Monday, July 25, 2011

TS.LS Lưu Nguyễn Đạt


Quyền Lợi Quốc Gia, Công Bằng Quốc Tế

1. Ứng Dụng Quyền Lợi Quốc Gia

Quyền lợi quốc gia đối chiếu với hai thuật ngữ “National Interest” [Anh ngữ] và “Raison d’État” [Pháp ngữ]. Vậy quyền lợi quốc gia gồm những quan tâm và tham vọng, những chủ trương và chỉ đạo về mặt quyền lực quân sự, kinh tế, văn hoá mà một quốc gia đôn đốc thành lợi ích cốt lõi, thành quốc sách hay định hướng căn bản.

Về mặt quốc sự, quyền lợi quốc gia thường có những thuật ngữ bổ túc, liên đới, như quyền tự quyết, quyền bá chủ, an ninh quốc gia, bí mật quốc gia, bí mật quân sự, v.v.

Về mặt quốc gia sinh tồn, quyền lợi quốc gia thường phát xuất từ các nhu cầu phúc lợi, thịnh vượng, phát triển kinh tế, sáng tạo kỹ thuật, lãnh đạo tài chính, hiệp thương, v.v.

Về mặt văn hoá, quyền lợi quốc gia bao gồm những truyền thống tư tưởng, ý thức hệ chỉ đạo; những tập tục, tín ngưỡng làm mạch sống tinh thần của dân tộc hay của nhóm người lãnh đạo quốc gia.
Quyền lợi quốc gia, về mặt quốc tế công pháp, thường bầy tỏ sắc thái chính trị thực tế [real politics], đôn đốc quyền lực trong mọi giao dịch đối ngoại, nhất là khi có đối tác rõ rệt. Vậy trên thực tế, quyền lợi quốc gia muôn mặt, vô cùng đa dạng.

1.1. Quyền Lợi Quốc gia của Hoa Kỳ

Vì quyền lợi quốc gia đặt trên căn bản phát triển kinh tế, xã hội song song với hệ thống bảo vệ an ninh, quốc phòng, nên Hoa Kỳ ngay từ Đệ Nhị Thế Chiến thường đôn đốc phát triển liên hợp tài chính quân sự kỹ nghệ [financial military industrial complex], sẵn sàng nuôi dưỡng các đại cơ sở chiến lược như BAE Systems, Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, General Dynamics, Raytheon, EADS, Halliburton [Energy Services Group], v.v. với tác dụng hỗ trợ Quốc Phòng Pentagon và mọi khía cạnh an ninh toàn quốc.

Thật vậy, từ chiến lược phòng thủ an ninh hoà bình của Hoa Kỳ thường xuất phát song hành hiện tượng hợp lý hoá xung đột [conflict justification] bằng chiến tranh lạnh với chiến lược be bờ và những thế ứng dụng liên hệ [cold war, containment strategy, Korea war, Vietnam war], chiến tranh khu vực [Desert Storm war, Iraq war, Afghanistan war…], chiến tranh hỗ trợ các cuộc Nổi Dậy Toàn Dân Ả Rập/Arab spring.

Về mặt nổi, Hoa Kỳ luôn luôn đôn đốc lý tưởng dân chủ tự do, bảo trọng nhân quyền và sự thịnh vượng chung trên toàn thế giới, nên sẵn sàng ra tay phát triển các quốc gia kém mở mang, cứu độ các dân tộc nạn nhân của bạo quyền Phát Xít, Cộng Sản quốc tế, hoặc phòng ngừa viễn tượng chiến tranh khủng bố phá hoại [preventive war] do các nhóm phiệt Ả Rập cuồng tín Taliban, al-Qaeda v.v. gây biến tại New York, Virginia-Washington, DC, Pensylvania [September 11 attacks] và trên khắp thế giới.

Về mặt đáy, Hoa Kỳ ứng dụng lý do tồn tại [raison d’être] của quyền lợi quốc gia theo yêu sách của tổ hợp tài chính quân sự kỹ nghệ, song song với nhu cầu nuôi dân Hợp Chúng Quốc.

