Thursday, December 29, 2011

Truyện ngắn


NGÀY LỄ THỨ 2 MÙA GIÁNG SINH


Tôi biết anh ta đang ở vùng nào, và đang làm gì. Chỉ là tôi không liên lạc với anh ta mà thôi. Hay nói đúng hơn là anh ta không muốn liên lạc với tôi.

 Năm xưa, anh đến kể cho tôi nghe chuyện động trời ấy, và từ giả tôi. Tôi hỏi, làm sao liên lạc được với anh. Anh ta nói, liên lạc làm gì, ông thuộc thế giới khác, tớ thuộc thế giới khác, quen biết, liên lạc chỉ tổ làm phiền ông thôi. Nói xong là đi, hun hút như mất tích.

 Nói là biết anh ta ở đâu, là chỉ biết mang máng là anh ta đang ở vùng nào trên nước Đức này thôi. Có nghĩa là anh ta không ở Hung, không ở Tiệp, không ở Hà Lan và cũng chưa về Việt Nam.

Cũng như biết anh ta làm gì, có nghĩa là biết anh ta không còn dính dáng gì đến thế giới ngầm nữa. Anh ta thực sự là người làm ăn lương thiện. Vậy thôi.

Cũng coi như đã tròn 6 năm rồi. 6 năm đó tôi hoàn toàn bặt tin anh, chỉ duy nhất gặp lại anh có một lần. Mà lần đó anh chủ động gặp tôi. Xuất hiện, rồi lại biến mất không tăm hơi.

Hồi đó tôi đang phụ trách Viện Châm Cứu Trung Y (Institut für Traditionelle Chinesische Akupunktur). Viện bị đụng chuyện liên quan đến chức năng nghề nghiệp và bị sở Tài Chính mò đến. Vụ kiện tụng kéo dài, Viện bị cái án treo phạt tiền "lậu thuế" đến gần mấy trăm ngàn Euro. Viện không phải của tôi, theo nguyên tắc tôi chỉ là người làm công, là người chịu trách nhiệm về chuyên môn. Nhưng khi Viện bị đụng chuyện, tổn thất của tôi không nhỏ, và còn bị cuốn vào dòng xoáy của pháp đình cực kỳ rắc rối và khó chịu. Có những lúc, còn bị tạm thời cấm hành nghề, hoặc cấm xuất ngoại để chờ điều tra.

Trong giai đoạn khốn khó đó, vì với phương châm sống: "Chỉ có thiên hạ phải nhờ cậy ta, chứ ta không cần phải nhờ cậy thiên hạ". Cho nên dù gặp tình cảnh điêu đứng, tôi vẫn kín tiếng không muốn thổ lộ và chả cần ai để chia sẻ. Đúng lúc đó thì anh ta tìm đến hỏi, ông có cần tớ giúp gì không?. Tôi hỏi lại, anh thì giúp tôi được cái gì, chả nhẽ anh trả nợ mấy trăm ngàn cho tôi chắc. Anh nói, nếu vì thế mà ông thoát tai kiếp này thì tớ cũng có thể giúp được chứ sao. Tôi biết anh nói thật lòng và biết anh có bản lĩnh đó, nên cũng nói thật. Chuyện này chả liên quan đến tôi, chẳng qua là một trò chơi khăm nhau mà thôi. Một viện châm cứu cổ truyền Trung Hoa, mà do một thằng người Việt cầm đầu, cùng một bọn mắt xanh mũi lõ làm việc. Không bị bọn maphia Khựa nó chơi chết là phước rồi. Ông chủ tôi cũng chẳng phải tay vừa, cứ để ông lo.

Anh nghe tôi nói vậy, gật đầu và lặn một mạch từ dạo ấy đến giờ không sủi tăm.

Thực ra tôi cũng chẳng quan tâm đến anh ta lắm. Anh chỉ là một người đồng hương. Quen biết từ hồi năm 1997, khi tôi sang Cottbut làm chủ hôn cho đứa học trò người Huế ở bên ấy.

