Tháng 6 và biến cố Thiên An Môn
Tháng 6. Mấy ngày hôm nay trời rộ nóng. Trời xanh thăm thẳm vút cao những tầng mây. Những cơn mưa đã qua. Mùa hạ tới. Một buổi chiều cuối tuần, nhìn cuốn lịch treo tường, giở trang sách, đọc bài thơ, xem lại những trang báo, những phim ảnh. Một biến cố của nhân loại. Ngày 4 tháng 6 năm 1989, biến cố Thiên An Môn. Hồng quân Trung Hoa xả súng bắn vào đoàn biểu tình và cả ngàn người bị thương vong.
Có một hình ảnh được phổ biến sâu rộng trên toàn thế giới của một thanh niên được mệnh danh là “người biểu tình vô danh” đã một mình đứng chận trước một đoàn xe tăng đang hung hãn tiến tới. Hình ảnh được chụp ngày 5 tháng 6 tại một giao lộ của đại lộ Trường An. Một người không vũ khí đứng giữa đường cản bước đoàn xe tăng. Khi chiếc xe tăng đi đầu lái qua một bên để đi vòng quanh thì anh lại tiếp tục đứng cản và sau đó anh leo lên xe tăng nói chuyện với những người lính lái xe. “Tại sao các anh lại ở đây? các anh đã mang sự tàn bạo đến sự nghèo khổ”. Báo Times Magazine đã chọn cho anh ”người biểu tình vô danh” và là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 trên thế giới. Tới nay, tung tích của người bieểu tình anh hùng này chưa rõ ràng. Theo báo Sunday Express là sinh viên 19 tuổi tên Vương Duy Lâm, nhưng cũng không xác tín lắm. Có nguồn tin nói anh đã bị xử bắn, có người nói anh còn sống nhưng không có điều gì là rõ ràng chính xác.
Ban nhạc The Hooters gồm Peter, Paul & Mary trong một album nhạc Zig Zag bán ra hàng triệu đĩa đã hát ca khúc dân gian nổi tiếng của Hoa Kỳ và Âu Châu “500 miles” (mà còn có tên là “500 miles away from home”). Nguyên đây là một bài dân ca rất nổi tiếng vào những năm của thập niên 60 về sau. Lời ca từ rất đơn giản là tiếng rên rỉ thở than của người lữ khách đi xa trở về nhà nghèo nàn và rất xấu hổ khi trở lại chốn sinh trưởng xa xưa. Đầu tiên là sáng tác của Hedy West, sau ở những trình diễn khác thì có sửa đổi bởi Bobby Bare, Curly Williams, John Phillips. Sau ban nhạc Hooters đã có lời mới để nhắc nhớ tới biến cố Thiên An Môn. Bài hát có những câu như:
”…A hundred tanks along the square
One man stands and stops them there
Someday soon the tide ‘ll turn and I’ll be free.
I’ll be free, I’ll be free…”
Một trăm chiếc xe tăng dọc theo quãng trường
Một người đứng và chận chúng ở đó.
Sẽ có một ngày thật sớm triều sóng tràn tới và tôi sẽ tự do
Tôi sẽ tự do, tôi sẽ tự do…”
Bài hát này chỉ là một âm vang của biến cố Thiên An Môn. Đến bây giờ, âm vang ấy vẫn còn và ảnh hưởng nhiều đến những người cầm quyền Trung Quốc.
Quả thực, đã hơn hai mươi năm sau ngày thảm sát tại Quãng Trường Thiên An Môn, chính quyền Trung Hoa vẫn còn e dè về một biến cố tương tự sẽ xảy ra. Họ vẫn bất chấp nhu cầu đòi hỏi về nhân quyền và bắt bớ những người đã liên quan đến cuộc biểu tình ngày xưa để dập tắt từ trong trứng nước những cuộc biểu tình có thể xảy ra.
