Wednesday, December 14, 2011

Dân Ca


NHỮNG THỂ ĐIỆU DÂN CA XỨ HUẾ
 
Video:  Hogiagao  - HonenBaichoiBD  -  Hodoidap -  Danca  -  Hotrennui

Âm nhạc Huế thường được phân chia ra làm ba loại: nhạc cung đình dành cho những hội lễ trong cung điện nhà vua, nhạc tôn giáo được trình diễn trong những tế lễ diễn xướng đình, chùa, miếu vũ và nhạc dân gian (dân ca). Nguồn nhạc dân gian tại Huế bao gồm những điệu hò, điệu lý, những bài vè, những bài hát chầu văn. Trong âm hưởng và nội dung, dòng âm nhạc cổ điển Huế và dân ca Huế thường những những quan hệ mật thiết với nhau; chính những thể điệu và nội dung dân ca cũng đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành và phát triển của nhạc cổ điển Huế.

Vùng đất Huế, Quảng Trị, Thừa Thiên cũ là vùng đồng bằng chật hẹp, có nhiều sông ngòi, đầm phá; nơi đây chính là chốn sản sinh hàng chục điệu hò hát, gợi lên những hương vị đặc sắc trong miền. Hò hát thể hiện trong bất cứ trường hợp nào, trên cạn thì có hò xay lúa, hò giã gạo, hò khoan, hò hụi, hò nện, hò giã vôi... trên sông, trên đầm phá thì có hò đẩy nôốc, hò mái đẩy, hò mái nhì, hò đua ghe...Nội dung những câu hò thể hiện tình cảm, động viên cổ vũ khích lệ, lại thường pha hài hước, trách móc, châm chọc.

Hò mái đẩy:

Hò mái đẩy là một trong những điệu dân ca thịnh hành nhất cà cư dân vùng Thừa Thiên -Huế. Lọai nầy thường được hò lên trong những khi thuyền chở nặng, phải vượt qua được những cơn sóng gió lớn, qua thác, xuống ghềnh, những quảng đầm phá hiễm nghèo trong nghề đi sông hay đi biển.

Do phải làm thêm chân sào lớn và mạnh để có thể chống đẩy, ngoài ra, phải ra sức để đẩy mạnh tay chèo, cho nên nhịp điệu của lối hò nầy phải mạnh mẽ, chắc nịch. Những khoản ngân cũng ngắn hơn, lời lẽ cũng mạnh mẽ, hùng dũng.

Nội dung của thể điệu dân ca nầy thường gồm có những câu châm chọc, chế riễu. Có khi chỉ trích, bắt bẻ nhau từng lời, từng ý. Những câu thường hò như là:- Mình anh cả chống lẫn chèo, Không ai tát nước, đỡ nghèo cho anh. Hay là:

Hò lên, hai mái song song. Phải cam, cam ngọt, phải bòng, bòng chua. Những đoạn ngắt câu ngắn, mạnh, như chát chúa trong lời hò.


Nếu hò mái đẩy, mạnh, khoẻ, hùng bao nhiêu thì loại hò mái nhì khoan thai, tình điệu bấy nhiêu. Hò mái nhì cũng là điệu hò nổi tiếng của đất thần kinh, vang vọng khắp bến nước sông Hương, từ đồi Vọng Cảnh, đến Ngã Ba Sình, phá Tam Giang, vùng Cầu Hai, Nước Ngọt.

Hò mái nhì thường là điệu hà tình tứ, lời thơ ngọt ngào, mặn mà. Nhịp điệu của lối hò mái nhì thường ngân vọng, dàn trải rộng ra,chậm rãi, khoan thai, đưa theo mái chèo và chân đưa ra theo. Người chèo lái xướng lên, thì người chèo mũi họa lại; nguời chèo mạn bên nầy xướng thì người chèo mạn bên kia họa lại. Hơi đưa hơn ngân vang, rối cao vút lên, thì chỉ có lối hò mái nhì ở Huế mới có được.

Cũng có thể so sáng với giọng ngân của lối hò Đồng Tháp, nhưng giọng Huế thì êm dịu, đài trang hơn. Những nhà ngữ học khi phân tách hò mái nhì thường ca ngợi lời văn vẻ, giọng trữ tình vốn sẵn của hò mái nhì. "Hò mái nhì chỉ có những câu ân tình, hò hẹn, nhớ thương, trách móc thở than, chứ không có những lời đố đá, châm chọc, hài hước..." (Lê văn Hảo). Nếu so với những thể điệu dân ca khác, thì những điệu hò mái nhì tại Huế thường được gói ghém những tình ý ngọt ngào, duyên dáng,dịu nhẹ hơn cả. Phải chăng đây là nét đặc thì của tâm Huế.


