Sunday, July 31, 2011

Ngô Đình Nhu


CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM

KẾT LUẬN,
TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ

Phật dạy ‘’TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ’’. Thâm ý cao siêu của lời dạy trên bao trùm khắp vũ trụ. Sự tiến hóa của nhân loại đều căn cứ trên nguyên tắc nằm trong lời dạy trên. Có trụ mới có vị trí để mà tiến. Nhưng khi vị trí đã mất tác dụng, mà vẫn cứ cố bám để trụ vào đó thì mọi tiến hóa lại chấm dứt, và những kết quả đã thu hoạch được lại có thể bị mất.Phải trụ vào cho đúng lúc mới tiến được. Và phải không trụ vào cho đúng lúc mới bảo đảm được vừa những thắng lợi đã chiếm, vừa con đường tiến cho tương lai.

TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ là một chân lý thể hiện trong những sự việc vĩ đại của loài người, cũng như trong các sự việc nhỏ nhặt của cá nhân trong đời sống thường ngày.

Nhiều Cộng Đồng đã phôi thai được một nền văn minh vì nhờ trong một lúc nào đó, các nhà lãnh đạo đã ý thức được một cách sung mãn những vị trí cần phải trụ vào. Nhưng sau đó hoặc vì sự thiếu lãnh đạo, hoặc vì thử thách, do hoàn cảnh bên ngoài đưa đến, vượt qua mức độ mà sinh lực của Cộng Đồng có thể ứng phó nổi, nên Cộng Đồng vẫn tiếp tục trụ vào một vị trí không còn là sinh lộ nữa. Do đó, nền văn minh vừa mới phôi thai, đã ngừng phát triển và lâu ngày thành cằn cỗi và chết dần như cây khô.

Các Dân Tộc Da Đỏ ở Bắc Mỹ đã phôi thai một nền văn minh trụ vào sự thích nghi hóa đời sống thường ngày với vũ trụ thiên nhiên bao quanh mình. Ví dụ, thay vì tìm cách chế áo dầy hoặc cách xây nhà cửa giữ được sức nóng để chống lại với giá lạnh của mùa Đông, người Da Đỏ lại chủ trương huấn luyện cơ thể từ lúc nhỏ để chịu đựng được các thời tiết.

Thái độ của người Da Đỏ là một thái độ tùng phục, cố gắng thích nghi hóa cơ thể với vũ trụ thiên nhiên. Thái độ mặc áo và xây nhà là một thái độ dùng phương tiện thiên nhiên để chế ngự thiên nhiên.

Vì đã lựa chọn con đường như vậy cho nên nền văn minh phôi thai của người Da Đỏ đã đào tạo được một loại người mà sức chịu đựng đối với thiên nhiên lên đến một mức độ phi thường. Và sự thông cảm của họ với thiên nhiên vượt đến một trình độ ít có.

Trên lĩnh vực này, người Da Đỏ đã khiến tất cả mọi người đều thán phục. Và người mà ông Baden Powell, nhà sáng lập ra phong trào hướng đạo thế giới, lấy làm mẫu là người Da Đỏ.

Tuy nhiên, sức chịu đựng của con người có giới hạn, sức mạnh của thiên nhiên lại vô bờ bến. Tự trụ mình vào công cuộc phi thường rèn luyện cơ thể để chống lại với thiên nhiên, người Da Đỏ đã dấn thân vào một con đường không có lối thoát.

Các nhà lãnh đạo Da Đỏ không nhìn thấy sự bế tắc đó nên không lúc nào nghĩ cần phải chấm dứt sự trụ vào đó. Vì vậy cho nên, vừa mới phôi thai, nền văn minh Da Đỏ đã ngưng phát triển và lần lần cằn cỗi.

Theo những tài liệu khảo cổ mà chúng ta được biết tới ngày nay thì các Dân Tộc ở chung quanh Bắc Cực và các Dân Tộc ở trên các Quần Đảo ở Thái Bình Dương đều lâm vào một tình trạng tương tự. Tự trụ vào công cuộc mang sức chịu đựng của con người để chống lại thiên nhiên. Lúc đầu khi trụ vào vị trí đó, Cộng Đồng phôi thai được một nền văn minh. Nhưng khi vị trí không còn thích nghi nữa, Cộng Đồng không biết thoát ra đúng lúc. Lỗi lầm đó đã đưa Cộng Đồng đến chỗ chết.

Ví dụ dưới đậy lại còn rõ rệt hơn nữa.
Luân lý Khổng Mạnh đã tạo cho Cộng Đồng Dân Tộc Trung Hoa, một trật tự xã hội bền vững với thời gian, một cách chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Suốt trong mấy ngàn năm, trật tự xã hội kiên cố, do luân lý Khổng Mạnh tạo nên, không có cuộc chấn động nào lay chuyển nổi. Nhờ trật tự xã hội vô cùng vững chắc đó, văn minh Trung Hoa phát triển đến tột độ và soi sáng khắp cả một bầu trời. Các triều đại Trung Hoa, kể cả các triều đại Hán Tộc và các triều đại ngoại lai, Mông Cổ và Mãn Thanh, đều bị chinh phục bởi sức kiên cố của trật tự xã hội của Khổng Mạnh. Các nhà lãnh đạo đều trụ vào đó và gia công xây đắp cho trật tự Khổng Mạnh càng thêm vững chắc.

Vì vậy mà cho đến khi nền văn minh Trung Hoa, vì quá trụ vào trật tự xã hội Khổng Mạnh, nên sinh lực phát triển đã suy đi, không một nhà lãnh đạo nào nhìn thấy. Mài miệt trong sự thán phục một trật tự xã hội đã cằn cỗi và thành đá, không một nhà lãnh đạo nào nhìn thấy nền văn minh Trung Hoa đã ngưng phát triển. Nếu không bị sự tấn công của Tây phương, có lẽ đến ngày nay, Trung Hoa còn ngon giấc triền miên trong cái trật tự xã hội Khổng Mạnh của mình. Trụ vào trật tự xã hội Khổng Mạnh để phát triển nền văn minh. Nhưng chính cũng vì trụ vào đó quá mức độ thời gian, nên văn minh đã ngưng phát triển.

Thâm ý của lời Phật dạy ‘’Trụ mà không trụ’’ là bao quát như vậy đó.

Nhưng trong đời sống của cá nhân, lời dạy ‘’trụ mà không trụ’’ cũng chi phối sâu xa đến các hành vi thông thường.

Trong sách Gia Ngữ có chép lại đại khái như sau:

Thầy Tử Hạ một hôm hỏi Đức Khổng Tử: ‘’Đức Khổng Tử sánh với những người học trò như Nhan Hồi, Tử Cống và Tử Lộ thì sao ?

Đức Khổng Tử trả lời: ‘’Nhan Hồi thủ tín hơn ta. Tử Cống thuyết khách hơn ta. Tử Lộ chiến trận hơn ta’’.

Thầy Tử Hạ lại hỏi: ‘’Thế vì sao Nhan Hồi, Tử Cống và Tử Lộ lại tôn Đức Khổng Tử làm thầy ?’’

