Sunday, July 3, 2011

July.4


Nơi Nước Mỹ Ra Đời



Thành phố Philadelphia, nơi gắn liền với bản tuyên ngôn độc lập năm Hoa Kỳ 1776. Ngày Độc Lập này được kỷ niệm trọng đại vào ngày 4 tháng 7 hàng năm và được xem như Lễ Quốc Khánh của Hoa Kỳ.

Nhiều di tích tại thành phố này gắn liền với lịch sử khai quốc Hoa Kỳ như Chuông Tự Do (Liberty Bell) hay Independence Hall (Tòa Nhà Độc Lập) có sức thu hút và lan tỏa trên khắp thế giới về lý tưởng tự do khai phóng của con người.

Tuy Philadelphia và nước Mỹ mang tiếng là non trẻ nhưng khi thật sự khám phá mới biết rằng “cố đô” Philadelphia vào lúc khai sáng nền cộng hòa còn lâu đời hơn cố đô Huế của Việt Nam thời nhà Nguyễn.

Từ đó đến nay, thể chế cộng hòa được kéo dài và liên tục 235 năm với những di tích và lịch sử có thể sờ nắn ngay trước mắt.

Non trẻ hay già đời

Nếu tính từ lúc người Anh khai phá, Philadelphia được thành lập vào thế kỷ thứ 17, thời điểm được xem là cổ đại đối với nền văn hóa lịch sử của rất nhiều nước.

Với nền văn minh Âu châu phát triển rực rỡ, những di dân người Anh, Hòa Lan, Thụy Điển… đã đi tiên phong trong làn sóng thực dân ở Tân Thế Giới. Họ mang theo tinh thần, kỹ thuật, di sản của trời Âu sang gieo cấy vào châu Mỹ.

Cho nên nói đến Châu Mỹ tức là nói đến văn minh của Âu Châu nối dài mới thấy hết được sự già dặn và và tinh hoa thực sự của nó.

Lãnh thổ miền Đông Bắc của nước Mỹ bấy giờ thuộc về đế chế Anh. Những người tiên phong xem mình là người Anh và đặt lòng trung thành kiên cố với mẫu quốc bên kia bờ Đại Tây Dương. Các luật lệ, thủ tục hành chánh đều dựa trên cơ sở pháp chế phổ thông của dân tộc Anh (Great Britian) với một đế quốc Anh đang hùng mạnh.

Sự xung đột giữa tiền thân nước Mỹ với mẫu quốc Anh bắt nguồn từ mâu thuẫn lợi ích về thuế má mà Nghị Viện Anh lấy quyền áp đặt. Vua Anh thời đó là George III (đệ Tam), không phân xử được mà còn kết án Nghị Hội Lục Địa (tiền thân chính quyền Mỹ) là quân nổi loạn dẫn đến việc kiều dân nổi loạn thật sự tuyên bố độc lập, phủ nhận uy quyền của vua George III.


Và một trong những lý do cấp thiết phải tuyên bố độc lập là để phòng khi đánh nhau, bị bắt làm tù binh, những người tham chiến cho đất Mỹ không bị nước Anh kết tội phản quốc. Đây cũng là lối tư duy rất quan trọng để hình thành tính cách quốc gia của người Mỹ trong một thế giới mà văn hóa ngôn ngữ Anh vẫn giữ vai trò nguồn gốc và di sản.

Tuy nhiên, nhiều kiều dân vẫn muốn hàn gắn với đế chế Anh. Nhiều gia đình phải chia hai vì khuynh hướng bảo hoàng và yêu nước. Chính con trai của Ben Franklin, một trong những vị khai quốc công thần nước Mỹ đã chọn khuynh hướng bảo hoàng quay về và chết trên nước Anh - không bao giờ gặp lại cha ruột khi cách mạng Mỹ thành công.

