Cây trái rau cỏ Việt Nam trên đất Mỹ
Cùng với người dân Việt tị nạn, các loại cây cối rau cỏ gốc Việt Nam cũng dần dần vào Mỹ từ 30 năm qua rồi... “định cư” ở đây.(Mai vàng “thứ thiệt”, một niềm hãnh diện trong ngày Tết của người Việt tại Mỹ)
Người ta thường nói rằng tại Hoa Kỳ chỉ cần trông có đống giầy dép để ngoài cửa cũng đủ biết nhà này là dân Việt. Nhưng còn một loại tín hiệu dễ nhận khác nữa, đó là khi đi ngang một ngôi nhà mà nhìn thấy khóm trúc trước sân, hay ít ngọn cây mía vượt cao phía sau rào – thì có thể chín chục phần trăm hy vọng rằng chủ nhân là một đồng hương Việt Nam của mình.
Trải qua thời gian hơn ba chục năm, người Việt đã lặng lẽ đưa vào Mỹ nhiều loại rau cỏ cây trái chưa từng có trước kia, góp thêm phần phong phú đa dạng cho đất nước này. Trên mặt luật pháp, việc ấy trái với quy định của bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, nhưng thực tế thì mỗi nhóm di dân trong lịch sử đều đã từng làm như vậy. Họ muốn đem theo những cây cối, hoa cỏ, rau trái quen thuộc, không chỉ vì nhu cầu ăn uống mà còn là tình hoài hương, kiểu tâm trạng “Chúng Ta Ði Mang Theo Quê Hương,” như tên của một chương trình phát thanh do cố nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu chủ trương trước đây trên đài phát thanh VNCR.
Người ta thường quan tâm tới sự lớn mạnh nhanh chóng của cộng đồng dân Việt tại Mỹ, sự phát triển những sinh hoạt đa dạng, thành tích của giới trẻ Việt Nam hải ngoại trên đường học vấn, cơ sở thương mại, món ăn và cửa hàng ăn Việt Nam. Nhưng ít ai chú ý đến sự du nhập âm thầm và mau lẹ của các loại thảo mộc Việt Nam trong vòng 30 năm, với một số chủng loại cây cỏ được đem vào nhiều hơn những sắc dân khác đã di cư đến đất nước Hiệp Chúng Quốc trước kia.
Vào vườn của mỗi ngôi nhà người Việt, ít lắm cũng tìm thấy vài bụi rau thơm. Ðất vườn càng rộng thì các loại cây càng nhiều, từ rau thơm, rau húng, rau răm, dấp cá, tía tô, ớt, mồng tơi, rau muống... cho đến cây nhãn, cây xoài, cây hoa ngọc lan... Nhưng nói chung thì tất cả các loại cây trái hoa cỏ đều mới chỉ được trồng ở phạm vi nhỏ, trong gia đình, riêng có rau muống là loại đã có tầm mức phát triển rộng rãi nhanh chóng nhất và cũng gây ra nhiều vấn đề đáng kể.
Rau muống trên đường tái định cư ở Hoa Kỳ
Trên đất Hoa Kỳ đã có rau muống từ trước khi có người Việt tị nạn và bị xếp vào loại cỏ dại cần diệt trừ. Chính vì sự hiện diện của cộng đồng người Mỹ gốc Việt mà loại rau này đã và sẽ trở thành phổ thông trên nước Mỹ. Người Việt ở Hoa Kỳ, Canada, ở Âu Châu hay Australia ngày nay đều ưa chuộng món rau muống, không như nửa thế kỷ trước ở Việt Nam nói tới rau muống là nói tới dân “Bắc Kỳ.” Vì vậy rau muống ở Mỹ là một trong những loại rau tiêu biểu nhất của người Việt và hiện nay luôn luôn được cung cấp dồi dào từ một số nhà chuyên canh chứ không phải chỉ là việc trồng trọt lẻ tẻ.
