Thursday, December 29, 2011

Orchid Lâm Quỳnh


Xanh màu cổ tích

Tự nghĩ mình có một mối tình đẹp, rất đẹp trong cuộc đời, vậy mà tôi không dám thổ lộ với ai. Nó vẫn thầm kín ở cùng tôi, rất lâu. Nó như mồi lửa diệu kỳ, phỏng rát tuổi hai mươi. (Hình phải Orchid Lâm Quỳnh)

Trong trí nhớ tôi, như in, ngày đầu tiên bước vào một lớp học mới. Nhút nhát, hoang mang, thiếu tự tin, đi một mạch xuống cuối phòng, kiếm một chỗ ngồi trong xó góc. Vậy mà trực giác con gái cho tôi biết, có một ánh mắt dõi theo từng bước chân. Ánh mắt mang trong nó nụ cười và niềm bí mật!

Ánh mắt tôi chỉ cảm mà không nhận. nó làm tôi nôn nao mong ngóng ngày đến lớp. Nó như vạt rong biển quấn quít mơn man trên tay trần, cổ và đỏ au lên đôi má. Lạ thật! Tôi không nhìn mà biết có ánh mắt khảm, đính vào mỗi bước chân đi. Nó cũng khiến tôi tự khảm, đính áo mặc, khăn quàng của mình, chút gì giống như kiêu căng, làm dáng... Kể cả phần ghi chú bài vở chỉ cho mình đọc, tôi thấy dường tôi cũng hân hoan nắn nót hơn.
Ánh mắt dõi theo tôi cả tháng, cũng có lần tôi “tình cờ” bắt gặp. Đó là ánh mắt biếc xanh nước biển. Lá nõn sớm mai. Tinh ròng ngọc quý...

Ánh mắt mà mỗi sáng soi mình trong gương, tôi đã ao ước có được. Tôi xin mẹ cho đeo contact lens, để thay màu mắt tôi tối thẩm. Tôi yêu quá màu mắt xanh. Tôi nhớ trong một truyện ngắn của LMK, cô kể chuyện một người con gái, chỉ vì rung động trước màu mắt xanh của một tù nhân, kẻ tử thù của cô ta trước đó, mà cô tha mạng cho người tù binh này. Tôi nghĩ, phải chăng tôi cũng đang yêu màu mắt xanh (hằng dõi theo tôi,) như tác giả LMK, yêu màu mắt xanh của người tù binh mà cô đã từng dẫn độ? Trường hợp nào, thì với tôi, đó vẫn là một truyện tình nhẹ nhàng, chứa chan nhân bản.

Một tháng sau, tôi không còn phải giả bộ “tình cờ” bắt gặp đôi mắt xanh kia nữa.

Z và tôi thành một đôi bạn. Chúng tôi ngồi lại với nhau để cùng giải những bài toán khó. Không cần nói ra, chúng tôi cùng hiểu, sự liên hệ của hai đứa, đã vượt ngoài khuôn khổ những bài toán khó. Và, không công thức toán học nào có thể giảng giải được.

Chúng tôi chọn để được học cùng nhau vào những lớp sau 7 giờ tối, bởi cả ngày tôi tất bật với hàng trăm công việc. Đời sống tôi cứ bị ngắt vụn thành từng miếng nhỏ. Tôi mệt nhoài chắp nối công việc trong ngày, và chắp nối cả cuộc sống mình. Mãi đến tối, khi vào lớp gặp Z, tôi mới trút bỏ hết được mọi thúc ké nhí nhách đời thường. Tôi như thoát thai, hóa thân trong một thế giới khác. Ở đó tôi như đứa bé hất mũ, vứt giầy, chân trần mang nỗi hân hoan chạy quầng đồng cỏ lau mượt. Ở đó Z cho tôi lượng sống mới, lạ lẫm. Tôi mong ngóng, đón chờ phút giây thanh thản bên Z. Thế mà cũng không phải là ít, những lúc trong tôi lại dấy lên ý nghĩ kèn cựa: Anh thay cho tôi lượng máu mới, thì chính tôi cũng mang đến cho anh những kèn trống thanh âm mà anh thiếu vắng...

