước công nghiệp. Điều này cũng chứng tỏ vị trí vững chắc của ngành khoáng sản Việt Nam trong việc cung cấp nguyên liệu này cho Nhật và thế giới.