Wednesday, December 21, 2011

Văn học hải ngoại


Đọc Ru của Kim Thúy
(Nhà xuất bản: Liana Levi, Paris)

Một tên tuổi xa lạ. Đó là một phụ nữ trẻ, gốc Việt, hiện sống ở Canada. Cũng như bao nhiêu người Việt sau biến cố 30/04/1975 đã bỏ nước ra đi, gia đình cô bé Kim Thúy cũng đã tìm cách vượt biên bằng thuyền đến Mã Lai, được đưa vào trại tị nạn, sống ở đấy chờ đợi cho đến khi được nhận vào đệ tam quốc gia là Canada.

Kim Thúy sinh tại Sài Gòn trong một gia đình thuộc giai cấp trưởng giả, nhiều thành viên trong gia đình có chức tước hay ít ra cũng sống một cuộc sống thong thả mà với xã hội Sài Gòn hồi ấy, nếu cô chịu tiết lộ một số tên tuổi thì có lẽ chúng ta sẽ có thể nhận ra cô là ai, thân phụ cô hoặc những bà con xa gần của cô là những người nào; tiếc thay cô đủ kín đáo và kiêu hãnh để không nói rõ hơn.
Kim Thúy sinh đúng vào Tết Mậu thân, một biến cố lịch sử mà không một người dân miền nam nào có thể quên được cho dù họ thuộc phe nào, khuynh hướng chính trị nào. Cô lên mười tuổi khi gia đình cô lên thuyền vượt biển trốn khỏi Việt-Nam.

Cuốn truyện kể (récit) mang tựa đề là RU vừa có nghĩa tiếng Việt vừa có nghĩa Pháp. Trong Pháp ngữ : giòng suối nhỏ, theo nghĩa đen, và sự chảỵ (chảy nước mắt, chảy máu, chảy… tiền) nghĩa bóng - theo tự điển Robert. Tác giả cho biết là cô từng là chủ một quán ăn ở một thị trấn nào đó thuộc xứ Canada, mang tên là Ru de Nam. Khi lấy tên ấy làm tên tác phẩm đầu của mình hẳn tác giả có một dụng ý.
Nếu ai muốn tìm trong RU một câu chuyện có đủ đầu đủ đuôi với chi tiết rành mạch hẳn người ấy sẽ thất vọng. RU không là truyện trong nghĩa cổ điển của nó. RU chỉ là những thủ thỉ của người bạn ghé nhà chơi với ta trong vài hôm, cứ mỗi sinh hoạt hàng ngày giữa ta và người ấy thì người ấy nhớ một điều gì đấy và sẽ kể cho ta nghe. Câu chuyện không đầu không đuôi, không theo thứ tự thời gian, thậm chí có nhiều nhân vật ta không biết hắn đóng vai trò gì trong đời tác giả. Nhưng nghĩ lại, ta tìm biết hắn để làm gì chứ ? Cái quan trọng không phải căn cước, gốc gác hắn mà ý nghĩa sự có mặt của hắn trong phút đó, phút mà tác giả cho phép ta nhìn thấy hắn. Hắn cũng chẳng làm gì nhiều nhưng hắn hiện ra dưới nét phác họa của tác giả và ta cũng bắt chước nhìn hắn theo cách người viết. Ta không thể có ý kiến khác được vì người viết vừa độc tài mà vừa kiệm lời. Ta có thể có cái nhìn khác về một nhân vật như Tào Tháo trong Tam Quốc Chí chẳng hạn nhưng ta không thể nghĩ khác về ông Minh, một nhân vật được vẽ theo trí nhớ của cô bé Kim Thúy mười sáu tuổi vừa đi học vừa đi làm cho một phòng răng, khi chiều về cô ghé qua tiệm ăn nơi bố cô làm việc, ở đó cô được quyền có một góc để ngồi học bài trong khi chờ bố và nhân đó cô quen với ông Minh người đã từng du học Pháp, môn văn chương tại đại học Sorbonne, bây giờ ngồi viết đi viết lại những giòng chữ vừa để quên đi cái bi hài của đời sống mà cùng lúc duy trì quân bình cho tinh thần.

