Wednesday, June 29, 2011

nguoibuongioblog


Không Bán Cái Điêu


Đêm đó từ Hải Phòng về Hà Nội, xe về Lương Yên đến Bác Cổ dừng lại cho một số người xuống trước bến. Hắn xuống xe dáo dác tìm xe ôm, đáng nhẽ vào hẳn bến thì có nhiều xe, đằng này lại muốn xuống đây cho thoáng, vì hắn sợ cái không khí nồng nặc mùi dầu xe, mùi nước tiểu ở bến xe. Bước lững thững dọc vỉa hè men viện bảo tàng lịch sử, bỗng tiếng xe máy áp tới và một giọng nữ trung niên hỏi
 - Đi không anh ơi.?
Hắn quay đầu lại nhìn, trên chiếc xe máy wawe Trung Quốc cũ là một phụ nữ xồ xề hơn 50 , khuôn mặt bự phấn cười nhăn nhở.
- Đi

Hắn leo lên đằng sau xe, người phụ nữ rồ ga vẻ hứng chí như vớ được con mồi, chị ta cười nhăn nhở hỏi.
-Tàu nhanh nhé, nhà nghỉ ngay đây, trong đê thôi.
Hắn không hẳn từ chối, nói
- Cứ đi đoạn nữa đê.
Thấy vẻ không dứt khoát của hắn, chị phụ nữ nài nỉ
- Vào đi, tớ chiều hết mình, muốn gì cũng được. Gái già có chiêu của gái già, bọn trẻ kia nó kiêu lắm không làm hết mình đâu.

Người phụ nữ ra sức nài nỉ, chị ta bỏ một bên tay lái vòng đằng sau sờ quần hắn, hơi thở từ nụ cười nhăn nhở phả vào mặt hắn thối hoắc. Hắn gạt tay chị ta ra nói
- Đi nhìn đường, đâm bây giờ.
Chị ta cười cố gắng duyên dáng nói.
- Đi mở hàng cho tớ đi, hôm nay chưa có khách, tớ cũng đang máu lắm, lấy rẻ thôi nhé, 100 nghìn cả nhà nghỉ bao 1 tiếng, đi không ?

Xe đến quán phở, không còn cách nhà bao nhiêu. Hắn bao xuống đây, chị phụ nữ dừng xe, nét mặt thẫn thờ như tiếc công sức từ này mồi chài không được, Chị thở dài nhìn hắn vớt vát nài nỉ.
- Đi cho chị có chút tiền đong gạo cho cháu, xăng xe của chị cũng chả còn đây em này.
Hắn lặng lẽ lục ví, tìm tờ 100 đưa cho chị. Cầm tờ tiền, cảm tưởng cả lớp phấn trắng bệch rẻ tiền trên mặt chị cũng dãn ra theo nếp nhăn.
- Chị xin, chị hay đứng muộn ở chỗ ban nãy em lên xe, lúc nào muốn giải quyết tìm chị nhé, coi như chị nợ em lần này.

Hắn hỏi
- Có thật trừ nợ không hay điêu ?
Chị quả quyết
- Chị bán thân chứ không bán cái điêu.

Hắn cười gật đầu rồi vào hàng phở, chị phụ nữ rồ xe quay đi. Cái lưng sồ sề hai bên eo chảy xệ trong lớp áo thun trắng, lớp mỡ rung rinh...chắc chị lại đi tìm khách. Chuyện chị cầm tiền rồi nhắc nhở như có vẻ nợ nần, hứa thanh toán bằng xác thịt lần sau làm hắn phì cười. Người ta hay cho rằng gái điếm cầm tiền là xong, nhưng hắn nghĩ chị nói thật. Nếu lần sau hắn có nhu cầu, chắc chị sẽ trả nợ. Những gái điếm già quá lứa, rất cần khách, cần tiền, nhưng cũng rất biết chơi sòng phẳng. Không như bọn gái nhà hàng đôi mươi , nhõng nhẹo kể chuyện gia đình thương tâm này nọ, mõi tiền khách xong, lát nữa đã thấy ở quán bar nhảy múa gào thét.

Một lần nọ, ở một thị trấn tỉnh lẻ, nơi vườn hoa trung tâm có đường quốc lộ chạy qua. Hắn chờ xe khách chuyến muộn. Ngồi ở hàng nước của hai mẹ con. Người mẹ dặn con gái
- Mày về xem con gà nhốt kỹ chưa, không nó bay mất, nhớ cho nó ăn ít cơm nhé.
Hắn tò mò, hắn tưởng đó là một con gà quý, chắc là gà chọi. Bèn hỏi
- Gà gì mà phải giữ cẩn thận thế
Chị bán hàng
- À con gà để ngày mai giỗ cho con trai chị.
- Mai thịt thì cho nó ăn làm gì
- Kệ chứ, đến bữa vẫn cho nó ăn, bao giờ thịt hẵng hay, để nó đói tội
- Sao không để mai mới mua hả chị.
- Mua hôm phiên chợ cho rẻ em ạ, không đúng phiên đi mua lại hàng buôn mất thêm chục nghìn.

