Ba tư giông bão
Video DEATH TO ENGLAND
Vào chiều tối ngày Thứ Tư, 30 tháng 11, bỗng dưng có những cơn gió thổi mạnh trong vùng Los Angeles, mạnh đến độ làm tắt điện tại Phi trường Quốc tế Los Angeles đến cả tiếng dồng hồ. Đến hôm nay, gió đã giảm cường độ nhưng vẫn làm cho người đi bộ thấy lạnh lẽo. Đấy chẳng qua chỉ là chu kỳ hoạt động của trời đất, có những ngày yên bình thì phải có nhũng ngày giông bão, sau những ngày nắng đẹp là nhũng ngày mưa gió, nhờ thế người ta mói biết quí trọng những gì họ đang có. Cái sự thay đổi này không nhất thiết chỉ giới hạn trong phạm vi thòi tiết mà nó còn biểu lộ trong lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội toàn cầu nữa.
Theo tin tức do các hãng thông tấn loan ra vào ngày 30 tháng 11 năm 2011, Anh quốc vừa ra lệnh cho phái bộ ngoại giao của Iran tại Luân đôn phải rời khỏi nước này trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Đồng thời Anh quốc cũng cho lệnh đóng cửa tòa đại sứ của họ tại Tehran. Đây là dấu hiệu chứng tỏ sự căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Iran nói riêng và giũa Tây phương và Iran nói chung. Đây là hành động của chính phủ Anh nhằm phản đối việc một nhóm người Ba tư đã xông vào đập phá tòa đại sứ của nước này tại thủ đô Ba tư hôm Thứ Ba, lấy cắp một số tài liệu của sứ quán, đốt cờ Anh và bắt giữ sáu công dân Anh.
Đầu đuôi của sự việc bắt nguồn từ quyết định của chính phủ Anh trong tuần trước về việc chính thức đồng ý trừng phạt kinh tế Ba tư bằng cách phong tỏa các trương mục ngân hàng của nước này tại Anh quốc vói lý do Iran tiếp tục phát triển võ khí hạt nhân.
Theo tập tài liệu dày 1 ngàn trang vừa đươc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế công bố vào tháng11 thì sau gần 20 năm thu-thập bằng chứng, cơ quan này đã có thể kết-luận là Ba tư đã gần hoàn tất việc chế tạo võ khí nguyên tử. Những gì mà nước này đã từng nói như là việc làm giàu chất uranium chỉ nhắm vào mục đích sản xuất năng lượng và hỏa bình là không đúng. Nếu Ba tư chế được đầu đạn nguyên tử và họ lại có sẵn phi đạn tầm trung như hiện nay thì Do thái và Âu châu sẽ nằm trong mục tiêu hủy diệt đầu tiên của họ. Việc này không phải là điều lo ngại quá đáng mà là hiện thực. Với sự ngoan cố và hiếu chiến của giới lãnh đạo Ba tư hiện thời đây là việc có triển vọng xẩy ra. Ngày hôm qua, chính phủ Iran đã cho phép dân chúng của họ tổ chức một cuộc biểu tình chống Anh quốc tại Tehran. Thế rồi nhóm biểu tình này tiện thể tràn vào tòa đại sứ Anh tại đây và có nhũng hành động phá hoại nghiêm trọng kể trên.
Ở một nước độc tài như Iran, chính phủ kiểm soát nghiêm nhặt các hoạt động của dân chúng. Cho nên cái chuyện dân chúng tụ tập biểu tình như thế và rồi xông vào đốt phá tòa đại sứ và nơi cư ngụ của phái bộ ngoại giao Anh kiểu này đương nhiên là phải có sự đồng ý của nhà cầm quyền Ba tư rồi. Đươc biết nhóm biểu tình này gồm khoảng 50 người mà phần đông là sinh viên được tuyển dụng từ trong các đại học và có liên hệ với tổ chúc quân sự Basij thuộc Vệ binh Cách mạng Ba tư.
Cái viễn ảnh Ba tư có bom nguyên tử và Âu châu, trong đó có Anh sẽ lãnh đạn ăn bom của Ba tư đang sáng tỏ dần ra, đã khiến cho các nước Âu châu đã phải lo ngại từ bấy lâu nay rồi. Tình hình bang giao giữa Anh và Ba tư đã căng thẳng từ cả hai chục năm nay. Sự kiện dân chúng Ba tư xâm nhập trụ sở ngoại giao Anh tại Tehran và tình trạng tiến triển đáng ngại của chương trình nguyên tử Ba tư là giọt nước làm tràn cái ly đã đầy ắp nước là nguyên nhân đưa đến việc cắt đứt bang giao giữa hai nước. Anh quốc có 24 nhân viên ngoại giao đoàn tại Tehran và Ba tư có 18 nhà ngoại giao tại Luân đôn.