Cuốn truyện vừa in ra là được đón tiếp nồng nhiệt, được dịch và in trên nhiều nước. Ở Pháp truyện được chọn nhận giải Lire-RTL (Lire là tên của một tạp chí văn chương chuyên ngành và RTL là hãng truyền thanh và truyền hình). Vào chiều ngày 10 tháng 5, 2010 nhân buổi lễ khai mạc tuần lễ sách tại Paris (Salon du Livre) người phụ nữ nhỏ bé mảnh mai ấy đứng giữa hai ông hộ pháp François Busnel chủ bút tờ Lire và Philippe Labro giám đốc đài RTL, cả hai đều là những nhà văn nổi tiếng, trịnh trọng trao giải thưởng cho Kim Thúy và giải thích lý do sự chọn lựa tác phẩm của cô. Sau khi RU ra mắt tại Pháp thì nghe rằng ở Canada sách cô không còn tìm thấy trên kệ nữa. Số sách in đã lên đến 25, 000 cuốn.

Bản chúng tôi có trên tay là ấn bản của Paris 2010, do nhà Liana Levi còn ở Canada thì do nhà xuất bản Libre Expression in năm 2009.

Nghĩ về RU:

Trong nỗ lực sáng tạo, mỗi người có cách thế diễn tả riêng tùy theo thẩm mỹ quan của họ, dù vậy, vẫn có một hướng chung. Nghệ thuật, hồi sơ khởi, có khuynh hướng bắt chước thực tại, càng giống chừng nào càng hay chừng ấy. Và quả thật qua một quá trình dài gắng sức, nghệ thuật đã đạt tới mức tinh vi, nhại y chang cái thực, đến nổi con người tinh tế như Mạc Đỉnh Chi khi đi sứ nhìn thấy bức thêu mấy con chim mà ngỡ là chim thật. Nhưng rồi khi đã đạt mức thượng thừa, nghệ sĩ mới nhận ra rằng thực tại còn có một phần chôn dấu. Phải đào lên cho được phần chôn dấu đó, phần linh hồn, phần không hình dáng và chính cái phần ấy mới là thiết yếu, mới là chất sống, còn cái giống y chang kia chỉ là bề mặt.

Không chỉ riêng hội họa mà bất cứ lãnh vực nào của nghệ thuật cũng gồm trong đòi hỏi ấy.
Với văn chương, rõ ràng là có hai khuynh hướng, khuynh hướng mua vui cũng được một vài trống canh (mặc dù Tiên Điền tiên sinh khiêm tốn bảo vậy khi trứ tác truyện Kiều, nhưng chắc chắn người phải nhìn xa hơn nhiều) và khuynh hướng ngược lại. Hôm viết giới thiệu cuốn sách của bà Kim Thúy mới ra lò trên một trang báo, tôi vội vàng muốn loan tin cho nhanh nên chưa kịp đọc cuốn sách. Vì chưa đọc, tôi cẩn trọng nhưng cũng ráng thòng một câu chót rằng điều quan trọng không phải là viết cái gì nhưng là viết như thế nào. Mọi sự xảy ra trên quả đất này đều đã có người nói đến, công việc chúng ta làm hôm nay chỉ là lập lại, vì lập lại nên phải tìm lối đi mới. Biến động lịch sử của đất nước trong những năm vừa qua tưởng là mới nhưng giờ cũng đã cũ, bên này bên kia đều đã nói đến. Bằng đủ giọng điệu. Vui và buồn, hồ hỡi và tuyệt vọng, phấn khích và chán chường, hợm hĩnh và hậm hực. Cuối cùng là lạnh nhạt dửng dưng. Thậm chí có kẻ khuyên đừng nói đến nữa. Làm sao được? Làm sao ta có thể phủ nhận được một quãng đời qua, huống chi quãng đời ấy đau thương đến điều, làm ngơ sao nổi? Nói như Xuân Diệu, để riêng tây như có chỗ không đành. Thì nói lên vậy. Nói lên từ góc nhìn của mình dù nó nhỏ hẹp khiêm tốn riêng lẻ đến đâu…

