Saturday, July 9, 2011

USA


Một đợt di dân lớn thứ ba
 có thể đang diễn tiến tại Mỹ

Trong lịch sử nước Mỹ, đã từng có những cuộc di cư vĩ đại từ miền Nam lên miền Bắc, từ nông thôn ra thành thị. Giờ đây, người ta lại thấy một đợt di dân đông đảo diễn ra nhưng lần này đi theo chiều hướng ngược lại.

Từ năm 2000 tới năm 2010, dân số người Mỹ gốc Châu Phi của tiểu bang Florida đã gia tăng khoảng 587 ngàn ngườiHồi đầu thế kỷ 20, hơn 2 triệu người Mỹ gốc Châu Phi đã rời bỏ nhà cửa và nông trại nhỏ của họ ở miền Nam để di chuyển tới các thành phố công nghiệp ở miền Bắc hầu lánh nạn kỳ thị chủng tộc công khai và để tìm kiếm công ăn việc làm tốt hơn, đời sống hạnh phúc hơn.(Từ năm 2000 tới năm 2010, dân số người Mỹ gốc Châu Phi của tiểu bang Florida đã gia tăng khoảng 587 ngàn người.Hình: AP)

Cuộc di dân đông đảo này đã được gọi là “Cuộc Di Cư Vĩ Đại,” và cuộc di dân thứ nhì đã tiếp theo trong những năm sau Thế Chiến Thứ Hai.

Vào khoảng năm 1970, những người kiểm tra dân số thấy rằng 80% người Mỹ gốc Châu Phi sống ở các thành phố lớn, khối người Mỹ Da Đen đã trở thành một thành phần dân số đông đảo sống tại đô thị.

Giờ đây, lại có một cuộc di cư đông đảo theo chiều hướng ngược lại của người da đen để trở về nơi mà nhật báo USA Today gọi là “cội rễ miền Nam của họ.”

Từ năm 2000 tới năm 2010 chẳng hạn, dân số người Mỹ gốc Châu Phi của tiểu bang Florida đã gia tăng khoảng 587 ngàn người, tiểu bang Georgia tăng khoảng 579 ngàn người, và tiểu bang North Carolina khoảng 297 ngàn người.

Ông Mike Morton, một viên chức trại giam hồi hưu, đã nói với nhật báo USA Today rằng: “Nguyên nhân chính của hiện tượng này là vì phẩm chất của đời sống.” Ông Morton đã rời khỏi thành phố New York để di chuyển tới thị trấn nhỏ Palm Coast, tiểu bang Florida. Ông nói thêm:

“Giờ đây, khi tới thăm New York tôi thấy hoàn toàn khác. Không còn nghe thấy tiếng còi xe hơi ở đó nữa. Hồi trước, khi mới tới New York thì ai cũng nghe thấy ngay tiếng còi xe hơi inh ỏi.”

Cuộc điều tra dân số năm 2010 cho thấy rằng 57% người Mỹ da đen giờ đây sống ở các tiểu bang miền Nam. Đó là tỷ lệ lớn nhất trong nửa thế kỷ nay.

Một số người Mỹ gốc Châu Phi nói với những người phỏng vấn rằng họ di chuyển trở về – hay đi tới miền Nam lần đầu tiên – để có khí hậu ấm hơn, tránh xa khu vực thành thị có tỷ lệ tội phạm cao, xum họp với bà con thân thuộc miền Nam hay được hưởng giá nhà rẻ cùng thuế má thấp.

Nhưng những người khác lại nói rằng họ hối tiếc việc di chuyển này. Họ cho biết có quá nhiều người nghỉ hưu. Không có đủ cơ hội về công ăn việc làm, cũng như không có nhiều phương tiện di chuyển công cộng, hay những sinh hoạt văn hóa hấp dẫn họ.

Cuộc điều tra dân số kế tiếp vào năm 2020 sẽ cho chúng ta thấy số người Mỹ gốc Châu Phi di cư về miền Nam có đủ đông để được coi là Cuộc Di Cư Vĩ Đại thứ ba tại Mỹ hay không.

Ted Landphair              
Washington