Tuesday, December 27, 2011

VIET NAM


Vinh danh người biểu tình Tây và Ta

Năm 2011 đang đứng ở ngưỡng cửa sắp đi qua. Năm 2011, toàn thế giới đều chứng kiến một làn sóng nổi dậy chưa từng thấy, biểu tình diễn ra khắp nơi, ôn hoà cũng có mà bạo động cũng có. Từ khắp nơi ở Trung Đông đến châu Âu và châu Mỹ, những người biểu tình đã xác định sức mạnh của người dân trong nước mình, sức mạnh của con người trên toàn thế giới và xác định hình thể chính trị toàn cầu.

Hàng năm tạp chí Time của Mỹ bình chọn Nhân Vật trong Năm (Person of the Year). Đây là cuộc bình chọn có uy tín và được trông đợi nhất trên thế giới. Truyền thống bình chọn Nhân Vật trong Năm được báo Time khởi xướng kể từ năm 1927.

Người được bình chọn là những người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn đến các sự kiện trong năm, dù là nổi tiếng tốt hay nỗi tiếng xấu. Do vậy mà danh hiệu này không những được trao cho “Những người làm nên hoà bình” (The Peacemakers) như Yasser Arafat, Yitzhak Rabin, F.W. de Klerk, và Nelson Mandela vào năm 1993, nhà độc tài Adolf Hitler cũng từng được xuất hiện trên trang bìa của báo Time vào năm 1938. Năm ngoái, giải thưởng này được trao cho Mark Zuckerberg, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Facebook.

Dù mang tên gọi Nhân Vật trong Năm nhưng việc bình chọn không bị ràng buộc ứng cử viên phải là một cá nhân. Bởi vậy, năm 1982, danh hiệu Nhân Vật trong Năm được trao cho máy computer, một phát minh đột phá cho văn minh nhân loại vào thời kỳ đó. Đặc biệt, vào năm 2006, Time trao danh hiệu này cho “You”, có nghĩa là “các bạn”, là “tất cả mọi người”, với hàm ý tôn vinh hàng triệu người có những đóng góp tạo nên những trang internet lợi ích, những trang bách khoa toàn thư điện tử Wikipedia hữu dụng cùng những công cụ tiện lợi như YouTube, MySpace, ...

Ngày 14 tháng 12 vừa qua, báo Time công bố Nhân Vật trong Năm lần thứ 84 này thuộc về “Người Biểu Tình” (The Protester). Một lần nữa, Nhân vật trong năm 2011 không phải là một cá nhân mà là một biểu tượng, là Người Biểu Tình, là tất cả những Người Biểu Tình, những người phản kháng trên toàn thế giới, đại diện cho ngọn lửa cách mạng lan tràn từ Trung Đông sang đến Athens (Hy Lạp), từ việc chiếm đóng Wall Street (New York) đến việc xuống đường ở Moscow như tiêu đề trên trang bìa của tờ báo.

Tại Trung Đông, các cuộc biểu tình bắt đầu từ Tunisia, lan sang Ai Cập, Yemen và Libya làm thay đổi các chính phủ cầm quyền. Làn sóng biểu tình có tên gọi “Mùa xuân Ả Rập” gồm các cuộc nổi dậy, tuần hành và biểu tình phản đối chưa từng có ở các quốc gia trong thế giới Ả Rập như Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritania, Saudi Arabia, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Morocco. Làn sóng được bắt đầu từ một cuộc nổi dậy và biến thành cuộc cách mạng tại Tunisia, sau vụ tự thiêu của Mohamed Bouazizi để phản đối tham nhũng và bị cảnh sát ngược đãi.

Ở Tây Âu là các cuộc biểu tình nhằm phản đối tình trạng kinh tế kiệt quệ, khoảng cách quá lớn giữa người giàu và người nghèo, nợ công khổng lồ đã khiến các nước trong khu vực đồng Euro, đặc biệt là tại Hy Lạp, cắt giảm ngân sách ồ ạt và đặt ra hàng loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng khác. Hàng chục nghìn người đã xuống đường ở Athens và những nơi khác để phản đối các tổ chức tài chính và giới chính trị tắc trách đã đưa họ vào hỗn loạn. Cuộc biểu tình tương tự đã làm rúng động Tây Ban Nha. Ở cả hai quốc gia, chính phủ đương nhiệm đã sụp đổ và thủ tướng phải ra đi.

Tại Mỹ, sự trì trệ về kinh tế đã châm ngòi cho cuộc biểu tình “Chiếm lấy Wall Street” của dân chúng với khẩu hiệu “99% dân Mỹ chống lại 1% kẻ giàu có” vào tháng 9 năm nay. Việc biểu tình này nhắm vào các công ty tài chính mà chủ yếu là những người giàu, những người được coi là tài phiệt, những người giàu được “trục lợi” từ khủng hoảng kinh tế, tuy chỉ chiếm một phần nhỏ dân số nhưng lại là những người có khả năng điều khiển và xoay chuyển một cả một nền tài chính quốc gia. Cuộc biểu tình này kéo dài đến mấy tháng, thậm chí còn vượt biên giới nước Mỹ lan sang nhiều lục địa khác. Bên kia bờ Đại Tây Dương, các cuộc biểu tình chống Phố Wall Street còn thu hút đông người tham gia hơn cả ở Mỹ. Lực lượng biểu tình này liên kết với các cuộc biểu tình kéo dài từ nhiều tháng nay nhằm phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

