Friday, October 14, 2011

Hà Thượng Nhân


Hà Thượng Nhân, bảy bước nên thơ


Chiều Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011, nhà thơ Hà Thượng Nhân từ trần tại San Jose, California, hưởng thọ 91 tuổi. Bài viết về ông dưới đây đã hoàn tất cách đây gần ba năm, tháng 12, 2008, và ông đã đọc qua.

Hà Thượng Nhân là tên gọi phổ thông nhất của một nhân vật có nhiều danh tính truyền tụng, song điều ấy không lạ trong một đất nước chiến tranh chia cắt suốt hai mươi năm; và trước đó mười năm nữa, từ Liên Khu Tư qua vùng Tề, ngược đường kháng chiến 45 tới Hà Nội hồi cư, rồi từ Hà Nội vào Miền Nam, cuộc đời ông trải qua vô số những thăng trầm, chứng kiến những đổ vỡ và xây dựng ngay ở trung tâm, để thấy rằng “Ðền đài miếu vũ ba trò hão.” (Tự Thuật)

Dáng người thẳng băng, lưng dài vai rộng, giọng ông lớn, tiếng ông khỏe, ý kiến ông đưa ra thường là độc lập, dứt khoát, không ở cái khoảng nửa tối nửa sáng bao giờ. Ông tham dự vào nhiều vận động khởi đầu của nhiều công tác văn hóa, hay văn hóa chính trị. Khi trẻ thì dạy học trường Dũng Lạc ở Hà Nội, rồi dạy trường đạo Vinh Sơn của Linh Mục Mai, hình như ở Bắc Ninh. Trong kháng chiến bị trưng dụng dạy Trường Thiếu Sinh Quân ở Liên Khu Tư, học trò sau này được biết đến là những Nguyễn Văn Ngân, (phụ tá Tổng Thống Thiệu), nhà thơ Phùng Quán, nhạc sĩ Y Vân,... và tham dự Ðại Hội Văn Hóa Văn Nghệ ở Thanh Hóa với Hữu Loan, Trương Tửu, thời Tướng Nguyễn Sơn làm tư lệnh Quân Khu. Ông cũng góp phần rất nhiều trong sự thành lập các cơ cấu chiến tranh chính trị của miền Nam, khi “Nha” Chiến Tranh Tâm Lý mới vỏn vẹn chỉ có 16 (mười sáu) nhân mạng.

Thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, khoảng 1963, ông làm giám đốc Ðài Phát Thanh Quốc Gia. Trong sinh hoạt văn hóa miền Nam, ông được Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa mời làm giám khảo bộ môn Thơ của Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, cùng với các thi sĩ như Vũ Hoàng Chương, Cao Tiêu, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền. Khoảng 1969, khi người viết bài này đang làm thư ký tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến của QLVNCH - thì nghe tin Thiếu tá Chủ nhiệm Lê Ðình Thạch sắp được thay thế, tân chủ nhiệm là thiếu tá, sau Trung Tá Phạm Xuân Ninh, nhưng cái tên ấy chỉ thấy trên giấy tờ, người ta quen gọi ông là Hà Thượng Nhân, hay Hà Chưởng Môn hơn. Tôi được làm việc với ông cho tới 1972; thời gian không nhiều nhưng cũng không ít, để biết nhiều hơn về ông.

Trong năm 1971, khi ông và chủ bút cùng đi công du các nước Á Châu, người qua Ðại Hàn, người tới Ðài Loan, tôi nhận được sự vụ lệnh làm quyền chủ nhiệm, kiêm quyền chủ bút Tiền Tuyến, thay hai ông trong khoảng hơn hai tuần lễ. Bộ Biên Tập cơ hữu lúc đó phần lớn là bạn văn, như Ðại Úy Dzư Văn Tâm (Thanh Tâm Tuyền), Huy Vân, Hoài Ðiệp Tử... và hai dàn chữ typo hơn 30 thợ sắp chữ, các anh hùng hảo hán của giang sơn các “nhà chữ,” rất dữ dội của thế giới in ấn Sài Gòn.