Đức Khổng Tử trả lời: ‘’Vì Nhan Hồi thủ tín mà không biết phản tín. Tử Cống hay biện thuyết mà bất cập tảo biện. Tử Lộ biết dũng mà không biết khiếp, biết cương mà không biết nhu’’.

Thầy Nhan Hồi biết trụ vào chữ tín mà không biết không trụ vào chữ tín.
Thầy Tử Cống biết trụ vào biện thuyết mà không biết không trụ vào biện thuyết.
Thầy Tử Lộ biết trụ vào dũng mà không biết không trụ vào dũng.
Đức Khổng Tử vượt lên trên hết tất cả vì trong mọi trường hợp, ngài biết trụ vào đúng lúc và biết không trụ vào đúng lúc.

Phải biết trụ để có vị trí phát triển, nhưng phải biết không trụ để bảo đảm cho phát triển tiếp tục.

Sự phát triển của văn minh Tây phương đến mức độ bao trùm khắp nhân loại và khắp các lĩnh vực của đời sống, như chúng ta mục kích ngày nay, là một sự kiện chưa tìm có trong lịch sử nhân loại. Sinh lực đó bắt nguồn từ chỗ người Tây phương đã thấu triệt nguyên tắc ‘’Trụ mà không trụ’’ và đã đưa nó lên thành một lợi khí khoa học và sắc bén để tìm hiểu vũ trụ. Trong bất cứ ngành nào của kỹ thuật Tây phương, lịch sử phát triển của ngành đó đều mang dấu vết của nguyên tắc ‘’Trụ mà không trụ’’. Ví dụ dưới đây là thông thường nhất.

Khi quang học mới phôi thai, tất cả các nhà vật lý học Tây phương lúc bấy giờ, Descartes, Fermat, Malus, Huygens đều trụ vào thuyết ‘’ánh sáng phát quang theo đường thẳng’’ để khảo sát, thí nghiệm và tìm ra những định luật của quang học hình học. Quang học hình học, như chúng ta đã biết, là những bậc thang đầu tiên và vô cùng quan trọng của quang học.

Nhưng, những thế hệ các Nhà Vật Lý Học sau đó, mục kích nhiều hiện tượng quang học mà thuyết ‘’ánh sáng phát quang theo đường thẳng’’ không làm sao giải thích được. Fresnel, Young và Newton, mặc dầu vẫn công nhận sự nghiệp di sản của quang học hình học, đã nhìn thấy đúng lúc giới hạn của thuyết ‘’ánh sáng phát quang theo đường thẳng’’ và nhận thức đã đến lúc không nên trụ vào đó nữa.

Nếu không trụ vào đó nữa, tất nhiên phải trụ vào một vị trí khác để tiếp tục phát triển Quang Học. Do đó, thế hệ các Nhà Quang Học này trụ vào thuyết ‘’ánh sáng phát quang theo làn sóng’’ để khảo cứu thí nghiệm và cuối cùng phát minh những định luật mới về quang học vừa bao quát, vừa phong phú hơn. Tất cả sự nghiệp quang học ba động đều xây dựng trên thuyết mới này.

Giả sử thế hệ các nhà vật lý học đầu tiên không trụ vào thuyết ‘’ánh sáng phát quang theo đường thẳng’’ thì sự nghiệp quang học hình học không bao giờ thành hình, và những bậc thang đầu tiên đó của ngành quang học, không bao giờ được xây dựng lên và sự phát triển của quang học không được manh nha.

Nhờ những bậc thang đầu tiên đó, thế hệ các Nhà Vật Lý Học sau mới vói tay lên được đến các hiện tượng lạ lùng đối với thuyết ‘’ánh sáng phát quang theo đường thẳng’’. Nhưng, giả sử các Nhà Vật Lý Học của thế hệ này không đập phá được sự trụ vào thuyết ‘’đường thẳng’ thì sự phát triển của quang học đã ngừng ở đó và lâu ngày sẽ cằn cỗi mà chết dần.
Nhưng trong thực tế, họ đã biết không trụ đúng lúc nên đã bảo đảm được sự tiếp tục phát triển của quang học.
Đến giai đoạn này, lịch sử phát triển của quang học cũng đủ để thuyết minh cho tính cách sắc bén của nguyên tắc ‘’Trụ mà không trụ’’, trong mọi lĩnh vực phát triển.

Nhưng, quang học còn phát triển hơn nữa. Và thành tích phát triển gần đây của quang học, lại chỉ rõ hơn nữa rằng, văn minh Tây phương đã khoa học hóa và chính xác hóa nguyên tắc ‘’Trụ mà không trụ’’ để biến nó thành một kỹ thuật vô cùng hiệu quả để phát triển.

Sau thế hệ các Nhà Quang Học ba động, một thế hệ vật lý học giả khác lại phát minh ra nhiều hiện tượng vật lý, mà thuyết ‘’ánh sáng phát quang theo làn sóng’’ cũng không thể giải thích được. Cũng như lần trước, các Nhà Quang Học chấm dứt đúng lúc sự trụ vào quang học ba động. Nhưng lần này, các Nhà Quang Học đã xem việc không nên trụ vào quang học ba động, như là một phương pháp phát minh. Thế hệ của De Broglie lại trụ vào thuyết ‘’ánh sáng phát quang thành ly tử di chuyển theo làn sóng’’ để khảo sát, thí nghiệm và phát minh nhiều định luật về quang học bao quát hơn thêm và phong phú hơn thêm. Tất cả sự nghiệp quang học xạ tử ba động đều xây dựng trên thuyết mới này. Và những phát minh tối tân nhất hiện nay về các quang tuyến đều căn cứ trên sự nghiệp quang học xạ tử ba động.

Nhưng sự nghiệp xạ tử ba động sẽ không bao giờ có, nếu sự nghiệp quang học ba động không thành hình. Và sự nghiệp ba động không bao giờ có nếu sự nghiệp quang học hình học không thành hình. Nhờ trụ mà có quang học hình học. Rồi nhờ không trụ mà có quang học phát triển. Rồi nhờ trụ mà quang học ba động thành hình. Rồi nhờ không trụ mà quang học ba động phát triển. Rồi nhờ trụ mà quang học xạ tử ba động thành hình.

Chúng ta có thể đoán rằng, cơ thức ‘’Trụ mà không trụ’’ sẽ theo đó mà tiếp tục diễn tiến, và vạch con đường cho sự phát triển không ngừng của quang học.

Những sự kiện trên có giá trị, không phải riêng cho lĩnh vực quang học mà cho tất cả các ngành của khoa học Tây phương.
Những sự kiện trên có giá trị, không phải riêng cho lĩnh vực khoa học mà cho tất cả các ngành của khoa học Tây phương, nghĩa là cho tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực chính trị như chúng ta sẽ thấy dưới đây.

Tóm lại ‘’Trụ mà không trụ’’ là một chân lý phát triển. Một điều đáng cho chúng ta nêu lên làm một câu hỏi, là chính Đông Phương đã tìm ra chân lý trên, nhưng vì sao văn minh Đông Phương, Ấn Độ, cũng như Trung Hoa, lại trụ vào một vị trí cố định từ mấy ngàn năm ? Những trả lời câu hỏi này vượt ra rất xa khuôn khổ của lời kết luận này.

