Hai đoạn đường và những công trình bất hạnh
Vào ngày 19/6, người Ba Lan đã quyết định chia tay hay đúng hơn, “tống cổ” nhà thầu Covec, làm vỡ tan giấc mộng xâm nhập thị trường Liên minh châu Âu (EU) của Trung Nam Hải.(Liệu Trung Quốc có thể mua cả thế giới? - Ở Ba Lan thì không! )
Đây là câu chuyện thú vị. Thái độ của người Ba Lan và chính phủ Ba Lan trước những bê bối của công ty Trung Quốc, hy vọng ít nhiều giúp người Việt nên ứng xử thế nào với “người bạn 4 tốt” trên đất nước mình.
Thị trường lôi cuốn
Covec (China Overseas Engineering Group), công ty con của Crec (China Railway Engineering Corporation), là công ty xây dựng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc, đã và đang thực hiện nhiều dự án tại châu Phi và châu Á. Làm đường cao tốc A2 ở Ba Lan được xem là dự án lớn đầu tiên của Covec tại Liên Minh châu Âu (EU), được xem như cánh cửa mở ra cho các công ty Trung Quốc tiến sâu vào lãnh thổ EU.
Bắt đầu trở thành thành viên của EU từ năm 2005, các nước cựu cộng sản đã được EU tài trợ rất lớn trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi sinh, nhất là hệ thống giao thông tồi tệ và lạc hậu.
Số tiền dành cho Ba Lan 67 tỷ Euro, Tây Ban Nha 35 tỷ Euro, Cộng hòa Czech 25 tỷ Euro, v.v... trong tài khoá 2007-2013 của EU thực sự là con số vô cùng hấp dẫn với mọi nhà thầu. Đặc biệt cả đất nước Ba Lan vài năm nay trở thành một công trình xây dựng lớn chuẩn bị cho giải vô địch bóng đá châu Âu mà Ba Lan và Ukraine đồng đăng cai tổ chức vào mùa hè năm 2012.
Năm 2006, trong bài viết cho BBC “Dân chủ là lối làm kinh tế hiệu quả nhất” tôi nhấn mạnh những cái mà người Ba Lan “được”, không chỉ trong phạm trù nhân quyền và còn cả về tiền bạc. Ngay sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, các Câu lạc bộ Tài chính Paris và London đã xoá cho Ba Lan phân nửa số nợ trị giá hơn 20 tỷ đôla, còn EU đã và đang chi viện cho Ba Lan một số tiền khổng lồ để phát triển kinh tế. [1]
Đường cao tốc A2 dài 90 km từ thành phố Lodz đến thủ đô Warsaw được chia thành 5 đoạn. Covec thi công một đoạn 29,2 km với giá 745 triệu Zloty (ZL- tiền Ba Lan), tức là khoảng hơn 250 triệu đôla, mặc dù theo ước tính ở mức 1,7 tỷ ZL (khoảng 566 triệu đôla) và một đoạn khác dài 20 km với 535 triệu ZL (khoảng 180 triệu đôla), ước tính ở mức 1,1 tỷ ZL (khoảng 366 triệu đôla). Ba đoạn khác do các công ty Ba Lan đảm nhận.
Bê bối mọi nơi
Với giá thành chỉ bằng phân nửa mức dự toán và những lời quảng cáo, cam kết có cánh, Covec đã thắng hai gói thầu trước nhiều đối thủ.
Đặt ra nhiều nghi vấn, báo chí truyền thông Ba Lan ầm ĩ cho rằng, để đạt được chỗ đứng trên thị trường EU, công ty Trung Quốc đã sẵn sàng phá giá để giành hợp đồng. Các chuyên gia Ba Lan tiên liệu những khả năng xấu có thể xảy ra.
Khi sự việc vỡ lỡ, nhật báo Pháp luật Ba Lan (Gazeta Prawna) viết rằng vấn đề xây dựng đường cao tốc tại Ba Lan của Covec chỉ là đỉnh của tảng băng ngầm. Khó khăn với các nhà thầu phụ, lỡ hẹn, không giữ đúng thời hạn bàn giao công trình dường như là “tiêu chuẩn” cho bất kỳ dự án nào được thực hiện bởi Covec. – “Công thức cho sự thành công của các nhà thầu Trung Quốc rất đơn giản: giá thấp cộng với hỗ trợ tài chính của chính phủ ở Bắc Kinh. Tuy nhiên sau đó giá thấp biến thành khả năng dự báo cũng rất thấp” - Sven Grimm từ Center for Chinese Studies (CCS) nói với nhật báo.