Hai mươi năm sau biến cố Thiên An Môn, ngày 19 tháng 5 năm 2009, một cuốn hồi ký được xuất bản ở Hồng Kông với tựa đề “Prisoner of The State” (Quốc Gia Đích Tù Phạm) của cựu Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương. Trước đó đã có những bài viết ghi lại từ những đoạn ghi âm trong 30 tiếng đồng hồ và tiết lộ nhiều chi tiết quan trọng. Như một nhân chứng lịch sử, ông mô tả các biến cố trong cung đình Trung Nam Hải trong thời điểm dẫn đến cuộc thảm sát Thiên An Môn. Ông cũng đánh giá về Đặng Tiểu Bình mà ông gọi là “đại sư phụ“ nhưng thực chất chỉ là một bố già Mafia lũng đoạn chính tình với những quyết định độc đoán. Và ông tự nhận chính mình là người hoạch định đổi mới cho Trung Hoa chứ không phải là Đặng TiểuBinh. Ông cho đến lúc nhắm mắt vẫn không những xác định quan điểm cải tổ kinh tế mà còn ghi chép lại những chuyển biến nội tâm của ông về hướng dân chủ sau khi bị cầm tù tại gia. Ngày 19 tháng 5 năm 1989, Thủ tướng Triệu Tử Dương và người bí thư là Ôn Gia Bảo (thủ tướng bây giờ) xuất hiện ở Thiên An Môn kêu gọi sinh viên trở về nhà. Với gương mặt đầm đìa nước mắt ông khuyên nhủ những người biểu tình như một người cha nói với con cháu rằng đời sống họ còn dài đừng làm những việc hy sinh vô ích. Lúc đó ông đã biết cuộc tàn sát sắp xảy ra và Bộ Chính Trị đã điều động quân đội và chiến xa của hai quân đoàn 27 và 28 phần đông là người thiểu số để tham dự vào cuộc tàn sát…
Triệu Tử Dương khi đến lúc chết vẫn là một người tù của chế độ Cộng Sản Trung Hoa. Thậm chí, có người như giáo sư Tôn Văn Quảng đi viếng mộ của ông đã bị công an đánh đập dã man…
Có một cuốn sách của Tôn Phương Minh viết về những ngày bị giam cấm của cựu Tổng Bí Thư Đảng ”Triệu Tử Dương nhuyễn cấm trung đích đàm thoại” (Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng). Ông Tôn là bạn thân của ông Triệu Tử Dương và tác phẩm này là những câu chuyện bí mật giữa hai người đã qua mặt được công an theo dõi và nghe lén khi tập khí công ở trước sân nhà. Ông Tôn để tâm nhớ thuộc lòng và sau đó ghi chép lại trung thực khi về đến nhà. Quyển sách đã làm rõ được vai trò lịch sử của Triệu Tử Dương cũng như tâm tư ước vọng của người lãnh tụ này. Ông Tôn Phượng Minh còn làm một bài thơ, tuy nói về tâm nguyện của mình nhưng gián tiếp nói về người đã tuyên bố “Tôi từ chối vai trò Tổng bí Thư huy động quân đội đàn áp sinh viên”.
Bài thơ gửi đến những người bạn hữu quan tâm đến an ninh và sức khỏe của ông:
"Tôi chỉ là một cái kén tằm với nhiệm vụ phải nhả tơ.
Đón chào sự thực thôi thúc theo công lý
Và hy vọng nhả được những sợi tơ thuần khiết
Nhưng tôi cũng là một bướm đêm vừa được tự do
thoát ra khỏi vỏ kén giống như là tâm Phật
trôi nổi tầng cao, bất động
và không ai động chạm đến được.”
Bei Dao, một nhà thơ Trung Hoa lưu vong đã viết để nhắc nhở đến một thời điểm khó quên của lịch sử nhân loại. Tháng 6 năm 1989, máu đã chảy trước mũi súng bạo tàn của một chế độ độc tài chuyên chính. Tháng 6, có lẽ là ký ức chẳng thể nào quên của nhiều người trong đó có Bei Dao: Tháng sáu:
“Gió trong tai nhắc tháng sáu
tháng của sổ đen tôi đã trượt qua
thời khắc ấy
ghi chú cung cách để nói giã từ
thở dài trong từng con chữ
ghi chú những giải thích:
những nụ hoa nhựa trường cửu
ở nỗi chết bên trái bờ
xi măng quãng trường trải dài
từ hàng chữ viết đến
Bây giờ
Tôi chạy từ ngôn ngữ khởi viết
Biểu hiện từ nhát búa đập mạnh
Ngọn cờ che phủ trùng dương
Và loa phóng thanh trung tín đến biển cả
Giọng trầm và sâu nhắc Tháng Sáu.”
