Friday, July 29, 2011

Nguyễn Ngọc Huy



Ðằng Phương Nguyễn Ngọc Huy
Tập thơ chính khí ‘Hồn Việt’


Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,


Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Ðã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dải san hà gấm vóc.
Họ là kẻ không nề đường hiểm hóc,
Không ngại xa, hăng hái vượt trùng sơn
Ðể âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam Tiến mở giang sơn rộng lớn rộng.
Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng,
Ðã xông vào khói lửa, quyết liều thân
Ðể bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc,
Trong chiến đấu không nề muôn khó nhọc,
Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan,
Người thất cơ đành thịt nát xương tan
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.
Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm,
Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa,
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Ðể sống lại cuộc đời trong bóng tối.
Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.
Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang phiêu dạt dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.
Và anh hồn chung với tấm tình trung
Ðã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.
(Ðằng Phương, Anh hùng vô danh)

(Sao y chính bản trong thi phẩm Hồn Việt, nhà xuất bản Ðuốc Việt Sài Gòn, 1950, Thanh Phương Thư Quán, Paris, tái bản 1984 và San Jose 1985. Sau này in lại có thêm vài bài thơ mới làm trong năm 1976.)

Bài thơ trên, đề “Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho Tổ Quốc” hầu như không một học sinh trung học nào, trong khoảng các thập niên '50, 60, không được học qua. Bài thơ làm theo thể tám chữ, tương tự bài “Nhớ Rừng” của Thế Lữ: Lời con hổ ở vườn Bách Thú. Người ta biết rằng Thế Lữ còn có một tuyên ngôn về thơ của mình: “Tôi chỉ là một khách tình si / Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể / Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ / Và mượn cây đàn ngàn phiếm, tôi ca...” (Cây đàn muôn điệu). Ðằng Phương, tác giả “Anh hùng vô danh,” rất khác Thế Lữ, không nổi danh bằng Thế Lữ, mặc dù số người biết đến bài thơ “Anh hùng vô danh,” thuộc làu nhiều đoạn của bài này, có lẽ nhiều không kém những người biết và thuộc dăm ba câu của bài Nhớ Rừng của Thế Lữ: “Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt / Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua...” Sự khác biệt không ở tài năng: sự khác biệt giữa Ðằng Phương và Thế Lữ là ở chí hướng.

Ðằng Phương cũng có một tuyên ngôn khi làm thơ: “Tôi chẳng phải là một nhà thi sĩ / Mở rộng lòng đón gió lạ nghìn phương.../ Tôi chỉ là một người dân đất Việt / Cảm nỗi buồn của kẻ mất quê hương / Nỗi nhục nhằn, nỗi khổ cực đau thương / Của nòi giống nghẹt trong cùm lệ thuộc...” Sau tuyên ngôn ấy, ông đã sống và tranh đấu cho đến những tháng ngày chót trong cuộc đời mình. Ðằng Phương chính là Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, hoạt động chính trị, cách mạng từ 1945 như đảng viên một đảng quốc gia, và suốt cuộc đời ông tranh đấu trong nhiều cương vị để phục vụ lý tưởng xây dựng đất nước, đưa Việt Nam tới độc lập và tự cường, trong nước cũng như trên trường quốc tế, tại các giảng đường đại học cũng như khi phiêu dạt, lưu vong, cho đến khi từ trần vào 9 giờ 30 tối giờ Paris, ngày 28 tháng 7, 1990. Bài báo này xuất hiện vào đúng ngày giỗ ông, 28 tháng 7, 2011, tức là đúng 21 năm sau ngày ông từ trần.

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy sinh ngày 2 tháng 11,1924 tại Chợ Lớn, tổ quán ở Tân Uyên, Biên Hòa, Nam Việt, làm thơ ký bút hiệu Ðằng Phương, hoạt động cách mạng lấy bí danh Hùng Nguyên. Ông học Trung học Petrus Ký, Sài Gòn; qua Pháp học ở Ðại học Paris, tốt nghiệp cử nhân Luật và Khoa học Kinh tế tại Ðại học này; năm 1960 ông hoàn tất Cao học Chính trị và năm 1963 đậu Tiến sĩ Chính trị học Ðại học Luật khoa và Khoa học Kinh tế cùng viện Ðại học Paris. Ông dạy hầu khắp các trường đại học tại Việt Nam, kể cả các trường Cao đẳng Quốc phòng, Tham mưu cao cấp, và Ðại học Chiến tranh Chính trị; Khoa trưởng Luật khoa và Khoa học Xã hội Cần Thơ. Giáo sư chuyên về Luật Hiến Pháp, Bang giao Quốc tế, thông thạo Pháp Anh và Hán văn. Những năm cuối cùng tại Việt Nam, ông là Tổng thư ký Phong trào Quốc gia Cấp tiến và Ðồng Chủ tịch Liên minh Quốc gia Dân chủ Xã hội gồm 6 chính đảng đối lập. Ông là Phụ khảo tại Ðại học Luật khoa Harvard những năm lưu vong sau 1976.