Hò giã gạo rất thịnh hành trong sinh hoạt nông thôn. Loại hò nầy dùng nhiều thể thơ dân tộc để đối đáp, thường diễn ra chung quanh cối gạo nơi làng xóm. Tại Huế, trước khi tổ chức hội lễ, cúng tế,cần nhiều gạo nếp, thì hò giã gạo tập trung nhiều trai gái trong làng. Thậm chí những đoàn người thích hát từ những làng khác cũng hẹn nhau đến tham dự giã gạo. Mỗi cối gạo thường chỉ từ ba đến bốn người, nam hay nữ, và nhiều lúc có đến hàng ba bốn cối gạo, châu tuần quanh nhau, để có thể hát đối đáp nam nữ. Nhìn chung, hò giã gạo được xem là loại sinh họat vừa lao động vừa hát hò.

Trình tự của một buổi hò giã gạo được tổ chức như sau: - Mở đầu là những câu hò mời hò chào hỏi, giới thiệu, đưa duyên. - Tiếp đến chuyển qua những câu hát ân tình để hò hẹn, mời mọc. - Có khi dùng những câu hò đố, hò đâm bắt... như để thử thách tài năng ứng đối của đôi bên. - Cũng có thể là hò chuyên về một câu chuyện, nhân đó, thông qua nội dung, chen vào những lời gửi gắm, hẹn hò.

Nội dung thường mượn là: Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai, Lưu Bình Dương Lễ, Thoại Khanh Châu Tuấn, Tống Trân Cúc Hoa. Cũng có thể kể tâm sự của kẻ tôi tớ, làm hầu, ăn xin, lính mộ, đánh bạc... Trong những câu chuyện, hai bên dùng lý để bắt bẻ nhau. Tuy nhiên vẫn phải dùng câu hò, điệu thơ ăn khớp, bóng bẩy. - Kết thúc: là những câu giã từ, hẹn lần sau, bày tỏ tâm tình xa cách.

Trong sinh họat, hò giã gạo thường tạo không khí hào hứng, rộn ràng hơn cả. Hò giã gạo mang tính chất tập thể. Người tham dự hò phải được rèn luyện để đối đáp. Phải biết cách dùng chữ khôn ngoan, khôn khéo, tinh vi để tấn công.

Hò chuyên nghiệp: Trong nhiều làng có những tay hò chuyên nghiệp. Chẳng hạn như trường hợp những tay hò kiệt chúng kiểu "ông Thiềm, bà Biên". Hò giã gạo có lớp vế kể, vế sô,lớp vế trống; cũng như loại hò mái nhì, có hò cái và hò con trong trường hợp có nhiều người giả gạo. Trong hò giả gạo thường có từng cặp trai gái được xếp đặt kề bên nhau và cũng được chọn lựa từ trước như cuộc hẹn hò, trong việc đối đáp.

Hai bên phải thật khéo léo trong những câu đáp và trả lời, vì giã gạo thường có nhịp điệu nhanh và những câu hỏi vấn thì nhiều khi khó đáp. Ở Huế và Thừa Thiên, sau khi mùa màng gặt xong và thời tiết tốt thì trai gái làng nầy đua nhau sang làng kia để hát giã gạo. Không phải chỉ một cối gạo mà có khi đến ba bốn cối gạo. Từ những chuyện hò giã gạo đối đáp, đi đến chuyện tình duyên là thường tình.


Khi họ làm việc thì có những loại hò hụi tức là hò nện của những người thợ đắp nền nhà, dùng những loại vồ khác nhau để đập đất, cũng để đánh nhịp:

Hụ là khoan là hụ là khoan - Là hụ là khoan, là hụ là khoan - Chim khôn Hụ là khoan - Đậu nóc nhà quan Hụ là khoan -Trai khôn tìm vợ - Hụ là khoan - Gái ngoan tìm chồng - Hụ là khoan - Ở chốn ba quân... - Ô khoan là khoàn, hù là khoan...

Thông thường thì dùng loại thơ lục bát được ngắt chia ra từng đoạn hai phần, xem kẻ vào là những đoạn "hụ là khoan". Loại hù nện trong trường hợp diễn tả nầy (theo tiếng chày vồ đập mạnh) rất mạnh mẽ, đồng thời cũng rất nhanh, thường do những người đàn ông vừa đập mạnh vồ vừa ca hát.

Hò thai:

Thai nghĩa là thai đố. Những người sáng tác ra những câu thai thường là nho sĩ, có học thức vững và tham hiểu nhiều, nhất là trong tục ngữ, ca dao. Có những câu thai vốn có từ trước; nhưng cũng có nhiều câu mới sáng tác ra cho nên rất khó trả lời. Hò thai không phải theo nhịp điệu, mà chỉ để dùng trong những khi nhàn hứng. Cũng có những người dùng loại bài thai để bày ra lối chơi cờ bạc. Hò thai trong những trường hợp nầy có ý nghĩa tương tự như hát bài chòi (Bình Định).Bài Thai về "tên của những con bài" trong khi chơi bài ghế hay bài chòi như sau:

Chơi Xuân gặp lúc e hè, "Ông ầm", "Thái tử" đưa "xe" qua đò. "Lục chuôm" làm bạn "cửu chùa" Bán con "lá liễu" mà mua "nhất trò". Nghiêng tai nghe nhặt "sưa" hò, Nâng niu "bạch tuyết", nỏ lo chi "nghèo". Tai "voi", "đỏ mỏ" chạt theo, "Cột nọc" trăng gió, thả lèo "tám giây". Đêm khuya "tứ cẳng" tới đây, Bên nớ "hai trạng" bên nầy "trạng ba" Sự tình "gà" mới gáy ra, "Gối" đầu trên "rốn", "ngủ" mà thiu thiu. "bát bồng", "nhị đấu" mĩ miều, Thợ cưa "một mắt" đánh liều chơi tiên. Bên nớ đã có "tám tiền", Bên ni "tám mảng" đánh liền "thắt" lui.

