Monday, July 18, 2011

USA


Nguy-Cơ Khủng-Hoảng

Trong năm ngày qua, đại-diện hành-pháp và lập-pháp Hoa Kỳ họp-hành liên-tục. Mục-đích của cuộc họp là để tìm ra giải-pháp cứu nguy nước Mỹ thoát khỏi khủng-hoảng ngân-sách mà hậu-quả sẽ là một cuộc khủng-hoảng tài-chánh qui-mô của Hoa Kỳ.

Họp hành xong không đi đế đâu, mai mốt hai bên sẽ phải gặp lại. Phe nhà Dân Chủ có lập-trường thống-nhất với hành-pháp, chỉ có phe Cộng-Hoà đối-lập là có khác biệt quan-điểm về cách-thức giải-quyết vấn-đề mà thôi. Cuộc họp không đem lại kết-quả dài hạn như mong muốn. Tổng thống Obama phát bực mình, theo lời kể lại của một nhà lập-pháp, khi chia-tay ông Obama đã nói rằng, đủ là đủ, chúng ta phải có thiện-chí nhân-nhượng, rằng điều đó sẽ không liên-quan đến địa-vị và chính-trị và ông sẽ gặp lại tất-cả quí vị ấy vào ngày hôm sau. Ý của Tổng thống là việc giải-quyết khủng-hoảng cho đất nước mới là quan-trọng, còn chuyện cá-nhân, đảng phái và chính-trị nên được xếp qua một bên.

Chuyện ngân-sách của Hoa Kỳ giống như chuyện dài nhân-dân tự-vệ, cứ tái-diễn hàng năm mà chính-phủ không có cách nào giải-quyết rốt ráo được. Bao lâu nay, hành-pháp lẫn lập-pháp chỉ thỏa-thuận với nhau bằng những giải-pháp tạm-thời và ngắn hạn mà thôi.