Người Pháp biết rau muống khi chiếm thuộc địa Việt Nam và đặt tên cho nó là “liseron d’eau,” do thấy có hoa giống như hoa bìm bìm (liseron). Còn người Mỹ ngoại trừ giới khoa học, chỉ mới biết nhiều về nó trong vòng mấy chục năm gần đây qua sự có mặt của dân Việt Nam. Trong tiếng Anh rau muống có nhiều tên gọi, tất cả đều là tùy người nào đặt ra đã căn cứ vào một vài đặc điểm theo quan sát riêng. Hiện nay thì tên phổ thông nhất là “water spinach” ngoài những tên khác như “tropical spinach,” “swamp cabbage,” “swamp morning glory,” “water convolvulus”.... Spinach là loại rau xanh được dân chúng Âu Châu dùng quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày từ thế kỷ 12, và giống như rau muống có thể ăn sống hay nấu chín. Ngược lại thì Việt Nam không có giống rau này nên có người dịch “spinach” là rau rền Mỹ.
Theo tài liệu của đại học Florida, rau muống mang tên khoa học “ipomoea aquatica” đã được dân chúng Trung Hoa trồng để ăn từ khoảng thế kỷ thứ ba, dưới đời nhà Hán. Tuy nhiên những ai đã đọc truyện Tầu có thể biết sự tích vua Trụ nghe lời xúi dục của ái phi Ðắc Kỷ xin tể tướng Tỷ Can trái tim. Tỷ Can được thần nhân căn dặn dù mất tim vẫn có thể sống và đi về đến nhà nếu đừng mở miệng nói lời nào. Tiếc rằng ông đã quên lời, gặp yêu tinh giả làm người bán hàng rao bán “rau vô tâm,” ông thắc mắc không biết là thứ gì nên cất tiếng hỏi và sau khi được nghe giải thích là “rau rỗng ruột” – thân rau muống rỗng – thì ông ngã ra chết. Trụ Vương là vua cuối đời nhà Thương, khoảng thế kỷ 11 trước công nguyên, như vậy rau muống có lẽ đã được biết từ trên 3,000 năm.
Cũng theo nghiên cứu của đại học Florida thì rau muống xuất xứ từ Ấn Ðộ và Trung Quốc nhưng được trồng nhiều nhất ở Ðông Nam Á, các đảo Thái Bình Dương, Phi Châu và Nam Mỹ. Ngoài tính cách là loại thực phẩm thông dụng, rau muống chứa nhiều chất sắt nên còn có giá trị của một dược thảo và vì vậy những di dân từ Ðông Nam Á tìm cách đem theo giống đến nơi đất mới. Không biết rau muống được đưa vào Hoa Kỳ bao giờ, nhưng khoảng năm 1973 người ta đã nhiều lần thấy rau muống xuất hiện trên các kinh rạch đầm lầy ở Florida, mặc dầu bộ nông nghiệp liên bang và tiểu bang xếp nó vào hàng cỏ dại độc hại cần tiêu diệt (noxious weed), một loại thảo mộc cấm trồng trọt. Áp dụng đạo luật liên bang về các loại cỏ dại độc hại, cơ quan kiểm soát cây cỏ thuộc Bộ Canh Nông Hoa Kỳ (USDA) cấm việc đưa rau muống từ tiểu bang này qua tiểu bang khác.
Sau năm 1975, những dân Việt đến định cư ở Florida và Louisiana tìm thấy cơ hội thuận tiện để thả rau muống trên các đầm lầy, hồ nước và kinh rạch hoang vu tại hai tiểu bang miền Nam đó. Buổi đầu có lẽ họ đã lấy giống ngay từ loại rau muống sẵn mọc hoang, nhưng về sau các loại hạt giống khác cũng được mang từ Việt Nam đến dù là không được phép. Tới một lúc rau muống tràn lan khắp nơi và chính quyền địa phương phải can thiệp vì thấy loại cây ấy mọc chằng chịt làm tắc nghẽn các hệ thống thoát nước và tạo nên các khoảng nước tù hãm thuận tiện cho muỗi sinh sản. Theo cơ quan bảo vệ môi trường Florida, giây rau muống có thể dài tới 70 feet, mọc rất nhanh khoảng 4 inches mỗi ngày và quấn quít với nhau thành bè mảng, một mặt cản trở đường nước chảy, mặt khác lấn át các loại thảo mộc bản địa làm biến đổi hệ sinh thái thiên nhiên. Thế là từ khoảng năm 1980 những nơi trồng rau muống nước bị phá hủy dọn dẹp bằng mọi cách, có nơi còn sử dụng tới cả thuốc diệt cỏ. Các tiểu bang Florida, North Carolina... cấm trồng trọt và buôn bán rau muống.