Hò ô và hò đạp nước:

Loại nầy thường được dùng trong khi đạp nước vào ruộng. Trong trường hợp nầy thì người đạp nước không phải theo một nhịp điệu nào cả, khi khoẻ thì đạp nhanh, khi mỏi mệt thì đạp chậm hơn. Đây cũng là loại thơ lục bát được chia làm hai phần: phần dành cho hò cái và phần dành cho hò con. Tiếng hát thường là chậm và dùng nhiều tiếng đệm ơ..a..ê hay ô..ồ..hợ.


Hò nện vôi là một loại hò nện nhưng mang tính chất chắc khoẻ hơn, tiết tấu lại dồn dập, khẩn trương. Khi đâm vôi, mỗi cối có khoảng 4 hay 5 người. Một người "thợ hò" đứng bên ngoài, tay cầm đôi sênh, đánh nhịp cho đều với tiếng chày giã vôi. Người thợ hò hô lên một câu và đánh môt tiếng sênh, thì tất cả mọi người đứng bên các cối đều giơ chày lên, thợ hò đánh tiếp tiếng sênh thứ 2, thì mọi người đều xô "là hô hồ khoan" và cùng nện chày đồng loạt xuống cối vôi.

Thợ hò lại tiếp và đánh sênh tiếp lần thứ 2 thì mọi người đều giơ chày lên... cứ như thế mãi. Nhịp điệu mỗi lúc một khẩn trương thêm cho đến khi nào vôi đã được quánh lại thì mới dừng nghỉ. Thợ hò xướng lên: - Ai mà (nì), Tất cả đều xô: - là hô hồ khoan - Lợp miếu thiếu tranh, - Là hô hồ khoan .- Lợp đình (mà) thiếu ngói (nì - Là hô hồ khoan - Xây thành thiếu vôi - Là hô hồ khoan.

Hò nàng Vung:

Hò nàng Vung được dựa theo một thiên tình sử nổi tiếng tại Huế: Chuyện O Hiên, trò Siêu. Trò Siêu người làng Thanh Lương, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) mồ côi cha từ thuở nhỏ, được người mẹ tảo tần nuôi dưỡng, cho ăn học để nên người có địa vị trong xã hội. Trò Siêu thành công trong giai đoạn đầu của việc dùi mài kinh sử; nhưng cũng trong khi đó, trò Siêu làm quen và yêu thương một cô gái làng Phú Bài, huyện Hương Thủy tên là cô Hiên.

Nàng là con một gia đình giàu có, địa vị. Siêu được cô Hiên đáp tình lại, tuy nhiên gia đình nàng lại khinh Siêu nghèo khó, chưa đạt đến đường công danh họan lộ, nên cương quyết cắt đức mối tình, và đem nàng gã cho một nơi môn đang, hộ đối.

Siêu và Hiên tìm cách để vượt qua khó khăn, bèn tìm kế. Chàng về thưa với mẹ mình, được chính thức hoá mối tình, bằng cách đem trầu rượu sang nhà song thân cô Hiên để xin làm lễ hỏi. Cha mẹ Hiên thấy mẹ trò Siêu sang, đoán biết được mọi chuyện, xua đàn chó dữ của mình ra cắn, bà mẹ Siêu què chân. thất vọng và xấu hổ, cam tội bất hiếu, trò Siêu đã tìm nơi vắng vẻ thắt cổ chết.

Nàng Siêu nghe chuyện đau đớn vô cùng, tìm đến gặp xác người yêu, chính nơi mà họ thường hò hẹn, rồi thắt cổ chết theo chàng.

Chuyện O Hiên, trò Siêu trở thành đề tài sáng tác của nhiều nghệ nhân hò hát. Trong các điêu hò nầy, trình tự và nội dung tương ứng trong từng đoạn của chuyện kể. Nổi tiếng nhất là “hò nàng Vung” (cô Hiên).

Trên chiếu hò nàng Vung, nữ nghệ nhân đóng vai nàng Vung, đồng thời cũng là O Hiên. Còn vai trò Siêu thì do những nam thanh niên giỏi hát xướng trong vùng dự vào cuộc hò đảm nhận.

Diễn viên nam vai trò Siêu cất tiếng hát:

Tại vì: thầy mẹ bên em phụ khó, tham sang," Mẹ của anh không vay lúa, nỏ (chẳng) tạm vàng," Hô vàng, hô vện, hô đốm, hô khoang..." Một đàn chó dữ cắn mẹ anh què!" Bận nầy hổ thẹn với thế gian!" Anh đi tự vẫn, bỏ nghĩa tam cang không đền!"