Nổi khổ đau không thể nào đo đếm, không đo đếm thì không so sánh. Đứa trẻ ấy được sinh ra trong khói lửa, không khói lửa nào hơn khói lửa Mậu thân, thế nhưng nó không hề ý thức được chuyện đó cho tới lúc hòa bình. Hòa bình rồi nó mới biết đất nước nó nằm trong chiến tranh. Động từ không được dùng ở thì quá khứ mà trong thì hiện tại, rõ ràng như vậy, nó không viết sai văn phạm đâu. Là vì nó được bao bọc che chở bởi gia đình, bởi giai cấp xã hội, bởi không gian Sài Gòn.–có một không gian Sài Gòn riêng lẻ không biết đến súng đạn trong không gian rộng lớn Việt Nam đùng đùng tang tóc đau thương. Thậm chí, cả bố mẹ nó nữa: người ta còn nhớ khung cảnh nó mô tả khi những người lính của khải hoàn dép râu mũ tai bèo vào nhà nó để chiếm giữ thì bố mẹ nó vừa từ sân tennis trở về tay còn cầm raquette và mặt đẫm mồ hôi thể thao! Những điều nghịch lý được kể bằng một giọng trầm tĩnh khó tin. Nó phản ảnh tâm trạng hồn nhiên, một thứ hồn nhiên của địa đàng khi chưa phân biệt thiện ác. Người ta tưởng nhìn thấy đứa bé (và ngay cả sau này, không còn bé nữa) hai mắt mở to, tròn, trong sáng nhìn sự vật, không hề nhìn ra phía sau để biết có gì thu dấu tráo trở. Với giọng điệu ngây thơ ấy, nó kể về súng nổ đạn bay, về chuyến vượt biển bằng thuyền, về những ngày vất vả trên trại tạm cư ở Malaysia, và chót hết một thành phố Canada mang tên Granby. Vượt được lối kể chuyện ước lệ thông thường của truyền thống hát bộ với nhân vật mặt đỏ mắt sáng là người trung, mặt trắng là đứa nịnh, khi đau thương thì giọng ai oán, khi phẫn nộ thì inh ỏi kèn trống phèng la… không, nó chưa biết luật lệ ấy, hay đúng ra, bất chấp thứ luật lệ ấy. (Cũng nên nhớ rằng những kẻ áp dụng qui luật phần nhiều lại là những kẻ không sống thật vì lý do này hay lý do khác mà vẫn phải viết nên đã chọn lựa phương pháp ước lệ dễ theo nêu trên). Giọng đứa trẻ đều đều, một vài hình ảnh, một chút sự kiện nhưng rất nhiều tâm tình. Ở đâu cũng có giọng tâm tình, rất Việt Nam, nên khi truyện được đặt dưới mắt người Tây phương thì họ tìm thấy ở đấy chất thơ mà tinh thần cartésien hiếm khi biết tới. Vì vậy độc giả hãy vứt bỏ thái độ đọc truyện để biết kết quả cuối truyện ra sao; ở đây không là truyện, chỉ là lời ru, tiếng thì thầm tỉ tê trước cho mình, sau cho người. Người viết cố tâm không theo thứ tự thời gian, nghĩ gì viết nấy, xáo trộn hôm qua và hôm kia ngày sau và ngày trước, những khốn khổ không đòi phải nhăn mặt chau mày, những phẫn nộ không cần đưa nắm đấm ra dọa nạt, nó âm thầm day dứt đến mỏi mệt.

Và như thế, nó biến nên lời ru.