Tuy vậy ở mọi cộng đồng người Việt vẫn có rau muống, loại rau muống cạn sau này được chuộng hơn là rau muống nước và không gặp khó khăn vì có thể trồng ngay vườn sau nhà. Một vài nơi khí hậu ấm áp quanh năm như Hawaii rất thuận tiện cho những nhà trồng rau muống. Tại California có một số trại trồng rau muống dùng mái che để có thể tiếp tục sản xuất trong mùa đông.
Trong một bài báo trên tờ Atlanta Journal Constitution năm 1996 viết về nhóm người Việt ở làng “Vực Sâu” (Versailles, New Orleans), ký giả John Blake nhận định rằng khu vườn nhỏ trong nhà hết sức quan trọng đối với những người lớn tuổi về mặt tâm lý và là một góp phần của họ vào kinh tế gia đình. Nhiều loại sản phẩm cây nhà lá vườn, đặc biệt là rau muống, được đem bán tại ngôi chợ nhỏ và trở thành một nguồn cung cấp thiết yếu cho cộng đồng cùng các nhà hàng tiệm ăn khác của người Việt Nam ở thành phố New Orleans.
Trải qua các giai đoạn phát triển quá mức rồi tạo nên khó khăn, cuối cùng thì với hàng trăm ngàn dân tị nạn Việt Nam lần lượt đến Hoa Kỳ, dần dần rau muống đã chính thức được trở lại “định cư và hội nhập” vào hàng rau quả ở Mỹ. Một nhóm chuyên viên thực vật của viện đại học Massachusetts có công đầu tiên trong việc này, bằng cách hợp tác với các giới hữu trách liên bang để đưa ra những quy định cho phép trồng trọt và bán rau muống trên thị trường.
Có hai lý do chính khiến Massachusetts ở trong số những tiểu bang đầu tiên đã công nhận rau muống. Trước hết tiểu bang này đứng hàng thứ sáu trên toàn quốc về số dân Việt, 36,685 người (US Census 2000). Sau đó, trong điều kiện thiên nhiên của Massachussetts, rau muống không là loại cây cỏ tác hại. Ðiều kiện thời tiết thích hợp nhất với rau muống là nhiệt độ từ 75 đến 85 độ F, đến mùa đông khi nhiệt độ xuống dưới 50 độ F và gặp giá lạnh rau muống chết ngay. Vì vậy ở Massachusetts, rau muống không thể phát triển quanh năm đến mức làm nghẹt các đường thoát nước như trường hợp của Florida và Louisiana.
Hiện nay một số trở lực hãy còn tồn tại trong việc trồng rau muống ở Mỹ, chẳng hạn chưa phải tất cả các tiểu bang đều đã chấp nhận giống cây này nên không có loại thuốc trừ sâu chuyên dụng nào cho rau muống. Nhu cầu tạm sử dụng thuốc trừ sâu của những loại rau khác cũng là một lý do khiến cho ở một số địa phương rau muống có thể không được phép bán chính thức trên thị trường. Tuy vậy có thể tin chắc là trong tương lai rau muống sẽ thành một loại rau thông dụng tại Hoa Kỳ và không chỉ đặc trưng của bữa ăn Việt Nam mà còn có thể cho mọi dân tộc trên đất nước đa chủng tộc đa văn hóa này.
Những loại cây mang tính quê hương khác.
Christopher Airriess và David Clawson trong một bản nghiên cứu về cộng đồng Việt Nam năm 1994 nói rằng người Việt Nam hơn bất cứ một dân tộc nào khác đã tìm cách tái tạo tại nơi định cư mới một khung cảnh quê hương của mình, trong đó cây cỏ đóng vai trò quan trọng. Họ mang theo những giống cây từ Việt Nam hoặc cố gắng tìm kiếm tại Tây Bán Cầu những cây cùng loại mà họ đã quen thuộc ở Ðông Nam Á.
