Friday, October 28, 2011

Mineral resources of VN


Nhật Bản khai thác đất hiếm ở Lai Châu

Tin của nhật báo Nikkei từ Tokyo hôm thứ sáu 28 tháng 10 năm 2011 cho hay hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản sẽ ký kết thoả ước hợp tác khai thác đất hiếm ở một khu vực sát biên giới Việt-Trung.

Thoả thuận từ 2010

Tiếp sau chuyến công tác của bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, tướng Phùng Quang Thanh, tại Tokyo từ 24 đến 29 tháng 10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ công du Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Yoshihiko Noda. Chuyến đi kéo dài từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 2 tháng 11. (Ảnh tài liệu của Tiểu ban Năng lượng và Tài nguyên Hạ viện Hoa Kỳ .Quặng đất hiếm)

Thủ tướng Việt Nam sẽ thảo luận với các viên chức cao cấp của Nhật về đường lối phát triển kinh tế, hợp tác thương mại – đầu tư, du lịch, văn hóa và giáo dục giữa hai nước. Hai bên cũng sẽ duyệt xét và có thể bổ sung bản “Tuyên bố chung Việt Nam–Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” ký kết vào tháng 10 năm ngoái.

Theo Việt báo Online từ Việt Nam, vấn đề khai thác đất hiếm đã được hai nước thoả thuận từ trước tháng 11 năm ngoái, sau khi Việt Nam quyết định chọn Nhật làm đối tác lâu dài trong công cuộc điều tra,thăm dò, khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam. Nhật Bản cam kết sẽ đáp ứng mọi điều kiện của Việt Nam về trợ giúp nghiên cứu khả thi, cho vay vốn ưu đãi, sử dụng công nghệ tiên tiến an toàn cao nhất. Sau đó Việt Nam còn được chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác xử lý chất thải, và cung cấp nhiên liệu đầy đủ trong suốt thời gian thực hiện dự án.

Theo thoả hiệp đầu tiên giữa hai bên hồi năm 2010, công ty Vimico của Việt Nam sẽ hợp tác với các công ty Toyota Tsusho và Sojitz của Nhật. Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu Vimico đã khảo sát, thu thập tài liệu, lập dự án đầu tư với tổng mức hơn 141 tỷ đồng. Sản phẩm chính là tinh quặng đất hiếm hàm lượng 43%, với phó sản là các tinh quặng Calcium Fluoride và Barium Sulfate hay Barite.

Nay tin tức liên quan đến chuyến công du của Thủ tướng Dũng cho hay các công ty đối tác phía Nhật để thành lập liên doanh cho dự án vẫn là 2 tập đoàn Toyota Tsusho và Sojitz, trong khi đối tác phía Việt Nam nay là công ty khai thác khoáng sản Lavreco.

Mỏ cách Trung Quốc 30 km.

Kế hoạch sẽ được thực hiện vào năm 2013 ở mỏ Đông Pao tại tỉnh Lai Châu, nhằm đáp ứng 20% nhu cầu đất hiếm cuả xứ Phù Tang. Mỏ Đông Pao thuộc huyện Tam Đường, thủ phủ là thị trấn Tam Đường vốn thuộc huyện Phong Thổ. Tam Đường chỉ cách biên giới Việt-Trung 30 km. Đỉnh núi Fansipan ở cách Tam Đường 20 km về hướng đông đông nam. Khu vực này và vùng rộng lớn hai bên đến sát biên giới chiếm địa thế chiến lược về phòng thủ biên giới Việt-Trung. (Đất hiếm Samarium- Courtesy National Geographic.)

Việt Nam có nguồn tài nguyên đất hiếm rất dồi dào, phân bố chủ yếu ở miền Tây Bắc. Chính phủ Việt Nam luôn luôn nghiêm cấm địa phương cấp phép khai thác đất hiếm, phải chăng để ngăn việc Trung Quốc nhảy vào? 

Theo báo chí Việt Nam thì tổng trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam được ước tính và xác định là 21 triệu tấn. Hầu hết trữ lượng đất hiếm nằm ở huyện Phong Thổ tỉnh Lai châu, với hơn 10 triệu tấn ở mỏ Đông Pao (thuộc huyện Tam Đường, là huyện mới, tách ra từ huyện PhongThổ), 7 triệu tấn ở mỏ bắc Nậm Xe, hơn 3 triệu tấn ở Nam Nậm Xe. Tuy nhiên giới khoa học gia địa chất trong nước ước lượng thận trọng hơn, tính trữ lượng đất hiếm khoảng 10 triệu tấn, phân bố rải rác ở các mỏ quặng vùng Tây Bắc và dạng cát đen dọc theo bờ biển các tỉnh miền Trung.

