Văn Hoá “Cà Chớn”
Tác phẩm cà chớn trên thị trường chữ nghĩa
Trong những ngày gần đây, tại VN rộ lên những cái gọi là “tác phẩm văn học” được một vài nhà xuất bản tung ra thị trường chữ nghĩa rồi lại bị thu hồi khiến nó bỗng nổi tiếng và được nhiều người tò mò tìm đọc. Cái trò sách bị tịch thu bao giờ cũng bán chạy, tưởng như một “nghịch lý” mà không phải “nghịch lý” này trở thành một chiêu quảng cáo rất hấp dẫn, mang lại kết quả rất béo bở cho mấy nhà phát hành. Hai cuốn sách đã cho xuất bản, bày bán cả mấy tháng trời mới bị tịch thu. Đó lá cuốn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” và cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”.
Cuốn sách “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông (tập truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên, Sách Phương Nam- NXB Hội Nhà Văn 2011) sẽ phải thu hồi trong vòng 10 ngày, theo quyết định của chánh thanh tra Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM ký ngày 1-11. Quyết định này còn buộc Công ty Sách Phương Nam phải nộp phạt 7,5 triệu đồng do cuốn sách trên “truyền bá lối sống dâm ô đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Cuốn sách này gồm 13 truyện ngắn, được phát hành trên toàn quốc từ tháng 4-2011, tuy nhiên đến nay chỉ có TP.HCM quyết định tịch thu sách. Hiện đang gây nhiều tranh cãi, và khi tôi ra nhà sách chuyên “bán lậu” loại này cũng hết nhẵn. Vậy chúng ta sẽ bàn đến khi tôi mua được sách “lậu” kia.
Trong bài này, tôi điểm qua cuốn sách được coi là rất kỳ cục cũng vừa bị tịch thu. Đó là cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”. Mời bạn đọc nhìn vào nội dung cuốn sách xem nó mang lại những gì cho độc giả.
“Sát thủ đầu mưng mủ” là cái quái gì vậy?
Trước hết, ngay cái tên truyện “SÁT THỦ ĐẦU MƯNG MỦ” chẳng mang một ý nghĩa nào chứ đừng nói đến ý văn học hay giáo dục. Nó cũng chẳng là thứ truyện bằng tranh giải trí cho trẻ em. Nó có phần nào phản ảnh được tâm trạng… bừa phứa, ăn nói lung tung, kém văn hoá của một số lớp trẻ hiện nay ở các thành phố lớn mà người ta thích gọi là “tuổi teen”.
Cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” do Công ty Văn Hoá Truyền thông Nhã Nam đặt hàng cho hoạ sĩ Thành Phong thực hiện và ông hoạ sĩ này đã mất 5 tuần để thực hiện các bức tranh. Mỗi bức tranh mang một “thành ngữ” mà ông tự nhận đây là cuốn sách thu thập “các thành ngữ sành điệu” của giới trẻ. Vậy sự “sành điệu” đó như thế nào?
Từ trang bìa đến nội dung cuốn sách, người đọc được giới thiệu những bức vẽ có phần dễ dãi như loại biếm hoạ trên các trang báo hàng ngày, mục đích có lẽ chỉ để chọc cười. Cuốn sách tập hợp 120 câu nói thông dụng, cửa miệng hiện nay của giới trẻ như “Ngất ngây con gà tây”, “Phi công trẻ lái máy bay bà già”, “Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt quá”, “Tào lao bí đao”, “Tự nhiên như cô tiên”, “Xấu nhưng biết phấn đấu”, “Đói như con chó sói”, “Một con ngựa đau, cả tàu được thêm cỏ”, “Một điều nhịn là chín điều nhục”, “Cái khó ló cái ngu”…
Sự phản bội văn hoá và đạo đức dân tộc
Cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” được phát hành trong tháng 10-2011. Vừa “ra lò”, nó đã nhanh chóng trở thành “cẩm nang” của hầu hết giới học sinh thành phố. Đọc những câu cú trên đây, hẳn bạn đọc đã thấy rõ có những câu vô nghĩa bị kết tội là rẻ tiền, là làm nghèo tiếng Việt cũng không sai. Cứ cái đà ấy cuốn sách kéo dài một cách trơ trẽn, đầu độc những cái đầu non trẻ. Chúng sẽ dựa vào sách để bắt chước, “sáng tạo” ra những câu cú tục tĩu, kỳ quái hơn nữa. Đã có rất nhiều ý kiến phản đối kịch liệt, cho rằng đây là một cuốn sách nhảm nhí, xuyên tạc thành ngữ, tục ngữ Việt Nam và làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Chị Thanh Hà, một nhân viên ngân hàng lên tiếng: “Tôi không hiểu vì sao một cuốn sách nhảm nhí như vậy lại được kiểm duyệt để xuất bản. Những câu thành ngữ, tục ngữ của cha ông như “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” bị cải biên, xuyên tạc một cách trắng trợn. Thử hỏi, với các cháu nhỏ lứa tuổi tiểu học khi cầm những cuốn sách này, các cháu sẽ học được điều gì?”.