Rau muống là một trong những loại rau thông dụng nhất của dân Việt nên dù khó khăn đến đâu thì cuối cùng vẫn phải có được trên đất Mỹ. Nhưng không thiếu những loại chẳng thông dụng bao nhiêu mà người Việt Nam vẫn cố gắng bằng cách nào đó đem qua để cho giữa quê hương mới và quê hương cũ không còn bao nhiêu xa cách. Chẳng hạn như mồng tơi, rau đay, rau lang, bầu, bí, mướp, khổ qua.... Bạc hà và đậu bắp là hai trong số những phụ phẩm không thể thiếu cho nồi canh cá nấu chua kiểu miền Nam, và chỉ cần một khoảng đất ẩm ướt góc tường hay trồng ngay trong chậu cũng đã đủ dùng. Có thể tin rằng trong số 10 độc giả đọc bài này, ít lắm cũng vài ba quý vị có trồng những cây ấy trong vườn nhà.
Khoảng bảy năm trước, một lần tình cờ tôi bước vào một cửa hàng phở nhỏ bé ở ngay trung tâm St. Petersburg, Florida. Cô hầu bàn dân Cuba bưng ra một tô phở chỉ có vài mảnh hành lá. Ðang muốn hỏi rau quế hay ngò gai mà chưa biết nói thế nào vì ông chủ đứng ở quầy cũng là người Mỹ da trắng, thì bà chủ quán từ trong bếp bước ra với một đĩa nhỏ trên có mấy cọng rau húng, vui vẻ gợi chuyện: “Thấy ông có vẻ người Việt Nam nên tôi đem rau thơm ra, trồng tại nhà đấy, ở đây ít khi mua được lắm. Vả lại khách của chúng tôi hầu hết là Mỹ không biết ăn rau thơm như người mình.”
Gần đây đi ngang Moreno Valley, thành phố nhỏ thuộc Riverside County không chắc có tới vài chục dân Việt, bỗng nhiên tôi thấy lạc lõng có tấm bảng vỏn vẹn một chữ “Phở” giữa khu thương mại, và không khỏi bị tò mò thúc đẩy muốn vào coi thử. Bàn bên cạnh có mấy người lính mang quân phục Vệ binh Quốc gia California, tất cả đều đang vặt rau thơm bỏ vào tô một cách thành thạo. Như vậy nghĩa là những dân tộc khác đã thưởng thức quen mùi vị rau thơm Việt Nam rồi. Một số hàng ăn Việt Nam cũng từng cho biết món gỏi cuốn rất được nhiều người Mỹ ưa thích.
Hiện nay các loại rau thơm là nhu cầu thường xuyên trong cộng đồng người Việt và đã được cung ứng bởi một số nhà canh tác chuyên môn vượt trên phạm vi các mảnh vườn gia đình. Ðối với các hàng ăn, rau muống có thể có hay không có, còn nhu cầu rau thơm là hàng ngày. Con đường “nhập cư” của rau thơm dễ dàng hơn rau muống, phát triển theo chiến thuật chiến tranh nhân dân hay vết dầu loang nên trong 100 nhà người Việt ít lắm cũng tới 90 nhà trồng một vài loại rau thơm.
Sự xâm nhập nhanh chóng của nhiều loại rau thơm Việt Nam thể hiện rõ ở chỗ hầu hết chưa có tên tiếng Anh, hay nếu có người đã đặt tên thì cũng chưa mấy ai biết. Sả có tên “lemongrass” vì từ lâu Tây phương đã dùng nó trong ngành hóa học dược phẩm hay mỹ phẩm. Loại cây này không phải do người Việt đưa vào Hoa Kỳ, có thể là di dân Ấn Ðộ hay một dân tộc Á Châu nào đấy đã đem đến, trước khi ở Mỹ có những tiệm bún bò Huế.
Còn nhiều loại rau thơm khác chưa có tên Mỹ và nếu nói tới chỉ có thể gọi chung là một loại lá dùng làm gia vị. Rau húng có tên “basil,” bạc hà là “mint,” và chỉ những nhà thực vật học mới biết rõ từng thể loại với những tên khoa học như “Ocimum basilicum,” “Pycnanthemum.” Nhưng húng quế, húng lủi, húng chó, hẹ, sương sông, lá lốt... thì chưa thể nào nói cho người Mỹ hiểu được. Có người đã gọi dấp cá là “fish leaf,” rau răm là “Vietnamese coriander,” tuy nhiên đó mới là những sáng chế chưa được mấy ai nhìn nhận.
