Friday, October 21, 2011

Libya


Ai mới là chuột

Video Gadaffi dead


Cái chết của đại tá Gaddafi sẽ đi vào lịch sử của mùa xuân Ả Rập là lãnh tụ độc tài đầu tiên bị giết tại trận tiền. Những lãnh tụ độc tài khác như của Ai Cập, Tunisia dù sao cũng chỉ bị ép phải hạ màn hoặc trốn chạy mà thôi. Dĩ nhiên, cái chết của Gaddafi không phải là cái chết tại chiến trường oanh liệt như một chiến binh sa mạc mà lại bị bầm dập quá nặng nề về mặt linh hồn thể xác.

Và cũng có lẽ vì tinh thần đội quân khởi nghĩa bốc cao quá mà họ không còn chút nghĩa cử nào để đối xử với kẻ tử thù như Gaddafi. Nhiều người cho rằng, đây cũng là điều đáng tiếc về mặt nhân văn vì dù sao thì cũng không nên có một kết cục như thế. Đáng ra, Gaddafi nên bị bắt sống rồi phải trả lời trước tòa án quốc tế về tội ác do chính ông ta gây ra sau hơn 40 năm cầm quyền. Như vậy là vừa đẹp cho sự khởi đầu ở Libya và thích hợp với điển chế dân chủ và công lý.

Tuy nhiên, chuyện đã đến nước này rồi; nếu nói rằng cá nhân Gaddafi đi sớm một bước thì cũng bớt căng thẳng thần kinh chứ để đợi ngày ra tòa, rồi phải bị chết treo như kiểu Saddam Hussein thì cũng đau khổ và đọa đày không kém.

Luật pháp và quy ước ân oán trong thế giới Hồi Giáo còn nhiều khắc nghiệt do đó người dân Libya, sau 42 năm bị thống trị nay đã được thỏa mãn về mặt tâm lý. Đối với văn hóa bộ tộc du mục của Bắc Phi thì sự báo thù này hoàn toàn thích hợp với lòng dân.

Dư luận truyền thông và các chính khách Tây Phương vẫn đang tìm xem diễn biến của việc báo thù rửa hận vào phút chót dẫn đến cái chết đầy kịch tính của Gaddafi như thế nào. Mặc dù sẽ không có ai truy cứu trách nhiện hiện trường nhưng cũng là một tư liệu lịch sử quan trọng.

Con gái Aisha của đại tá GaddafiCó một đặc điểm được ghi nhận trong thế giới Ả Rập là mọi người như hả hê khi thấy Gaddafi bị lôi ra từ ống cống. Nguyên do của biểu hiện này là lúc khởi đầu của cuộc Cách Mạng, chính miệng Gaddafi đã gọi những đạo quân nổi dậy là chuột. Đây cũng là một sự xúc phạm nặng nề cho chiến binh để trở thành động lực thôi thúc đạo quân khởi nghĩa muốn trả thù rửa hận.

Cũng phải ghi nhận rằng, có người con khác của Gaddafi cũng từng bị quân nổi dậy bắt và được đối xử đàng hoàng nhưng sau đó trốn được thì lại trở nên hung bạo và hoang tưởng hơn.

Với thái độ khinh miệt sau những năm tháng dài độc quyền cai trị cộng với trí óc hoang tưởng xa rời thực tế, gia đình Gaddafi không mở một cánh cửa nào để có một sự thương lượng cuối cùng.

Dẫn chứng rằng "ai mới là chuột" bị lôi ra từ ống cống trở thành câu chuyện trong thế giới Ả Rập đã vượt quá những nhận thức nghiêm túc về chính trị và những ý định cảm thông với số phận con người. Nhiều người cho rằng cảnh hai cha con Gaddafi bị chết như vậy là không đúng nhưng sẽ không mấy ai rơi nước mắt thương tiếc cho một cuộc đời đầy ắp bạo tàn và lập dị.

Gaddafi cũng đã cất công xây dựng đế chế gia đình, cho các con trai con gái nắm giữ trọng trách của thế chế cầm quyền. Từ một thể chế tưởng chừng không ai dám thách thức và đạp đổ thế mà bây giờ gia đình tán loạn, con cái kẻ bị giết, người bị cầm tù, thê thiếp trốn chạy - hoạ diệt tộc coi như đã tới trước cửa nhà.

Cái chết này cũng là cao trào cực điểm của cuộc cách mạng Libya. Đối với tiêu chuẩn phổ quát của Tây Phương, như cảnh thi thể cha con Gaddafi bị bêu rếu giữa đường thì có phần tiêu cực, bạo lực và đẫm máu. Đài truyền hình Mỹ khuyến cáo cha mẹ không cho trẻ em xem hoặc những người yếu tim nên quay mặt đi khi các nhà đài buộc lòng chiếu đến những cảnh này. Các khuyến cáo này cũng giống như đợt nhà độc tài Iraq Saddam Hussein bị treo cổ.

Nhưng về mặt lợi ích lâu dài của một xã hội như Libya thì cái chết như thế này lại là điều tích cực. Thi thể biến dạng của Gaddafi coi như làm tắt ngúm luôn những ảo tưởng phục hồi hình ảnh lãnh tụ của những tàn quân có lòng trung thành với chủ cũ. Trước những cảnh tượng vật vã hoang mang như thế thì ai còn lòng dạ ý chí nào để phục thù hay chống trả. Vì cái chết này, thế giới có thêm lý do để khuyên người dân Libya nên hãy tự tin để quên đi ám ảnh quá khứ đẫm máu nhằm hướng tới một ngày mai tươi sáng.

Cái chết của Gaddafi cũng là lời cảnh báo cho các chế độ độc tài còn rơi sót lại trên thế giới như một quy định bất biến "quả báo nhãn tiền". Nếu những chế độ nào còn cố chấp và không cảnh tỉnh trước những trào lưu đòi hỏi tự do dân chủ
sẽ bị nhân dân kéo xuống, các thủ lãnh độc tài sẽ có số phận bi thảm như thế này.

Trần Đông Đức