Trở lại vấn đề chính trị của Cộng Đồng Dân Tộc Việt Nam trong thời kỳ hiện tại, đề tài của tập sách này, chúng ta nhận thấy các điểm sau đây:

Trong tình hình chính trị thế giới hiện nay và trong trình độ tiến hóa của nhân loại hiện nay, các vấn đề của Dân Tộc Việt Nam, trong thời kỳ này chỉ có thể tìm được một giải đáp nếu chúng ta trụ vào vị trí Dân Tộc.

Đương nhiên là vị trí Dân Tộc mà chúng ta đã quan niệm trong suốt mấy trăm trang của tập sách này, không thể là một vị trí Dân Tộc bế quan tỏa cảng, hẹp và nông như dưới các triều đại quân chủ xưa kia. Vị trí Dân Tộc mà chúng ta quan niệm là một vị trí Dân Tộc nằm trong khung cảnh thế giới, với tất cả các dây liên hệ tinh thần và vật chất cần phải có.

Nhưng vị trí trụ vào phải là vị trí Dân Tộc.
Đến lúc nào chúng ta cần phải chấm dứt sự trụ đóng vị trí Dân Tộc nói đây để bảo đảm cho sự phát triển tương lai của Dân Tộc, đúng theo nguyên tắc ‘’TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ’’?

Chắc chắn trong thời kỳ này của Cộng Đồng Dân Tộc, chưa có sự chấm dứt nói đây. Thời kỳ này gồm nhiều thế hệ sắp đến. Chúng ta phải tin tưởng vào sự sáng suốt của các nhà lãnh đạo sau này, để quyết định đúng lúc sự thôi không trụ vào vị trí hiện tại.

Các nhà lãnh đạo cộng sản ở miền Bắc đã trụ vào lý thuyết cộng sản trong thời kỳ tranh giành độc lập. Chúng ta đã thấy trong các trang trên, sự đi đúng đường một phần nào của họ trong một giai đoạn. Nhưng chúng ta cũng đã phân tích các lý do vì sao sự tiếp tục trụ đóng vào phương tiện cộng sản hiện nay, là một lối bế tắc cho sự nghiệp tiến hóa của Dân Tộc. Chẳng những như chúng ta đã phân tích, sự tiếp tục trụ đóng vào lý thuyết cộng sản sẽ không làm sao giải quyết được công cuộc phát triển cho Dân Tộc, mà lại còn mở cửa đưa các thế hệ sau này, vào một đời sống vô cùng đen tối không lối thoát.

Trung Cộng tự mình cũng chưa giải quyết được vấn đề phát triển cho Dân Tộc Trung Hoa. Từ ngày các sự viện trợ của Nga đã chấm dứt, các công cuộc phát triển của Trung Cộng hoàn toàn đình trệ. Do đó, tự đặt mình vào vòng ảnh hưởng của cộng sản, nghĩa là của Trung Cộng, các nhà lãnh đạo Bắc Việt tự mình đã từ bỏ công cuộc phát triển cho Dân Tộc.

Hơn nữa, sự phát triển của một khối người gần 800 triệu dân như của Trung Cộng, là một mối đe dọa cho toàn thế giới. Và vì vậy công cuộc tìm phát triển của Trung Cộng tự nó, dù mà Trung Cộng không có gây hấn với ai cả, cũng gây nhiều kẻ thù. Những người này nhất định sẽ cản trở không để cho Trung Cộng phát triển.

Các biến cố chính trị gần đây đều xác nhận sự phân tích trên. Nay nếu chúng ta gắn liền số mạng của Dân Tộc Việt Nam vào với số mạng của Trung Cộng thì hành động đó có nghĩa là chúng ta sẽ từ bỏ công cuộc phát triển đang cần thiết cho sự sống còn của Dân Tộc.

Trung Cộng giải quyết không được công cuộc phát triển của Dân Tộc Trung Hoa. Nhưng số người 800 triệu dân cần phải nuôi, là một thực tế không thể phủ nhận được. Sự bành trướng mà Trung Cộng bắt buộc phải thực hiện dưới áp lực nhân khẩu kinh khủng đó đã mở màn. Nếu chúng ta không thức tỉnh thì một trong những nạn nhân đầu tiên của sự bành trướng nói trên sẽ là chúng ta. Chỉ tưởng tượng đến viễn cảnh đó cũng đủ cho chúng ta khủng khiếp.

Vì vậy cho nên, công cuộc chống sự xâm lăng của miền Bắc, không lúc nào khẩn thiết cho Cộng Đồng Dân Tộc Việt Nam bằng trong lúc này.

Và vì vậy cho nên, chúng ta thành khẩn mong mỏi các nhà lãnh đạo miền Bắc, kịp thời nhận định đã đến lúc, vì sự tiến hóa của Dân Tộc, không còn nên tiếp tục sự trụ đóng vào phương tiện cộng sản nữa.

Đọc toàn tập : Chính Đề Việt Nam 

Ngô Đình Nhu

SÁCH THAM KHẢO

BAINVILLE (Jacques) Histoire de France (Plon)
CHURCHIIL (S. Winston) Mémoires sur la Deuxième guerre mondiale (I à VI) (Plon)
COOMARASWAMY (Awanda K.) Hindouisme et Bouddhisme
DE GAULIE (Charles) Mémoires de Guene (I à III) (Plon)
DURANT (Will) Histoire do la Civillisation (I à IX)
ETIENNE (Gilbert) La Voie Chinoise (Tiers Monde)
FALL (Bernard) Indochine 1946-1962 (L histoire que nous vivous)
GEORGE (Piene) Géographie sociale du Monde (Presses universitaires de France)
HAYWARD (Fernand) Histoire des Papes
KOESTLER (Arthur) Le Lotus et le Robot (Calmann-lévy)
LACOUTURE (Jean) La Fin d une Guerre. Indochine 1954 (Editions du Seuil)
LE THANH KHOI Histoire du Viet Nam
MAO TSE TUNG La Guerre Révolutionnaire
MARX (Karl) Le Manifester du Parti Communiste. La Lutte des Classes
MAUROIS (André) Histoire d angletère
MENDE (Tibor) Converstions avec Nehru. Aux Pays des Moussons. Asie du Sud-est. L inde devant l orage. La Chine et son Ombre. Des Mandarins à Mao
MITTERAND (Francois) La Chine au Défi
MIGOT (André) Le Bouddha (le club francais du livre)
NEHRU (Jawaharlal) The Discovery of India. Glimses of World History (Meridian books, London)
PERROUX (Francois) L economie des jeunes nations; Industrialisation et groupement des nations
RIBBENTROP (Joachim Von) De Londres à Moscou
RUSSELL (Bertrand) La Philosophie Occidentale
SAINT PHALLES (Alexandre de) Tour du Monde (I à VI)
SCHWEITZER (Dr Albert) Les Grands Penseurs de l inde
SPENGLER (Oswald) Le Déclin de l occident (I et II) (Gallimard)
TABOULET (Georges) La Geste francaise en Indochine (I et II)
TOYNBEE (Amold) A Study of History (I à XI) (Oxford). A Study of History (Abridgement by D. C. Somerveil I et II). La civillisation à l épreuve. Guerre et Civillsation. L histoire, un Essai d interpretation (Gallimard). Le Monde et l Occident
TOURNOUX (J.) Secrets d’état (Plon)
TRUMAN (Harry) Mémoires (I et II)
VU QUOC THUC Economie Communaliste au Viet Nam
ENCYCLOPÉDIE DE LA PLÉIADE Histoire Universelle (I à III); Litérature Universelle (I à III)
HISTOIRE ILLUSTRÉE DE LA RUSSIE (Gallimard)