Nhà thơ Hà Thượng Nhân tên thật là Hoàng Trinh, cũng có nơi viết là Nguyễn Sỹ Trinh, người làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa, bạn học thuở thiếu thời của Hữu Loan, tuy nhà thơ này người huyện Nga Sơn cạnh đó, và lớn hơn ông vài tuổi. Hữu Loan cũng dạy Trường Thiếu Sinh Quân với ông. Ông sinh năm 1920, trưởng thành đi kháng chiến, làm thơ, đi dạy, mãi 1952 mới trở lại vùng Tề (vùng do Quốc gia và Pháp kiểm soát). Lúc ở Hà Nội ông đã có một bài thơ chữ Nho nổi tiếng, được Giám đốc Nha Học Chính Bắc Việt là Phạm Xuân Ðộ mời đến văn phòng, khen giỏi, và cho biết “Thủ tướng (Nguyễn Văn Tâm, tức nhà thơ Chính Ðạo) khen lắm đó.” Phạm Xuân Ðộ là cậu của một người bạn ông, nhân đó Hoàng Trinh than rằng vừa về Tề, chưa làm sao xin được thẻ căn cước vùng Quốc Gia. Thấy thế, ông Phạm Xuân Ðộ dẫn nhà thơ đến Sở Công An Hà Nội, nhận là con nuôi, và đặt tên là Phạm Xuân Ninh.

Năm 1954, Phạm Xuân Ninh di cư vào Sài Gòn, được trưng dụng nhập ngũ với cấp bậc đại úy đồng hóa. Ngay khi được phong cấp bậc, ông soạn thảo một tài liệu gọi là Sơ Thảo Lý Thuyết Chiến Tranh Chính Trị. Ông không ký tên thật, mà ký là Hà Thanh, vì thế, sau này, dân Chiến Tranh Chính Trị gọi ông là “Hà Chưởng Môn.” Khi được thành lập, Nha Chiến Tranh Tâm Lý đầu tiên chỉ có mười sáu người, do ông Tạ Văn Nho làm giám đốc. Năm 1957 ông được thăng cấp thiếu tá. Lúc ấy Phạm Xuân Ninh là chánh sở Kỹ Thuật của Cục Tâm Lý Chiến do Trung Tá Nguyễn Văn Châu làm cục trưởng, phụ tá có các ông Lê Ðình Thạch và nhà văn Nguyễn Ái Lữ.

Phần lớn những điều viết ở trên tôi đã tìm thấy trong bản tốc ký ghi chép bằng bút chì trong cuốn lịch để bàn, ngày 8 tháng 10, 2001, qua cuộc nói chuyện điện thoại viễn liên với nhà thơ Hà Thượng Nhân. Ông đã kể với tôi nhiều điều khi được hỏi; nay viết lại, thế nào cũng có những sai sót. (“Ðến như trời đất cũng sai lầm,” Hà Thượng Nhân, Cũng Phù Vân!) Một điều đáng kể Hà Chưởng Môn nói, tôi đã ghi lại: Ông hay đọc cho người khác chép, chứ không tự tay viết. Ông hay đi dự các hội nghị quốc tế nên có khi làm cả mười bài thơ trước - có lần làm đến 24 bài - để ở nhà báo đăng dần, (“Sớm còn tuyết trắng trời Âu, Chiều thôi nắng cháy địa đầu Nam Phi.” HTN, Bài 5, Bên Trời Lận Ðận.)