Trong đám cưới của thằng học trò có dính dáng đến bang đảng thuốc lá lậu này, khách mời có rất nhiều bang phái khác nhau. Đám cưới mà khách mời toàn bận áo da, đeo kính đen và tay người nào cũng luôn luôn thọc vào nách. Tôi nhát chết nói với lão Ba Đen Phan Ngọc Gia Kiệm, lúc đó cũng theo tôi sang giúp thằng học trò của tôi quay phim nhiếp ảnh đám cưới rằng: "Đù má! liệu có sống sót ra khỏi đám cưới này không mày". Thằng học trò nghe lỏm được cười khì khì, Thầy cứ yên tâm, để em nhờ một người theo bảo vệ Thầy. Người đó là chính là anh ta.

Mãi đến năm 2004, khi tôi về Hamburg, tình cờ gặp anh. Anh nói đang đi tìm việc làm. Tôi tin ngay, vì biết rằng cái thời băng đảng thuốc lá "đẫm máu" đã trôi về dĩ vãng. Những anh tài của thời ấy bây giờ đã rút khỏi giang hồ và lui về làm ăn lương thiện.

Hỏi anh muốn làm gì, anh nói làm gì cũng được. Tôi giới thiệu anh cho một quán ăn đang thiếu người phụ bếp.

Cho đến đêm 26 rạng ngày 27 tháng 12 năm 2005. Anh bất chợt đến gõ cửa nhà tôi, lấy chiếc valy mà anh đang gửi ở nhà tôi trước đó và từ biệt tôi ra đi.

Hỏi anh. Anh mới kể sơ chuyện xảy ra trong đêm ngày lễ thứ hai mùa Giáng Sinh.

Đêm đó, quán vừa hết khách, đang sắp sửa đóng cửa, thì có một nhóm 3 người Việt Nam bước vào. Họ nhanh chống khống chế toàn bộ người làm trong quán bằng dao và súng ngắn. Tất cả đều bị trói giật khuỷu và bắt dồn vào một góc quán. Gã cầm đầu nhóm cướp ngắn gọn, "oan có đầu nợ có chủ", tất cả mọi người không liên quan, ai ngồi đâu, ngồi yên đó, loạng quạng kêu la là mất mạng đấy.

Chủ quán bị dí súng vào đầu và hỏi số tiền nợ 11 ngàn Euro, mặt đờ đẫn mất cả hồn vía, đái són ra cả quần, lắp bắp nói không ra tiếng hầu như đã cấm khẩu. Gã cầm súng gằn lên, có nợ thì phải trả, chúng tôi cũng là người đi đòi thuê thôi, bây giờ tiền hay là mạng sống. Chủ quán mềm rủn, xuội người xuống gần như chết ngất.

Một gã khác quay sang người vợ chủ quán, là một thiếu phụ đang còn tuổi xuân sắc, nham nhở nói bằng một giọng Bắc ngọng: "Lói nàm đéo gì cho ló mệt, pằng một cái là xong, nhưng để tớ hưởng thụ cái của rời ơi lày trước đã". Nói xong gã thọc tay vào lưng quần người thiếu phụ đang rui rẩy tái xanh tái xám...

...Cạch..cạch...rầm rầm..ứ hự...chỉ trong một thoáng chốc chỉ mấy giây đồng hồ. Tất cả mọi người đang hiện diện trong quán đều ngỡ ngàng, không biết tại sao, anh đang bị trói giật cánh khuỷu ngồi thu lu úp mặt vào góc tường, tự nhiên lại trở thành người khống chế lại cả 3 người của nhóm cướp.

Gã chủ quán tưởng như được hồi sinh chạy đến định nhấc điện thoại. Bốp! anh giáng cho lão một bạt tai nói, ông dính dáng đến nợ nần giang hồ, phải thanh toán bằng luật giang hồ, chứ luật pháp chả giúp gì được đâu.