Ghi chú của bản đồ Nam Tiến:

Từ Thế Kỷ 10 về trước, biên giới nước ta từ Đèo Ngang trở ra Bắc. Năm 1069 Lý Thường Kiệt đánh Chiêm Thành, đưa ranh giới nước ta đến Cửa Việt.
Năm 1306 Vua Trần Nhân Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy Châu Ô và Châu Lý, tức Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay.
Năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa.
Đến thời Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), Nguyễn Phúc Chủ (1675-1725) tiến chiếm đất Chiêm Thành và Chân Lạp.
Năm 1788 Nguyễn Phúc Ánh chiếm đất Gia Định, nhưng chung quanh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long còn có 12 lãnh chúa địa phương, mỗi người chiếm cứ một vùng. Phải mất một thời gian, Nhà Nguyễn mới hoàn tất cuộc bình định trên đường Nam Tiến để có lãnh thổ như ngày nay.

Saturday, July 30, 2011

Cờ Vàng

Quốc kỳ Việt Nam
CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ
xuất hiện trở lại trong nước


Thơ Lê Phú Khải



Lịch sử rất công bằng

Video nguoiconcuabien
 haichienhoangsa1974


Ngụy Văn Thà ơi
Lịch sử rất công bằng

Ngày 24 tháng 07 vừa qua
Những người yêu nước đã biểu tình
Dương cao biểu ngữ viết tên anh :
“Ngụy Văn Thà, hi sinh ở Hoàng Sa năm bảy bốn”

Cho tôi thắp một nén nhang
Khóc người đồng chí
Mà bấy lâu nay tôi cứ đinh ninh là ngụy
Tha thứ cho tôi một thế hệ bị lừa !

Năm tháng đi qua
Gần hết cuộc đời tôi mới ngộ ra
Không giọt máu Việt Nam nào là ngụy
Trừ những thằng bán nước - đi đêm

Cho tôi thắp một nén nhang
Ba mươi bảy năm sau
Khóc người đồng chí đã hi sinh :
Ngụy Văn Thà !

Lê Phú Khải
Sài Gòn tháng 07-2011
@nguyenhuuquyblog  vietland  -  BBC  -  vietnamnavy  -  bauxitevn  -  RFA  -  truongphansite  -

Friday, July 29, 2011

Nguyễn Ngọc Huy



Ðằng Phương Nguyễn Ngọc Huy
Tập thơ chính khí ‘Hồn Việt’


Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,


Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Ðã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dải san hà gấm vóc.
Họ là kẻ không nề đường hiểm hóc,
Không ngại xa, hăng hái vượt trùng sơn
Ðể âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam Tiến mở giang sơn rộng lớn rộng.
Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng,
Ðã xông vào khói lửa, quyết liều thân
Ðể bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc,
Trong chiến đấu không nề muôn khó nhọc,
Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan,
Người thất cơ đành thịt nát xương tan
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.
Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm,
Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa,
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Ðể sống lại cuộc đời trong bóng tối.
Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.
Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang phiêu dạt dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.
Và anh hồn chung với tấm tình trung
Ðã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.
(Ðằng Phương, Anh hùng vô danh)

(Sao y chính bản trong thi phẩm Hồn Việt, nhà xuất bản Ðuốc Việt Sài Gòn, 1950, Thanh Phương Thư Quán, Paris, tái bản 1984 và San Jose 1985. Sau này in lại có thêm vài bài thơ mới làm trong năm 1976.)

Bài thơ trên, đề “Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho Tổ Quốc” hầu như không một học sinh trung học nào, trong khoảng các thập niên '50, 60, không được học qua. Bài thơ làm theo thể tám chữ, tương tự bài “Nhớ Rừng” của Thế Lữ: Lời con hổ ở vườn Bách Thú. Người ta biết rằng Thế Lữ còn có một tuyên ngôn về thơ của mình: “Tôi chỉ là một khách tình si / Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể / Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ / Và mượn cây đàn ngàn phiếm, tôi ca...” (Cây đàn muôn điệu). Ðằng Phương, tác giả “Anh hùng vô danh,” rất khác Thế Lữ, không nổi danh bằng Thế Lữ, mặc dù số người biết đến bài thơ “Anh hùng vô danh,” thuộc làu nhiều đoạn của bài này, có lẽ nhiều không kém những người biết và thuộc dăm ba câu của bài Nhớ Rừng của Thế Lữ: “Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt / Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua...” Sự khác biệt không ở tài năng: sự khác biệt giữa Ðằng Phương và Thế Lữ là ở chí hướng.

Ðằng Phương cũng có một tuyên ngôn khi làm thơ: “Tôi chẳng phải là một nhà thi sĩ / Mở rộng lòng đón gió lạ nghìn phương.../ Tôi chỉ là một người dân đất Việt / Cảm nỗi buồn của kẻ mất quê hương / Nỗi nhục nhằn, nỗi khổ cực đau thương / Của nòi giống nghẹt trong cùm lệ thuộc...” Sau tuyên ngôn ấy, ông đã sống và tranh đấu cho đến những tháng ngày chót trong cuộc đời mình. Ðằng Phương chính là Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, hoạt động chính trị, cách mạng từ 1945 như đảng viên một đảng quốc gia, và suốt cuộc đời ông tranh đấu trong nhiều cương vị để phục vụ lý tưởng xây dựng đất nước, đưa Việt Nam tới độc lập và tự cường, trong nước cũng như trên trường quốc tế, tại các giảng đường đại học cũng như khi phiêu dạt, lưu vong, cho đến khi từ trần vào 9 giờ 30 tối giờ Paris, ngày 28 tháng 7, 1990. Bài báo này xuất hiện vào đúng ngày giỗ ông, 28 tháng 7, 2011, tức là đúng 21 năm sau ngày ông từ trần.

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy sinh ngày 2 tháng 11,1924 tại Chợ Lớn, tổ quán ở Tân Uyên, Biên Hòa, Nam Việt, làm thơ ký bút hiệu Ðằng Phương, hoạt động cách mạng lấy bí danh Hùng Nguyên. Ông học Trung học Petrus Ký, Sài Gòn; qua Pháp học ở Ðại học Paris, tốt nghiệp cử nhân Luật và Khoa học Kinh tế tại Ðại học này; năm 1960 ông hoàn tất Cao học Chính trị và năm 1963 đậu Tiến sĩ Chính trị học Ðại học Luật khoa và Khoa học Kinh tế cùng viện Ðại học Paris. Ông dạy hầu khắp các trường đại học tại Việt Nam, kể cả các trường Cao đẳng Quốc phòng, Tham mưu cao cấp, và Ðại học Chiến tranh Chính trị; Khoa trưởng Luật khoa và Khoa học Xã hội Cần Thơ. Giáo sư chuyên về Luật Hiến Pháp, Bang giao Quốc tế, thông thạo Pháp Anh và Hán văn. Những năm cuối cùng tại Việt Nam, ông là Tổng thư ký Phong trào Quốc gia Cấp tiến và Ðồng Chủ tịch Liên minh Quốc gia Dân chủ Xã hội gồm 6 chính đảng đối lập. Ông là Phụ khảo tại Ðại học Luật khoa Harvard những năm lưu vong sau 1976.

