Di dân đến Hoa Kỳ VN đứng hàng thứ 7
Bản tổng kết mới nhất về số di dân trong tài khóa 2008 đã hoàn tất vào tháng 9 năm 2008. Theo những con số được phổ biến chính thức: Mễ Tây Cơ đã đưa 190.000 di dân đến nước Mỹ. Nhóm di dân đông đảo chiếm hạng nhì là Trung Cộng (80.000 di dân), kế đến là Ấn Ðộ với 63.000 di dân, Cuba với 49.500 di dân, và Cộng Hòa Dominica với 32.000 di dân đến Hoa Kỳ. Việt Nam với 31.500 di dân, đứng thứ 7 trong danh sách 10 nước có nhiều di dân đến nước Mỹ.
Trong số 31.500 di dân từ việt Nam, có 28.000 người thuộc diện bảo lãnh gia đình. Cũng bao gồm 2.400 di dân diện tỵ nạn và 420 người thuộc diện làm việc tại Hoa Kỳ.
Liệu luật di trú có thay đổi trong tương lai không? Ba vấn đề lớn trong chính sách của chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề di trú là việc đoàn tụ gia đình, việc nhập cảnh các di dân với năng khiếu cần thiết và bảo vệ người tỵ nạn.
Việc cải tổ di trú hợp pháp là một thách thức nan giải. Một nhóm người quan tâm về di trú là các chủ nhân thì muốn gia tăng việc nhập cảnh các công nhân ngoại quốc hợp pháp. Trong khi nhóm khác là các gia đình đang chờ đợi mỏi mòn để được đoàn tụ với người thân.
Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ vẫn còn cao, các chủ nhân xác nhận rằng họ vẫn cần các công nhân “tài giỏi nhất”, bất kể họ đến từ quốc gia nào. Những chủ nhân nói rằng các công nhân ngoại quốc đủ tiêu chuẩn là một yếu tố cần thiết cho sự phát trển kinh tế.
Một số người đề nghị rằng tất cả các đương đơn xin chiếu khán (visa) di dân, bao gồm diện anh chị em và con cái trên 21 tuổi của các công dân Mỹ, nên có chiếu khán dựa trên hệ thống tính điểm, bao gồm các điểm về giáo dục và năng khiếu cần thiết.
Trong thời gian gần đây, có tin đồn về việc chấm dứt diện bảo lãnh gia đình, nhưng điều này không xảy ra, và hiện không có dự luật nào đang được thảo luận tại quốc hội. Năm sau, có thể có vài sự thay đổi, nhưng hiện nay mọi việc vẫn tiến hành như trước.
LÊ MINH HẢI