Tôi đi soi ruột
Đáng lẽ ra phải nói là tôi đi đến bác sĩ để được soi ruột mới đúng. Chẳng qua ở đời có những suy nghĩ và lời nói được lập đi lập lại thường xuyên và mặc dù là sai be sai bét ra nhưng nhiều người không nhận ra chỉ vì thói quen mà thôi.
Vào buổi chiều ngày 29/11 tôi đến văn phòng Gastroenterology thuộc bệnh viện Kaiser trong vùng Harbor City để làm thủ tục colonoscopy. Đây là một thủ tục trong đó bác sĩ về tiêu hoá và đường ruột dùng một cái ống dài có bề ngang bằng kích thước của một ngón tay, cho vào từ hậu môn của bệnh nhân, đưa sâu vào ruột già của đương sự để soi rọi, dò tìm nhũng dấu hiệu bất thường xuất hiện trên thành ruột, polyp. Nhờ ống mềm và ở đầu ống có gắn đèn và camera cho nên khi ông đi đến đâu bác sĩ nhìn thấy hết bên trong ruột qua một màn hình trước mắt. Có chỗ nào khả nghi, bác sĩ bèn cắt một miếng để sau đó làm thủ tục giảo nghiệm, biopsy, nhằm truy tìm mầm mống ung thư và xúc tiến phần chữa trị.
Thông thường người có bảo hiểm y tế được bác sĩ gia đình nhắc nhở đi soi ruột khi được 50 tuổi. Nếu trong gia đình có người nào đã từng bị ung thư ruột thì bác sĩ khuyên người ấy nên làm sớm hơn. Tôi đã được bác sĩ gia đình giói thiệu đi làm thủ tục soi phần ruột ngoài, sigmoidoscopy, cách đây 10 năm và được nhắc nhở đi làm thêm thủ tục colonoscopy nhưng tôi cứ trì hoãn mãi và phe lờ luôn. Những lý do khiến tôi không hăng hái gồm có:
- Hàng năm nhà thương gởi đến cho tôi một bao thư kèm theo một ống nhỏ. Mỗi lần như thế tôi bèn lấy một chút phân cho vào cái ống ấy rồi cho vào phong bì và gổi lại cho cái lab có tên và địa chỉ in sẵn ngoài bao thư để họ phân tích. Sau một tuần lễ, kết quả thử nghiệm được đưa lên web site của bệnh viện và một e-mail đuợc gởi đến cho tôi để nhắc nhở tôi lên web site ấy xem kết quả. Việc này trôi đều từ năm này qua năm khác.
- Thủ tục nào cũng đi kèm rủi ro. Tôi đã từng nghe nói có một phụ nữ chả hiểu ra làm sao mà sau khi soi ruột xong thì ruột của bà ấy bị thủng lỗ. Khi việc như thế xảy ra, bệnh nhân cần phải được giải phẫu. Nghe nói ruột là nơi qui tụ nhiều mạch máu và giây thần kinh vì thế cho nên mỗi khi ruột bị thương bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau đớn. Biết rằng cái tỉ lệ bất trắc này rất thấp nhưng không phải là không xảy ra và nếu mình lại nằm trong cái phần nhỏ xui xẻo ấy thì thật là chán. Tôi rất sợ lợn lành hoá ra lợn què. Đang khỏe khoắn, lành mạnh, yêu đời bỗng dưng trở thành người tàn tật suốt đời thì thật là dại.
- Tôi lại được chứng kiến cảnh một bà cô bên vợ sau khi uống xong thuốc sổ và trước khi nhập viện để làm colonoscopy bà cô này bị mất sức, yếu hẳn đi, đến độ đứng lên bị hụt chân hụt cẳng. Soi ruột đâu chưa thấy bỗng dưng bà ấy như người bị bệnh nặng. Thế là nhà thương không thể xúc tiến thủ tục được mà phải đưa bà ấy qua bác sĩ khám nghiệm gấp. Người ta tìm ra nguyên nhân là vì sau khi tiêu thụ đến cả một gallon thuốc sổ bà ấy bị mất gần hết chất potassium trong người cho nên yếu sức và bắp thịt bị cứng không chịu tuân theo sự điều khiển của chủ nhân. Bà cô vào dịp sau đó được nhà thương sắp xếp lịch trình đi soi ruột lại. Lần này bà ấy cẩn thận chỉ uống đến 2 phần 3 gallon thuốc sổ mà thôi. Ấy thế mà sau khi soi ruột xong bà ấy lại bị ói mửa dữ dội tưởng nguy đến tính mạng một lần nữa.