Chúng ta thường vẫn có niềm tin ngây thơ vào một cuộc sống trôi chảy thông suốt. Người mẹ trao cho con sứ mệnh nối tiếp của giòng họ, truyền thống; đứa con cũng tin vậy và sẵn sàng đảm nhận bổn phận đó. Cái tinh thần bảo tồn giòng họ, đứa con vẫn nuôi dưỡng. Nó tưởng vậy, như một sự nối dài – extention, như cái tiếp theo – suite. Nhưng chỉ một cú trở mình của lịch sử đủ để khuấy động, cánh tay lịch sử vươn ra chạm không sót cá nhân nào nằm trong cộng đồng. Tác giả có lối ví von nghe thật ngộ nghĩnh: lịch sử đã ném những thanh giọng của tên chúng tôi xuống giòng nước khi đưa chúng tôi vượt vịnh Xiêm La vào ba mươi năm trước.(1) Tác giả tên Nguyễn An Tịnh và mẹ bà tên Nguyễn An Tĩnh, chỉ khác nhau chút thanh giọng trên chữ I như muốn tìm liên hệ mẹ con ngay cả trong lối đặt tên, hàm ý nối kết trên những phương diện khác, nhưng khi đến xứ người thì dấu nặng hay dấu ngã cũng bằng thừa. Nó đã làm gãy đổ mộng ước nối dài cánh tay mẹ con. Đứa bé còn dại dột lắm, “dại dột” ngay cả trên thân xác chưa phát tiết chưa phân biệt phái tính, những đứa trẻ với hình dáng gầy gò cạnh góc (anguleux) đến nổi người y sĩ khám sức khỏe chúng trước khi nhận vào đất mới thay vì nhận ra qua thể dáng hay bởi câu hỏi cộc lốc “boy or girl”, thì chỉ việc kéo căng lưng quần dây thun và dài cổ nhòm vào phần chia nhánh trên đôi chân khẳng khiu! Cử chỉ có điều thô bạo để người viết được quyền qua đó nói lên tính chất bi-hài của cuộc đổi đời. Cũng với cái mặc cảm tự ti vì xương xóc ấy mà đứa bé viết bài ngợi ca hình thể cô giáo dạy tiếng Pháp đầu tiên. Cô giáo Marie France ấy thôi miên bảy đứa trẻ Việt nhỏ tuổi nhất (chắc gì cả bảy mà chỉ một thôi) nhờ lúc lắc chậm chạp đôi hông phì nhiêu, đôi mông tròn trịa đầy đặn, như bà mẹ ngan chăm sóc con, cúi xuống bảo: “Tôi tên Marie France, còn em tên gì?”

Giữa hiện tại tuy chưa rõ dáng nhưng nhiều hứa hẹn yên hàn bổng thòi ra một mảnh vở quá khứ tối tăm. Không, nó không bao giờ hoàn toàn tối tăm đối với tác giả. Vì bà biết cười. Tuy chua chát nhưng vẫn được coi là nụ cười. Bà nhớ tới cái chòi trong khu tị nạn Malaysia mà năm gia đình đã chung sức dựng lên trên khoanh đất sét đầy bùn nhão với những thân cây đốn trộm trong cánh rừng bên, những tấm ván ép có sẵn dùng làm chỗ nằm và lợp bằng tấm màn và những chiếc bao bố tháo ra từ các túi gạo. Những đêm mưa, toàn bộ hai mươi lăm thành viên của năm gia đình mỗi người giữ trong tay một lon sắt hứng nước mưa từ trời rơi xuống và tưởng tượng nếu có người biên đạo múa, có anh nhạc sĩ hay nhà quay phim thì tùy cảm quan đón nhận, mỗi người sẽ tạo dựng tác phẩm tương lai của họ theo cách họ nắm bắt.

Tôi cũng nghĩ như Philippe Labro rằng văn Kim Thúy có chất thơ, thơ trong hình ảnh và trong ý tưởng. Cùng với anh chàng Wyatt người đọc theo bà vào gian hàng của hai vị nữ lưu quá tuổi thanh xuân để tìm lại những cổ vật giúp ta sống lại một đoạn đời đất tổ từ chiếc sập gụ, chiếc gối sứ cho đến cốc trà, lát mứt gừng và nhất là tá áo dài đã khuấy động tâm hồn Wyatt (It stirs my soul). Cũng có thể chính nơi này tôi …gặp bà (trong một cuốn truyện tôi đã nói đến mảnh tam giác da thịt người nữ qua chỗ hai tà áo xẻ) le centimètre carré de peau qui s’y est révélé…