Theo ghi nhận của nhật báo, Covec thường xuyên bê bối ở châu Phi. Tại Angola, Covec đã xây dựng một bệnh viện, nhưng bị sụp đổ ngay sau khi đưa vào sử dụng. Ở Nam Phi Covec xây dựng hệ thống thủy lợi cho chính phủ với giá thành 61 triệu đôla, ít hơn 14 triệu đôla so với đối thủ cạnh tranh rẻ nhất. Chính điều này đã dẫn đến khó khăn tài chính của công ty. Trả công cho kỹ sư chỉ bằng một nửa số tiền cần thiết, Covec không tìm nổi người làm việc, cuối cùng phải kéo từ Trung Quốc qua, làm công trình bị đình trệ nhiều tháng trời. Tương tự tại Kenya, Covec bàn giao sân bay chậm một năm. Ở Zambia, Covec phá vỡ hợp đồng xây dựng một tổ hợp của chính phủ, vì người chào hàng là đảng UNIP không còn cầm quyền.
Ngoài châu Phi, năm 2005 Covec thi công đường cao tốc tại Fiji. Sau gần 5 năm xây dựng mới thực hiện được 35% dự án. Chính quyền Fiji đã huỷ hợp đồng, mất đứt 34 triệu đôla thiệt hại!
Theo tính toán của CCS, 70% đầu tư nước ngoài của Covec nằm ở châu Phi. Công ty này là công cụ mạnh mẽ của Trung Quốc cho mục tiêu củng cố ảnh hưởng kinh tế trong khu vực. Bản đồ đầu tư trùng với danh sách ưu tiên địa chính trị của Bắc Kinh. Covec đầu tư vào Angola, nơi Trung Quốc mua các nguồn tài nguyên năng lượng. Nam Phi, là đối tác thương mại lớn nhất Trung Quốc ở Lục Địa Đen, còn với Botswana Bắc Kinh là nhà nhập khẩu kim cương lớn thứ nhì.
Qua châu Âu, Covec quyết định khởi đầu hoạt động tại một quốc gia nghèo nhất châu lục - Moldova. Trong năm 2009, Trung Quốc cám dỗ chính phủ Moldova bằng số tiền cho vay trị giá 1 tỷ đôla, kèm theo điều kiện bảo đảm cho Covec vị trí đặc quyền trên thị trường địa phương. Thế nhưng, người Trung Quốc đã thất bại. Nhưng rồi trên chân trời hy vọng xuất hiện Ba Lan. Và như nhật báo viết, chính phủ Ba Lan cũng vì ham rẻ nên bị lùa vào rọ!
“Hai đoạn đường bất hạnh”…
Báo chí Ba Lan trong những ngày qua đã nói như thế về hai đoạn đường cao tốc A2 của Ba Lan do Covec thi công.
Trên đất nước Ba Lan với thể chế dân chủ pháp trị, cộng với báo chí tự do, khi xuất hiện các vần đề nan giải liên quan đến thực hiện hợp đồng, thói quen của người Trung Quốc tìm cách mua chuộc viên chức chính quyền, gây sức ép với người lao động đã không dễ như ở châu Phi.
Chỉ sau một thời gian ngắn, Covec đã gặp khó khăn tài chính, đòi nâng cao mức kinh phí thi công. Trong khi đó, vì thanh toán không đúng hạn nhiều triệu đôla cho các công ty thầu phụ, người Ba Lan biểu tình phản đối Covec bằng cách đi bộ chặn các trục đường giao thông, gây áp lực lên chính phủ Ba Lan và dư luận. Công trình bị ngừng trệ. Để tiến độ kịp phục vụ giải chung kết bóng đá Euro 2012, phía Ba Lan không có cách nào hơn là chọn đơn vị khác thay thế.
Cũng có nguồn tin rằng, ghét cách vào cuộc không trong sáng của Covec, đồng thời bảo vệ thị trường nội địa trước thủ đoạn thiếu lương thiện của Trung Quốc, dân chúng Ba Lan đã phản kháng, chủ ý gây khó khăn trong việc cung cấp người làm việc, phương tiện chuyên chở, nguyên vật liệu… (Người Ba Lan của các công ty thầu phụ phản đối Covec - Ảnh: TVN 24)
Trong khi đó, đảng “Luật pháp và Công lý”, đảng đối lập lớn nhất trong quốc hội Ba Lan, đã đề nghị Công tố viện mở điều tra xem tiến trình đấu thầu có vi phạm thủ tục hay không và đòi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Cơ sở hạ tầng từ chức.