Thi tập “Hồn Việt” của Ðằng Phương xuất bản lần đầu năm 1950 tại Paris, cách đây 61 năm, dày 116 trang, gồm bài Thay lời tựa, cũng bằng thơ, dài 4 trang, chương “Trước khi thấy con đường sống,” đề “Gửi Nguyễn Du,” làm năm 1945, dài tới 5 trang, và sau đó là 6 bài mỗi bài đều có một đề tài gửi gấm cụ thể: Nhớ bạn, Chiến sĩ Triều Trần, Giây phút chán đời, Bản hành quân của Trương Phụ, Tâm sự Tố Như và Dòng nước Sông Hồng.

Chương thứ hai và là chương chính có nhan đề “Sau khi được đưa vào nẻo sống” gồm 24 bài, và trong một lần tái bản sau này, ông cho vào tập thơ hai bài chót làm năm 1976: “Nhân lễ giáng sinh 1976” và “Giã bạn lên đường.” Bài sau chót này ông tâm sự với các thế hệ đàn em, gửi “Tặng các bạn lên đường tranh đấu cho lý tưởng:” “Thề lấy non sông thế cửa nhà.”

Một cách tổng quát, tập thơ Hồn Việt của Ðằng Phương Nguyễn Ngọc Huy là một thi tập chính khí ca. Hiếm có một thi tập như thế, từ bài đầu tới bài chót, tổng cộng 34 bài, không bài nào không nói tới non sông đất nước, anh hùng nghĩa sĩ, các thanh niên với bầu máu nóng lên đường tranh đấu cho độc lập của tổ quốc, (Ðộc lập hay là chết, trang 80) “Phải Ðộc lập nếu không thì tuyệt diệt.” Người ta có thể đọc thấy các trận đánh quân xâm lược Tàu ở trong suốt tập thơ:(Thi phẩm Hồn Việt, tập thơ in lần đầu năm 1950.)

Bến Chương Dương, Quang Khải giết quân thù,
Cửa Hàm Tử, Chiêu Văn Vương phá địch.
Trận Tây Kiết, Toa Ðô tìm cái chết,
Lục Thủy Ðầu, Văn Hổ khiếp uy danh,
Bạch Ðằng Giang vang day khúc quân hành...
(Chiến sĩ Triều Trần, trang 16)

Ngày vua Ngô dũng mãnh chém Hoàng Thao,
Ngày Hưng Ðạo đánh tan quân Thát Ðát.
Ta đã thấy dưới trời xuân man mác
Binh Quang Trung ồ ạt phá quân Thanh
Gò Ðống Ða xương thịt chất lên thành
Nước ta nghẹn cuốn thây loài tàn bạo...
(Dòng nước sông Hồng, trang 28)

Ðằng Phương cũng không thiếu những bài thơ dành cho các anh hùng chống Pháp, “Suốt thế kỷ giang san lầm cát bụi.” Ông làm những câu thơ thật sống thật linh hoạt:
Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng:
“Việt Nam muôn năm!” Một đầu rơi rụng.
“Việt Nam muôn năm!” Người kế tiến lên.
Và Tử thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.
(Ngày tang Yên Bái, trang 42)

Và khi đất nước lọt vào tay cộng sản? Ðằng Phương Nguyễn Ngọc Huy, người chiến sĩ bền gan ấy đã không bỏ qua:

Khói lửa ngày nay đã lặng rồi
Nhưng niềm đau khổ vẫn chưa nguôi:
Oán hờn ngùn ngụt đầy sông núi
Ðè nặng tâm tư của mọi người.
Tất cả miền Nam đã vỡ tan,
Bao nhiêu cơ nghiệp đã suy tàn,
Bao nhiêu gia quyến nay phân tán
Bao kẻ tù đày hoặc chết oan?
Mới biết hòa bình gay khổ đau
Cũng như chinh chiến kém gì đâu!
(Nhân lễ Giáng sinh 1976, trang 112)

Dường như Ðằng Phương Nguyễn Ngọc Huy có viễn kiến về một cuộc xung đột tất phải xảy ra:

Khói lửa rồi đây bốc ngụt trời
Gió tên mưa đạn dậy đôi nơi.

Hai câu này hơi khác thường so với một chiến sĩ tư tưởng, một nhà khoa bảng suốt đời tranh đấu cho lý tưởng trên các diễn đàn chính trị, trong các hội nghị và bằng ngòi bút. Nhưng có thể lắm chứ. Hai câu thơ ấy được in trong bài chót của tập thơ, và tập chính khí ca này kết thúc bằng hai câu dưới đây:

Lòng ta đã thoáng nghe văng vẳng
Tiếng khải hoàn ca dậy phố phường!
(Hồn Việt, trang 116)

Westminster, 27 tháng 7, 2011.
Viên Linh
@nguoi-viet  -  nguyenngochuy.net  -  thctct  -  lmdcvn  -  nguoivietboston  -  vietthuc  -

Thơ Nguyễn Văn Lập


Hà Nội Trịnh Kim Tiến


Một ngày mùa hạ chúng nó giết cha em
một mình trong đồn công an
một ngày mùa thu em đứng lên
không còn cô đơn giữa lòng thủ đô

Hà Nội Trịnh Kim Tiến
vì nước, quên thù nhà
vì dân, chống tay sai, xâm lược
tên em bỗng chốc vang lừng

Chúng nó đang run sợ
trước lời kêu gào Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
đồng bào đang phát sốt
trước nụ cuời rạng rỡ của em
cả thế giới như phát điên
trước hình ảnh đẹp tuyệt vời của người con gái Hà Nội
có trái tim sắt trong tà áo trắng học trò
em mang guốc mộc đi vào thành phố
giản dị như tình yêu quê hương
em mang trái tim Việt Nam
hòa cùng một nhịp đập đấu tranh
Hà Nội Trịnh Kim Tiến

Nếu chúng nó biết yêu dân tộc
thì giờ nầy em đang ngồi ở giảng đường
nếu Việt Nam có hàng triệu người như em
dám đứng lên
thì tổ quốc đã không đến nỗi
nếu Huế Saigon Hà Nội dám xuống đường từ lâu
thì tuổi trẻ Việt Nam như em
đã được quyền sống
như một con người

Noi theo người xưa
em quên thù nhà
hiên ngang giữa trời Việt Nam
cùng với hàng trăm người yêu nước
vượt qua nỗi sợ hãi
và đứng vững lên
Hà Nội Trịnh Kim Tiến.

Nguyễn Văn Lập
@danlambao

Thursday, July 28, 2011

Thơ Lê Minh Sơn


Ta phải sống

Ta phải sống trong khí trời oi bức!
Nắng hạ vàng ray rức cả tâm can…
Nỗi nhọc nhằn chồng chất bước gian nan
Hương vị đắng trải tràn trên Đất Nước.