Trong tháng qua, có tin là Anh và Hoa kỳ đang chuẩn bị tấn công Iran. Do thái là nước có triển vọng ăn bom của Ba tư khi nước này chế được đầu đạn nguyên tử. Còn nhớ là trước đây Tổng thống Ba tư Mahmoud Ahmadinejad đã từng nói không hề có nạn diệt chủng người Do thái do Đức quốc xã gây ra và ông này muốn xóa bỏ nước Do thái ra khỏi bản đồ thế giới. Với khuôn mặt và thái độ hung hãn cuồng tín như thế và với quyết tâm chế tạo nguyên tử để đạt mục tiêu thống lãnh vùng Trung đông, xóa nhòa Do thái như thế thử hỏi một mai Ba tư thành công trong việc chế tạo bom nguyên tử Do thái không gặp nguy sao cho được.
Các nước Tây phương cứ loay hoay trong việc đòi trừng phạt kinh tế Iran, phong tỏa dầu hỏa, phong tỏa các trương mục ngân hàng của Ba tư và nay đang tính chuyện cắt đứt bang giao đóng cửa sứ quán. Theo chân Anh, Na uy vừa tạm thời đóng cửa tòa đại sứ của họ tại Ba tư. Riêng Đức, Pháp và Hòa lan đã cho triệu hồi đại sứ của họ về nước để tham khảo. Cái hành động của dân chúng Ba tư xông vào tòa đại sứ ngoại quốc đốt phá, hành hung, bắt giữ nhân viên ngoại giao, ăn cắp tài liệu và hô khẩu hiệu như "giết chết Anh quốc" (Death to England) hai hôm vừa rồi khiến cho các nước Tây phương phải lo ngại và có hành động phòng ngừa là phải. Sự việc trên khiến họ nhớ lại một hiện tượng tương tự đã từng xảy ra tại Tehran trước đây. Vào năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter của Hoa kỳ thanh niên Iran đã xông vào tòa Đại sứ Mỹ tại thủ đô nước này bắt giữ 52 ngườì làm con tin kéo dài 444 ngày. Sự kiện này đã làm cho dân chúng Hoa kỳ bất mãn về sự nhu nhược của Tổng thống Carter dẫn đến sự thất cử của ông ấy và mở đường cho ông Ronald Reagan nhậm chức Tổng thống kế tiếp. Có lẽ Ba tư dù là hung hãn nhưng vẫn biết xem tướng người. Tổng thống Reagan của Cộng hòa là loại diều hâu thứ thật cho nên Iran không dám xem thường. Sau khi Reagan nhậm chức Tổng thống xong, chẳng bao lâu sau, Ba tư đã thả ngay các con tin Hoa kỳ. Sau này, Tổng thống Reagan còn chứng tỏ cho thế giới thấy việc làm và lời nói của ông đi song song. Chính ông đã từng ra lệnh cho phi cơ oanh tạc Hoa kỳ bỏ bom nơi cư ngụ của nhà lãnh đạo Libya Gadhafi khi được tin báo cáo vụ nổ bom tại một phòng trà ở Bá linh bên Đức khiến cho ba binh sĩ Mỹ bị tử thương là do nhân viên của nước ấy chủ mưu.