- Có người khi soi ruột bác sĩ cho bơm vào trong ấy một số hơi, giống như người ta bơm ruột bánh xe đạp vậy. Việc này khiến bệnh nhân bị đau đớn tưởng chừng như ruột muốn bể ra vậy.
- Trước khi soi ruột, bệnh nhân thường được chụp/chích thuốc mê nhờ thế khi soi người ấy mê man như người ngủ say không biết gì và vì thế không biết sợ. Nghe nói dùng thuốc mê khiến trí nhớ bị suy giảm. Càng lớn tuổi trí nhớ vốn dĩ càng sút đi, bây giờ lại cho thuốc mê vào người già dám nhiễm cái bệnh Alzheimer sớm. Từ bé đến lớn tôi chưa hề có kinh nghiệm với thuốc mê. Không quen, lỡ bị chụp thuốc mê xong không tỉnh dậy được rồi đi tàu suốt luôn thì tính sao đây. Khi nghe đến cái quan tâm này của tôi, một bà chị dâu của vợ tôi đã phát biểu rất vô tư rằng, nếu như thế thì ra đi nhẹ nhàng khỏe biết mấy! Tôi lý sự lại là thà là tôi đang bị một chứng bệnh hiểm nghèo đòi hỏi phải được giải phẫu và gây mê tôi mới sống được thì nếu có mệnh hệ nào trong lúc nằm trên bàn mổ tôi cũng chịu, đằng này tôi đang bình thường, khỏe mạnh, yêu đời mà vì bất trắc của người ta khiến tôi đi luôn là tôi chẳng chịu. Nếu lỡ xảy ra cớ sự tôi có còn sống đâu mà đi kiện nhà thương, kiện tụng sau rốt còn có ích lợi gì nữa cho người đã chết! Tôi nói có bằng chứng chứ phải chơi đâu. Ngày xưa có một ông đồng nghiệp kể cho tôi nghe một câu chuyện như thế này. Một người bạn của ông đem một con chó nhỏ, kiểu fox hay chihuahua gì đó đến phòng mạch của một ông bác sĩ thú y người Phi luật tân nhờ cắt đuôi. Loại chó này phải cúp cái đuôi trông mới đẹp. Gởi con chó cưng cho ông bác sĩ thú y xong ông bạn bèn đi về. Hai hôm sau, ông ấy đến phòng mạch nhận con chó lại. Ông bác sĩ bảo chưa xong. Hôm khác ông bạn bèn gọi cho văn phòng bác sĩ hỏi han, bác sĩ khất lần. Sinh nghi, ông bạn hỏi dồn, cuối cùng ông bác sĩ cho biết con chó yêu quí của thân chủ đã ra đi vĩnh viễn trong lúc nàm trên bàn mổ. Chẳng hiểu bác sĩ cho liều lượng thuốc mê ra làm sao, bất cẩn như thế nào, hay xem thường sinh mạng của con chó hay sao mà sau khi bị làm cho mê đi con chó yêu quí của ông kia không chịu tỉnh dậy nữa. Tưởng là chặt có mỗi cái đuôi chó thì dễ ợt. Đặt cái đuôi của nó trên một cái thớt, chẳng cần thuốc mê thuốc tê gì ráo, cầm con dao phay chặt cái cốp, chớp nhoáng là xong ngay. Thế nhưng khoa học ngày nay tiến bộ, xem việc chặt đuôi con chó là một cuộc giải phẫu, quan trọng hóa vấn đề, hậu quả xảy ra con chó bị chết oan. Ông bạn ức quá, cãi cọ với ông bác sĩ. Tiếc hùi hụi, bỏ bao nhiêu công lao ra, đi tìm mãi mới chọn được một con chó ưng ý. Để cho có dáng vẻ hợp thời trang ông bạn lại muốn cắt cái đuôi con chó đi. Cẩn thận và không ngại tốn kém, ông bạn lại còn đưa con chó đến bác sĩ thú y nhờ dân chuyên nghiệp cắt đuôi để thỏa lòng mong ước, nhưng than ôi cảnh biệt ly sao mà xảy ra sớm quá. Ấy nếu mà ông bạn đừng có cái ý nghĩ chặt đuôi con chó và con chó không bị chụp thuốc mê thì ngày nay nó vẫn còn sống nhăn, quây quần bên người chủ thì làm gì có cái cảnh ly biệt não nùng như thế. Cuối cùng ông bác sĩ thú ý đền cho ông bạn 200 đồng bạc để về mua con chó khác. Dù không muốn ông bạn cũng đã phải ấm ức nhận tiền ra về thôi. Đó là nói về một con chó nhỏ. Thử hỏi nếu sự việc này xảy ra cho chính mình thì tính ra làm sao đây. Nếu việc ấy xảy ra cho kẻ khác, có gì bảo đảm là nó sẽ không xảy ra cho mình!