Tờ báo tiếng Anh China Daily ngày thứ Bảy 18/6 trích dẫn từ bài "Trung Quốc gặp sự chào đón khó chịu tại Ba Lan" của tờ Renmin Ribao, được xem là phát ngôn của Bắc Kinh, rằng "bất chấp những nỗ lực của phía Trung Quốc, phía Ba Lan cố tình can thiệp vào việc chuyên môn, thậm chí tận dụng cả phương tiện ngoại giao để chính trị hóa vấn đề". Tờ báo còn cáo buộc báo chí Ba Lan đã quan trọng hoá và phóng đại các vấn đề.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói rằng, để Covec tham gia đấu thầu là điều tốt, tăng thêm tính cạnh tranh, nhưng Covec đã đánh giá quá cao khả năng của mình vì nghĩ dựa vào nguồn tài trợ của chính phủ. Ông nhấn mạnh Covec dường như không chịu được sự cạnh tranh thực sự trong một môi trường cụ thể và minh bạch, khác hẳn với Trung Quốc, nơi mà thủ tục không đóng vai trò lớn.
Kế hoạch xâm nhập và bành trướng của Bắc Kinh vào thị trường EU, bắt đầu từ Ba Lan, coi như bị phá sản. Người Ba Lan đã ý thức rõ ràng về một đối tác khó tin. Phía Ba Lan sẽ xúc tiến các biện pháp đòi Covec bồi thường thiệt hại 741 triệu ZL (khoảng 250 triệu đôla), trong đó đã có số tiền 10% hợp đồng của Trung Quốc đặt cọc khi trúng thầu.
… đến những công trình bất hạnh
Không chỉ ở châu Phi, vòi bạch tuộc của Bắc Kinh cũng thả sức vươn dài và rộng khắp tại Việt Nam.
Tràn ngập lãnh thổ đủ các chủng loại hàng hoá phẩm chất kém, rẻ tiền, lôi cuốn người tiêu thụ nghèo, làm bức tử nhiều ngành công nghiệp địa phương; tuồn hàng hoá độc hại huỷ diệt môi sinh và sức khoẻ; mua vét nguyên liệu làm tê liệt sản xuất; tung tiền giả làm rối loạn thị trường; phổ biến văn hoá phẩm làm mê muội tinh thần dân tộc Việt; v.v… là những thủ đoạn mà Trung Quốc áp dụng triệt để ở tầng dưới của xã hội Việt Nam từ hai thập niên nay.
Trên thượng tầng, từ thành quả hợp thức hoá sự bành trướng qua hiệp định biên giới Trung-Việt năm 2009, bằng phép mầu, Bắc Kinh đã đạt được bước chiến lược cho mục đích lũng đoạn, khống chế nền kinh tế và an ninh quốc phòng của Việt Nam: thuê rẻ mạt 300 ngàn hécta rừng đầu nguồn trong 50 năm, hiện diện trên vùng cao chiến lược Tây Nguyên bằng các dự án khai thác bauxite, nắm trọn hơn 90% gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) bao gồm những dự án kinh tế quan trọng bậc nhất.
Một điều đáng chú ý là dường như toàn bộ các hợp đồng nêu trên được ký kết với sự chuẩn thuận của ông Nguyễn Tấn Dũng, giữ chức Thủ tướng Chính phủ từ năm 2006, mặc dù đã có không ít tranh cãi, thậm chí bị phản đối quyết liệt từ giới trí thức, từ nhiều đại biểu Quốc hội và các nhà cách mạng lão thành. Không hề thấy nhà nước công bố công khai tiến trình đấu thầu. Cũng không thấy nói tới số tiền bảo đảm bắt buộc nhà thầu phải đặt cọc cho các dự án.
Trong bài "Tất cả các dự án điện đều bị chậm tiến độ" ngày 25/04/2007, tờ Việt Báo cho hay nhà máy điện Uông Bí xây dựng không đúng tiến độ, nguyên do chậm từ khâu duyệt thiết kế, cung cấp bản vẽ, giải phóng mặt bằng, đến cung cấp thiết bị công nghệ… [2]
Báo Lao Động ngày 24/9/2010 với bài "Chủ đầu tư nhiều dự án nhiệt điện: Ăn 'quả đắng' nhà thầu Trung Quốc", viết các chủ đầu tư đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, trong khi “chính chủ đầu tư thừa nhận chất lượng các thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc thấp” và “nhiều công trình, sau khi trúng thầu, nhà thầu Trung Quốc thi công chậm, dẫn tới bị đội vốn”.