Anh bình tỉnh, tước hết vũ khí và trói gô cả 3 gã cướp lại, rồi hất hàm hỏi, thằng này nợ của ai, tao thay mặt nó giải quyết được không. Gã cướp trưởng nhóm lắc đầu nói, chắc không được đâu, bọn em chỉ là người được thuê thanh toán vụ chạy làng này thôi chứ không biết nhiều.

Anh quay lại hỏi chủ quán, mày nợ hay cướp hàng của ai vậy. Gã chủ quán ấp úng nói một tên người và thanh minh là số thuốc lá ấy bị bắt, chứ không cố tình cướp hàng.

Anh nhấc điện thoại, bấm máy gọi. Thì thầm một lúc rồi anh đưa máy cho gã trưởng nhóm cướp nghe. Trong lúc gã cướp đang nghe điện thoại, anh bảo vợ gã chủ quán xuống tầng hầm, móc cái gói tiền của anh giấu dưới gầm tủ đá lên.

Vợ chủ quán răm rắp làm theo. Anh bảo vợ chủ quán đếm tiền đủ 12 ngàn Euro đưa cho gã cướp kia, còn bao nhiêu đưa lại cho anh. Anh nói với mấy gã cướp. Mọi chuyện coi như giải quyết, anh tặng mấy chú 1 ngàn, coi như tiền nước, nể anh mà bỏ qua vụ này, khẩu súng và mấy con dao, mấy chú nhận lại sau hỉ.

Khi mấy gã giang hồ đâm thuê chém mướn đi khỏi, anh quay lại nói với vợ chồng chủ quán: "Có nợ thì phải trả, lúc mất hàng chú mày bỏ trốn, chúng không nói gì, nhưng lúc chú mày ăn ra làm nên, thì tìm cách mà trả nợ cho người ta, chúng đã nhắc, chú mày không những không thèm trả mà còn có vẻ thách thức, hôm nay, mục đích của chúng là lấy lại tiền và lấy luôn mạng chú mày đấy. Đó là luật giang hồ. Bây giờ mọi chuyện đã giải quyết, sẽ không còn chuyện gì xảy ra, nhưng số tiền cứu mạng gia đình chú mày, anh sẽ quay lại lấy, cứ chuẩn bị cho đủ số, và anh sẽ quay lại lấy vào đúng ngày lễ thứ hai mùa Giáng Sinh, nhưng chưa biết khi nào.."

Anh kể sơ cho tôi nghe tình tiết câu chuyện như vậy, rồi bảo sẽ rời gấp Hamburg, đi chỗ khác mai danh ẩn tích làm ăn. Tôi hỏi vậy lúc nào thì quay lại lấy tiền. Anh nói, chưa biết, nhưng cứ để cái án treo đó lên đầu thằng kia, nó phát tấu lắm, lúc nào cũng ra vẻ ta đây, nó nói đã từng là cựu chiến binh bộ đội đặc biệt tinh nhuệ đã kinh qua hai chiến trường Tây Nam và phía Bắc, đã từng là anh chị của giới Giang Hồ trên Berlin, và suốt ngày chỉ thích dạy dỗ người khác về chữ tín và luôn luôn muốn thể hiện phong cách của người hùng từng trải.

Thực ra kể cũng tội nghiệp cho gia đình lão chủ quán kia thật. Mùa Giáng Sinh trong mấy ngày lễ, vốn là mùa gặt hái của nhà hàng. Người ta thường đóng cửa vào ngày 24, vì ngày đó rất ít người đi ăn quán, bởi đó là ngày của gia đình. Còn ngày 25 và ngày 26 là ngày mà hầu như các quán đều đã được đặt bàn kín mít. Riêng quán của lão này lại mở cửa vào ngày 24, để ngồi ngáp ruồi. Còn ngày 26 thì đóng cửa im ỉm, chỉ có mấy người thân trong gia đình tụ tập lại nấu món cổ truyền ăn. Họ đóng cửa quán, nhưng năm nào cũng tụ tập ở đó để chờ người đến đòi nợ.