Từ thời niên thiếu, chàng Hoàng Trinh đã nổi tiếng là “bảy bước nên thơ.” Chàng tự hào mình không thua gì Tào Thực. Chính chàng kể: “Cách đây (1989) gần sáu chục năm (tức là thập niên '30), tôi có dịp diện kiến Kỉnh Chỉ tiên sinh. Tôi nhớ lần đó tôi đi theo các bậc đàn anh đến họp tại nhà cụ Ưng Bình ở Vĩ Dạ (Huế), một đêm rằm Trung Thu. Ði theo chứ không phải được mời. Vì vậy tôi phải nói là đi “ké” mới thật là đúng. Ðêm ấy cụ Ưng Bình ra đề tài là Trăng Thu, nhưng trong bài thơ tuyệt đối không được có chữ Trăng và chữ Thu. Tuy chỉ đứng xớ rớ ở cửa, tôi cũng viết và cũng nộp bài như những bậc đàn anh của mình. Không ngờ bài thơ của tôi trúng giải. Khi xướng danh, cụ Ưng Bình và các cụ nhìn xuống thấy một anh học trò tóc cắt ngắn, mặc áo dài thâm khép nép đi lên. Người liền đọc đùa hai câu thơ:
Trăm mặt thẹn thua chàng tuổi trẻ,
Một bài cũng đủ gọi Thi-ông.

“Tôi là thanh niên mới lớn nên không biết đủ lễ độ, vội đáp ngay:
Bảy bước dám thua Tào Thực* trước,
Một lời xin gởi tạ tôn ông.

“Cụ Ưng Bình cười và khen là 'Chân thiếu niên thi sĩ.'
“Lúc đi qua chỗ cụ Kỉnh Chỉ ngồi, cụ vẫy tôi lại và bảo: 'Không chịu thua Tào Thực à? Tào Thực thất bộ thành thi, cháu một bước thành thơ, không thua cũng phải. Nhưng cháu ạ, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài...' Tôi biết cụ có ý răn dạy và lui ra.”

* Nguyên văn bài thơ Trung Thu của “Tào Thực Việt Nam” như sau:

 Sương mỏng manh canh, vắng lặng tờ
Buồn xưa náo động mấy vần thơ.
Rưng rưng mắt lệ chàng mong nhớ
Phơi phới mây xa thiếp hững hờ.
Bến quạnh, lau già người chểnh mảng,
Rượu tàn, canh vắng khách bơ vơ.
Lầu cao ai đó nâng rèm trúc,
Hồn lẻ đêm nay có thẫn thờ.*

Hà Thượng Nhân trước sau là một thi sĩ. Ông làm thơ loại biếm chích các thói hư tật xấu của quan lại, trí thức rởm, trọc phú gian thương kiểu “đàng ngang cung” rất nhiều, nhưng những bài thơ tình cảm, gần thiên nhiên, yêu con người, tin tưởng nồng nàn vào nhân tính, cái đẹp, điều thiện cũng không phải là ít, (“Tóc bù, mắt sáng lũ ta, Niềm tin hừng hực bao la đất trời.” Bài 6, BTLD). Bên trời lận đận là mấy chữ trong bài thơ dài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị (772-846), “Cùng một lứa bên trời lận đận,” Hà Thượng Nhân dùng làm nhan đề tập thơ của mình, làm trong nhiều giai đoạn: bốn năm ở tù cho tới 1979, và sau đó, những năm bị biệt giam tiếp theo tàn khốc hơn, phi nhân hơn, khiến giọng thơ của ông trở nên phẫn nộ hơn: “Tập 1 có chín bài, tôi viết khi chưa bị biệt giam. Lời thơ vì thế còn tương đối hiền lành. Khởi sự viết Tập 2 thì tôi bị biệt giam. Lời thơ do đó đau buồn và đầy uất hận.” (Trong lời dẫn).

Hà Thượng Nhân hơn người ở tài năng thi phú, bảy bước thành thơ, ông làm thể thơ nào cũng hay, cũng điêu luyện. Hà Thượng Nhân là thi sĩ làm thơ theo đạo người quân tử, như đời sống của ông cho thấy. Ông có thể nghiêm khắc với người đồng tuế, nhưng rất bao dung với các lớp sau. Ông lại rất phóng khoáng, vượt ra ngoài khuôn khổ của giáo điều, cốt đạt tới cái đẹp cái thiện cái thật, kể cả cái thực dụng: làm sao cho được việc, miễn không ra ngoài cái phải đạo. (...”chỉ cốt sao đừng tục.” Tự Thuật)