Tổng số thâm-thủng ngân-sách của Hoa Kỳ hiện nay là 14.3 trillion. Đến ngày mùng 2 tháng 8 tới đây, nếu Hoa Kỳ không trả được nợ thì hậu-quả sẽ là "default". Muốn duy-trì tiếp-tục hoạt-động công-quyền liên-bang, chính-phủ Mỹ phải có tiền. Tiền thu thuế không đủ bù-lắp vào chỗ trống, chính-phủ phải đi vay nợ tiếp. Muốn thế hành-pháp phải có sự thỏa-thuận của Quốc Hội để nâng cái khả-năng vay nợ lên ít ra là lên tới mức 2.5 trillion. Cộng Hòa thì cho rằng đã đến lúc phải giải-quyết vấn-đề "deficit" một cách rốt ráo và nghiêm-chỉnh. Họ chống lại việc hàng năm Quốc Hội cứ phải ra luật thông-qua việc hành-pháp nâng cao mức nợ của đất nước và đi vay thêm tiền để thỏa-mãn các chi tiêu hiện thời. Thế nhưng một số các nhà lập-pháp có vẻ muốn nhượng-bộ trong vấn-đề này. Điển hình là Thượng Nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh-tụ Cộng Hòa Thượng viện. Ông ấy bảo rằng nếu không làm thế vô hình trung là cách giúp đỡ ông Obama tái đắc-cử Tổng thống vào năm tới. Lý do giản-dị là vì nếu không đủ tiền chi phí và vì không có nguồn thu-nhập nào khác ngoài số thuế đang thu vào, Hoa Kỳ sẽ gặp nguy cơ khủng-hoảng tài-chánh lớn lao. Không có tiền thì một số công sở liên-bang sẽ phải đóng cửa, ngưng hoạt-động, tiền lương cho công-chức và tiền lương cho binh-sĩ sẽ phải ngưng, tiền hưu-trí sẽ không được gởi đến các quí vị đang nghỉ-hưu, tiền già cho các quí vị cao niên sẽ khựng lại, tiền trả cho các nhà thầu cho chính-phủ trong đó có các công-ty kỹ-nghệ quốc-phòng trực-tiếp hoặc gián-tiếp giao-dịch với chính-phủ liên-bang sẽ không được thanh thỏa và còn bao nhiêu vấn-đề to lớn khác nữa sẽ xảy ra như là hậu quả của việc thiếu hụt tài-chánh. Lãnh-tụ Cộng Hòa McConnell mặc dù thuộc phái bảo-thủ nhưng mà thực-tế. Đề-nghị của ông có đi kèm theo điều-kiện. Họ thỏa-thuận nâng cao giới-hạn của số nợ hiện nay lên và cho phép hành-pháp đi mượn thêm tiền để trang-trải chi-phí nhưng bù lại chính-phủ phải đồng ý giải-quyết cụ-thể vấn-đề thâm hụt ngân-sách một cách nghiêm-chỉnh, có nghĩa là chúng tôi tăng số nợ cho các ông thì để đáp-ứng các ông phải có kế-hoạch và chương-trình cắt giảm chi-phí, ngân-sách ở một mức độ tương-đương. Cái ủy ban cắt-giảm ngân-sách do ông Obama đề-cử được hai năm nay mặc-dù có đưa ra một số đề nghị để đạt mục-tiêu từ từ nhưng mà trên thực-tế chưa có điều nào được thi-hành. Có thể là vì ông Obama xem cái ủy ban này chẳng quan-trọng, lập ra để làm vì, cho dân chúng thấy là mình cũng thực-tâm. Có thể là vì nếu làm đúng theo đề-nghị của ủy ban, các chi-phí xem ra quan-trọng đối với dân chúng, đặc-biệt là giới nghèo hoặc giới già sẽ bị cắt xén mà hậu-quả sẽ đem lại sự bất mãn của dân chúng dẫn đến sự thất cử của phe nhà Dân Chủ, điều mà mà người làm chính-trị rất ngại. Vào tuần trước trong cuộc điều-trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ, Chủ tịch Ngân hàng Trung-ương Ben Bernanke và Chủ tịch của công-ty chứng-khoán và tài chánh JP Morgan & Chase đều đưa ra những nhận-định về hậu-quả trầm-trọng gây ra cho nền tài-chánh và công chúng nếu chính-phủ không vay được thêm tiền. Như thế chúng ta có thể nói rằng lập-pháp và hành-pháp sẽ phải thỏa-thuận với nhau để nâng cao cái giới-hạn của số nợ hiện-hành. Vấn-đề chỉ là nhanh hay chậm trước ngày mồng 2 tháng 8, khoảng hai tuần lễ nữa mà thôi.

Số thu của ngân-sách phần lớn là dựa vào các thứ thuế đủ loại. Thu vào ít mà chi ra nhiều dẫn đến "deficit". Để bù vào chỗ thâm thủng này, chính phủ phải vay nợ. Vay từ các nhà đầu tư và chính-phủ các nước khác. Vay thì phải trả, cả lãi lần nợ. Vay mà không thanh-toán được nợ dẫn đến "default". Ngưng trả nợ sẽ làm cho tín-dụng bị ảnh-hưởng. Theo hai công-ty đánh giá tín-dụng Moody's và Standard & Poor, nếu tình-trạng tài-chánh không ổn-định và hai tuần nữa mà chính-phủ không nhận được thêm tiền; dĩ nhiên là từ việc đi vay chứ kiếm ra không thể nhanh như thế được, thì tín dụng của của liên-bang sẽ xuống dốc. Hậu-quả sẽ là các loại nợ của chính phủ và của dân chúng sẽ phải chịu một lãi xuất cao hơn. Thông thường tín dụng tốt đáng tin cậy lãi suất sẽ thấp, tín dụng xấu thì lãi suất sẽ cao. Dân chúng đi vay tiền mua nhà, mua xe, kinh-doanh... vì thế sẽ phải hứng chịu lãi suất cao.