Chúng ta bắt gặp vài cái tên con trai khác nhau trên trang giấy, không biết tên nào là tên chàng nhưng tình cảm thì thâm thúy ăm ắp như nhau. Ái tình theo quan niệm tây phương có cái đẹp riêng của nó, thẳng thắn, trong sạch, không e ngại thứ luân lý ngàn năm như con dao bén ngót treo trên đầu chỉ chực hạ xuống chém cái phụp vào cổ kẻ phạm tội. Chàng Guillaume mang chiếc T-shirt nồng mùi thuốc giặt hiệu Bounce về Hà Nội nhắc tác giả cái bến đậu mà bà chọn lựa. Bà nhận ra cái mùi không có chi đặc biệt, đơn giản, tầm thường đó được giản lược trong định nghĩa của tổ ấm, trong khi bà đang giữa Hà Nội với mọi mùi vị nồng nàn nhiệt đới.(2) Con người quay lưng lại quê hương không mặc cảm. Lịch sử chiến tranh Việt Nam đã tạo nên trường hợp đó!

Thế đấy, những chi tiết vụn vặt, những suy nghĩ vẩn vơ làm nên non một trăm rưỡi trang giấy, tôi cho là thú vị –và cũng có khi sâu sắc. Chúng là những bài thơ hết sức riêng tư. Chúng không nói giùm cho ai cả, chúng chỉ nói cho người viết. Nhưng đao to búa lớn làm gì nhỉ? Cố gắng phác họa những bức tranh toàn cảnh nhưng chẳng thổi được sinh khí vào khung vải thì cũng vô ích thôi. Khiêm tốn làm công việc nhỏ thành công chẳng hơn sao? Vả lại, nét độc đáo chính ở nơi ấy. Ở chỗ ít lời để còn dành lại nửa trang giấy trắng vô ngôn!

Đặng Đình Túy

Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà văn người Canada gốc Việt đoạt giải Văn chương 2010 của Thủ Hiến Canada (The Governor General’s Literary Awards). Đây là giải Văn chương lâu đời và cao quý nhất tại quốc gia này cho những tác phẩm viết bằng Anh và Pháp ngữ.

Tại trang “Canada Council for the Arts, về tác phẩm “Ru” của nhà xuất bản Libre Expression, Groupe Librex; do Messageries ADP phát hành, bản tin ngày 16 tháng 11, năm 2010 ghi:

“Đây là một cuốn tiểu thuyết tự truyện mẫu mực. Cả cuốn truyện không hề gợi lên những ý niệm của sự tự yêu hay sự tự thương hại. Sự kiện quan trọng khi Việt Nam sụp đổ được tác giả vẽ lại bằng những đường nét tinh tế, qua hình ảnh của đời sống hàng ngày của một người phụ nữ đã phải tạo lại chính mình ở một xứ sở khác. Một cuộc hành trình bi thảm được kể lại bằng giọng văn sắc bén, nhạy cảm và hoàn toàn khiêm nhượng.”

Tác giả quyển tự truyện “Ru” theo cha mẹ từ bỏ chế độ đàn áp khắc nghiệt, vượt biển đi tìm tư do khi mới 10 tuổi (1978). Đến Quebec, Canada tác giả trở thành một thiếu nữ hái rau, một người thợ may, và một cô đứng giữ két... để đi học.

Tốt nghiệp Luật (1993) sau khi đã học xong khoa Ngôn ngữ Và Dịch thuật (1990) tại Đại học Montréal, tác giả cuốn “Ru” đã đi làm người thông dịch, làm việc dịch thuật, làm luật sư, làm nhà hàng, làm người bình luận về ẩm thực và gần đây nhất làm người viết tiểu thuyết.
Lý Kim Thúy sinh năm 1968 tại Sài Gòn, cùng hai anh/em và cha mẹ sang sinh sống tại Montreal sau một thời gian tạm trú ở trại tị nạn Mã Lai.

Tác giả kể lại cuộc hành trình không bình thường của mình trong tác phẩm đầu tay, cuốn tự truyện “Ru”. Cuốn tiểu thuyết tức khắc thành công tại Quebec và Pháp và sắp được dịch sang tiếng Tây Ban Nha (Spanish), Ý (Italian), Thụy Điển (Sweeden) và tiếng Đức (German).

Nhật báo Pháp, Le Figaro, viết, “văn của Kim thúy chảy như những vần thơ – nó chuyên chở và khuây khỏa; nó đầy sinh lực và bắt người đọc suy nghĩ.”

Trà Mi