Hoặc những câu “Có chí thì ghê”, xuyên tạc mất ý nghĩa giáo dục tinh thần của câu “Có chí thì nên” của ông cha ta bao đời để lại cho con cháu noi theo. “Một điều nhịn là chín điều nhục”, “Cái khó ló cái ngu”… toàn là những câu phản lại truyền thống đạo đức VN.
Việc phổ biến rộng rãi những câu nói này sẽ hình thành trong giới trẻ thói quen ăn nói hời hợt, nghèo nàn về văn hoá, thậm chí phản bội văn hoá. Vì thế, không thể in thành sách những câu nói như vậy. Đúng là một cuốn sách cà chớn chưa từng thấy trong lịch sử xuất bản văn học VN.
Vậy mà nó còn được bán ra thế giới!!!
Cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” xuất hiện trên trang bán hàng trực tuyến Amazon (ấn bản Kindle, sách điện tử) với giá 7,99 USD. Sách được bán theo nhượng quyền xuất bản ở Mỹ giữa công ty Nhã Nam – Nhà xuất bản Mỹ Thuật với Indochine Media Inc, một công ty truyền thông có trụ sở tại Milpitas, California.
Theo ông Dương Thanh Hoài, Phó giám đốc công ty Nhã Nam, thủ tục chuyển nhượng quyền xuất bản “Sát thủ đầu mưng mủ” ra thị trường Mỹ và quốc tế đã được thực hiện ngay từ khi cuốn sách ra mắt bạn đọc trong nước, chứ không phải sau khi bị ngưng phát hành. Ông Thanh Hoài cho biết: “Chúng tôi rất vui vì đây là lần đầu tiên sách Việt Nam có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, phục vụ cho những người Việt Nam muốn biết thêm về cái mới trong lời ăn tiếng nói, ngôn ngữ trong nước”.(Hình 1: Tranh vẽ dạy các cháu cách sống vô cảm trước đồng loại: “một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ”!)
Bạn Nguyễn Huy Trường phản ứng ngay trên báo: “Khác gì một sự sỉ nhục tiếng Việt. Cuốn sách đầu tiên được xuất bản ra Thế Giới… là thế này đây? Nhiều lúc không hiểu các bác ấy nghĩ gì nữa, vì vài đồng tiền mà đem một sự bôi nhọ Văn hoá VN ra bán cho thế giới? Buồn cười với câu nói của ông Phó GĐ Nhã Nam “… cái mới trong lời ăn tiếng nói, ngôn ngữ trong nước”. Ông cho cái này là cái mới, cái tiến bộ sao?”(Hình 2: Tranh vẽ khuyên người ta nên dùng bạo lực: “một điều nhịn là chín điều nhục”!)
Và cũng ở trên mạng, một độc giả đã cảnh báo: “Vậy thì hãy chuẩn bị tư tưởng để chấp nhận việc một ngày nào đó, con cháu các anh chị sẽ nghêu ngao rằng: “Công cha như miếng rau câu./ Nghĩa mẹ như nước trong cầu chảy ra”.
Nếu thế thì chẳng còn gì để nói. Sự xuống cấp của văn hoá đến thế là cùng. Chắc bạn không ngờ được!
Đọc hết toàn bài : Văn Hoá “Cà Chớn”
Văn Quang
Viết từ Sài Gòn (23-12-2011)