Một cuộc cách mạng lớn
(Biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam)
VIỆT NAM - Biểu tình là một khái niệm rất quen thuộc ở những nước dân chủ, nhưng ở Việt Nam (kể từ sau năm 1975 ở miền Nam và hầu như kể từ thời phong kiến đến giờ ở miền Bắc) thì đó là một khái niệm ít ai dám nhắc đến, thậm chí người ta tránh nhắc đến.
Hai chữ này như một thứ tai ương cho những ai dính líu đến nó.
Với nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam , chuyện biểu tình đòi tự do dân chủ là chuyện tuyệt đối cấm kỵ, không những thế mà chuyện biểu tình kêu gọi lòng yêu nước của cộng đồng để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc cũng bị dập tắt, hầu như tuyệt đối là vậy.(Một thanh niên giơ biểu ngữ “Công lý và hòa bình trên biển Ðông” trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn. (Hình: Dung Dang)
Chính vì lẽ này, cuộc biểu tình sáng ngày 5 tháng 6 năm 2011 tại Sài Gòn và Hà Nội đóng vai trò một sự kiện lớn, một cuộc cách mạng lớn của người dân Việt Nam.
Vì sao gọi cuộc biểu tình ở Sài Gòn và Hà Nội là sự kiện lớn? Và mang tính chất cuộc cách mạng lớn của người dân Việt Nam ?
Ở Hà Nội, số lượng người tham gia biểu tình không đông, theo con số ước lượng thì chưa đến 1,000 người. Và cuộc biểu tình không đạt được những yêu cầu mà người tham gia đã dự đoán.
Ðoàn biểu tình Hà Nội bị chặn ngay từ đầu, sáng sớm các tuyến đường vào Ðại Sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội đã bị phong tỏa bằng barrie , công an, dân phòng và (có thể có cả) chó nghiệp vụ.
Ðoàn người bị công an, cảnh sát 113, bộ đội đặc công đẩy dần ra phía Ðông công viên Lê-Nin... Rồi sau đó bị phân hóa ra các con đường, phân tán đội ngũ, dẫn đến giải tán.
Trong lúc này, ở Sài Gòn, đoàn biểu tình đã lên đến ba, bốn ngàn người. Lực lượng cảnh sát cơ động 113, công an giao thông, quân đội có mặt nhưng không thể ngăn cản đoàn biểu tình tiến về phía Lãnh Sự Quán Trung Quốc.
Thay vì tụ tập thành đám đông để tiến về trung tâm, đoàn biểu tình ở Sài Gòn đã chọn cách đi bộ, nhóm dần thành số đông nhưng không dừng tại chỗ. Nói cách khác là họ đã dùng thành công “hiệu ứng giao thông” để qua mặt công an. Trong tình huống này, nếu công an có biết thì cũng không có cớ để bắt bớ, sách nhiễu được họ bởi họ không “tụm năm tụm ba.”
Chừng 10 giờ sáng, chính quyền buộc phải bắc một chiếc loa to trước đoàn biểu tình để đưa người đại diện ra thương thuyết. Lúc này, người đại diện gồm các cụ người cao tuổi của thành phố Sài Gòn, một vài cán bộ ngành công an và sĩ quan ngành hải quân đứng ra thuyết trình, yêu cầu đoàn biểu tình đừng gây bạo động...(Ðoàn người biểu tình trên đường phố Sài Gòn. (Hình: Ngô Lực)
Phía đoàn biểu tình đã cướp diễn đàn và hô to khẩu hiệu bằng chính chiếc loa của chính quyền.
Cuộc biểu tình tại Sài Gòn diễn ra khá ôn hòa, mặc dù trước đó đã có một số người bị răn đe, cảnh báo không được phép tham gia biểu tình như trường hợp Bùi Chát, các blogger cổ xúy dân chủ, nhân quyền... Và thậm chí có người bị bắt giam như blogger Mẹ Nấm, Người Buôn Gió...
Thử rút tỉa vài kinh nghiệm
Qua lần biểu tình này, nếu phân tích và đưa ra các tiêu chí về số lượng, qui mô, mức độ và tầm cỡ, có thể nói rằng phía Nam thành công hơn phía Bắc rất nhiều về mọi phương diện.
Về mặt số lượng người tham gia, phía Nam đông gấp nhiều lần phía Bắc bởi do một phần họ đã chọn phương pháp không dừng và tụ tập thành nhóm. Hơn nữa, họ đi từ ngoại vi đến trung tâm, nghĩa là họ có từng nhóm nhỏ tản bộ trên các con đường, sau đó đi dần về một phía và cộng hưởng, tuần hành về nơi tập trung.