Diễn viên nữ trong vai O Hiên đáp lại như sau:

-"Xin chàng hãy dằn lòng tự ái," Thiếp dang tay níu lại, khoan, khoan!" Chàng đưa ngực thiếp vuốt, cho hạ chín lá gan," Nhất mẫu, nhất tử, chàng đòi tự tử, bỏ mẫu từ ai nuôi?"

Diễn viên nam nhân đó tha thiết hơn:

"Anh mong Hiên, thấu tình, cạn lẽ," Sống dương trần, anh không mất lòng đứa trẻ," Lỡ thác rồi, em có nhớ:" Tình chồng, nghĩa vợ, thì hãy nuôi lấy mẹ già thay anh!

Khi hình ảnh của trò Siêu ngã sấp xuống, thì O Hiên đáp lại:

-"Hỡi anh ơi!" Chẳng thà ta thác có đôi," Không thà anh thác, em ngồi chịu tang?" Đây sơi dây mây, xin vái Thiên Hoàng," Cho tôi theo kịp gót chàng thủy chung..."

Chuyện tình O Hiên, trò Siêu đến đây là trọn vẹn phần diễn xướng.

Ngay khi đó, nàng Vung chuyển sang vai khác, để hò hát nỗi lòng uẩn khúc của mình.Về phần những người tham dự bên ngoài, cũng đã thâm nhập vào cuộc diện của hai người, hát khẩn nài hồn linh thiêng của Nàng Vung như sau:

"Sai nàng Vung:" Nàng Vung: đánh trống lung tung," Ba hồn, chín vía nàng Vung hãy -về!"- Dẫu mà đi chợ xa quê,"- Cũng xin nàng về mà nhập vô Vung."- Vung đất khác thể Vung đồng,"- Cơm cha, áo mẹ, xây Vung cho tròn." -Một mẹ sinh đặng ba con,"- Lưng eo, vú xách, hãy còn như xưa."- Bà Ân, bà Quán cây dừa," Ăn no, tắm mát, ngồi chờ nàng Vung."- Nàng Vung! Ơi hỡi Nàng Vung!"- Có thương, có nhớ, thì vùng mà lên!" Lên trời, che đám trăng lu," -Che lọng, che dù, chớ để nghênh ngang."- Mặt trời đã xế mái trang,"- Hồn xiêu, phách tán, Nàng Vung cũng về..."

Hò mái xấp:

Loại nầy dùng cho những người chèo thuyền, cũng như hò mái nhì và hò mái đẩy. Mái đẩy có nghĩa là dùng chèo lướt mạnh để đẩy cho thuyền đi tới nhanh. Hò mái xấp cũng có ý nghĩa tương tự, vì sấp hay xấp có nghĩa là quay ngược chèo để đẩy tới cho thật nhanh.

Hò đưa linh Quảng Bình:

Đưa linh là tiễn đưa linh hồn của người quá cố qua bên kia thế giới. Những thể điệu về đưa linh thường là giọng bi thương, não nùng, tha thiết, gây cãm xúc thương nhớ.

Thể điệu: đưa linh thường sáng tác theo điệu ngũ ngôn trong những đoạn tự sự và lục bát trong những đoạn tình cảm. Câu cuối của khổ thơ được lặp đi, lặp lại hai ba lần và mỗi khổ thơ là một câu hò trình bày một nội dung đầy đủ.

Nội dung: Trong nội dung của một buổi hò đưa linh có thể nhiều câu hỏi , tức là nhiều khổ thơ đi liền nhau làm thành một chương đoạn ghép lại với nhau, tuy nhiên toàn thể làn điệu của một bài đưa linh thì không thay đổi.

Thành thử, trong khi đưa đám tang mà có hò đưa linh (trong buổi tế hay khi lên đường) mà khi nghe điệu hò đưa linh của những đoàn hát chuyên ngành, thì những người tham dự tiễn đưa sẽ phải liên tục cảm hoài, buồn thương không dứt.


Khác với hò đua linh Quảng Bình, đây là một hệ thống diễn xướng, gồm các điệu múa, hường, ngâm hát, hò, lý, liên tiếp nhau. Cũng như trên thể hát nầy để trình bày trước quan tài, khi đưa người quá cố đến mộ và khi sắp hạ huyệt.

Theo ý nghĩa chung, thì đây là cách tiễn đưa linh hồn của người chết về cõi âm với tất cả niềm hoài cảm của những kẻ thân thương.

Thể điệu: Trong một buổi hò đưa linh - chèo cạn thường gồm các hình thức: hát nam linh, hường (một kiểu nói lối nhưng mạnh hơn,dài hơn và chặt chẻ bi thương hơn), hát bắt bài (tùy cảm hứng nói lái đưa linh, lý đưa linh và hát lui thuyền (gồm có: điệu lý ta lý và điệu hò chèo thuyền).

Phần kết thúc, thông thường là hò nện và đọc vè.

Nhạc điệu: Hò đưa linh của vùng Thừa Thiên và Quảng Trị được hò khi thì theo ngũ cung đúng, khi thì hò theo ngũ cung hơi nam giọng ai.