Vị trí vững chắc

Hai con số về trữ lượng này đều là khả quan, trong khi dữ liệu quốc tế cho biết Trung Quốc có khoảng 36 triệu tấn, Hoa Kỳ có 13 triệu tấn nhưng không khai thác, trong tổng số trữ lượng đất hiếm cả thế giới vào khoảng 100 triệu tấn.

Trung Quốc hiện sản xuất tới 97% lượng đất hiếm của toàn thế giới. tuy nước này chỉ sở hữu 37% trữ lượng ước tính của toàn cầu. Trong khi nhu cầu ngày càng tăng nhanh vì tốc độ phát triển công nghiệp, năm 2009 Trung Quốc loan báo kế hoạch giảm xuất khẩu còn 35 ngàn tấn mỗi năm từ 2010 đến 2015, để bảo tồn nguồn nguyên liệu và bảo vệ môi trường.

Tháng 10 năm ngoái, Trung Hoa Nhật báo, China Daily, dẫn tin không chính thức từ một viên chức bộ thương mại Trung Quốc, cho biết lượng xuất khẩu đất hiếm sẽ bị giảm thêm 30% trong năm nay. Cuối năm ngoái Trung Quốc lại thông báo lượng xuất khẩu nửa đầu năm nay là gần 14 ngàn 500 tấn, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Quota xuất khẩu cho nửa năm sau của 2011 được thông báo là hơn 30 ngàn tấn, với sản lượng tối đa được giới hạn ở gần 94 ngàn tấn. Tháng 9 năm nay, Bắc Kinh loan báo ngưng hoàn toàn việc sản xuất của 3 mỏ trong số 8 mỏ đất hiếm chính yếu, chiếm 40% lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc.

Từ tháng 8 năm 2007 Bộ trưởng thương mại Nhật bản đã phải yêu cầu Trung Quốc đừng hạn chế lượng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật và các nước khác, vì nền công nghiệp tiên tiến của Nhật không thể thiếu nguyên liệu này.

Bộ trưởng Akira Amari khi đó đã nói với hãng thông tấn Reuters là ông sẽ phải đi Nam Phi và Botswana trong tuần lễ sau đó, từ khoảng 11-12 tháng 11 năm 2007, để tìm nguồn cung cấp thay thế cho Trung Quốc, mà lúc đó Nhật trông vào như nguồn cung cấp duy nhất. Rốt cuộc Nhật vẫn phải chạy đôn chạy đáo khi Trung Quốc cắt giảm mạnh mẽ nguồn cung cấp.

Mối lo thiếu nguyên liệu khiến giá tăng vọt. Dysprosium dùng trong phần cứng computer nay giá 212 đô la một pound, so với 6,77 đô la cách nay 8 năm. Giá cerium tăng hơn 450% trong vòng hai tháng mùa hè vừa qua. Nhu cầu thế giới sẽ vượt khỏi mức cung trước cuối năm nay, theo tổng giám đốc Mark Smith của công ty Mỹ Molycorp. Công ty này mới mở lại một mỏ đất hiếm ở Mountain Pass, California, hồi năm ngoái. 

Ông Mark Smith cho biết tình trạng cung cấp đất hiếm tại Hoa Kỳ hiện khá trầm trọng. Nhu cầu năm nay sẽ từ 55 ngàn đến 60 ngàn tấn ngoài Trung Quốc, trong khi Trung Quốc được dự đoán sẽ xuất khẩu trong khoảng 24 ngàn tấn. Hoa Kỳ còn xoay sở được nhờ lượng tồn trữ cua công nghiệp và kho chính phủ, nhưng năm 2011 vẫn là năm hết sức quan trọng trong vấn đề cung cầu đất hiếm

Những dữ kiện kể trên cho thấy nhu cầu khẩn thiết về đất hiếm của Nhật Bản cũng như các nước công nghiệp. Điều này cũng chứng tỏ vị trí vững chắc của ngành khoáng sản Việt Nam trong việc cung cấp nguyên liệu này cho Nhật và thế giới.