Z rất tò mò về cuộc sống tôi trước 7 giờ tối. Cuộc sống có ánh đèn, có tiếng vỗ tay, có những chua cay, và có cả những hào quang (không thật).

Z tiếp nhận mọi chuyện từ tôi như miếng sponge hút nước. Mắt anh trong veo, xanh óng, trìu mến. Anh luôn tỏ ra thần phục, thích thú đầy ngưỡng mộ. Lần đầu tiên tôi có được cảm giác hãnh diện của một người bản xứ, đón nhận một “immigrant” từ xứ sở thật xa, vừa đặt chân lên mảnh đất màu mỡ của mình. Tôi tô màu, vẽ hoa, rắc nhiều kim tuyến lấp lánh cho thế giới của mình. Tôi tha hồ vẽ rồng vẽ rắn. Tôi tha hồ vung vẩy hào quang. Tôi như người làm ảo thuật, và những trò rất xoàng xĩnh cũng đủ phỉnh anh. Anh như tờ giấy trắng, trên đó tôi tha hồ tô vẽ: Văn hóa, con người, tập tục của xứ sở tôi. Tôi tô vẽ bằng trái tim tràn đầy hào khí dân tộc. Bằng rất nhiều ấm ức của con dân một đất nước, chỉ là dải đất rách nát vì chiến tranh, không lớn bằng một tiểu bang của xứ sở Hoa Kỳ. Tôi kể cho anh nghe Hội Trùng Dương. Tôi rót vào anh, hình ảnh đền Hùng với văn miếu mấy ngàn năm... Tôi kể anh nghe, Triệu Ẩu cưỡi voi giết giặc. Triều đình Tàu nghệt mặt, há hốc miệng trước những đối đáp của sứ giả nước Nam. Tôi cũng kể về Tiếng Sáo Thiên Thai, Mối Tình Trương Chi; luôn cả Màu Tím Hoa Sim cùng Hai Sắc Hoa Tigon...

Thế giới của tôi lãng mạn, nên thơ lẫn hào hùng, khí phách, không chỉ 200 năm lập quốc, mà đã trên 4 ngàn năm văn hiến.

Có lần Z hỏi: “Thế em có điều gì giấu anh?” Không, anh chỉ được quyền nghe những tiếng cười, nhìn thấy những ánh đèn rực rỡ, có ngọn xanh, ngọn đỏ. Anh chỉ được biết những tràng pháo tay của đời sống quanh tôi. Tuyệt nhiên, tôi không hé mở, quê hương tôi nghèo đói, “người dân của đất nước tôi chưa lớn đã già, trẻ chưa cao đã cọc.” Không, anh không được phép, kể cả không được phép biết, tôi nhận ra tình yêu hai đứa, có cái gì đó, ghềnh thác, chênh vênh.

Z sống đơn giản, có phần lập dị. Z không lái xe, cũng chẳng cần bằng lái. Hỏi đến, Z chỉ có đôi câu trả lời: “Anh không có nhu cầu đó!” hoặc, “Nếu cần, anh đã có một cô thật dễ thương để chở anh, vậy tội gì lái xe!” Z có đúng dăm cái T-shirts, 1 trắng, 1 xanh da trời, 1 xanh lá cây, và 1 đen. Chiếc áo đẹp nhất của anh có lẽ là chiếc áo anh dành riêng để đi làm cuối tuần. Áo đẹp, đơn giản vì đó là đồng phục của club, làm bartender thì phải mặc đồ đẹp. Tôi rất ngạc nhiên, và xót khi biết mỗi cuối tuần anh pha rượu trong club V2O. Nhìn bàn tay trắng xanh, khuôn mặt thơ trẻ, vẻ hồn nhiên trong ánh mắt, anh không thể cùng thở không khí với đám người hàm hỗn. “Em phải biết club đó, có rất nhiều người Châu Á.” “Châu Á thì sao? Đâu có nghĩa là Việt Nam, thì em phải đi club.” Trong một khoảng khắc, tôi mong đám Châu Á (mà phải là người Việt Nam) ở club kia, bóp cổ anh!