Nội dung: bất cứ một bài đưa linh - cửa cạn nào cũng phải được thể hiện tâm trạng đau thương thống thiết của người còn sống đối với người đã khuất. Ngoài ra, phải có những chi tiết thích hợp cho hoàn cảnh gia đình của họ trong giai đoạn vĩnh biệt nầy.

Tổ chức: trong một buổi hò đưa linh tại Huế, dẫn đầu của đoàn là kép chủ diễn, thường mang y phục như một kép diễn tuồng; theo sau là 12 chèo con, y phục giống nhau như binh phục lính thú đời xưa; sau cùng là người lái, chỉ khoác y phục bình thường.

Chèo cạn: tại làng Tùng, xã Vĩnh Giang, phủ Vĩnh Linh, tỉnh QuảngTrị có đội chèo cạn chuyên nghề. Đội nầy gồm có: cai tùy, cai tấu, một dàn bát âm gồm sáo, nhị nguyệt, kèn sô-na và một tốp 12 thành niên trai khoẻ mạnh.Lễ hò đưa linh tại đây thường tổ chức ngay trước quan tài và khi đưa quan tài đến huyệt.

Lý:

Trong những thể dân ca Huế, điệu lý thường được nói bên cạnh những điệu hò và điệu vè. Điệu nầy có phải là lối ca nhạc dân gian hay mang tính chất bác học, điều nầy, cho đến nay vẫn còn trong vòng tranh luận. Thậm chí một số lại nhấn mạnh đến tính "hai mang", vừa dân gian, vừa bác học.

Theo nhạc sĩ Phạm Duy, thì "Người miền Trung gọi lý là bài hát quê mùa (lý = làng), so với ca Huế vốn là sản phẩm của giới phong lưu (hoàng phái, nho sĩ, quan lại).

Ngoài lý giao duyên là thơ bảy chữ hát với câu đệm, câu láy, tất cả những dân ca ở hai miền Trung và Nam mà không phải là hò thì được gọi là lý" (Đặc khảo về dân nhạc Việt Nam- 1972- trang 81). Những danh xưng về loại lý trong một số bài cũng mang tính chất bác học: lý Giang Nam, lý Hoài Nam, lý Tiểu Khúc, lý Tử Vi, lý Mã Ô, lý Dạ khúc, lý Quỳnh Tương, lý Vọng Phu...

Lại có ý kiến khác như tác giả Văn Lang trong "Ca Huế và ca Kịch Huế" - 1993 - đặt vấn đề: Có người đặt câu hỏi: Lý là gì? Có phải là những bài ca được sáng tác dưới triều Lý? Không phải thế, "lý" ở đây là "ca lý". Lý có nghĩa là "hát".

Trước kia đã có câu nói "Chiêm Thành ca lý đa ai oán". Như vậy, lý có nghĩa là hát, một loại hát ngắn gọn. Từ trước đến nay, một số nhà nghiên cứu cho rằng: Lý là dân ca (lý, hò, vè dân ca vùng Bình Trị Thiên).

Nhưng quan niệm đó đã không vững chắc. không riêng gì Huế, tại miền Nam điệu lý cũng thịnh hành và đa dạng: lý Con mèo, lý Con cua, lý Cây chuối, lý Dừa tơ, lý Mù u, lý Bánh ít, lý Bánh canh, lý Nàng dâu, lý Chú Chệt... tất cả đều là dân ca thuần túy. Thành thử không thể nhầm lẫn giữa các điệu lý tại Huế và điệu lý của những địa phương khác được. Những nhà nghiên cứu khi trình bày tính chất dân ca trong thể lý thường nêu ra những đặc tính như sau:

(a) Trước hết, hệ thống các điệu lý được phổ nhạc, theo những lời thơ lục bát. Thành thử, thể điệu nầy gần gủi với dân ca. Chứng cớ là một số nhạc phẩm hiện nay được sáng tác theo âm điệu của dân ca nầy).

(b) Trong thể lý, bài bản thường ngắn gọn. Mỗi điệu lý chỉ có 2 vế: vế trống và vế mái. Vế trống có âm cao, vế mái có âm trung và âm thấp.

Những đọan lý thường nối tiếp nhau, có khi chồng chéo nhau. Một số tác giả khác thì cho rằng: lý từ địa hạt của lối hát giao duyên, hát chơi nhảy, rồi từ đó nhảy vào ca Huế. (Theo Phạm Duy - Sđd)

Thông thường, trong lúc hát chơi, bất cứ câu ca dao nào được ưa thích cũng được đưa vào thể lý một cách dễ dàng. Khi so sánh hò và lý, có tác giả so sánh: nếu hò là dân ca lao động thì lý lại là nhũng khúc dùng trong lúc vui chơi, gặp gỡ giữa những đôi trai gái. Lý thường dùng để giải bày tâm sự, diễn tả nỗi niềm, trạng thái tâm hồn thay đổi của mình.

Khác với hò, là những giai điệu còn mang nhiều tính chất tự do, phóng khoáng, thì thể lý là những giai điệu khá hoàn chỉnh, cố định. Mỗi điệu lý thường mang tính chất riêng biệt, khi thì mang vẻ tình tứ, tha thiết, có khi lại buồng thảm não nùng. Cũng có khi nói lên niềm phấn khởi vui tươi, nhưng cũng có thể nói lên khía cạnh tâm tư của con người.