Bây giờ, vẫn có người nhắc đến biến cố Thiên An Môn như một dấu hiệu bạo tàn của chế độ đỏ. Nhưng thêm vào đó, là hành động đàn áp muốn diệt chủng dân tộc Tây Tạng. Cả thế giới phẫn nộ và nhiều nước tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh. Nhưng kẻ ác vẫn hình như không có một chút gì động tâm. Bàn tay dầy máu của những sát thủ tàn ác vẫn chưa run tay.
Thế mà, ở đất nước tôi, lại có một chế độ hèn hạ đến mức đáng khinh, khiếp nhược đến mức đáng tởm. Ngày rước đuốc Thế Vận ở Sài Gòn công an và lực lượng an ninh đàn áp những người Việt yêu nước biểu tình phản đối những hành động lấn chiếm lãnh thổ áp bức dân tộc của Trung Cộng một cách thô bạo nhưng lại bảo vệ cho vài trăm chú Chệt diệu võ dương oai phất cờ gióng trống trên đường phố Sài Gòn.
Cái châm ngôn “ Không có gì quý hơn độc lập tự do “ sao mà mai mỉa!!!
Tháng sáu Bei Dao còn làm thơ chiêu niệm cho hàng ngàn nạn nhân bị thảm sát. Bài thơ cầu hồn Requiem như một nhắc nhở cho hậu thế nhớ đến ngày 4 tháng 6 ô nhục:
”Không phải sự sống mà là nỗi chết
Dưới bầu trời tím ngắt của buổi tận thế
Những đoàn người đi
Thống khổ dẫn đường về đằng trước khốn khổ
Tận cùng của căm hờn là nỗi hờn căm
Mùa xuân khô hạn trôi qua
Đại họa căng ra không dứt
Con đường trở về
Có khi là những bước biệt xứ
Không phải thượng đế
Mà chính là tuổi trẻ thơ
Giữa âm vọng dọa đe của những bóng nón sắt
Ngỏ lời nguyện cầu
Những tay mẹ hiền nuôi dưỡng ánh sáng
Bóng tối làm họ đứt hơi
Đá tảng lộn nhào, kim đồng hồ quay ngược
Mặt trời méo mó hình bầu dục tuyệt đối ngự trị
Không phải thân xác các bạn mà chính linh hồn các bạn.
Cùng chung hưởng ngay kỷ niệm mỗi năm
như các bạn đồng niên tuế
yêu thương hình thành từ nỗi chết
trong miên viễn bước đồng hành
các bạn ôm nhau xiết chặt nhau
cuộc thảm nạn ghi tên tử biệt…”
Bei Dao là bút hiệu của một sinh viên Trung Hoa Zhao Zhenkai, là một nhà văn, nhà thơ rất nổi tiếng trên thế giới. Ông là một người có tên tuổi được ghi trong danh sách những nhà văn có hy vọng đoạt giải Nobel văn chương của Hàn Lâm Viện Thụy Điển trong nhiều năm. Bút hiệu Bei Dao có nghĩa là Bắc Đảo là một trong những bút danh mà ông đã dùng ở Trung Hoa để tránh sự theo dõi của chế độ Cộng sản. Ông là một trong những lãnh tụ sinh viên đã tham dự những cuộc biểu tình của nhiều nhóm lao động, trí thức, đòi hỏi nhân quyền và thay đổi thể chế chính trị hiện hữu. Cuộc biểu tình bắt đầu là ngày lễ truy điệu Hu Yaobang (Hồ Diệu Bang) gồm cả trăm ngàn sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn đòi hỏi phải thay đổi cái nhìn chính trị với ông này và sau lan rộng ra ở nhiều nơi, như Thượng Hải, nhưng mạnh mẽ nhất là ở Thiên An Môn từ tháng tư tới tháng sáu.
Ngày mùng bốn tháng sáu, Hồng quân Trung Hoa nổ súng vào đám biểu tình và gây ra 200 người tử vong (theo báo cáo của nhà nước Trung hoa) nhưng theo New York Times thì lên tới khoảng 800 người chết và theo hội Hồng Thập Tự quốc tế hay những chứng nhân chạy thoát ra ngoại quốc htì khoảng 2000 đến 3000 người là nạn nhân.