Vì tôi là người giới thiệu anh ta, đến làm việc cho quán này. Ban đầu họ tưởng tôi quen thân anh, biết anh ở đâu nên năm nào đến tối 26 cũng khẩn khoản mời tôi đến ăn uống ở nhà họ. Nhưng sau nghe tôi nói, chỉ tình cờ gặp anh đi tìm việc rồi giới thiệu đến chứ không biết rõ về anh. Họ không hỏi tôi về anh nữa.

Tuy vậy, theo thói quen, cứ đến ngày lễ thứ hai mùa Giáng Sinh họ vẫn mời tôi đến.

Đã nhiều lần tôi định nói với họ về tính khí của anh, để cho họ yên tâm, đừng bị "treo án" vào ngày lễ thứ hai mùa Giáng Sinh nữa.

Tội nghiệp nhất là vợ tay chủ quán, năm nào cũng vậy, vào ngày này là cứ đeo cái túi xách tay kè kè bên vai, và suốt ngày cứ thấp thỏm nhìn ra ngoài của quán. Tôi định nói nhưng rồi lại thôi, vì trong những dịp này, lão chủ quán lại thao thao bất tuyệt bằng giọng Hà Nội nhà quê, về sự tích kỳ tài của một tay võ nghệ nhà nghề là chính lão. Thậm chí cái câu chuyện xảy ra trong quán lão năm xưa, lão lại biến tấu thành chuyện anh hùng của chính lão, để bảo vệ luật chơi và chữ tín nghĩa trong cuộc sống giang hồ. Thấy ghét, nên tôi cũng không thèm nói nữa.

Nhưng có nói cũng chẳng biết nói sao đây. Vì dạo đó anh đến tìm tôi, tôi có hỏi về chuyện nợ tiền này. Anh cười nói: " Thật ra tớ chẳng có ý định đòi lại số tiền ấy đâu, coi như quà tặng, đền ân đáp nghĩa cho chị ấy vậy". Tôi hỏi là chuyện gì nữa đây. Anh nói: "Ngày mới đến quán làm việc, gã chồng nói tớ có giấy tờ không sạch sẻ, nên chỉ để tớ phụ việc quét dọn, cắt rau cỏ ngoài giờ, còn trong giờ làm việc, tớ không được bén mảng đến quán, mà phải đi rãi tờ quảng cáo, hôm tớ bị cảm lạnh nặng, lão chồng vẫn bắt tớ đi rãi tờ menü, chị vợ can ngăn mãi, lão mới cho phép tớ ở nhà, hơn thế, tối ấy chị ta còn mua thuốc cảm và nấu cháo giải nhiệt cho tớ ăn nữa, tớ rất cảm kích sự chu đáo và hiền dịu của chị ta, thì cứ coi số tiền ấy là số tiền đã mua lấy một cảm giác dịu dàng đi vậy."

Chả nhẽ tôi lại nói điều đó với vợ chồng gã chủ quán này. Chúng nhất định sẽ chẳng hiểu gì cả, thậm chí sẽ nói anh ta điên và tôi cũng điên nốt. Chả ai có thể tin nổi chuyện này đâu, trừ phi là những người luôn thèm khát và hiểu được cái giá của sự dịu dàng đôn hậu như tôi.

Thôi thì kệ vậy, cứ để cho cái án "đòi nợ" treo lơ lửng trong ngày lễ thứ hai mùa Giáng Sinh trên đầu gia đình ấy vậy. Rồi một khi nào đó, họ tự ngộ ra thế nào là ân tình đúng nghĩa, thì cái "dây thòng lộng" ấy tự động hóa giải mà thôi.

Lê Thuận Nghĩa
29.12.11