Để bù vào sự thiếu-hụt ngân-sách, chính-phủ thường tăng thuế. Với tình-hình kinh-tế chậm-chạp hiện nay, đây không phải là một giải-pháp khả thi. Cái cách kế tiếp là giảm chi tiêu. Số người bị sa thải do việc cắt giảm ngân sách khó lòng tìm ra việc làm khác trong bối cảnh kinh-tế hiện nay. Biện-pháp thứ hai này sẽ khiến kinh-tế bị đẩy lùi thêm thay vì giúp ích giải-quyết vấn-đề. Tóm lại, chỉ còn cách duy-nhất chẳng hay ho gì là được đi vay tiền.

Nói đến nợ nần, Hoa Kỳ hiện đang nợ nhiều nước. Chủ nợ lớn nhất là Trung quốc. Thứ nhì là Nhật bản. Phần còn lại là Âu châu và các nước khác. Khi người ta nắm cái tẩy của mình như thế, mình có dám phản-ứng mạnh với người ta khi họ làm điều gì sai trái hay không? Thông thường câu trả-lời là không. Cái chuyện Trung quốc tỏ ra có hành-động coi thường và thách-đố Hoa Kỳ trên trường quốc-tế và đặc-biệt là tại Biển Đông trong thời-gian gần đây có phải xuất-phát từ lý do này hay không? Một phần nào. Nhưng trên thực-tế vấn-đề phức-tạp hơn. Ta có thể nhận-định là nếu Trung quốc cứ tiếp-tục cái đà cho Hoa Kỳ vay nợ tiếp để rồi vì kinh-tế chưa biết đến bao giờ mới hồi-phục và trả được nợ, dẫn đến quá đà và quỵt nợ thì Trung quốc sẽ bị thiệt hại nặng hay không? Giữa các cường quốc với nhau, có những thỏa thuận ngấm ngầm về vùng ảnh-hưởng do đó dân chúng thỉnh-thoảng thấy rằng đồng-minh mặc-dù đã từng nói rằng họ có quyền-lợi trong vùng cần được duy-trì mà trên thực-tế chẳng hề có một hành-động cụ-thể nào để ngăn-cản hành-vi và tham-vọng bành-trướng của đối phương. Mà đối phương cũng chẳng dám công-khai nói ra cái số tiền mà kẻ đối ứng đang nợ mình. Là tại vì họ đã cân-nhắc và nhận ra rằng làm như thế lợi bất cập hại. Không nói gì người ta còn tiếp tục trả tiền lời, lên đến nhiều tỉ mỗi tháng, nói linh-tinh người ta phát bực đâm ra ù lỳ thì chủ nợ đi đứt. Đó là chưa muốn nói cán-cân ngoại-thương giữa Mỹ và Trung quốc bị lệch một cách trầm trọng. Hoa Kỳ luôn luôn lỗ mà Trung quốc thì luôn luôn lời. Nhiều kỹ-nghệ của Tàu còn sống được đến ngày hôm nay là nhờ thị-trường tiêu-thụ Hoa Kỳ. Không giúp tiếp dân chúng Mỹ xuyên-qua chính-phủ của họ dưới hình-thức cho vay, dân Mỹ giảm mãi-lực, và rồi không còn khả-năng tiêu-thụ hàng nhập-cảng thì Trung quốc và Nhật bản sẽ chết trước tiên. Vào lúc ấy Hoa lục và Nhật chỉ có mà loạn. Thử hỏi trong hoàn-cảnh ấy giới lãnh-đạo của họ có được yên thân hay không!