Theo chiều hướng đó, nhà sách lược, nguyên Cố vấn An ninh, nguyên Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Condoleezza Rice đã ghi nhận trong bài tham luận, “Promoting the national interest,” Foreign Affairs Jan/Feb 2000, Volume: 79, Issue: 1: With no Soviet threat, America has found it exceedingly difficult to define its “national interest.” Foreign policy in a Republican administration should refocus the country on key priorities: building a military ready to ensure American power, coping with rogue regimes, and managing Beijing and Moscow. Above all, the next president must be comfortable with America’s special role as the world’s leader [tạm dịch: không có nguy cơ Nga Xô, Hoà Kỳ khó định nghĩa rõ “quyền lợi quốc gia” của mình. Ngành ngoại giao Hoa Kỳ của chính phủ Cộng Hoà nên đặt trọng tâm vào những ưu tiên chỉ đạo như sau: cập nhật hoá thế lực quân sự để đương đầu với các chính thể gian giảo và cầm chừng Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh. Nhất thiết, Tổng Thống kế vị [George W. Bush] phải thích nghi với vai trò lãnh đạo thế giới].

1.2. Quyền Lợi Quốc gia của Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, một siêu cường quốc hạng nhì đang nhô lên, quyền lợi quốc gia là tham vọng phát triển một nền kinh tế ồ ạt, nhiều lượng, ít phẩm, cốt để cầm hơi hơn một tỷ 3 trăm triệu dân tạp chủng Hán, Thanh, Mông cổ, Hồi, Tây Tạng, nhưng thật ra chỉ là để củng cố Đảng cộng phỉ đương cuộc. Do đó Trung Quốc ngày hôm nay đã khơi mào một chủ nghĩa tân đế quốc nhằm “thuộc địa hoá” những khu vực kém mở mang tại Phi Châu, Trung Đông, Nam Mỹ, Đông Nam Á, cốt để trục lợi và làm giầu cấp tốc, không đếm xỉa tới tình trạng phá sản, xuống cấp nơi khai thác.

Theo chiều hướng tham vọng tài phiệt và nhu cầu sinh tồn nội bộ trên, Trung Quốc [1] đã vạch ra thủy lộ chữ U hay “đường lưỡi bò”, nhằm liếm láp mọi quyền lợi hải sản, tài nguyên thiên nhiên tại Biển Đông mà Trung Quốc muốn gọi là Nam Trung Quốc Hải (南中國海), hay gọi tắt là Nam Hải (南海); [2] đã lấn ranh, mua rừng, mua quặng Bauxite với giá rẻ mạt của Việt Nam; [3] đã xây đập thủy điện trên sông Lan Thương (tên Trung Quốc của sông Mékong), “lợi bất cập hại”– ảnh hưởng đến giao thông hàng hải, thủy lợi, bất chấp mọi phá phách thủy lộ, ô nhiễm môi sinh nơi dòng dưới, tức Mékong [Mae Nam Khong], tại Lào, Thái Lan, Kampuchia và dòng Cửu Long, tại Nam Việt; cũng như [4] đã tìm cách phóng đường tàu cao tốc Đông Phương nối Thượng Hải, Nam Kinh với Malaysia, Singapore, mà không ngần ngại lấn đất Myanmar [Miễn Điện], Lào, Kampuchia, Thái Lan. Dân làng Bopiat, Boten, miền bắc nước Lào là những nạn nhân đầu tiên của chương trình phóng đường sắt, khi công trình này phá ấp, cắt làng cốt để thực hiện quyền lợi khai mở mạch sống thăng cấp của Trung Quốc.

Chu Ân Lai đã từng thổ lộ: “Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong đảng Lao Động Việt Nam mở cho một con đường xuống Đông Nam Á”. Nhưng từ nhu cầu tìm dưỡng khí sinh tồn tới lộng hành phóng đại “lưỡi bò” liếm láp toàn khu vực Đông Nam Á, cụ thể là việc điều động các tàu hải quân đến hăm doạ các nước trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông, hay ngoan cố há miệng rồng nuốt chửng vô tội vạ những cọc mốc ranh giới, rừng già, đất đỏ bauxite, đất làng của những người đàn em thấp kém, quỵ luỵ, thì “quyền lợi dân tộc” theo xã hội chủ nghĩa – made in China - của Trung Quốc hoàn toàn bất xứng, bất chính, chẳng khác gì chủ nghĩa bá đạo, cướp bóc, xâm lăng thổ phỉ, mafia tống tiền trắng trợn, thanh thiên bạch nhật.