Từ Thần Dân đến Công Dân

Gần đây, người ta còn phát hiện ra bút tích trong bản nháp của vị cha đẻ của nền độc lập Hoa Kỳ, Thomas Jefferson khi ông dùng từ thần dân (subjects) để nói với công chúng. Sau một thời gian suy tư, ông mới dùng đến từ công dân (citizens) như là một khái niệm hiện đại của một nước cộng hòa.

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập chú trọng phần kết án vua George III dẫn tới việc phủ nhận vương quyền gắn liền với chủ quyền lãnh thổ và định mệnh người dân.

Đặc biệt, bản tuyên ngôn độc lập còn khẳng định quyền trời sinh, quyền nổi loạn (làm cách mạng) biến người Mỹ về mặt nguyên tắc trở thành mẫu người tự do nhất thế giới đối với nhà cầm quyền.

Tuyên ngôn độc lập khai mở nhiều khái niệm về nhân quyền, lý tưởng tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc được coi là khuôn mẫu tư tưởng tiến bộ nhất của xã hội hiện đại. Nhiều chính khách trên thế giới cảm hứng và trích dẫn như trường hợp Hồ Chí Minh đã mô phỏng ý tưởng tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ vào năm 1945.

Tổng Thống Chế

Nền độc lập Hoa Kỳ còn đóng góp vào nền chính trị thế giới ở thể chế tổng thống với sự giới hạn nhiệm kỳ mà George Washington, vị tổng thống Mỹ đầu tiên đã làm tiên phong. Với thời điểm mà việc khởi nghĩa và xưng vương được xem là thành quả cơ nghiệp, tổng thống chế là một sáng tạo vĩ đại về mô hình chính quyền làm gương mẫu cho vai trò lãnh đạo của nhiều nền cộng hòa trên thế giới sau nay.

Cuộc cách mạng Mỹ thành công cũng phải đổi rất nhiều máu xương vì sau khi tuyên bố độc lập, nước Anh đem quân sang thảo phạt chiếm được thành phố Philadelphia. Quân Mỹ do tướng George Washington lãnh đạo phải lánh ra thung lũng Valley Forge cách Philadelphia khoảng 30 km và phải đấu tranh gian khổ mấy năm trời mới chiến thắng được quân Anh và sau này được nước Anh thừa nhận là một quốc gia độc lập.

Nước Mỹ sau đó qua nhiều thời kỳ phát triển để mở rộng lãnh thổ về phía Tây và vượt ra khơi Thái Bình Dương trở thành đất nước rộng lớn. Những người trung thành với đế chế Anh vượt lên phía Bắc và sau này trở thành nước Canada - trên danh nghĩa vẫn là thần dân của vương triều Anh và tồn tại cho đến bây giờ. Hàng năm ngày quốc khánh Canada (mồng 1 tháng 7) và Lễ Độc Lập Hoa Kỳ (mồng 4 tháng 7) trở thành lễ lạt liên tục cho những thành phố biên giới.

Tinh thần độc lập của nước Mỹ mang tính tiên phong để khởi đầu cho một nền văn minh mới có sự dung hợp nhiều văn hóa khác nhau trở thành không gian sống cho nhiều sắc dân tạo nên vị trí đặc biệt (American Exptionalism) mà nhiều người Mỹ vẫn thường tôn vinh như một chủ nghĩa.

Nước Mỹ kể từ khi lập quốc cho đến khi đạt vị trí siêu cường là lịch sử sống động với nhiều thư tịch bút tích vẫn còn nguyên vẹn như tấm giấy khai sinh hẳn hoi. Cho dù lịch sử ly khai của Mỹ có khi được xem như là cuộc nổi loạn về tư tưởng chống lại khuynh hướng bảo hoàng vốn có nhiều ưu thế về nhân tâm và lý lẽ. Nhưng các nhà khai quốc nước Mỹ thời ấy đã quyết tâm kêu gọi để xây dựng một nền văn minh mới làm nền tảng cho nước Mỹ của ngày hôm nay.

Trần Đông Đức