Nếu kể thêm, không ít người sẽ ngạc nhiên về số loại rau cỏ mà dân Việt Nam đã đưa đến, gần hết những gì có ở Việt Nam nay đều tìm được ở Mỹ. Ðó là ngò gai, rau ngổ, càng cua, tía tô, bạc hà, kinh giới, thìa là, rau má... Một loại lá mà chỉ người ăn gỏi cá sống mới chú ý đến là đinh lăng bây giờ cũng có thể tìm được ở Mỹ. Còn lá mơ lông, người miền Nam gọi bằng một tên không thanh lịch lắm, thì dễ dàng mọc rất tươi tốt trong vườn của nhiều nhà người Việt khiến cho những dân nhậu thịt chó phải than thở rằng nó vô dụng ở đây (nhưng dù sao vẫn rất hữu ích với món... giả cầy!)
Mỹ hóa và Việt hóa.
Gần mười năm trước khi rau quả Việt Nam tại địa phương hay nhập cảng còn hiếm, người Việt vùng tiểu bang Washington thường lái xe từ Seattle qua Canada đến phố Tầu ở Vancouver là nơi có đủ mọi sản phẩm gốc Á Châu. Trở về Mỹ, các cảnh sát biên phòng chỉ hỏi một câu theo thủ tục là có mang gì vào Mỹ không. Nhưng một vài lần họ nghi ngờ câu trả lời “No!”, đòi hỏi mở thùng xe thì thấy lủng củng nào là nhãn, vải, chôm chôm, cóc, củ ấu cho đến đủ thứ loại đồ ăn khác, và từ đó sự kiểm soát trở nên gắt gao hơn. Bây giờ Vancouver vẫn còn là nơi đầy đủ loại nông phẩm Á Châu hơn đâu hết, nhưng người Việt có qua chơi thì cũng chỉ tiêu thụ tại chỗ chứ chẳng cần mang về nữa vì ở Hoa Kỳ cũng đã khá đầy đủ.
Vả lại bên cạnh nhu cầu tiêu dùng, người Việt luôn luôn có một sở thích cao hơn, đó là tự trồng trọt, và việc có trong vườn một loại cây gốc từ quê hương là niềm kiêu hãnh. Tuy vậy do sự du nhập có những khó khăn hoặc vì một số thực vật tương tự tại Hoa kỳ có thể còn phong phú hơn đồng loại ở Việt Nam, cho nên người ta đã xoay sở bằng cách lai tạo biến đổi giống sao cho chúng trở thành gần gũi hay mang vẻ Việt Nam nhiều hơn. Như vậy có hai chiều hướng: Mỹ hóa các cây cỏ từ Việt Nam tới và Việt hóa những cây cỏ đã có ở Hoa Kỳ.
Hoa đào có thể là một trong những trường hợp ấy. Tại Hoa Kỳ có đủ loại đào nhưng người Việt thích một cành đào ngày Tết kiểu quê hương hơn. Từ hàng trăm năm ở Việt Nam, làng Nhật Tân phía tây bắc thành phố Hà Nội nổi tiếng với những cành đào, gọi là đào bích, để bán trong dịp Tết. Mỗi năm sau khi cắt cây đem bán, chỉ còn để lại một đoạn ngắn gần gốc rồi lấy bùn đắp lên, đến cuối mùa xuân những người trồng hoa đi tìm mua các cây đào nhỏ loại đào ăn trái có màu hoa nhạt hơn đem về tháp vào gốc cũ, và năm tới sẽ có cành đào mới với sắc hoa vừa đủ đẹp. Theo cách tương tự, nhiều vườn ươm cây người Việt ở Mỹ gần đây đã ghép giống để có những cây hoa đào hợp với sở thích của khách hơn là các loại đào nguyên gốc bản địa.