Tôi bước vào căn phòng nhỏ, rón rén như một tên ăn trộm sợ có người bắt gặp. Có lẽ, tôi muốn trộm thấy sự giản dị của đời sống Z. Sự giản dị trên 4 bức tường trắng trơn. Sự giản dị trên chiếc tủ sách đã ngả màu. Sự giản dị của màu xanh trên chiếc nệm kê sát góc tường. Tôi như người trên mây, bay bổng với hạnh phúc giản dị của mình. Bỗng mắt tôi chạm phải một vật, kéo tôi về lại với thực tại... Cả buổi tôi bồn chồn vì hình ảnh vừa chạm phải... “Có lẽ Z không biết! Mình sẽ phải nói với Z thôi!”

Rồi Z cũng về. Tôi phóng ra cửa như con hổ vồ mồi: “Z, tại sao anh có lá cờ này?” Z chưa kịp nhận ra sự nóng giận trong tôi. Chàng khoan thai: “Anh vừa có hobby mới, đó là collect cờ của nhiều nước, và đương nhiên phải có nước của cưng chứ!”

Tôi hốt hoảng: “Nhưng cờ này không đúng, cờ kia mà anh. Anh bỏ cờ này đi. Cờ này là cờ CS!” Z bình thản: “nhưng cờ này được thế giới công nhận. Chỉ có em mới bướng bỉnh thế thôi! Chuyện xưa quá rồi. Lại nữa, cả em, và cả anh, có biết thế nào là chiến tranh đâu!” Tôi im lặng, nghe những ngỡ ngàng như bức tường lớn, ầm ầm đổ xuống.

Không hiểu tại sao chúng tôi không có thói quen đi chung với nhau trong trường. Chúng tôi chọn bên nhau vào mỗi sáng Thứ Bảy, tôi lái xe đến nơi ở của Z, sau khi cùng nhau học bài, chúng tôi đi bộ ra biển. Không hiểu tại sao giữa đất trời lồng lộng, giữa bãi cát bao la, và biển hun hút, tôi có được cái cảm giác bình an bên Z. Biển đã xóa tan mọi ghềnh thác giữa chúng tôi. Chỉ có màu xanh óng biếc của mắt, nụ cười thơ dại rạn vỡ trên môi; và chiếc mũi thô kệch biết cười, như Z nghĩ về tôi.

Tôi lái xe về, mở radio thật lớn, âm thanh quen thuộc (mà bấy lâu tôi vô tình lãng quên) chợt vang lên. Những ngày sau đó, tôi sống lâng lâng, thất lạc. Dần dần tôi chợt nhận ra một hố sâu vô hình giữ chúng tôi. Thật ra, Z chẳng khác gì một khán giả mỗi tối chờ xem tôi trình diễn những vở kịch. Có khác chăng, chỉ là sự trung thành của người khán giả mắt xanh. Lòng trung thành, sự ngưỡng mộ phát sanh từ sự nghèo nàn, tính một chiều của những vở kịch. Vở kịch hạ màn. Cuối cùng, tôi đã nhận ra, tôi cần tìm một trái tim cùng nhịp đập. Khi vô tình, tiếng hát cất lên: “Quê hương...” Tôi cần biết có ai cũng sẽ thổn thức như tôi?

Cuộc sống không bao giờ cho ta sự toàn vẹn! Tôi cho rằng mình đã đòi hỏi quá đáng ở Z. Tôi cho đó chỉ là những ám ảnh. Tôi cho những khát khao về sự đồng cảm, xuất phát từ điểm dị biệt của hình ảnh bên ngoài, màu mắt, màu da, màu tóc... Mình thường ao ước những điều không thể có. Chắc gì, một chàng trai Việt Nam đã có được sự đồng cảm như tôi đã đòi hỏi ở Z? Hơn thế nữa, tôi tin ở tình yêu.