Như đã trình bày ở trên, lý nguyên nghĩa là quê mùa, để đối lại với lối hát cung đình giành cho vua chúa thưởng thức tại Duyệt Thị Đường trong Hoàng Thành. Bài lý lúc đầu chỉ là những câu thơ lục bát (2 câu) và bất cứ câu thơ nào cũng có thể chuyển sang điệu lý cả. Nhan đề của bài lý rút ra một số chữ trong bài ca dao đó.


Lý Con Sáo là điệu lý thịnh hành nhất của xứ Huế. Nhiều tác giả nhắc đến lý Con Sáo tại Nam Trung Phần và Nam Phần, nhưng lại xem là những điệu lý vay mượn từ lý Con Sáo ở Huế, với ít nhiều biến thể cho thích hợp với làn điệu của địa phương.

Bài lý Con Sáo là một trong những trường hợp điển hình của sự biến thể của từng vùng khác nhau. Biến thể đây được hiểu theo hai nghĩa: - Cách ngắt câu - Cách thêm những tiếng đệm

Nguyên thủy đây là bài ca dao thượng lục hạ bát:

Ai đem con sáo sang sông, Cho nên con sáo sổ lồng bay xa.

Những người dân vùng Thừa Thiên và kinh thành Huế thì hát như sau:

Ai đem con sáo sang sông.Để cho, (để cho) con sáo,(Ơi người ơi), Sổ lồng, (ơi người ơi) Bay xa...

Khi bài lý nầy được đưa vào vùng Quảng Nam (và Quảng Ngãi) thì lại không còn giữ lại cách ngắt câu và những tiếng đệm như giọng hát ở vùng Huế và tỉnh Thừa Thiên nữa:

Ai đem con sáo (tình bạn) sang sông (Ứ ư, ư ư, làm răng?) Để cho, (để cho) con sáo (Ứ ư, ư ư), Để cho (để cho) con sáo sổ lồng bay xa (Ứ ư, ư ư làm răng?) Để cho, (để cho) con sáo sổ lồng bay xa...

Một khi bài lý Con Sáo được đưa vào Nam và chuyển theo thể hát thuần túy của địa phương thì lại được biến thể điệu như sau đây:

Ai đem con sáo, (Ai sông rồi lại) sang sông? (Kià kia, kía kia, kìa kia) Để cho (nọ) con sáo (ơi) (sô) sổ lồng, nó bay...

Những lối thêm những tiếng dặm nầy không theo một quy luật nhất định. Miễn là cho thuận tai và mọi người công nhận, thì tự nhiên sẽ được phổ biến. Đây là nguyên tắc “thuận lời chứ không thuận lý” mà nhiều loại dân ca đã vâng theo.

Những nhà phân tách dân ca thường gặp khó khăn trong phân loại và tiêu chuẩn hoá, để rồi phải rút ra từng kết luận riêng rẻ của từng bài mà thôi... Lý Con sáo có nhiều thể hiệu riêng: lý Hoài Xuân, lý Tình tang, lý Giang Nam, lý Thầy Tu...


Một trong những thể điệu của lý Con sáo là lý Hoài Xuân: Trong nguyên nghĩa lý Hoài Xuân là thơ tưởng nhớ tuổi xuân xanh của những người đã luống tuổi; nhưng trong thể lý của đất Huế, thì bài lý nầy dùng để khuyên học trò:

Ơi trò đi học nhà trường, Phải chăm (phải chăm) mà bước, (Ơi trò ơi), Kẻo đường (Ơi trò ơi) Còn xa...

Dần dà về sau thì những bài thơ lục bát được dùng trong loại lý đã gia tăng nhiều, nhưng vẫn giữ được mức độ cân bằng của Lục bát đơn thuần.

Bài lý Mười Thương (còn gọi tên là lý Tình Tang) chứng minh điều đó:

Một thương tóc bỏ đuôi gà, Hai thương, hai thương, ăn nói, Ô tang, ố tang, tình tang, Mặn mà, duyên, có duyên, Ô tang, ố tang, tình tang, Mặn mà, duyên có duyên... Ba thương...

Cứ như thế trình bày cho hết mười thương.


Thể điệu lý Con sáo khác là lý Hoài Xuân. Nếu trong bài lý Con Sáo tại vùng Huế và Thừa Thiên có thêm những câu dặm theo "Tình, Tình Tang" thì không còn tên như cũ, mà lại đổi thành là lý Tình Tang. Điều nầy cho thấy rõ là những bài lý đã dung hợp được nhiều thể điệu khác nhau trong ca dao, đồng dao, phong dao Việt Nam và như vậy dễ dàng làm giàu cho câu ca, điệu hát.

Mặt khác, cho ta thấy rõ là ngay trong văn chương bình dân đã ẩn tàng sẵn những âm thanh rồi. Nội dung của bài lý chỉ gồm hai câu đơn giản,cộng thêm những tiếng dặm cho nên chỉ nói lên được một bài tư tưởng, tình cảm đơn thuần. Nếu muốn diễn tả sâu rộng hơn thì lại dùng các thể hát chèo, quan họ, ả đào, trống quân. Thể lý là giai đoạn đầu của những thể nhạc khác trong dân ca.