Biến cố Thiên An Môn đã gây chấn động trên thế giới và rúng động ngay trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Tổng Bí Thư Đảng Triệu Tử Dương đã bị quản thúc tại gia vì không tán thành đường lối xử sự của chính quyền đỏ Trung Hoa. Những lãnh tụ sinh viên bị bắt như Wang Dan, Chai Ling, Zhao Changqing, Wuer Kaixi,…Bei Dao trốn thoát ra ngoại quốc và đã cất tiếng nói của một chứng nhân về một biến cố như một vết nhơ của lịch sử Trung Hoa…
Mười năm sau ngày tàn sát ở Thiên An Môn ấy, có một tiểu thuyết ghi lại những dữ kiện bi thảm của ngày 4 tháng 6 năm 1989 với tất cả những chi tiết sống động lồng trong một mối tình lãng mạn. Đó là tiểu thuyết “Song of Tianmen Square” của David Rice. Tác giả đã ghi chép để tái tạo lại những biểu hiện, những âm vọng cuồng nộ, những mùi vị sắt máu, và tất cả những xúc cảm rất người. Lúc biến cố xảy ra, David Rice đang ở Bắc kinh nên đã nhìn thấy và là một chứng nhân để kể lại cho cả thế giới biết về những sự thực đau thương cũng như sự tàn ác dã man của những người đã hạ lệnh tàn sát… Mối tình giữa Song Lan, cô gái Trung Hoa và PJO’Connor pha trộn giữa lòng trung thành và sự phản bội, cũng như một thảm kịch mà trong đó khát vọng dân chủ và sự đối kháng giữa chế độ độc tài toàn trị và những người tranh đấu biểu hiện.
Tác giả “Song of Tianmen Square” sinh quán ở Bắc Ireland, đã hành nghề ký giả ở ba đại lục: Nam Mỹ, Bắc Mỹ và Châu Á. Năm 1989 ông được mời tới Bắc Kinh để huấn luyện cho các nhân viên của thông tấn xã chính thức của Trung Cộng và ông viết cho báo China Features. Ông ở Bắc Kinh trong thời gian đó và đã bí mật phỏng vấn hơn 400 người trẻ có tham dự vào biến cố Thiên An Môn. Trong bức điện thư gửi cho độc giả, Rice viết:
”Đặt tên là “Song of Tianmen Square”, cuốn sách có nỗi bí ẩn là dùng thể loại tiểu thuyết để tiếp cận với khối độc giả đông đảo trên thế giới và nói về cuộc tàn sát. Khi câu chuyện biến thành tiểu thuyết hóa, nhưng tuyệt đối không có hư cấu nào trong những dữ kiện của biến cố. Có thể nói, trong một đường lối không chủ định trước, sự khủng khiếp được diễn tả bằng cách dùng tiểu thuyết để dụng công làm cho những dữ kiện sinh động hơn trong tâm tưởng người đọc…”
Lại một bài thơ khác của tháng sáu. Tác giả Shi Tao, một tù nhân với cái tội là đăng bài thơ kỷ niệm Thiên An Môn. Bài thơ June :
“Nguyên cuộc đời tôi
sẽ không bao giơ sống qua được tháng sáu
tháng sáu khi trái tim tôi ngừng đập
khi thơ tôi ngưng thở
khi người tôi yêu dấu
chết trong vũng máu đang mơ
Tháng sáu mặt trời lửa dãi thiêu cháy làn da
Xé toang sự thật tự nhiên của thương tích tôi
Tháng sáu con cá lao khỏi biển máu đỏ
Trôi tấp vào chốn khác của giấc đông miên
Tháng sáu, trái đất qoặn mình, sông rạch lặng tiếng
Chồng chất ngàn ngàn lá thư
không thể gửi đến cho những người đã chết”
Shi Tao là một nhà văn, nhà thơ, ký giả Trung Hoa bị kết án mười năm tù với tội danh là tiết lộ những bí mật quốc gia của chế độ Cộng sản ra ngoại quốc. Ông bị bắt ngày 24 tháng 10 năm 2004 khi đang làm công việc biên tập tại Dangdai Shang Bao (Giao Dịch Hiện Đại Tân Báo). Ông cũng đã viết nhiều bài luận thuyết nêu rõ ý nguyện muốn đổi mới thể chế chính trị đã được “posted” trên nhiều trang web của các phong trào tranh đấu cho dân chủ ở ngoại quốc.