Bài báo dẫn lời của giáo sư Bùi Huy Phùng thuộc Viện Khoa học Năng lượng, rằng, "Việc hiện 90% dự án nhiệt điện hiện nay đều do Trung Quốc thắng thầu sẽ dẫn tới sự phụ thuộc, có nguy cơ mất an ninh năng lượng khi có sự cố xảy ra, vì khi đó chúng ta có cái gì làm đối trọng. Đây là điều đáng nghĩ". [3]
Nêu cụ thể những công trình bàn giao chậm từ 10 tháng, đến 28 tháng, tờ Sài Gòn Đầu Tư ngày 06/06/2011 với bài "Nhiều gói thầu EPC lớn chậm tiến độ" viết: "Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, hầu hết các dự án nhiệt điện than, khai khoáng, hóa chất, luyện kim, xi măng triển khai từ năm 2005 đến nay do các nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC, với tỷ lệ trúng thầu rất lớn. Đơn cử, tỷ lệ trúng thầu của các nhà thầu Trung Quốc lên tới 90%. Chất lượng đấu thầu thấp đã dẫn đến một thực trạng đáng báo động là, phần lớn các dự án do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC bị kéo dài thời gian xây dựng và chậm tiến độ bàn giao so với hợp đồng". [4]
Ngạc nhiên hơn là trước bi kịch như vậy, chưa thấy nhà thầu Trung Quốc nào bị xử phạt hoặc bị buộc đình chỉ thi công, bồi thường thiệt hại như người Ba Lan đã xử lý Covec. Tại sao?
Vài lời kết
Cựu Chủ tịch quốc hội NVA, dù muộn màng nhưng đã vạch ra nguyên nhân của mọi nguyên nhân: sai lầm từ hệ thống.
Hệ thống sai lầm tạo ra một guồng máy đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng từ dưới lên trên, mọi cấp, mọi ngành, ngày mỗi nghiêm trọng. Tất cả thông tư, nghị quyết, thành lập uỷ ban nọ, thanh tra kia, đều chỉ là những vở diễn nhằm che đậy một thực trạng không thể cứu vãn. Tham nhũng đã trở thành văn hoá phổ cập, “dường như người chống tham nhũng ngày càng ít đi. Tham nhũng ngày càng lớn hơn và tinh vi hơn nhiều”. [5]
Hệ thống chính trị sai lầm cho phép đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền bổ nhiệm những người tệ hại điều hành đất nước. Ông Thủ tướng xuất thân từ y tá miệt vườn, nhưng là người quyết định số phận của 20 tập đoàn lớn nhất, từ dầu khí, điện lực, thép, than, xi măng, viễn thông, hàng không, hàng hải... cho đến lương thực, cà phê - xương sống của cả nền kinh tế. Được vũ trang bằng chủ nghĩa thân hữu, cộng với công cụ an ninh và tình báo, Thủ tướng có quyền lực vô song, có thể qua mặt, khuynh loát cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Quốc hội. Chỉ trong vài năm chỉ đạo trực tiếp một tập đoàn Vinashin, ông Dũng đã có thể vứt xuống biển theo “những con tàu nát” 4,5 tỷ đôla. Thế nhưng, không những ông Dũng vẫn bình chân như vại mà còn làm thêm một nhiệm kỳ nữa!
Ngoài ra, cũng nên kể đến thái độ đáng buồn của người Việt, kém xa sự dấn thân và hy sinh của người Ba Lan trong cuộc tranh đấu xoá bỏ chế độ cộng sản, cũng như trong xây dựng dân chủ. Ý thức phản kháng trước bất công và trách nhiệm với tương lai của đất nước chỉ còn lại ở số ít người Việt. Số người xuống đường trong ngày xử án tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ hôm mồng 4 tháng 4, cũng như số người tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trong các ngày 5, 12, 19 tháng 6 vừa qua, tuy là bước vượt qua nỗi sợ khởi đầu rất khích lệ, nhưng thực tế chưa được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng. Lẽ ra con số phải nhiều hơn gấp bội.
Nhà nước như thế, người dân như thế, dân tộc Việt còn tiếp tục bất hạnh thì chúng ta chỉ có thể tự trách mình mà thôi!
Lê Diễn Đức
RFA Blog
Chú thích:
Chú thích:
- [1]: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2006/02/060213_ledienducngtrung.shtml
- [2]: http://vietbao.vn/Kinh-te/Tat-ca-cac-du-an-dien-deu-bi-cham-tien-do/65090227/87
- [3]:http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/An-qua-dang-nha-thau-Trung-Quoc/14182
- [4]:http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20110606/Nhieu-goi-thau-EPC-lon-cham-tien-do.aspx
- [5]: http://bee.net.vn/channel/1988/201106/Nguoi-chong-tham-nhung-ngay-cang-it-di-1802576
- [2]: http://vietbao.vn/Kinh-te/Tat-ca-cac-du-an-dien-deu-bi-cham-tien-do/65090227/87
- [3]:http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/An-qua-dang-nha-thau-Trung-Quoc/14182
- [4]:http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20110606/Nhieu-goi-thau-EPC-lon-cham-tien-do.aspx
- [5]: http://bee.net.vn/channel/1988/201106/Nguoi-chong-tham-nhung-ngay-cang-it-di-1802576