Trì hoãn soi ruột mãi cho đến lần này kết quả thử phân cho thấy "occult (not visible) blood in stool" trong phân có máu mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Kỳ này là hết tránh né. Cô bác sĩ trẻ của tôi người Mỹ gốc Trung hoa; không biết nói tiếng Tàu, và trong gia đình cô có chồng làm bác sĩ gây mê và ông anh ruột làm bác sĩ giải phẫu cổ, nhà toàn trong ngành y, cứ thế giới thiệu tôi qua Department of Gastroenterology, ngành đường ruột và tiêu hóa để xúc tiến thủ tục soi ruột. Nghe đến bệnh hoạn là tôi chán ngấy. Khoan cái đã, tôi phải đi xa một chuyến, sau hai tuần mọi việc sẽ tính sau. Trong lúc tôi đi vắng nhà thương gọi về nhà để message tới tấp, tưởng chừng như tôi muốn trốn quân dịch vậy. Về đến nhà xong tôi gọi cho bệnh viện vào một hôm Thứ Sáu để xin hẹn gặp bác sĩ đường ruột nhằm sửa soạn cho thủ tục soi ruột. Nhân viên văn phòng hỏi tôi muốn ngày nào, tôi xin hẹn vào ngày Thứ Hai hay Thứ Ba nào cũng được. Cô ấy cho tôi cái hẹn ngày Thứ Hai của tuần kế, vị chi là ba ngày sau. Tôi mới hỏi cô ấy là hôm đó tôi đến văn phòng bác sĩ để bàn về cái thủ tục này phải không, Cô ấy bảo rằng vì kết quả thử phân của tôi là "positive" cho nên hôm ấy là ngày soi ruột. Tôi phát hoảng, sao mà nhanh thế. Làm thế nào tôi sửa soạn cho kịp, vì nghe nói để sửa soạn cho thủ tục này người ta phải nhịn ăn ít nhất trước một ngày và phải uống thuốc sổ mà hậu quả là đương sự sẽ phải đi ra đi vào phòng vệ sinh liên tục. Tôi không theo được vì Chủ Nhật ấy tôi phải đi làm, làm sao mà nhịn ăn và uống thuốc sổ cho được. Tôi xin cho một ngày Thứ Ba khác. Việc này có gì gấp rút. Có phải lửa cháy to và vì thế cần chữa cháy cho nhanh đâu. Cô ấy cho tôi ngày Thứ Ba 29/11. Tôi rất hài lòng về ngày hẹn ấy. Chả là vì vào thời gian Thanksgiving, cơ hội ăn uống lu bù. Để tôi lo ăn nhậu xong ngày lễ cái đã rồi có muốn soi cái gì thì soi. Như thế hẹn ngày cuối tháng 11 là ổn nhất.
Thế là tôi đến pharmacy của nhà thương để lấy thuốc. Họ cho tôi bốn viên thuốc sổ nhỏ xíu tên là Dulcolax và một bình nhựa một gallon có chứa sẵn một loại bột trắng bên trong, kèm theo một gói bột nhỏ có mùi chanh. Dược sĩ giải thích thủ tục và đưa vài mẫu giấy in sẵn lời hướng dẫn cho tôi đem về đọc và làm theo. Nhìn cái bình nhựa chứa thuốc sổ này tôi cảm thấy hơi ngán.