Một thi sĩ như thế thật hiếm hoi trong thời chiến địa phân tranh và ý thức phân tranh của Việt Nam cuối thế kỷ XX, và sang tới đầu thế kỷ này. Ông hẳn cũng cảm thấy cái lẻ loi, đôi khi lạc lõng của mình, và có lúc băn khoăn, đem cái băn khoăn hỏi người đồng điệu:

Muốn hú vía hỏi thăm người cổ,
Ta là Ai? Ai đó là ta?
Canh khuya vẳng tiếng tỳ bà,
Mênh mông dằng dặc bao la đất trời
Ðịnh mở miệng nghẹn lời chẳng nói,
Nói với ai? Bụng đói tay run.
Hỡi ơi! Mực cạn, bút cùn,
Văn chương nếu rẻ như bùn đã may!
Vốn chẳng sợ chất cay vị đắng,
Thì nắng mưa, mưa nắng sự thường.
Ông làm nổi giá Thịnh Ðường,
Liệu tôi góp với văn chương được gì?
(Bên Trời Lận Ðận, bài 5)

Người viết bài này, tin rằng văn chương rất quí giá, rất mắc mỏ, nhà thơ Hà Thượng Nhân đã góp vào Văn Chương Miền Nam, từ những ngày dựng nước Cộng Hòa đầu tiên, 1954, cho tới khi vận hạn, những ngày lưu vong, một nền móng nào đó không bao giờ sụp đổ, trong có chân đạo, thiện đạo, đạo về cái đẹp, những cái “bất năng,” và đạo bằng hữu ở đời, như ông không bao giờ quên trong Cải Cách Ruộng Ðất, cha mẹ ông bị cộng sản đấu tố, đêm khuya Hữu Loan bạn ông đã ôm một mo cơm khoai tới thăm hai cụ. Bằng hữu trong thơ ông, bằng hữu xung quanh ông, là nét đặc sắc ai cũng có thể thấy. “Náo thị, u lâm mạc luận, Cổ kim cao hữu năng tầm,” như Hữu Loan từng viết; (Chợ ồn rừng sâu chẳng kể, Xưa rày bạn quí tìm nhau. VL dịch.) Từ bằng hữu, thơ ông lên mây, từ bằng hữu thơ ông vào rừng, từ bằng hữu, thơ ông lưu vong.

Chú thích và Thư mục:

* Góp một vài lời, Hà Thượng Nhân, in trong Thơ Kỉnh Chỉ, (tr 19-20) do gia đình Bác Sĩ Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy xuất bản chục năm sau húy nhật 100 năm của Phan tiên sinh (1989).
*Tào Thực (192-232), nhà thơ Trung Hoa, con Tào Tháo, nổi tiếng làm thơ nhanh, rất đặc sắc về thể thơ ngũ ngôn.
-Bài này được viết trong khi tác giả có quanh mình một số sách báo cũ, hoặc xem qua, hoặc đọc qua, hoặc có trích dẫn:
-Nói chuyện Ðiện thoại với Hà Thượng Nhân, Viên Linh, Sổ Tay, 10.2001.
-Bên Trời Lận Ðận, Hà Thượng Nhân, ba ấn bản 1992, 1996, 2007, Seal Printing, Bốn Phương.
-Thơ Kỉnh Chỉ, gia đình BS Phan Văn Hy xuất bản, Hoa Kỳ, khoảng năm 2000.
-Thi Nhân Việt Nam Hiện Ðại, Phạm Thanh, Khai Trí, 1960.
-50 Năm Thơ & Người Thơ, Dương Huệ Anh, Thụy Cầm, Phương Ðông, 2007.
-Một Phía Trời Thơ, Thi Ðàn Lạc Việt, 1995.
-Lưu Dân Thi Thoại, Diên Nghị, Song Nhị, Cội Nguồn, 2003.
-Emails, Ðông Anh, 2008.
-Emails, Trường Giang, 2008.

Viên Linh