Friday, June 17, 2011

Tunisia


Sáu tháng sau Cách mạng Hoa Nhài,
 người dân Tunisia tin tưởng vào tương lai


Một phần tư dân Tunisia hiện vẫn sống dưới ngưỡng nghèo khóKhi châm lửa tự thiêu ngày 17/12 năm ngoái, Mohamed Bouazizi có lẽ không ngờ là hành động tuyệt vọng này sẽ châm ngòi cho một cuộc cách mạng làm rúng động thế giới Ả Rập(Một phần tư dân Tunisia hiện vẫn sống dưới ngưỡng nghèo khó MCT via Getty Images)

Khi châm lửa tự thiêu ngày 17/12 năm ngoái, Mohamed Bouazizi, một thanh niên bán hàng rong ở Sidi Bouzid, Tunisia, chỉ muốn tỏ thái độ phẫn uất trước việc cảnh sát tịch thu phương tiện sinh sống của anh. Nhưng có lẽ anh không ngờ là hành động tuyệt vọng này sẽ châm ngòi cho một cuộc cách mạng làm rúng động thế giới Ả Rập, lật đổ hai nhà độc tài Ben Ali ở Tunisia và Mubarak tại Ai Cập, đồng thời đe dọa các chế độ Libya, Yemen, Bahrein và Syria.

Sáu tháng sau sự kiện được gọi là Cách mạng Hoa Nhài hay còn được mệnh danh là « mùa xuân Ả Rập », mọi việc đã không diễn ra xuông xẻ tại hai nước thoát khỏi chế độ độc tài như Tunisia và Ai Cập và tình hình vẫn rất phức tạp tại những nước như Libya và Syria.

Là nước đi tiên phong trong phong trào dân chủ thuộc khối Ả Rập, Tunisia tương đối ổn định hơn các nước kia, tức là không bị rơi vào nội chiến và cũng không gặp tình trạng bạo động quá lớn.

Về mặt chính trị, cuộc tuyển cử tự do đã được ấn định vào ngày 23/10 tới để bầu ra một Quốc hội lập hiến. Nhưng vấn đề là sân khấu chính trị Tunisia đã trở nên manh mún, vì trong những tháng qua, các chính đảng mọc lên như nấm. Hiện nay tổng cộng có đến hơn 90 đảng phái khác nhau với đủ mọi xu hướng, khiến cử tri chẳng biết đường nào mà lần, nhất là vì chẳng có nhân vật nào thật sự nổi trội như là một lãnh tụ tương lai.

Về mặt kinh tế, tình hình đang rất bi đát, bởi lẽ sau Cách mạng Hoa Nhài, số du khách quốc tế sụt giảm rất mạnh, trong khi đây là một trong những nguồn thu nhập chính của nước này. Theo dự báo của bộ trưởng Du lịch Tunisia hôm thứ tư vừa qua, thu nhập của ngành này trong năm nay sẽ giảm đến phân nửa. Bên cạnh đó, Tunisia còn gánh chịu hậu quả của chiến tranh Libya, tức là phải đón nhận khoảng 500 ngàn người tỵ nạn ở biên giới. Chính vì những khó khăn kinh tế trong nước, mà ngày càng có nhiều người Tunisia tìm đường vượt biên sang châu Âu.

Nói chung, sau những ngày vui sướng, phấn khởi, vì đã lật đổ chế độ Ben Ali, người dân Tunisia nay phải đối diện với thực tế, đó là không phải cứ thoát khỏi độc tài là cuộc sống trở nên tươi đẹp ngay. Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc thăm dò do Viện Sigma thực hiện, hơn 70% người dân Tunisia tin tưởng vào tương lai.

Để xây dựng tương lai trên một cơ sở lành mạnh hơn, thì phải thanh toán những tàn dư của quá khứ. Vào thứ hai tới, 20/6/11, tòa án Tunis sẽ bắt đầu xử khiếm diện cựu tổng thống Ben Ali và vợ, hiện đang sống lưu vong ở Ả Rập Xê Út, sau 23 năm độc quyền lãnh đạo Tunisia. Vấn đề là chính quyền Ả Rập Xê Út không hề muốn giao nộp Ben Ali cho Tunisia, cho nên phiên xử cũng sẽ không thỏa mãn đòi hỏi công lý của người dân nước này.

Nhưng sáu tháng là một khoảng thời gian quá ngắn, so với hơn 20 năm sống trong sự kềm kẹp. Nếu có một câu tóm lược một cách hùng hồn thành quả của Cách mạng Hoa Nhài, chúng ta có thể trích câu nói của Lina Ben Mhenni, một trong những blogger nổi tiếng của Tunisia : « Chúng tôi đã gạt bỏ được cái sợ ».

Cũng giống như tựa một cuốn sách của lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi « Tự giải phóng khỏi cái sợ », khi người dân không còn sợ đàn áp, bắt bớ, tù đày, khi lòng khao khát tự do đủ sức mạnh để chế ngự sự hèn yếu, thì mọi chế độ độc tài đều cáo chung. Chính vì lý do đó mà những chế độ như Trung Quốc và Việt Nam rất lo ngại ảnh hưởng của « mùa xuân Ả Rập ».

Thanh Phương
@rfivn