Ta phải sống theo chân người đi trước…
Hãy vùng lên tiến bước vượt gai chông
Cho rạng ngời dòng giống Lạc Long
Bao thế hệ chờ mong ngày tươi sáng.

Ta phải sống trong cảnh đời bất mãn
Miệng hô hào “hợp tác” chẳng binh đao…
Bao năm rồi “hợp tác” dạ thêm đau…
Nam Quan Ải, Hòang Sa dần chẳng thấy!

Ta phải sống cho mọi người cùng thấy
Vì những gì người Việt chẳng yêu nhau?
Nỡ dập vùi, bắt bớ tạo đớn đau!
Gắn gian khó cực cao người yêu nước…

Ta phải sống vạch tên lòai bán nước
Phải trả lời trước lịch sử với nhân dân
Sống êm đềm vô cảm chẳng bâng khuâng
Mặc kệ nó… là dân thì phải thế!

Ta phải sống để kêu gào nhân thế
Hãy một lòng đứng dậy hỏi tự do…
Đạp cường quyền bạo lực tạo ấm no
Đem nhân ái sẻ chia cùng nhân thế

Ta phải sống nhìn cuộc đời dâu bể
Tính hung tàn được thay thế bởi từ tâm
Sự nhiệm màu sẽ hóa giải ý vô tâm
Người người sống chan hòa mầm đạo lý

Lê Minh Sơn
@danlambao

TT Thích Viên Định


Tổ Quốc đang bị xâm lăng
Thế lực thù địch của Dân tộc đã công khai lộ diện

Hơn 1000 năm Bắc thuộc và rất nhiều lần đem quân đánh phá biên giới nước ta, nay đã sang thế kỷ 21, cuộc xâm lăng vẫn còn tiếp diễn, rõ ràng thế lực thù địch Bành trướng Bá quyền Đại Hán Bắc kinh là kẻ thù truyền kiếp, nguy hiểm và thường xuyên nhất của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, thế lực thù địch Đại Hán lại ẩn nấp dưới chiêu bài Xã hội chủ nghĩa theo chủ thuyết Mác-Lênin, vô gia đình, vô tổ quốc để dễ bề thôn tính Việt Nam. Mặc dù đây là chủ thuyết sai lầm, phi nhân, gây tội ác với nhân loại, bị thế giới lên án, đã bị đào thải ngay tại Liên sô và các nước Cộng sản Đông Âu. Nhưng Trung Cộng vẫn cố giữ mô hình Xã hội chủ nghĩa để lợi dụng, che giấu mưu đồ xâm chiếm Việt Nam theo đường lối thực dân kiểu mới. Đảng Cộng sản Việt Nam thì cũng cố ôm giữ thể chế Xã hội chủ nghĩa, để duy trì đặc quyền đặc lợi cho Đảng chứ không cho dân.

Với chiêu bài Xã hội Chủ nghĩa, chủ trương thế giới đại đồng, xoá bỏ biên giới quốc gia, triệt tiêu cội nguồn dân tộc, Trung Cộng đã xâm chiếm các đảo Hoàng sa, Trường sa, Ải Nam quan, Thác Bản Giốc, Bãi Tục Lãm, lập Huyện Tam sa, lấn chiếm Vịnh Bắc Việt, vẽ đường Lưỡi Bò bao trùm gần hết bờ biển Việt Nam.

Để xâm chiếm hải phận Việt Nam, năm 2005 Trung cộng đã bắn chết 9 ngư dân Việt Nam ở tỉnh Thanh Hoá đang đánh cá trong ngư trường thuộc lãnh hải Việt Nam. Từ đó đến nay, rất nhiều lần lính Trung Cộng đã cướp bóc, đánh đập, bắt giam, đòi tiền chuộc các ngư dân thuộc các Tỉnh duyên hải Việt Nam từ Thanh Hoá đến Cà Mau. Tính từ năm 2005 đến nay, chỉ riêng tại Quảng Ngãi đã có 33 tàu cá và gần 400 ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ. Trung Cộng lại tuỳ tiện cấm ngư dân Việt Nam đánh cá mỗi năm 3 tháng, từ 15.5 đến 15.8. Ngày 26.5.2011 vừa qua, 3 tàu Hải giám của Trung Cộng còn vào sâu trong hải phận Việt Nam cắt phá cáp các tàu thăm dò địa chất Bình Minh 2 và Viking 2 của Việt Nam, Ngày 05.7. và ngày 13.7.2011, Trung Cộng dùng thuyền có vũ trang đánh đuổi, cướp tài sản, giam giữ các ngư dân Quảng Ngãi, Phú Yên…đến nay vẫn chưa biết số phận an nguy thế nào.

Trách nhiệm của một Chính quyền là phải bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân. Nhưng không hiểu tại sao Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, với đầy đủ quân đội, công an, lại im lặng, không tố cáo, không đánh trả, không bảo vệ tánh mạng và tài sản cho người dân bị hại, lại làm ngơ để cho kẻ cướp nước tự do tung hoành, mặc cho ngư dân bị đánh, bị giết, bị bắt người, bị cướp của, bị đòi tiền chuộc, phải đau đớn, âm thầm tự lo liệu?

Đã không chống đối kẻ thù, bảo vệ người dân, Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lại còn bắt tay giao hảo, kết tình hữu nghị với kẻ xâm lăng theo phương châm “16 chữ vàng và 4 tốt” ; cho Trung Cộng vào Tây nguyên, lấy cớ, khai thác Bau-xít, làm ô nhiễm môi trường, tiêu diệt văn hoá, phá hoại kinh tế, nhất là gây nguy cơ về an ninh quốc phòng rất lớn ; cho Trung Cộng thuê rừng dài hạn, 50 năm, ở 10 tỉnh biên giới và sâu trong nội địa ; tạo thuận lợi cho Trung Cộng đấu thầu các công trình trọng điểm trên toàn quốc mà tất cả công nhân đều là người Trung quốc ; biên giới phía Bắc lại bỏ ngõ, không kiểm soát việc nhập cảnh, để cho người Trung Quốc tự do xâm nhập.

Trong lúc tổ quốc bị xâm lăng, bị mất đất, mất biển đảo, bị giết người, bị cướp của, Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã không dám đánh trả cũng không dám kêu cứu, thì Trung Cộng lại ngang ngược tuyên truyền, vu cáo rằng: “Việt Nam chiếm nhiều đảo nhất, tỏ ra hung hăng nhất, gây ra nhiều ảnh hưởng xấu nhất trong vùng biển Trung Hoa thuộc chủ quyền không thể bàn cãi của Trung Quốc”, “bọn Việt Nam giết ngư dân Trung Quốc”, “cần dạy cho Việt Nam vô ân bạc nghĩa một bài học lớn hơn trước đây”.

Báo chí chính thức của Trung Cộng không ngớt kêu gọi sử dụng vũ lực với Việt Nam. Ngày 25/6 Bành Quang Khiêm, tướng Trung Cộng, cho rằng tình hình Biển Đông đột nhiên căng thẳng là do Việt Nam và Phi Luật Tân “khiêu khích” và đe dọa : “Trung Quốc từng dạy Việt Nam một bài học, nếu Việt Nam không chân thành sẽ còn nhận bài học lớn hơn.” và cao giọng “mắng mỏ” Việt Nam, đòi “tát cho Việt Nam vỡ mặt”, truyền hình Trung Quốc còn chiếu cả kế hoạch tấn công Việt Nam.

