Monday, July 18, 2011

Đan Tâm


Những Con Cá Hồi... Biến Thái

Gần 30 năm về trước, khi vừa đặt chân tới Hoa Kỳ, tôi đã được đọc một bài viết rất hay. Bài viết kể chuyện những con cá hồi, những con cá sinh trưởng ở môi trường nước ngọt. Khi lớn lên thì theo dòng nước bơi ra biển mặn để trưởng thành. Cá mới tới thì bơi từng đàn ở gần bờ. Khi đã quen với môi trường nước mặn thì bơi ra tít ngoài khơi. Khi cá đã lớn, miệng và lưng cá cong hơn, và màu vẩy cũng thay đổ: có con đổi từ màu trắng bạc sang màu nâu đỏ, có con từ màu xám bạc sang màu đỏ tươi. Cá trống và cá mái trưởng thành, theo đúng luật tạo hóa, phối hợp với nhau và thụ thai. Khi mang thai, cá hồi không chịu sinh sản ngoài biển tìm về nơi chôn nhau cắt rốn, tức là miền nước ngọt khi xưa để đẻ trứng và sau đó để nhắm mắt từ trần..

Giống cá hồi thực là siêu việt. Không ai có thể cắt nghĩa được là do động lực nào cá hồi phải trở về vùng quê hương nước ngọt để sinh con đẻ cái và để chết. Người ta cũng không cắt nghĩa được là tại sao cá có thể bơi về đúng đường, không hề bị lạc giữa đại dương mênh mông. Ôi, những con cá hồi nặng tình quê hương và biết bảo tồn nòi giống,đáng khâm phục biết chừng nào !

Cá hồi có tên Mỹ, là Salmon. Tên này phát xuất từ chữ Latin “Salmo”, có nghĩa là “nhẩy”. Trên đường tìm về cố hương, cá phải bơi ngược dòng, thực là muôn vàn khó khặn. Khi gặp các ghềnh thác, nước chảy cuồn cuộn, sức cá yếu đuối lại thêm bụng mang dạ chửa, cá bị cuốn xuôi dòng. Nhưng cá không chịu bỏ cuộc, mà lấy sức bơi trở lại. Khi gặp các chướng ngại vật như thân cây, tảng đá chặn đường, cá phải nhẩy qua. Nều nhảy hụt, thì rơi lại xuống nước, và bị dòng nước cuốn ngược chiều. Nếu không may, sức nhảy yếu, không qua nổi phía bên kia, mà lại rơi ngay trên mặt tảng đá, hay thân cây, khô cạn, thì cá hồi cam tâm nằm chờ chết. Cuộc chiến đấu để trở về nơi sinh quán của cá hồi cũng gian khổ và hy sinh chẳng kém gì những cuộc đấu tranh cho quê hương tự do của con nguời..

Người Việt Nam đặt tên cho những con cá này là “cá hồi”, nghĩa là hồi hương, tìm về sinh quán trong những giai đoạn quan trong của cuộc đời: sinh ra và lìa đời.

Đoạn kết của bài viết này, người ta đã ví những người Việt tỵ nạn CS giống như những con cá hồi. Bỏ nước ra đi để tìm xứ tự do., nhưng trong tim luôn luôn ấp ủ một hoài bão là sẽ có ngày trở về quê hương, giống như những con cá hồi, sẽ chiến đấu, quyết tâmvà bền bỉ bơi ngược dòng, để tìm về vùng nước ngọt nơi đã được sinh ra.

30 năm về trước, những sự so sánh này thực cảm động và nhiều ý nghĩa. Ngày đó, người tỵ nạn mới dời bỏ quê hương còn mang nặng trong tim nỗi nhớ nhà, còn chất ngất trong trí những hình ảnh dã man tàn ác của chế độ CS. Ngày đó, cuộc sống mới hội nhập còn nhiều khó khăn, tài chính eo hẹp, ngôn ngữ bất đồng, công ăn việc làm trắc trở. Ngày đó, trước hiện tại khó khăn, và tương lai bấp bênh, mù mịt, mọi người đều oán hận CS và mong mỏi sớm được trở về quê nhà. Người ta đoàn kết với nhau hơn, người ta chống Cộng quyết liệt hơn, và chịu đựng hy sinh cho chính nghĩa nhiều hơn.

Nhưng 30 năm sau thì lại khác, thời gian đã soi mòn nghĩa khí đấu tranh của nhiều người. Có người viện cớ tuổi tác, thời thế, hoàn cảnh để an tâm buông xuôi theo dòng đời nơi xứ tạm dung. Có nhiều người ăn nên, làm ra, đem tiền bạc về VN phô trương và dấn thân trong các cuộc tình mua bán, thiếu luân lý. Có người ty tiện, ham hố miếng đỉnh chung, cam tâm làm tôi tớ cho kẻ thù, quên hết hai chữ liêm sỉ. Tệ hại nhất là những kẻ mượn danh chống Cộng, quyên góp tiền bạc của đồng bào hải ngoại, nhưng lại đi cửa sau, bắt tay với VC ở Ba Lan, Tiệp Khắc để qua mặt đồng bào. Cũng có những người làm công tác nhân đạo, nhưng lại đem tiền quyên góp của hải ngoại về dâng nộp cho hội thương binh, liệt sĩ của VC để lãnh bằng khen.

30 năm trời, không phải chỉ có người Việt ở hải ngoại mới biến thái, mà nhà cầm quyền CS cũng biến thái. Các nhân vật dép râu, nón cối, xác xơ ngày nào, nay đã trở thành những đại gia tư bản đỏ, xe ngưạ xênh xang. Các giai cấp bần cố nông và thợ thuyền đã từng hy sinh và chống đỡ cho chế độ trong thời kỳ khó khăn thì nay đã đi vào quên lãng. Đám dân tỵ nạn, vượt biên khi xưa, từng bị chế độ xỉ nhục là “ngụy quân, ngụy quyền”, đã ra lệnh cho đám công an biên phòng xả súng bắn không nương tay, thì nay lại đươc chế độ môi mép nịnh bợ. Các lời nói hoa mỹ “khúc ruột xa ngàn dậm”, những nghị quyết 36, luật cho vào quốc tich, cho mua nhà… được đưa ra để làm mồi nhử, mua chuộc. những kẻ ham hố, nhẹ dạ.

30 năm qua, cá hồi không hề thay đổi. Vẫn miệt mài bơi ngược dòng tìm về vùng nước ngọt, nơi chôn nhau cắt rốn, để sanh con đẻ cái, và để… chết. Cá hồi chiến đấu bền bỉ và can trường như những dũng sĩ tả xung hữu đột để về nguồn. Tiếc thay, nhiều người tỵ nạn ngày hôm nay không còn xứng đáng được ví với cá hồi nữa. Thời gian làm họ quên đi những ô nhục khi xưa. Bả lợi danh đã làm họ mờ mắt, quên hết liêm sỉ, và miếng đỉnh chung khiến họ cam tâm lường gạt ngay cả đồng bào hải ngoại.

Xin đừng so sánh đám người tỵ nạn biến thái này với cá hồi nữa.! Sự so sánh không cân xứng chỉ làm hạ thể và đem nhục nhã cho cá hồi mà thôi !

Đan Tâm
2005
@saigonecho