Thể điệu thứ ba của lý Con sáo là lý Giang Nam. Đây là một trong những điệu lý ở Huế có cả một hệ thống tiếng đệm lót, đệm nghĩa tiếng đưa hơi láy luyến phong phú.

Nhịp điệu của thể nầy thường khoan thai, chậm rãi, dập dìu. Giai điệu cũng khá uyển chuyển, êm nhẹ, lên bổng, xuống trầm, khá uyển chuyển. Khi đến phần cuối cùng của lý Giang Nam thì thường có những âm giai vang vọng, lời nhạc nói đến niềm chia ly,luyến tiếc.

Nhìn chung, lý Giang Nam chứa chan nhiều tình cảm, đam mê, say đắm. Trong phân tách, loại lý nầy gần với những bản ca nhạc Huế cổ điển thuộc điệu nam, hơi ai.

Về cấu trúc âm thanh rất uyển chuyển, làm đảo lộn ngữ âm bình thường, biến những từ không dấu thành có dấu sắc hay dấu huyền.Cứ phân tách một đoạn lý Giang Nam sau đây thì rõ:

Ai đem con sáo - ư ừ ứ,- sàng sang sáng sang sàng sồng, sáo sang sồng, tình bạn sàng sồng- ư ư ừ - tình bạn sàng sồng- ứ ư ừ.- Để cho, để cho, còn sáo,- ừ ư,- sồ sổ sổ sổ sổ sồ lồng, sáo sổ lồng, tình bạn, xa - ư ừ,- tình bạn bày xa - ư ừ-.


Thể điệu thứ tư của lý Con Sáo là lý Thầy Tu. Loại lý nầy có nhịp điệu chậm vừa, được đệm bằng nhịp mõ. Đây là điệu hát dân gian có mang âm hưởng của điệu tán tụng ở chùa chiền; hơi nhạc gần với các bài bản của nhạc Huế, thuộc điệu “nam âm thiền”.

Những đoạn hát ngắn, lại được đệm thêm những tiếng lót như "a li", những tiếng đưa hơi như "ứ ừ ư" kéo dài ra, tạo một nét buồn sâu sắc:

Ai đem con sáo (tình bạn) sang sông;- a li, sông sang sông,- Nên chi (nên chi) con sáo (ừ hừ ư) - Nên chi (nên chi) con sáo - sổ lồng bay xa (a lai) - xa bay xa...


Lý giao duyên tại Huế được trình bày qua thể điệu như sau đây:

Gặp nhau đây, mới đầu trăng gió, Hỏi một lời: tên, họ là chi? Hỡi nàng, nàng ơi!Hỏi một lời, tên, họ là chi?

Trong trường hợp người con gái muốn đi vào những liên hệ tình cảm (trong đối đáp mà thôi) thì sẽ trả lời tương tự như sau đâu:

Bạch Lai thơ, quê nơi Trung lĩnh, Thung huyên mất rồi, muộn cảnh chồng con..

Thịnh hành nhất là loại lý Giao Duyên hay lý Vọng Phu. Lý giao duyên thường được sáng tác rất sâu sắc và do những nho sĩ hay những tài tử nổi tiếng đặt lời hát.

Lý Giao duyên có nhiều nội dung khác nhau, về tình cảm, về thời tiết,về mây nước. Lý Giao duyên thường hát trong những điệu Ca Thư Phòng. Chẳng hạn như bài lý Giao Duyên Mười hai Tháng sau đây:

Đầu tháng Giêng, mãn thiên xuân sắc,Ai nấy vui mừng, thiếp bắt mặt trông, - Qua tháng Hai, hoa nhà ướm nở, Thiếp trông chàng, vừa trở gió đông. - Qua tháng Ba, trăm hoa cảnh phát, Thiếp trông chàng, bát ngát niềm tây. - Qua tháng Tư, mùi hương phảng phất, Thiếp trông chàng, hạ bất hồng liên. - Qua tháng Năm, ve sầu kêu oán, Thiếp trông chàng, như đại hạn trông mưa, - Tháng Sáu trông già hoè im mát, Thiếp trông chàng: phấn nhạt, hương phai. -Tháng bảy trông: bắc cầu Ô, Thước, Qua Ngân Hà, mới thấy được phu nhân. - Tháng Tám trông, gương trăng tròn vạnh, Thiếp trông chàng, một gánh tương tư. - Tháng Chín trông gương trong đài trùng cửu, Ngày vắng, đêm dài, ly cốc tửu giải khuây. - Tháng Mười: bông hoa lài nở nhụy, Ngắm cảnh thêm buồn, thêm nhớ, thêm thương. Tiết Dương sanh: tùng mai xanh tốt, - Thiếp trông chàng: tháng Mười Một vắng tin. - Tháng Mười hai: xuân lai bất tận, Tháng hết, năm cùng, lận đận theo anh...