Thi tập “Hồn Việt” của Ðằng Phương xuất bản lần đầu năm 1950 tại Paris, cách đây 61 năm, dày 116 trang, gồm bài Thay lời tựa, cũng bằng thơ, dài 4 trang, chương “Trước khi thấy con đường sống,” đề “Gửi Nguyễn Du,” làm năm 1945, dài tới 5 trang, và sau đó là 6 bài mỗi bài đều có một đề tài gửi gấm cụ thể: Nhớ bạn, Chiến sĩ Triều Trần, Giây phút chán đời, Bản hành quân của Trương Phụ, Tâm sự Tố Như và Dòng nước Sông Hồng.

Chương thứ hai và là chương chính có nhan đề “Sau khi được đưa vào nẻo sống” gồm 24 bài, và trong một lần tái bản sau này, ông cho vào tập thơ hai bài chót làm năm 1976: “Nhân lễ giáng sinh 1976” và “Giã bạn lên đường.” Bài sau chót này ông tâm sự với các thế hệ đàn em, gửi “Tặng các bạn lên đường tranh đấu cho lý tưởng:” “Thề lấy non sông thế cửa nhà.”

Một cách tổng quát, tập thơ Hồn Việt của Ðằng Phương Nguyễn Ngọc Huy là một thi tập chính khí ca. Hiếm có một thi tập như thế, từ bài đầu tới bài chót, tổng cộng 34 bài, không bài nào không nói tới non sông đất nước, anh hùng nghĩa sĩ, các thanh niên với bầu máu nóng lên đường tranh đấu cho độc lập của tổ quốc, (Ðộc lập hay là chết, trang 80) “Phải Ðộc lập nếu không thì tuyệt diệt.” Người ta có thể đọc thấy các trận đánh quân xâm lược Tàu ở trong suốt tập thơ:(Thi phẩm Hồn Việt, tập thơ in lần đầu năm 1950.)

Bến Chương Dương, Quang Khải giết quân thù,
Cửa Hàm Tử, Chiêu Văn Vương phá địch.
Trận Tây Kiết, Toa Ðô tìm cái chết,
Lục Thủy Ðầu, Văn Hổ khiếp uy danh,
Bạch Ðằng Giang vang day khúc quân hành...
(Chiến sĩ Triều Trần, trang 16)

Ngày vua Ngô dũng mãnh chém Hoàng Thao,
Ngày Hưng Ðạo đánh tan quân Thát Ðát.
Ta đã thấy dưới trời xuân man mác
Binh Quang Trung ồ ạt phá quân Thanh
Gò Ðống Ða xương thịt chất lên thành
Nước ta nghẹn cuốn thây loài tàn bạo...
(Dòng nước sông Hồng, trang 28)

Ðằng Phương cũng không thiếu những bài thơ dành cho các anh hùng chống Pháp, “Suốt thế kỷ giang san lầm cát bụi.” Ông làm những câu thơ thật sống thật linh hoạt:
Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng:
“Việt Nam muôn năm!” Một đầu rơi rụng.
“Việt Nam muôn năm!” Người kế tiến lên.
Và Tử thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.
(Ngày tang Yên Bái, trang 42)

Và khi đất nước lọt vào tay cộng sản? Ðằng Phương Nguyễn Ngọc Huy, người chiến sĩ bền gan ấy đã không bỏ qua:

Khói lửa ngày nay đã lặng rồi
Nhưng niềm đau khổ vẫn chưa nguôi:
Oán hờn ngùn ngụt đầy sông núi
Ðè nặng tâm tư của mọi người.
Tất cả miền Nam đã vỡ tan,
Bao nhiêu cơ nghiệp đã suy tàn,
Bao nhiêu gia quyến nay phân tán
Bao kẻ tù đày hoặc chết oan?
Mới biết hòa bình gay khổ đau
Cũng như chinh chiến kém gì đâu!
(Nhân lễ Giáng sinh 1976, trang 112)

Dường như Ðằng Phương Nguyễn Ngọc Huy có viễn kiến về một cuộc xung đột tất phải xảy ra:

Khói lửa rồi đây bốc ngụt trời
Gió tên mưa đạn dậy đôi nơi.

Hai câu này hơi khác thường so với một chiến sĩ tư tưởng, một nhà khoa bảng suốt đời tranh đấu cho lý tưởng trên các diễn đàn chính trị, trong các hội nghị và bằng ngòi bút. Nhưng có thể lắm chứ. Hai câu thơ ấy được in trong bài chót của tập thơ, và tập chính khí ca này kết thúc bằng hai câu dưới đây:

Lòng ta đã thoáng nghe văng vẳng
Tiếng khải hoàn ca dậy phố phường!
(Hồn Việt, trang 116)

Westminster, 27 tháng 7, 2011.
Viên Linh
@nguoi-viet  -  nguyenngochuy.net  -  thctct  -  lmdcvn  -  nguoivietboston  -  vietthuc  -