Cách một tuần trước ngày hẹn, em trai tôi gọi điện thoại cho tôi nói chuyện. Được biết em cũng vừa đươc soi ruột xong tôi bèn hỏi thăm. Em bảo rằng cái thuốc sổ này uống vào không đến nỗi nào, nó hơi mặn một chút vậy thôi. Và mặc dù là phải nhịn ăn nhưng một ngày trước đó người em vẫn ăn bún nước như thường, miễn đừng ăn thịt thì thôi. Trước khi soi, bác sĩ sẽ chích thuốc mê. Đương sự sẽ mê đi một lúc. Sau khoảng nửa tiếng là mỏ mắt ra thì thủ tục đã hoàn tất. Lúc đó đầu óc tỉnh tảo nhưng sau khi về đến nhà đương sự sẽ buồn ngủ và sẽ ngủ vùi hết ngày hôm đó. Tôi cũng được một người bạn chia sẻ tin tức tương tự. Anh có thêm là trước một ngày ta có thể ăn cháo trắng. Nói chung không có người nào cảm thấy đau lúc bị soi vì ảnh hưởng của thuốc mê. Nghe thế tôi cảm thấy vững tâm hơn nhiều.
Vào buổi sáng ngày 28/11 tôi cho nước lạnh vào đầy bình nhựa và đổ thêm chất bột có mùì chanh vào cho dễ uống theo sự chỉ dẫn của dược sĩ, rồi cất bình ấy vào tủ lạnh. Người ta chỉ đươc ăn thức ăn cứng, solid food, tối thiểu vào hai ngày trước mà thôi. Một ngày trước ngày hẹn, bệnh nhân chỉ được ăn thức ăn mềm và lỏng, clear liquid như thạch, jell-o, nước táo, nước nấu canh chicken broth, 7-Up....và không đươc ăn, uống thứ gì hay nước có màu vàng, xanh, đỏ.
5 giờ chiều ngày 28/11, tôi bắt đầu uống bốn viên thuốc sổ Dulcolax.
6 giờ chiều cùng ngày, tôi bắt đầu uống một ly thuốc sổ nước Colyte và cứ thế sau 1/2 tiếng làm một ly cho tới khi nào cái bình nhựa chỉ còn 1/3 thì ngưng. Đến sáng hôm sau, sẽ uống hết phần còn lại.
Khoảng 6 giờ 30 ngày 28/11 bắt đầu chuyển bụng (nhưng không phải là để sinh nở gì hết). Thế là phe ta tiến vào phòng vệ sinh. Tôi cứ nghĩ là nếu tối hôm ấy tôi cứ ra vào phòng tắm liên tục như thế thì còn ngủ nghê làm sao được và như thế sẽ mệt đứt hơi. Thế nhưng đến 8 giờ 30 tối tôi đã thanh toán được 2/3 bình thuốc sổ đúng theo dự trù. Sau khi sổ sạch sẽ xong tối ấy tôi chẳng gặp trở ngại gì cả, ngủ nghê bình thường. Sáng 29/11 thức dậy, tôi làm thêm một ly thuốc sổ chót. Tổng cộng, tôi ngốn hết khoảng 8 ly này. Thế là chương trình uống cái chất lỏng này tạm ngưng để chờ đi nhà thương. Nếu cái bình nhựa ấy mà chứa đầy bia hay rượu vang có lẽ tôi tiêu thụ rất nhanh, đằng này lại là thuốc sổ bằng nước cho nên tôi không ham cho lắm. Đúng như lời em tôi nói, cái chất lỏng ấy uống vào không đến nỗi nào, cứ xem như ta uống nước chanh đường vậy.
Thế rồi tôi đến nhà thương đúng hẹn, 2 giờ chiều ngày 29/11. Đến lúc này thì cơ thể uể oải rồi. Hai ngày nay tôi chỉ uông thuốc sổ và nước lạnh, chẳng được ăn gì mệt là phải. Nhớ lại, trước đây tôi thấy các đồng nghiệp gốc Hồi giáo hàng năm vào dịp lễ Ramadan thì phải, trong suốt tuần lễ đó họ tuyệt thực, chỉ uống nước mà thôi. Xem ra lại có cái hay giống như tôi lần này, nhờ thế mà cơ thể thanh lọc được các chất dơ trong người. Sống cả mấy chục năm trời mà tôi chỉ có ăn chứ không có lọc như thế bộ tiêu hóa không thể nào sạch sẽ cho đươc. Kể như đây cũng là cơ hội tốt cho thân thể vậy.