Quá phẩn uất trước việc Trung Cộng xâm lăng tổ quốc, bắn giết ngư dân Việt Nam, không thể câm lặng mãi được, ngày 5.6.2011 và tám ngày chủ nhật tiếp theo, hàng ngàn Sinh viên học sinh, các nhân sĩ, trí thức, lãnh đạo tôn giáo cùng nhân dân Việt Nam đã đồng lòng phát khởi truyền thống yêu nước, tổ chức biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng, quyết tâm bảo vệ tổ quốc.

Nhưng đau đớn thay! Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chẳng những đã không khuyến khích lòng yêu nước của nhân dân, không ủng hộ cuộc biểu tình chống ngoại xâm, lại còn nói rằng: “Việc nước đã có nhà nước lo, nhân dân không được biểu tình chống đối Trung Quốc làm ảnh hưởng đến ngoại giao, biểu tình là vi phạm pháp luật!” và ra lệnh cho Công an, mật vụ, xã hội đen thẳng tay đàn áp, bắt bớ, đánh đập tàn bạo những người biểu tình chống Trung Cộng xâm lược.

Nhất là sau khi ông Hồ Xuân Sơn, Thứ Trưởng Ngoại giao, đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đi gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc vào ngày 25.6.2011, không rõ hai bên cam kết những gì nhưng bản tin trên Tân Hoa Xã ngày 28 tháng 6 loan rằng:

“Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.”

và “Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này.”

Cũng không quên “nhắc nhở” Việt Nam về bức thư ngoại giao của Thủ Tướng Việt Nam Phạm Văn Ðồng năm 1958 gửi tới Thủ Tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Chu Ân Lai, đã công nhận chủ quyền này”.

Sau lần gặp gỡ, thảo luận này, Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam ra lệnh cho Công an đàn áp người biểu tình càng khốc liệt hơn. Bức hình Đại uý Công an tên Minh dùng giày đạp lên mặt người thanh niên Nguyến Trí Đức trong cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày 17.7.2011, làm cho ai thấy cũng thảng thốt, bàng hoàng, không thể tin nỗi trong lịch sử 4 ngàn năm văn hiến nước nhà, nay lại có một chế độ hèn với giặc, nhưng ác với dân, dám coi thường nhân phẩm con người, dẫm đạp lên mặt nhân dân, chà đạp lòng yêu nước của nhân dân như vậy.

Cấm người dân biểu tình là vi phạm Hiến Pháp Việt Nam, vi phạm Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Chính Trị và Dân Sự mà Việt Nam đã ký kết năm 1982. Không có điều luật nào cấm người dân tổ chức biểu tình. Nhất là biểu tình chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc, sao lại cho là “vi phạm luật pháp?”.

Cấm người dân biểu tình chống ngoại xâm không những đã vi phạm Hiến Pháp, vi phạm Công Ước Quốc Tế mà còn phạm tội rất nặng, đó là tội phản quốc! Nếu có chế độ nào đặt ra điều luật cấm người dân biểu tình chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc, thì đó chỉ có thể là chế độ bán nước của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống mà thôi.

Có nhiều nghi vấn được nêu ra. Tại sao Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lại chấp nhận đứng riêng lẻ, chống lại ý chí của toàn dân như vậy? Tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại phải hợp tác với kẻ thù, chịu cúi đầu tuân phục, trung thành với phương châm “16 chữ vàng và 4 tốt” do Trung Cộng đề ra? Tại sao Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải tiếp tục ca tụng, kết giao “tình đồng chí” với kẻ thù xâm lăng tổ quốc, giết hại đồng bào mình? Và lại còn cam kết "giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị" việc Trung Cộng xâm chiếm biển đảo, giết người cướp của ngư dân Việt Nam?

Toàn dân Việt Nam già trẻ lớn bé, trong và ngoài nước và cả thế giới ai cũng thấy, ai cũng biết rằng, Trung Cộng từng bước từng bước đánh chiếm đất nước mình, bắn giết đồng bào mình, nhưng Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lại đơn giản chỉ cho đó là “các bất đồng”? Thậm chí, báo chí, tướng lãnh Trung Cộng còn hăm doạ, đòi “tát cho Việt Nam vỡ mặt” mà Nhà cầm quyền Việt Nam cũng gọi là “đàm phán hiệp thương hữu nghị trong hoà bình”?

Lẽ nào do Nhà cầm quyền Cộng sản quá yêu Chủ nghĩa Xã hội? Muốn tiến lên thế giới đại đồng? Hay là do mắc kẹt cái Công Hàm năm 1958 của Phạm Văn Đồng? Hay như lời Đại Lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Đại Á Châu Tự Do nhân việc Công an ngăn chặn, không cho Ngài và chư Tăng thuộc GHPGVNTN đi tham gia biểu tình chống Trung Cộng ngày 05.6.2011, Ngài đã nói: "… Mục đích của Đảng Cộng sản là làm cách nào để giữ đảng Cộng sản mà thôi, giữ đến cùng để truyền đời cha, đời con, đời cháu, đời chắt, đời chút, đời chít. Cho dù mất nước mà còn Đảng cũng được, có thể làm tay sai mà giữ Đảng được, họ cũng sẵn sàng, chứ họ không bỏ cái đảng Cộng sản đâu".

Hoàn cảnh đất nước Việt Nam vừa nhỏ vừa yếu, một mình chắc chắn không chống lại Trung Cộng to lớn hùng mạnh. Tại sao Việt Nam không bắt chước Philippines, liên kết hợp tác với các nước trong khu vực đồng cảnh ngộ, hoặc với Hoa Kỳ hùng mạnh, để chống lại thế lực thù địch xâm lăng Trung Cộng ? Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lại một mình lén lút, âm thầm ký kết giải quyết "song phương" với Trung Cộng, một kẻ xâm lược truyền kiếp đầy mưu mô, xảo quyệt?

Vận nước đã đến, các nhân sĩ, trí thức, các nhà lãnh đạo các tôn giáo, các sinh viên học sinh cùng toàn thể nhân dân trong và ngoài nước nêu cao truyền thống Bốn ngàn năm giữ nước, dựng nước của các vua Hùng, của Bà Trưng, Bà Triệu, của Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, của Lê lợi, Quang Trung... đã từng dẹp Hán, phá Tống, bình Nguyên, kháng Minh, trừ Thanh đang quật khởi, đứng dậy cương quyết vạch trần, loại bỏ những kẻ nội ứng phản quốc Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, cùng nhau một lòng chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc.