Ở phía Nam, thành phần trí thức tham gia biểu tình khá đông. Dù sao đi nữa, họ cũng là những người có khả năng thu hút được những thành phần khác một cách mạnh mẽ nhất.
Lực lượng trẻ, gồm sinh viên các trường đại học là một lực lượng năng động và quả cảm, một khi có sự tham gia của họ thì mọi chuyện trở nên hanh thông và có sức sống hơn. Phía Nam đã thành công nhờ vào điều này rất lớn.
Và hơn hết, mỗi người tham gia biểu tình phải là một nhà tổ chức cho chính bản thân mình và cho cục diện chung. Chỉ có vậy thì bầu không khí mới sinh động, tạo ra những tương tác trí tuệ để đi đến một cộng hưởng cho toàn cục.
Chính yếu tố này sẽ giúp đoàn biểu tình thu hút được người đi đường và tạo được sự ủng hộ ngẫu nhiên rất lớn bởi mối tương tác giữa từng thành viên tham gia biểu tình với bất kỳ người nào họ gặp. Họ tự tin và không bị phụ thuộc vào người đầu lĩnh cũng như không bị chao đảo theo tâm lý đám đông.
Cuộc biểu tình nói lên điều gì?
Sự đông đảo, hùng hậu về lực lượng của đoàn biểu tình ở Sài Gòn cho thấy rằng tinh thần dân chủ, yêu tổ quốc và không sợ đụng chạm với công an, quyết tâm nói lên tiếng nói của một công dân yêu nước ở họ rất cao.
Ðiều đó không có nghĩa rằng người Hà Nội (nói riêng) và miền Bắc (nói chung) không yêu nước. Nhưng họ có một thiệt thòi dễ nhận biết nhất là từ bờ Bắc vĩ tuyến 17 trở ra không có được một kinh nghiệm sống trong thể chế chính trị như người miền Nam từ Ðệ Nhất Cộng Hòa cho đến 30 tháng 4, 1975. Ðiều này có liên quan mật thiết đến thái độ ủng hộ hay bỏ lơ trước những lời kêu gọi biểu tình.
Trừ những trí thức phía Bắc cập nhật thông tin rộng, vượt ra ngoài sự tuyên truyền của nhà nước. Nói cách khác là trừ những người dân và trí thức yêu nước, thức thời.
Và kinh nghiệm biểu tình của người miền Bắc cũng không có nhiều bằng người miền Nam do chính bởi nguyên nhân vừa nêu trên, thậm chí, ngoài những người dân, trí thức thức thời, dường như khái niệm biểu tình còn quá xa lạ đối với họ.
Và trong chừng mực nào đó, dường như chính quyền phía Nam cũng có cách nhìn đồng thuận với những người biểu tình yêu nước, chống Trung Quốc hơn là chính quyền phía Bắc. Bằng chứng là họ chịu đối thoại và không dồn ép người biểu tình vào con đường sợ hãi bạo lực, họ đã chịu giữ không khí ôn hòa. Trong khi đó, phía Bắc dùng cả lực lượng đặc công để trấn áp người biểu tình.
Biểu tình, khái niệm ấy còn tương đối xa lạ với người Việt Nam - một dân tộc đi từ phong kiến sang toàn trị, từ phép tuân thủ của độc tôn sang phép tuân thủ của độc tài. Cả hai loại hình tuân thủ ấy đều không cho con người khai sáng được ý thức dân chủ, không cho con người đủ tự tin để thấy rằng việc mình tập hợp một lực lượng kêu gọi lòng yêu nước, đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình là hợp hiến, hợp lẽ con người.
Chính vì vậy mà mọi cuộc biểu tình đều rơi vào nguy cơ khủng hoảng an ninh cá nhân người tham gia biểu tình (từ an ninh tâm lý cho đến an ninh thân thể, tài sản...). Ý thức biểu tình có thể bị triệt tiêu bất kỳ giờ phút nào cho dù động cơ là chính đáng, yêu nước.
Nhưng dù sao chăng nữa thì cuộc biểu tình với qui mô lớn, quyết tâm cao và số lượng đông đúc, tư thế hùng hậu của ngày hôm nay cũng cho thấy rằng người Việt Nam đang bước vào một cuộc cách mạng mới, tự tin, bất bạo động và yêu chuộng hòa bình, yêu quê hương, đất nước, quyết giữ sự toàn vẹn lãnh thổ, yêu sáng tạo và yêu dân chủ, nhân quyền. Âu đó cũng là tố chất vốn từng có lúc bị ngủ quên của người Việt!
Có thể gọi ngày hôm nay là một ngày cách mạng lớn ở Việt Nam .
Phương Ngạn
@Người Việt - rfavn -