2.Quyền Lợi Quốc gia và Công Bằng Quốc Tế

Quyền lợi quốc gia khi đôn đốc quá mức, nhất là khi tập trung trong tay các đại cường quốc dễ chuyển thế thành bá quyền, hoặc đế quốc hệ.
Đối với Hoa Kỳ, bá quyền là định hướng kết sinh hoà bình thịnh vượng trên toàn cầu theo đường lối dân chủ tự do, tự quyết. Nỗ lực liên hợp tài chính quân sự kỹ nghệ của Hoa Kỳ quy tụ vào việc bảo vệ trật tự chính trị liên đới này.
Trong khi đó, Trung Quốc theo xã hội chủ nghĩa chủ trương bá quyền thôn tính, nhằm đế quốc hoá khu vực Đông Nam Á và thuộc địa hoá các nước kém mở mang trên thế giới. Hiểm hoạ Trung Cộng không chỉ riêng cho khu vực mà còn cho toàn cầu, khi mức độ xâm nhập sản phẩm ngụy tạo và kinh tài bất chính mỗi lúc gia tăng.

Để đối phó với thế lực bá chủ thôn tính của Trung Quốc, các quốc gia lâm nạn hay thất thế có những biện pháp nào để giải toả áp lực xâm lược hiện hữu?
Trước hết, về mặt căn bản quốc tế công pháp, mỗi quốc gia đều có chủ quyền ngang nhau trong cộng đồng thế giới đa dạng; đều có chính nghĩa bảo trọng quyền lợi quốc gia mình một cách tương xứng, đúng mức, nhờ đó thực hiện công bằng quốc tế.

Vậy trước  hành vi xâm lược của Trung Quốc chủ trương thu nhập toàn cõi hải phận đang tranh chấp, Việt Nam và các quốc gia giáp biển phải thực hiện một số biện pháp đối tác như sau:

2.1. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cần dấn thân hội nhập trong thế liên đới hỗ trợ phát triển và sinh tồn, vừa để thực hiện quyền lợi quốc gia mỗi bên, vừa để bảo trọng quyền lợi chung của toàn khu Đông Nam Á. Đây là cơ hội thuận lợi để các quốc gia thanh viên của ASEAN [1] thực thi sứ mạng [2] và cập nhật hoá trách nhiệm [3] của Tổ chức.

2.2. Khai triển sứ mạng của tổ chức ASEAN, cần củng cố liên minh khu vực, từ ngoại giao tới quân sự, nhằm hợp lực ngăn cản tức khắc và toàn diện chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc. Nếu để quá lâu, hiện trạng lằng nhằng giây mơ rễ má này sẽ trở thành một thực trạng chấp hữu chẳng đặng đừng, khi hành vi quấy nhiễu, liên tục chiếm đoạt, độc quyền vây biển, lấn đất, lấn đảo đã kết đủ cơ sở và hiệu lực.

2.3. Khước từ mọi cuộc thảo luận song phương giàn xếp, xác định, chia chác tay đôi, vì hành động xé lẻ như vậy sẽ vô cùng bất lợi, đồng thời mặc nhiêm công nhân vị trí chủ thể của Trung Quốc. Mọi thảo luận trên phải có tính cách đa phương, thực hiện theo diện liên đới hay liên hiệp giữa tất cả các quốc gia có quyền lợi chung về Biển Đông Nam Á, căn cứ vào vị thế lãnh thổ và lãnh hải của mỗi quốc gia liên hệ.

2.4. Cần tôn trọng và đôn đốc Công ước LHQ về Luật Biển 1982, United Nations Convention on Law of the Sea, viết tắt UNCLOS, vốn là cơ chế pháp lý quốc tế kiểm soát trật tự toàn cầu trên và dưới mặt biển cả. [4]

2.5. Cần huy động thế liên kết toàn cầu, căn cứ vào [a] chủ trương quốc tế giải quyết xung khắc bằng giải pháp đa phương và ôn hòa, [b] trên căn bản bảo vệ tự do lưu thông hàng không và hàng hải trong hải phận quốc tế và không phận biển Đông, mà Hoa Kỳ sẵn sàng bênh vực, để thực thi trật tự thịnh vượng hoà bình chung.

Để Tạm Kết Luận,

Biển Ðông là điểm nóng chiến lược tại Đông Nam Á, một mặt đòi hỏi sự đoàn kết khu vực để tự bảo vệ trước mọi mưu toan xâm lược thôn tính của bá quyền Hán Tộc, mặt khác đốc thúc hội nhập cộng đồng pháp trị toàn cầu để thực thi công bằng quốc tế, theo định hướng kết sinh hoà bình thịnh vượng, trên căn bản dân chủ tự do chân chính.
Riêng đối với Việt Nam, bảo vệ quyền lợi quốc gia, từ Biển Đông tới bờ cõi, từ biên giới tới khắp môi trường sinh tồn, còn đòi thực thi chủ quyền dân tộc, một cách chân chính, toàn diện và hữu hiệu.

TS.LS Lưu Nguyễn Đạt