Đây là trường hợp đặc biệt của một thể hò, vì chứa nhiều câu, diễn tả nhiều tâm sự, theo diễn biến của thời gian và của tâm trạng của con người.

Thể điệu nầy không còn là hát đối ca của nam nữ, mà lại dùng để trình bày tình cảm biến chuyển của con người. Từ bài hò đơn giản đến bài hò dài, phức tạp, đa dạng, tự sự, quả là một chuyển biến lớn trong các giai điệu nầy.


Ðây cũng là một loại lý được phổ biến nhất trong vùng Huế, Thừa Thiên. Cửa quyền là nhà cửa của quan lại trong triều đình Huế. Người dân quê chỉ đề cập đến một số nét, gần như là dùng thể hoạt kê để chỉ trích một phần nào những trò chơi ngông, phách lối, kiểu cọ của lớp người nầy:

“Cửa quyền chạm bốn câu thai. Hai câu thơ phú hay bài ca ngâm”...

Trong điệu lý Cửa Quyền thịnh hành ở miền Trung, nơi có triều đình Huế đóng đô, đã trở thành như sau:

Cửa quyền chạm bốn câu thai - Hai câu (tình mà) thi phú, (A ớ a, a ớ a) - Hai bài (hai bài) thơ ngâm... - Cửa quyền khắc những bài văn, Khen che (khen che) rất mực - (A ớ a, a ớ a) - Mặn nồng (mặn nồng) với ai.Cửa quyền có những quan sai - Có đoàn (có đoàn) lính lệ (A ớ a, a ớ a) - Ra oai (ra oai) cửa quyền...

Những bài hát như vậy cứ kéo dài mãi, mà mỗi người có thể theo nhận định và phê phán của mình để tấn công Cửa quyền. Có thể đây là tinh thần đối kháng của người dân nghèo khi nhìn vào cửa quyền; nhưng cũng có thể là những lối trào lộng, vui chơi, vô tội vạ.

Những thể nói lý của miền Trung đều xoay chung quanh những đề tài như vậy: đời sống an nhàn, quan lại hống hách, lao động cần cù, tình duyên trai gái, làng trên xã dưới. Nói chung mọi sinh hoạt dân chúng đều có thể thể hiện trong thể lý, vốn nghĩa là tác phẩm của người bình dân.


Một trong những bài ca lý nổi tiếng ở Huế là bài lý Tử Vi, nhưngnội dung và giọng điệu thì thuộc về loại ca phòng hơn là bài hát ngoài dân gian.

Lý Tử Vi còn gọi là lý Trăm Huê, một trong những điệu lý xứ Huế, đã có những tính chất xa dần tính chát đơn thuần, mộc mạc của dân ca Huế, để tiến sang phạm vi tinh tế cuả ca nhạc Huế.

Nỗi niềm được trang trải rộng, ý thơ mang tính biểu tượng, nỗi xa xa lai láng như trang trãi khắp không gian. Tử Vi là tên một loài hoa do thi hào Bạch Cư Dị đặt tên, sau khi viết khúc Tỳ bà hành.

Thể điệu của bài lý Tử Vi miền Trung như sau:

Dầu giải nắng mưa, - Tử Vi dầu giải nắng sương, - Huê cam (tình như) huê quít, Biết thương huê nào? - Anh thương huê mận, huê đào, (Huê mận, huê đào) - Anh đây thương huê mận, huê đào, - Cầu bông (tình như) huê cúc, Biết vào tay ai? - (Ơi tình ơi) thăm thắm chớ phai (Ơi tình ơi) - thăm thắm chớ phai, - Ham bông (tình) huê lài ,- Mà lại thơm lâu, (Ơi tình ơi) chớ phụ huê ngâu, - Chớ phụ huê ngâu, (Ơi tình ơi) - Chớ phụ huê ngâu, - Ham nơi (tình như) phú quý, - Lại hầu mẫu đơn, - Anh tìm em, trăm giận nghìn hờn, - Trăm giận nghìn hờn, - Anh tìm em, trăm giận nghìn hờn, - Ước chừng (tình như) cho đặng, - Xích lại gần đây,- Có thương, xích lại gần đây, - Thời xích lại đây, - Đừng còn (tình như) mơ tưởng - Núi mây cơ nghèo. Trèo lên hòn núi cheo leo, - Hòn núi cheo leo,- Anh trèo lên hòn núi cheo leo, - Cảm thương (tình như) nỗi mẹ,- Lo nghèo phận em , -- Anh tìm em đã khắp núi non.

Dù là điệu lý, nhưng qua bài lý Tử Vi trên đây thì giọng Ngũ Cung Oán Nam được chuyển hệ một cách tài tình, cho nên bài ca được liệt vào một trong ba bài ca hay nhất của vùng đất Thần Kinh thế kỷ thứ XIX cho đến nay vẫn là bài mở đầu cho những tổ chức nhạc ca phòng và cả nhạc cung đình nữa. Miền Nam cũng có những bài lý, nhưng vần điệu thì khác nhau, về cách ngắt câu, tiếng đệm, nhịp điệu, nhất là Ngũ Cung oán được chuyển hệ.

Kiêm Thêm