Ở Nga, biểu tình của người dân tại Moscow và nhiều thành phố khác những ngày gần đây lại mang một sắc thái khác. Ngay sau cuộc bầu cử hạ viện, người dân đã xuống đường phản đối kết quả bỏ phiếu. Họ cho rằng thắng lợi thuộc về đảng cầm quyền nước Nga thống nhất là do gian lận bầu cử. Hàng chục nghìn người đã xuống đường tại Moscow, với các khẩu hiệu mạnh mẽ chưa từng thấy như “Nước Nga hãy thức tỉnh”. Người biểu tình đòi chính quyền hủy bỏ kết quả bỏ phiếu hạ viện và tổ chức cuộc bầu cử mới. Họ còn thậm chí đe dọa, nếu chính quyền không đàm phán, họ sẽ tiếp tục phản đối với quy mô lớn hơn.

Đó là những hình ảnh phản kháng suốt trong 12 tháng qua từ Trung Đông, sang châu Âu, sang Mỹ, và sang đến tận Nga, các cuộc biểu tình của người dân khắp nơi đã trở thành đặc trưng trong bối cảnh kinh tế xã hội toàn cầu nhiều bất ổn như hiện nay. “Đây là những người đang làm thay đổi lịch sử và họ sẽ thay đổi lịch sử trong tương lai” Tổng biên tập Rick Stengel phát biểu trên đài truyền hình NBC của Mỹ.

Còn ở Việt Nam thì sao? Từ năm 75 cho đến gần đây, biểu tình hiếm thấy xảy ra ở VN nhưng trong năm nay đã có một số cuộc biểu tình về tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, tranh chấp đất đai của các giáo xứ Công Giáo và của người dân oan với nhà cầm quyền địa phương đã bị công an dùng vũ lực giải tán.Họ cũng là những Người Biểu Tình đáng được vinh danh.

Họ là:
Em bé gái tuổi mới lên 5 lên 6 bước những bước đi nhỏ của mình cùng những bước đi lớn của cha anh
Bà cụ già không nề hà sức khoẻ gióng lên tiếng nói yếu ớt của mình cùng con cháu
Những thanh niên, thiếu nữ uất ức đồng loạt xuống đường

Họ là những Người Biểu Tình, không phải chỉ một người, một cá nhân mà là cả một tập thể đã làm nên “Nhân Vật trong Năm” của Việt Nam. Bằng cách này hay cách khác họ đã chứng minh cho thế giới, cho những kẻ cầm quyền trong nước thấy rằng họ đang đòi hỏi quyền căn bản của mình, quyền được biểu tình mà Hiến pháp của chế độ đã ghi và đang bị lật lọng bóp méo bởi các quy định, nghị định chồng chéo lên nhau. Họ là những người trong tay không một vũ khí phòng thân, họ chỉ có ý chí phản đối những áp bức, bất công, phi lý, độc tài của những người lãnh đạo. Họ đã tạo nên một luồng gió mới mang hy vọng cho xã hội VN chưa từng thay đổi hơn 30 năm nay. Trớ trêu thay! Ở thế giới phương Tây, những người biểu tình được vinh danh, còn ở VN thì họ bị đàn áp, hành hung, bắt bớ và tù tội!

 Sau khi tạp chí Time công bố Nhân Vật trong Năm 2011 là những “Người Biểu Tình” thì các báo “không đâu vào đâu” ở trong nước ngay ngày hôm sau, ngày 15 tháng 12, nhanh nhẹn và đồng loạt đưa tin hùa theo, vô thưởng vô phạt. VnExpress tường trình “Người biểu tình - Nhân vật của năm”, VietnamNet chạy bài “Vì sao người biểu tình trở thành Nhân vật của năm?”, Thanh Niên Online cho đăng bài “Time bình chọn người biểu tình là nhân vật của năm”, còn Tuổi Trẻ Online thì đăng bài “Time bình chọn người biểu tình là nhân vật của năm”.

 Trong khi đó thì các cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng như Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, An Ninh Thủ Đô, Báo điện tử Đảng CSVN, Hà Nội Mới, ... thì biệt vô âm tín. Nói gì bây giờ? Chẳng lẽ Đảng và nhà nước lên tiếng vinh danh những người biểu tình, công kênh những người đang phản kháng họ? Có chăng thì nay mai họ sẽ cho chạy những bài có lời lẽ như “Nhân quyền kiểu Mỹ, có sự câu kết phối hợp của bọn phản động lưu vong ở nhiều quốc gia trên thế giới, nặn ra nhằm kích động, phá rối diễn biến hoà bình của thế giới”.

Tại sao cũng cùng hành động yêu nước ấy, cũng những bước chân xuống đường vì Tổ quốc ấy, ngày xưa là yêu nước thì ngày hôm nay là phản động? Vào thời điểm trước 30 tháng 4 năm 75, mọi cuộc biểu tình ở Sài Gòn đều được Hà Nội ca ngợi là các hoạt động tiến bộ và thường được ngấm ngầm khuyến khích, xách động, để trở thành những phong trào nổi dậy rộng lớn. Giờ thì Hà Nội đã nắm quyền rồi, biểu tình không còn được coi là các hoạt động tiến bộ nữa, nhà cầm quyền đã không khuyến khích mà còn ra sức đàn áp và quyết dẹp bỏ. Chung quy cũng chỉ nhằm mục đích bảo vệ đảng và chế độ.

Trần Việt Trình
19 tháng 12 năm 2011