Những nhà thực vật học không đồng ý với nhau về xuất xứ của ổi là từ Mỹ Châu hay Á Châu, chỉ biết rằng ổi là loại trái cây nhiệt đới rất phổ biến ở Nam Mỹ. Ðem hạt giống ổi từ Việt Nam đến là việc quá dễ, tuy nhiên dùng ngay giống ổi sẵn có tại chỗ vẫn thuận tiện hơn. Nếu đến một vườn ươm cây ở vùng Vista gần Camp Pendleton, California, trong cả chục ngàn cây con với hàng trăm giống tại đây muốn có ổi hồng hay ổi gần giống như ổi xá lị không có gì khó. Vì vậy chẳng thể nào kiểm chứng một cây “ổi xá lị trái lớn thịt ròn” mà những nhà ươm cây người Việt vẫn quảng cáo xem thật sự xuất phát từ đâu, duy có điều chắc chắn là nếu từ châu Mỹ thì nó cũng đã được “Việt Nam hóa” và mọi người bằng lòng với thực tế ấy. Thanh long thuộc họ xương rồng vùng khí hậu sa mạc đang được phát triển trong cộng đồng người Việt có lẽ cũng lấy giống từ bản địa rồi Việt hóa.
Ngoài ra cũng không thể phân định rõ một số loại cây trái là hoàn toàn Việt Nam hay Ðông Nam Á và Á Châu nói chung. Tuy vậy dân Việt có khuynh hướng coi những gì là Á Châu gần gũi với mình hơn những gì gốc Âu Mỹ. Mận và mơ ở Mỹ lớn, ngon, nhưng người ta rất thích thú khi trồng được cây mận trái nhỏ như mận Ðà Lạt dù cho chẳng ngọt ngào. Hiện nay nhiều nhà Việt Nam trồng nhãn, vải có thể là giống từ Trung Quốc hoặc táo Thái Lan. Xoài, chôm chôm, măng cụt, na, mãng cầu xiêm, không rõ gốc từ Việt Nam hay một nước Ðông Nam Á khác nhưng chắc chắn do người Việt mà nay đã thấy ở nhiều nơi trên đất Mỹ. Riêng về hoa, nhiều loại hoa ở Việt Nam không phong phú bằng các xứ miền ôn đới nên người Việt phải tìm những giống tương đồng như mai, cúc và họ phong lan từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.
Một số loại cây khác thì không thể nghi ngờ về gốc Việt Nam đích thực của nó. Bưởi Biên Hòa, mít tố nữ, mận Mỹ Tho, tầm duộc, vú sữa, hồng bì miền Bắc và dâu da miền Nam, hay là trái gấc chỉ có một công dụng độc đáo để nấu xôi cho đám cưới hoặc ngày Tết, thuộc trong những cố gắng đem giống từ Việt Nam qua trồng để có được đầy đủ hương vị quê hương ở nơi định cư mới. Cây cà, dù là cà pháo hay cà chén, mang cái tên Mỹ tùy tiện không rõ ai đặt: “eggplant,” chỉ có mặt trên đất Hoa Kỳ từ khi người Việt Nam đến đây.
Như vậy đến nay gần như tất cả mọi loại cây cỏ ở Việt Nam đã được cộng đồng người Việt trồng tại Hoa Kỳ. Có thể còn một vài loại chưa có hoặc sẽ không bao giờ có như dừa, sầu riêng, cóc, lý do vì khó mang giống đi hoặc vì tạo ra những phiền toái phức tạp nếu trồng những loại cây này.
Từ lâu, Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ đã rất chú ý đến những chủng loại thực vật mà người Việt Nam đem đến. Một dự án nghiên cứu do trường đại học Georgia thực hiện cho bộ Nông Nghiệp, khởi sự năm 2001 và còn đang tiếp tục, nói rằng Quốc Hội Liên Bang khóa 101 đã cho phép sử dụng tài nguyên vào việc tìm hiểu, bảo toàn và trợ giúp sự phát triển phong phú của hệ thực vật Hoa Kỳ, đặc biệt hướng đến một trong những cộng đồng di dân mới là người Việt Nam. Một trong những mục tiêu được giải thích trong dự án là làm cách nào cung cấp cho các thế hệ thứ hai và thứ ba khả năng kiến thức để gìn giữ vẻ tươi đẹp của những loại thảo mộc mà cha anh họ đã đem đến.
Còn đối với người Việt Nam ở hải ngoại, trong ý chí duy trì truyền thống văn hóa dân tộc bằng nhiều hình thức, cây trái rau cỏ đã có một phần đóng góp đáng kể vào sự thể hiện ấy.
Hà Tường Cát