Nhưng tôi đã lầm. Một buổi chiều, như thường lệ, tôi đi cùng với Z ra bãi đậu xe. Z bị chặn lại bởi hai cô bạn. Tôi tế nhị nhanh chân đi vội, để Z có thể tự nhiên đứng lại chuyện trò. Z hưởng ứng ngay, hành động của tôi. Chàng đứng lại. họ trò chuyện thật vui vẻ với nhau. Và họ quên bẵng sự hiện diện rất mờ nhạt của thiếu nữ Châu Á đang chờ Z.

Lòng tôi quặn xót. Ý nghĩ chỉ cần một tình yêu, chỉ cần một tha thiết, âu yếm, vụt bay khỏi tôi.

Thoáng chốc, cảm giác nhói buốt vụt tan. Tôi chưa bao giờ thấy mình tỉnh táo hơn. Chưa bao giờ tôi thấy mình mạnh mẽ hơn. Một mình trên xe, tiếng nhạc ngũ cung vang lên. Nước mắt tôi trào ra. Tuy nhiên, dù biết đó là nước mắt chính mình, tôi cũng không hề cảm thấy đau đớn. Cuối cùng tôi nhận ra: Dù tôi đã yêu Z tha thiết, nhưng tình yêu đó phát sinh từ lòng ích kỷ, tính tự ti mặt cảm. Tôi yêu chàng, đơn giản vì chàng đã yêu tất cả những gì rất Việt Namcủa tôi. Những gì mà chính bản thân tôi đã cho đó là sự bất toàn. Chàng yêu mái tóc đen mỏng, yêu thân hình bé nhỏ (để nằm gọn trong vòng tay chàng,) yêu chiếc mũi thô kịch (biết cười)...

Cuối cùng tôi đã nhận ra, dù tôi có yêu Z đến mức nào, tôi không chấp nhận khi chàng nói “những cuộc ẩu đả trong club thường xảy ra từ người Châu Á.” Tôi không chấp nhận khi chàng nói, “chàng vẫn không hiểu khi người Châu Á hay nói chữ losing face? Có gì đâu mà losing face?” Làm sao Z hiểu được những khổ đau mà dân tộc tôi đã phải trải qua. Đời sống anh an lành quá. Đất nước anh thanh bình quá. Dân tộc anh ôn hòa quá. Và tôi, dù có yêu anh đến mức nào, cũng không thể chấp nhận những lời anh phỉ báng dân tộc tôi, màu da tôi. Dù đã trải qua bao thế hệ, dù chiến tranh đã qua, dù chúng ta có sống trên cùng mảnh đất, nói cùng một ngôn ngữ... và, dù tôi có yêu anh đến mức nào đi nữa, thì tôi vẫn là cô gái Việt Nam, với trái tim VN. Còn anh, muôn đời chỉ là “Donna.”

Thỉnh thoảng tôi cũng thấy những cặp trai gái Mỹ Việt, họ cười nói, giỡn cợt, âu yếm bên nhau. Tôi có nhớ đến Z của tôi, tôi có nhớ đến đôi mắt biếc xanh, tôi có nhớ đến mái tóc vàng ánh lên như những lá phong trong nắng, tôi có nhớ đến tiếng cười trong veo... Và cùng lúc, tôi cũng nhớ đến những câu thơ trong bài “Vỡ lòng cho một người con gái Mỹ” của nhà thơ Du Tử Lê:

... không bao giờ đâu Donna, Donna
dù anh có yêu em
hơn bất cứ thứ gì có trên đất Mỹ
thì anh cũng vẫn trở về.
anh vẫn phải trở về quê hương anh,
cái dải đất nóng khô cong hình chữ S.
cái dải đất không lớn bằng tiểu bang California
của xứ sở em.
ôi Donna! Donna!
phải là người Việt Nam
em mới hiểu được nỗi xúc động rưng rưng của anh
khi nghe thấy tên gọi quê hương mình
dạt lùa trong một khoảng không gian đẫm mù
sương muối...

Orchid Lâm Quỳnh
@ nguoivietutah