Nếu cứ ngồi chờ các nước Tây phương có biện pháp thích nghi với Ba tư thì không biết đến bao giờ mói xong và rồi Do thái sẽ là nước lãnh đủ hậu quả trước tiên và lúc đó mọi sự đã trở thành quá trễ. Vì tính cách thực tế, nội các Do thái đã họp và đa số đã đồng ý phải có biện pháp quân sự đối với Iran. Nói cách khác, không quân Do thái sẽ oanh tạc mãnh liệt các cơ sở chế tạo nguyên tử của Ba tư nằm sâu dưới lòng đất. Các nơi này được bao phủ bởi hệ thống vách thép do một nhà khoa học của khối Liên xô cũ giúp xây dựng. Trong tuần qua, có tin cho biết là các tổ chức điệp viên người Ba tư hoạt động giúp thu thập tin tức tình báo cho Tây phương đã bị nhà cầm quyền Ba tư khám phá và bắt nhốt hàng loạt. Chắc chắn những người này đang bị tra tấn dã man để lấy lời khai trước khi họ bị hành hình vì tội phá hoại Iran và phản quốc. Việc đào tạo và cấy người làm gián điệp là việc làm tốn nhiều thời gian, công và của, một việc làm có tính cách trường kỳ và quyết định kết quả thắng bại. Chiến thắng trở nên nhanh chóng và dễ dàng phần lớn là dựa trên tin tức tình báo chính xác thu thập được. Với tình trạng mạng lưới tình báo bị phá vỡ như thế, tin tức thu lượm được trong tương lai sẽ yếu kém đi hay có khi còn bị triệt tiêu nữa. Càng hành động sớm càng dễ có kết quả khả quan. Chính vì thế có tin là vào sau Lễ Giáng sinh này Không quân Do thái sẽ bắt đầu oanh tạc các cơ sở nguyên tử Ba tư. Như thế thì cuối năm nay Iran yên bình sẽ trở thành một Ba tư giông bão. Bề ngoài là một sự thanh bình nhưng không khí chiến tranh khói lửa đã bắt đầu phảng phất bao trùm. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa kỳ Leon Panetta nói rằng Do thái không nên áp dụng biện pháp quân sự đối với Ba tư, vì hành động quân sự thường dẫn đến những hậu quả thảm khốc không lường trước và rất đáng tiếc. Đồng minh muốn nói cái gì thì nói, Do thái cứ dựa vào chính họ và tự quyết định vận mạng của mình. Có lẽ biết thế cho nên giới lãnh đạo quân sự Hoa kỳ nói rằng Do thái sẽ chẳng vấn kế Hoa kỳ khi họ ra tay lần này.
Nội cái việc trừng phạt kinh tế Iran không thôi các nước đã không thống nhất hành động. Tây phương đồng ý, nhưng Trung quốc và Nga phản đối. Đến nay xem ra có hai nước là có thái độ dứt khoát vói Ba tư. Anh quốc quyết đinh chính thức trừng phạt kinh tế Iran sau khi biết được nước này gần hoàn thành chương trình chế tạo võ khí nguyên tử và rút toàn bộ đại diện ngoại giao Anh tại Iran về nước và ra lệnh trục xuất phái bộ ngoại giao Iran ra khỏi Anh ngay sau khi tòa đại sứ của họ tại Tehran bị dân chúng ở đây xâm nhập bất hợp pháp. Thái độ này được biểu lộ qua lời phát biểu của Ngoại trưởng Anh William Hague tại Nghị viện Anh:"Cái ý nghĩ là nhà cầm quyền Ba tư đã không thể bảo vệ tòa đại sứ của chúng ta hay cái ý nghĩ là cuộc tấn công vào tòa đại sứ xảy ra được mà không có sự đồng ý ở một mức độ nào đó của chế độ chỉ là điều tưởng tượng kỳ quặc." (The idea that the Iranian authorities could not have protected our embassy or that this assault could have taken place without some degree of regime consent is fanciful.)
Còn về phần Do thái, họ không nói nhiều, chỉ còn chú trọng vào hành động tấn công Iran bằng quân sự nay mai mà thôi. Bộ trưởng Quốc phòng Do thái Ehud Barak đã báo trước:"Chúng tôi tiếp tục đề nghị vói các người bạn của chúng tôi trên thế giới và vói chính chúng tôi rằng sẽ không có việc loại bỏ bất cứ biện pháp nào." Điều này có nghĩa là hành động quân sự nhằm tấn công chương trình nguyên tử của Iran được bao gồm luôn trong đó và có thể đươc thi hành.(We continue to recommend to our friends in the world and to ourselves, not to take any option off the table.)
Chiến tranh là điều bất đắc dĩ, chỉ đem đến tang thương, chết chóc và biệt ly cho nhiều cá nhân và gia đình, thế nhưng có khi khó tránh khỏi. Lãnh đạo mà chỉ nhắm vào việc đạt được tham vọng cá nhân hay quốc gia bất chấp hậu quả thảm khốc xảy ra cho dân lành thì đất nước đúng là gặp vận xui. Người dẫn đường có khi đưa người ta đi lên và cũng có lúc không khéo đưa cả một dân tộc xuống hố. Người hội đủ tư cách cảm nhận hậu quả của chiến tranh và bản chất của chiến tranh không ai khác hơn Tổng thống Hoa kỳ Dwight D. Eisenhower, cũng là một cựu tướng lãnh qua câu nói:"Tôi chán ghét chiến tranh như thể là một chiến binh đã từng trải nghiệm nó mới có thể chán ghét, như thể là một người đã từng có dịp chứng kiến sự tàn bạo, sự vô nghĩa, sự ngu xuẩn của nó."(I hate war as only a soldier who has lived it can, only as one who has seen its brutality, its futility, its stupidity.)
Nguyễn Văn Huy
Dec.01/2011