TT.Thích Viên Định

Wednesday, July 27, 2011

Uyên Vũ


Biểu tình đẹp


Tôi dám chắc rằng, với những người quan tâm đến vận mạng và tình hình đất nước thì những hình ảnh về cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày 24/07/2011 vừa qua đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp. Vâng, ngay giữa trái tim của thủ đô Hà Nội, hàng hàng lớp lớp người Việt, từ những mái đầu bạc phơ cho đến trẻ thơ lẫm chẫm, từ trí thức nổi danh cho đến các bà nội trợ, từ nghệ sĩ đường phố đến cô sinh viên… hợp lại thành đoàn tuần hành quanh Hồ Gươm, họ đang biểu thị tình cảm nồng nàn dành cho đất nước, quê hương…

Tất cả đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về tình yêu nước, về sự gắn bó, hòa hợp dân tộc. Không thấy dùi cui, lá chắn, không cả những khuôn mặt lầm lì đeo băng đỏ lôi người sềnh sệch, không thêm cú đạp nào vào mặt nhân dân. Dù cho lực lượng công an có phạm luật giao thông khi đi ngược chiều, nhưng có lẽ họ chỉ bất đắc dĩ mới phạm luật, chung quy chỉ để giữ trật tự công cộng (!). Vâng, dù có đôi chút tiểu tiết chưa đẹp lắm, như việc TS Nguyễn Quang A còn bị rầy rà khi tham gia tuần hành, dù ít người còn vô ý đạp lên cỏ xanh… Cuộc tuần hành đã để lại dư âm hết sức tốt lành cả cho người trực tiếp tham gia lẫn đông đảo người dân Việt khắp ba miền chỉ được xem hàng ngàn bức ảnh, hàng chục video clip qua internet.

Có hai hình ảnh đẹp nhất đọng lại trong tôi.

Thứ nhất là danh sách những chiến sĩ hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974 và tại Trường Sa năm 1988 đã được công khai vinh danh. Với các chiến sĩ QĐNDVN hy sinh bảo vệ Trường Sa năm 1988 còn dễ hiểu vì ngày 27 tháng 7 hàng năm luôn được nhắc nhớ đến họ. Riêng 74 chiến sĩ VNCH hy sinh năm 1974 thì quả thật, từ bây giờ họ đã được nhân dân yêu nước ghi ơn ngay giữa lòng Hà Nội. Những bảng tên chiến sĩ với ngày tháng hy sinh tại Hoàng Sa được mỗi người cầm trên tay, trang trọng giương cao là minh chứng cho sự hòa hợp dân tộc trong một tình yêu tổ quốc mãnh liệt. Có thể nói, ý tưởng này đã đi một bước tuyệt vời, không cần nghị định, nghị quyết và đã bước trước chính quyền một bước. Dân ta là thế đấy.

Thứ hai là hình ảnh một phụ nữ và một cô gái mặc áo dài cầm băng rôn vinh danh các liệt sĩ, đi đầu đoàn biểu tình và luôn hô vang lời yêu nước. Nếu người phụ nữ với chiếc áo dài rất đẹp, trông như một nữ tướng, thì cô gái mảnh mai với chiếc áo dài trắng học trò, guốc mộc đơn sơ lại là hình ảnh trong sáng, thuần khiết đầy nữ tính. Tôi dám chắc nhiều người đã lưu lại hình ảnh tuyệt đẹp của cô gái này, nhìn dáng vẻ vừa dịu dàng, vừa quả cảm, đầu ngẩng cao trong ánh nắng ban trưa, cô đã thành “hoa hậu” không cần vương miện trong lòng biết bao người. Đến khi biết cô gái chính là Trịnh Kim Tiến, chắc hẳn nhiều người còn sửng sốt, bỡ ngỡ hơn nữa.

Vài tháng trước, Trịnh Kim Tiến là cô gái mắt đẫm lệ, quỳ trước cửa nhà kêu gào công lý cho cái chết oan khiên, tức tưởi của cha mình. Lúc ấy cô nhỏ nhoi, bi thương. Hôm nay nét mặt cô rạng ngời bừng sáng, dù công lý đối với gia đình cô vẫn mịt mờ. Như tiếp nối một truyền thống lâu đời, cô đã “dẹp thù nhà để trả nợ nước”, cũng có người nói cô ấy đã “biến đau thương thành hành động”. Vâng, khí phách ấy dễ mấy ai có được? Chẳng phải suốt chiều dài lịch sử đất nước những anh hùng hào kiệt, những liệt nữ anh thư đều đã đặt nợ nước trên thù nhà và biết biến đau thương thành hành động đó sao? Trịnh Kim Tiến đang nối bước tiền nhân để ghi vào lòng người một nét son hào hùng. Tôi cũng dám chắc nhiều nhà báo của nhiều tờ báo khắp Việt Nam đang tự xấu hổ vì chỉ biết khai thác đời tư nhăng nhít, chỉ biết “chộp lén” những giây phút hớ hênh của các “sao” Việt làm cần câu cơm!

Hôm nay đọc được một bài viết của cô về ”Những đứa trẻ không có ngày mai” trên Facebook cá nhân, Kim Tiến chia sẻ: “Tôi chưa hề nghĩ rằng tôi - một con bé nghịch ngơm, nhí nhảnh, chỉ biết la cà, đùa giỡn giờ lại trở thành một điều gì đó. Hình tượng người con gái xuống đường thể hiện lòng yêu nước, thật lòng là có choáng ngợp trong ánh hào quang, pha vào đó là chút gì đó áp lực, chút nặng nề, và một chút sợ hãi…”.

Nhưng cô cũng mau chóng vượt qua để quan tâm về những mảnh đời bất hạnh bằng những hành động thiết thực: xin mọi người cùng chung tay lo cho những đứa trẻ trong gia đình chị Nguyễn Thị Liễu ở Chương Mỹ, Hà Tây. Chị Liễu “ cùng 1 số các công nhân khác của nhà máy đình công để mong tăng 1 bữa ăn trưa thêm 5 000 đồng nữa (đang là 10 nghìn tăng lên 15 nghìn thôi) mà chị phải chết, còn 1 số người khác bị thương. Sau khi giết chị, người ta nói đó là tai nạn khi lưu hành giao thông. Công ty Giai Đức đổ hết trách nhiệm cho nhân viên bảo vệ Lê Tuấn Minh, kẻ đã lao cả xe tải vào đoàn người đang đứng trong cổng công ty. Đến nay, Lê Tuấn Minh có lẽ cũng chỉ đi tù vì vi phạm an toàn giao thông, còn số phận của gia đình chị sẽ đi về đâu?”.

Hành động ấy chắc chắn không nhằm tô vẽ thêm cho hình ảnh của Kim Tiến mà nó phát xuất từ tấm lòng chân thực là chia sẻ nỗi đau mồ côi và đói nghèo của những người bất hạnh. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Người Việt Online, Tiến đã nói: “‘Hãy cứ coi em như một sinh viên yêu nước. Đừng coi em là Trịnh Kim Tiến vì ba bị công an đánh chết mà xuống đường. Em xuống đường chỉ vì em cảm thấy lương tâm em lên tiếng”.

Hình ảnh của Trịnh Kim Tiến sáng chủ nhật 24/07/2011 và tâm tình mà cô đã chia sẻ đủ làm lu mờ hình ảnh khoe thân, khoe của của hàng loạt “ngôi sao”, “người mẫu”, “hoa hậu” khắp các trang báo Việt.

Một cuộc biểu tình đẹp biết bao.

Uyên Vũ