Shi Tao bị bắt và kết án vì đã viết thơ văn đề cập tới ngày kỷ niệm 15 năm Hồng quân Trung Hoa đàn áp và tàn sát những người biểu tình ở qủang trường Thiên An Môn.
Việc bắt giữ này cho thấy chủ trương của chế độ Cộng sản muốn kiểm soát hệ thống Internet. Theo báo cáo thì có tới 42 ký giả bị bắt trong năm 2004 mà hơn phân nửa là những người xử dụng Internet để chống chế độ. Ngày 20 tháng 4 năm 2004, chính quyền Trung Cộng phổ biến một chỉ thị thông báo sự cảnh giác về tình trạng những người đòi dân chủ và bị lưu đầy ra hải ngoại sẽ tái hiện trong nước để có hành động nhân ngày kỷ niệm 15 năm biến cố Thiên An Môn. Chỉ thị này cũng ra lệnh cho tất cả các ký giả trong nước tuyệt đối không được đề cập hoặc nhắc nhở đến ngày “4 tháng 6 năm 1989”.
Shi Tao bất chấp lệnh cấm trên và viết rồi dùng Yahoo email của mình gửi cho các website của phong trào ”Asia Democracy Foundation”.
Chính quyền Trung Cộng phát giác ra sự kiện trên và nỗ lực kiếm tìm ai là người đã làm công việc đó. Họ đòi hỏi những dữ kiện như account number và IP adress của người gửi từ văn phòng của công ty Yahoo có văn phòng ở Hong Kong. Văn phòng này cung cấp ngay mà không cần biết để làm gì. Và, công an đã tìm ra Shi Tao và bắt giam ông.
Luật sư của Shi Tao, Guo Guoting, đã chứng minh trước tòa án là việc bắt giữ Shi Tao là trái luật lệ và xâm phạm đến những quyền tự do căn bản của con người. Kết quả là chứng chỉ hành nghề luật sư của ông bị Bộ tư pháp ở Thượng Hải rút lại một năm và bị quản thúc tại gia.
Những tổ chức nhân quyền trên thế giới nỗ lực can thiệp nhưng xem ra chẳng có kết quả gì. Công ty điện toán Yahoo cũng bị phê bình gay gắt và tạo ra một trường hợp có thể tạo thành tiền lệ giúp các chế độ độc tài truy đuổi những người dùng Internet để nói lên nguyện vọng của mình. Những công ty như Google, MSN, Yahoo… đã bị những phê bình về vấn đề trên.
Ngày 28 tháng 8 năm 2007. Nghị viện Hoa Kỳ đã có một buổi điều trần của Jerry Yang, người sáng lập của công ty Yahoo và đã bị chất vấn khá nghiêm khắc. Hành động cung cấp những dữ kiện cá nhân như email account hoặc IP address cho công an là hành động vô lý không tha thứ hoặc chấp nhận được.
Tổ chức World Organization for Human Rights đã kiện công ty Yahoo vì việc tiết lộ dữ kiện điện thư đã làm Shi Tao bị cầm tù ở Trung Quốc.
Jerry Yang của công ty Yahoo đã viết thư cho bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Yang Jiechi để xin ân xá cho Shi Tao và Wang Xiaoning.
Nhưng, chưa có kết quả và cả hai người chiến sĩ tranh đấu cho tự do dân chủ vẫn còn bị ngồi tù…
Trở lại với bài thơ Tháng sáu của Shi Tao. Ông ghi lại những cảm xúc của mình, nghĩ về những người đã chết. Ở một trường hợp nào đó, thơ đã thành một vũ khí để tấn công giặc ác. Dù chẳng phải “ở trong thơ có thép” mà chỉ có những giọt lệ bùi ngùi, chỉ có sự tưởng niệm thành kính nhưng thơ đã đi vào lòng người và là biểu hiện của kẻ sĩ không khuất phục cường quyền…
Nguyễn Mạnh Trinh