Sau khi ghi tên xong một lúc sau tôi được gọi vào bên trong. Y tá bảo tôi thay quần áo, chỉ mặc một cái áo choàng do họ đưa cho tôi. Họ bảo tôi nằm xuống rồi họ đo nhiệt độ, huyết áp, gắn dây nhợ vào các ngón tay và người, đâm một mũi kim vào một mạch máu trên sống bàn tay phải để sẵn cho bác sĩ gây mê sử dụng và hỏi một số câu hỏi in sẵn trên một tờ giấy và nghe tôi trả lời; đại loại liên quan đến lối sống và tình trạng sức khỏe của mình và cho tôi nằm chờ. Họ đưa cho tôi một mẫu giấy bảo tôi ký vào đồng ý cho nhà thương làm thủ tục. Chung quanh tôi là những người khác, cũng nằm trên giường có bánh xe và đươc chia cách ra bởi một tấm màn. Tình trạng nằm chờ trông giống như tại phi trường với các máy bay đang nằm chờ đợi trên phi đạo để nhận lệnh của đài kiểm soát không lưu lần lượt cho phép chuyển bánh cất cánh vậy. Có một bà bên cạnh phòng tôi thiếu kiên nhẫn cho nên than với ý tá là sao cho bà ấy chờ lâu thế. Có lúc bà ấy nói sao bà ấy chẳng cảm thấy bị mê đi vì ảnh hưởng của thuốc mê gì hết thì cô y tá bảo rằng họ nào đã chụp thuốc mê cho bà đâu, khi nào vào phòng soi và bắt đầu thủ tục bác sĩ mới khởi sự gây mê, chứ làm sớm quá trong lúc thủ tục đang diễn tiến thuốc mê hết ảnh hưởng rồi bà tỉnh dậy sớm bác sĩ đâu có làm xong việc đươc. Nhờ có bà này mói năng huyên thuyên không khí nhà thương cũng đỡ ngột ngạt. Ngoài ra, tôi còn nghe được cuộc nói chuyện giữa y ta và một bà khác. Y tá hỏi thế sau khi uống thuốc sổ xong bà đi cầu ra cái gì, bà ấy bảo ra nước. Y tá hỏi tiếp thế nước ấy có màu gì. Bà kia trả lời màu vàng. Y tá bảo thế là tốt và giải thích thêm là khi nào ruột sạch và trống trơn thì nước thải qua đường đại tiện sẽ chuyển qua màu vàng.
Nằm chờ đến cả một tiếng đồng hồ cuối cùng bác sĩ xuất hiện và kéo cái giường của tôi vào phòng soi. Hôm ấy tình cờ bác sĩ soi ruột cho tôi là một người Việt và bác sĩ gây mê cũng là một đồng hương. Cả hai còn trẻ, khoảng dưới 40 và nói tiếng Việt rành rẽ. Có hai cô y tá đứng chờ sẵn. Bác sĩ T phụ trách soi ruột vặn máy móc lên và nói to "Ready", sẵn sàng. Tôi nằm nghiêng qua bên trái. Trước mặt tôi là một màn hình cỡ 27 inch, tên họ của tôi và ngày tháng hiện trên màn ảnh giống như tôi sắp sửa đóng phim xi nê vậy. Đồng hồ trên tường chỉ 3:40. Bác sĩ Đ gây mê chụp lên mũi và miệng tôi một mặt nạ dưỡng khí xong rồi nói với tôi là ông bắt dầu chích thuốc mê vào sống bàn tay phải có gắn sẵn kim do y tá làm trước đó. Ông nói sau khi thuốc được chích vào tay tôi sẽ thấy rát. Thực tế tôi chỉ có một cảm giác khác lạ hơi mát một chút xíu mà thôi. Tôi nằm mơ màng một lúc rồi tỉnh lại. Nhìn lên đồng hồ trên tường, kim chỉ 3:45. Tức là sau 5 phút gây mê tôi hoàn toàn tỉnh lại. Phòng soi tối hẳn, Trên màn hình tôi thấy phần bên trong ruột già của tôi. Bác sĩ và y tá nói chuyện lao xao sau lưng tôi. Ống soi di chuyển tới đâu trong ruột, nhờ có đèn sáng, camera nằm ổ đầu ống thâu hình đến đó. Lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy cái lòng ruột của tôi, sáng choang, màu mè và rất rõ ràng. Tôi