Xem thế nước càng lớn lại càng có vấn-đề trấm trọng. Hoa Kỳ có vấn-đề của Hoa Kỳ. Trung quốc có vấn-đề của Trung quốc. Mặc dù là khéo bưng bít che đậy nhưng Trung quốc đang phải đối đầu với khó khăn về nhiều mặt. Bất ổn xã-hội, do từ sự cách biệt giàu nghèo giữa dân chúng và giai-cấp tư-bản mới, giữa dân chúng và cán bộ có quyền-thế và giàu có do bóc-lột, tham-nhũng và móc nối độc-quyền kinh-doanh lấy lời bất-chấp phương-pháp và hậu quả. Tình-trạng lạm-phát ngày càng cao và tình-trạng dân số ngày càng tăng dẫn đến sự gia-tăng đủ mọi loại nhu-cầu thiết-yếu mà trong đó có dầu hỏa. Không phải ngẫu-nhiên mà Trung quốc công-khai nói rằng Biển Đông là của họ, bất chấp sự phản-kháng của các nước trong vùng. Trước hành-vi gây-hấn và xâm-lăng của Trung quốc, Phillipines đòi kiện Tàu ra trước Liên Hiệp Quốc. Trung quốc cho tàu chiến đi nghênh ngang trên Biển Đông, bắn chìm tàu đánh cá của nước khác, bắt giữ ngư phủ của lân bang một cách trái phép, lại còn đi sâu vào hải-phận của lân-bang để cắt đứt dây cáp của các tàu thăm-dò dầu khí hợp-pháp của người ta đến vài lần. Chẳng qua là vì Trung quốc đã đánh hơi được mùi đặc-biệt, mùi dầu hỏa, một nhu-cầu sinh-tử của họ. Cho nên với sức-mạnh quân-lực sẵn có, với tình-trạng Hoa Kỳ đang bị bó tay vì những khó khăn đối nội cũng như đối ngoại hiện nay, tài-chánh cũng như quân-sự, không thể can-thiệp nhanh chóng Trung quốc không ra tay trấn áp từ lúc này thì chờ đến lúc nào nữa. Thử hỏi sau khi mỏ dầu trên Biển Đông được tìm ra, rôi công ty Hoa Kỳ đến khai thác, cờ Mỹ bay phất-phới trên dàn khoan, lúc đó Trung quốc có dám phá hay không? Thử hỏi Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ có để yên hay không? Trên thực tế Trung quốc chưa phải là đối thủ cân xứng của Hoa Kỳ. Người ta nói đến việc Trung quốc sẽ trở thành bá chủ thế giới về kinh-tế trong vòng 5,10, 20 năm hay 30 năm sắp tới, nghe thì giản-dị đấy nhưng cái bề ngoài giàu sang giả tạo thiếu thực-lực chẳng thể che dấu được ai, kể cả dân chúng của họ. Là cường-quốc thì sinh-hoạt của quốc gia trên trường quốc-tế phải tương đồng, nhưng xem ra họ còn kém văn-minh nhiều lắm. Dân chúng nội địa vẫn còn duy-trì cách-thức ứng xử với theo kiểu dân chúng của một nước chậm tiến với các thói hư tật xấu cố hữu không dễ gì hủy bỏ ngay được. Trung hoa là một nước giàu nhưng dân chúng Trung quốc phần đông lại là người nghèo. Họ chưa vùng lên được là vì họ bị kềm-kẹp thường-trực bởi hệ-thống công-an mà thôi.

Hoa Kỳ hay Trung quốc, nước nào cũng đang ở trong nguy-cơ khủng-hoảng. Các định-chế chính-trị, tài-chánh, kinh-tế và xã-hội của Hoa Kỳ được rút từ kinh-nghiệm thực-tế của Âu châu với mục-đích phục-vụ quyền lợi của dân chúng và đất nước làm gốc và được sự đồng ý của toàn dân thể-hiện qua phương-thức dân chủ cho nên ngày càng trở nên vững mạnh. Trung quốc xây dựng đất nước dựa vào ý kiến của thiểu số lãnh-đạo độc-tài với sự yểm-trợ của hệ-thống công-an. Cái nguy-cơ của Trung quốc xem ra trầm-trọng hơn nhiều. Không biết nó sẽ bùng nổ lúc nào đây.

"Hạnh-phúc không phải là vấn-đề số mệnh. Đó là vấn-đề lựa chọn." Dalai Lama.

"Bằng chứng là kẻ thù của sự thật."
(Facts are the enemy of truth. - Don Quixote)

Nguyễn Văn Huy
18-7-2011