Nghe kể chuyện mới biết, mẹ con chị dành mãi mới mua được con gà, bán nước này nhặt nhặn một vài nghìn cả vốn lẫn lãi hai mẹ con sống lay lắt. Giờ giỗ anh trai con bé kia có được con gà , sổng mất thì mất giỗ. Thế nên chị phải bảo con gái về canh con gà, con chị cố ngồi thêm đêm nay gắng kiếm thêm đồng mua bát gạo nấu xôi. Chồng chị ở tù vì trộm cắp, con chị đi lao động đội than ở bến tàu, lao phổi ốm rồi chết lúc tuổi 23, đến nay là đã 2 năm. Chị nói thằng đó đẹp trai lắm, cao ráo, lao động cực nhọc ở bến xà lan mà vẫn trắng hồng. Nhưng lúc phát bệnh xuống sức mau quá, không kịp chữa trị gì nữa, nằm viện vài tháng là cháu đi.

Hắn lấy ra tờ 200 nghìn đưa chị nói
- Em muốn gửi chị 100 thắp hương cho cháu, chị có tiền trả lại em 95 nghìn, em trả 5 nghìn tiền nước.
Chị sững sờ, bối rối chị ngại ngùng nói
- Thôi chị không nhận đâu, tự nhiên nhận của em

Hắn nói
- Chị nhận đi, chỉ là cân gạo nấu xôi cho cháu, em cho cháu có cho chị đâu.
Chị vẫn ngại
- Nhưng chị không quen em, sao mà nhận được.
Hắn nói
- Chị à, đâu phải cần quen, em cũng là dân đầu đường, em cũng ở tù như anh nhà chị. Nói thế là hiểu nhau chị đừng ngại.
Chị cầm tiền, giở đủ các túi lôi hết ra những đồng tiền lẻ, cả xấp tiền toàn tờ 1 hay 2 nghìn, tờ 500 đồng, có vài tờ 5 nghìn. Không đủ 95 nghìn, chị lại tần ngần nói
- Thôi chị không nhận đâu, chỉ còn tiền lẻ trả lại khách, đêm rồi cũng không đổi được
Hắn nói
- Em cho chị nợ, lần sau em ghé qua lấy.
Chị nói
- Biết lần nào em qua, hay em cho chị số điện, khi nào chị có chị trả.
Hắn cho chị số điện, xe đến hắn nhảy lên chào từ biệt. Ánh mắt chị phụ nữ nhìn theo đầy biết ơn.

Tháng sau, có người ở trên đó về Hà Nội, người ta tìm hắn đưa 100 nghìn, nói là hàng xóm chị bán nước, chị ấy biết đi xuống đây nên nhờ gửi tiền chả hắn. Tờ 100 mới nguyên để trong cái phong bì.

Hôm nọ vào ngày 12-6-2011 tại Sài Gòn, những người yêu nước bức xúc trước cảnh quân Trung Quốc xâm phạm trắng trợn lãnh hải Việt Nam, họ xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc dưới sự kiểm soát gắt gao của cơ quan an ninh Việt Nam, những người không hề mong muốn có bất cứ cuộc tuần hành nào dù bởi lý do nào đi nữa. Bởi thế có 2 thanh niên trẻ đã bị công an bắt đi một cách thô bạo. Sự việc rành rành có bao người làm chứng. Thế nhưng một người đàn bà l lại nói rằng 2 thanh niên bị bắt vì tội trộm cắp điện thoại.
Sự thực thế nào, 2 thanh niên kia là ai, khi họ được công an thả về trong ngày, lý do vì sao ai cũng biết.

Thế nhưng người phụ nữ kia lại trắng trợn nói rằng lý do bắt là trộm cắp điện thoại của người khác.
Một sự trắng trợn đến đê tiện, vì sao mà người phụ này có thể dựng đứng một sự kiện rõ ràng như vậy.
Vì tiền ư ?
Không hiểu nổi, đến một phụ nữ già làm điếm có thể bán thân xác chứ không bán cái điêu, người phụ nữ nghèo bán nước có thể thức cả đêm nhặt từng nghìn lẻ làm giỗ cho con chứ không bán cái điêu chác, lọc lừa.

Nhất là lại vu khống những chàng trai trẻ, xuống đường tuần hành vì lòng yêu quê hương đất nước. Trong khi bao nhiêu nam thanh nữ tú khác đang phè phỡn, chơi bời bằng đồng tiền cha mẹ móc túi từ nhân dân lại được ca ngợi bằng những từ ngữ mỹ miều.