nghe tiếng bác sĩ nói có polyp. Tôi nhìn thấy cách thức bác sĩ cắt polyp như thế nào. Bác sĩ nói cut polyp. Thế là một cái dây thòng lọng được đưa vào bọc quanh cái polyp và xiết nhỏ dần nhanh như chớp cắt lìa nó ra. Lúc polyp bị cắt ra tôi nhìn thấy máu phun ra mờ mịt đỏ chói cả màn hình chẳng khác gì lúc người ta đang lái xe có cơn mưa to đổ xối xả trên mặt kính trước của xe vậy. Tổng cộng bác sĩ tìm ra hai cái polyp. Đến 4 giờ thủ tục hoàn tất. Như thế là tôi được xem phim soi ruột 15 phút. Tổng cộng thời gian soi là 20 phút. Cảm giác của tôi hôm ấy nói chung là thú vị lắm. Trong lúc thủ tục nội soi được xúc tiến đầu óc tôi tỉnh táo hoàn toàn và bụng không nghe đau chút nào hết. Xong việc bác sĩ nắm cái giường của tôi và kéo ra bên ngoài. Ông ấy nói với tôi là tôi có hai cái polyp, sẽ chờ xem biopsy như thế nào để quyết định bao nhiêu năm sau tôi phải soi lại. Đến lúc ấy tôi khỏe khoắn hoàn toàn chẳng cảm thấy thuốc mê gì hết, có thể đi đứng và lái xe một mình cũng được. Thế nhưng theo đúng thủ tục, sau 10 phút cho nằm chờ xong cô y tá ra gọi người nhà của tôi vào để chở tôi về.
Hai ngày sau, 1/12 nhà thương Kaiser gởi cho tôi một e-mail. Mở thư ra tôi thấy bác sĩ soi ruột của tôi gởi cho tôi một lá thư nội dung nói rằng cuộc giảo nghiệm cái polyp của tôi cho thấy không có mầm mống ung thư và tôi sẽ cần phải soi ruột lại vào 5 năm tới. Soi ruột kiểu này theo kinh nghiệm cá nhân của tôi lần này chẳng có gì đáng ngại cả. Có lẽ nhờ sự cải tiến nhanh chóng kỹ thuật y khoa. Tôi thấy như thế nếu nhà thương và bác sĩ cho tôi soi ruột mỗi năm một lần cũng chả sao, thấy dễ như ăn bánh vậy, piece of cake!
Ấy thế mà buổi tối hôm ấy có dịp nói chuyện với một người bạn tôi mới nhận ra là trông thì giản dị đấy nhưng xem ra thủ tục soi ruột nó phức tạp và nguy hiểm với một số người. Bạn tôi bị yếu tim. Có một lần anh dự định soi ruột nhưng lại không được hỏi han và thông báo kỹ lưỡng. Hôm anh nhịn ăn tim anh tăng nhịp đập. Rồi vì uống cái thuốc sổ bằng nước có vị mặn ấy nhịp đập của tim tăng lên 140. Trước khi soi ruột bác sĩ nhìn thấy nhịp tim như thế bèn chuyển nhanh anh bạn qua phòng cấp cứu để vô thêm nước biển và thêm chất đường. Cái thuốc sổ làm mất chất potassium và chất đường. Hai chất này lại không được tăng cường vì người ta phải nhịn ăn từ một cho đến hai ngày, tùy theo lịch trình giờ giấc soi ruột được ấn định như thế nào. Nếu thủ tục được thực hiện vào buổi sáng, đương sự chỉ chịu đựng đói meo có một ngày. Nếu thủ tục bắt đầu vào buổi chiều thế là đương sự phải nhịn ăn đến hai ngày. Ăn quen mà phải nhịn mà lại nhịn lâu nữa thì rõ ràng thấy đời là bể khổ ngay tức thì. Rồi nếu cơ thể có phản ứng đối với thuốc men nữa khiến cho đương sự tưởng là có thể chết đi được thì như thế là rõ khổ hoàn toàn! Cho nên đối với tôi có một nơi mà chẳng có bao giờ tôi muốn đến trừ phi bắt buộc là nhà thương và có một người mà chẳng bao giờ tôi muốn gặp, đó là bác sĩ. Phải đến nơi đó và phải gặp người đó y như rằng là mình có vấn đề!
Nguyễn Văn Huy
Dec.03/2011